Trần Hữu Thung là một nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Ông sinh ngày 21/7/1923, người xã Diễn Minh huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ An từ 1967 – 1974, Hội trưởng (3/1974-2/1976); Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh từ 3/1976 đến 1981. Ông mất năm 1999 tại quê nhà.
Ông sáng tác nhiều với nhiều thể loại: tiểu luận, truyện thơ, truyện ký, bút ký, hồi ký, kịch bản phim, nhưng tập trung nhất vẫn là thơ, trong đó ông nổi tiếng với bài thơ “Thăm lúa” – đoạt Huy chương Vàng Giải thưởng thơ tại Liên hoan Thanh niên thế giới năm 1953.
Nhà thơ Trần Hữu Thung đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học cao quý: giải Khuyến khích Giải thưởng Văn nghệ 1951-1952 về thơ cho tác phẩm “Hai Tộ hò khoan”; giải Nhì Giải thưởng Văn nghệ 1954-1955 về thơ cho 2 tập “Đồng tháng Tám” và “Dặn con”; “Ký ức đồng chiêm” đoạt giải Nhất cuộc thi ký do báo Văn nghệ và đài TNVN tổ chức năm 1988. Và ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1, năm 2001.
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất nhà thơ Trần Hữu Thung (1999-2024), Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Hùng Vĩ, một nhà nghiên cứu văn học dân gian, nguyên giảng viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội như một nén hương tưởng nhớ tới nhà thơ của đồng quê Trần Hữu Thung.
Trên một trang mạng xã hội, tôi ngẩn ngơ trước bài lục bát cực ngắn của nhà thơ Trần Hữu Thung:
“Quên nhau thật khó lắm mà
Nhớ nhau cứ vậy như là ngày đêm.
Ngày ơi nắng trải ngang thềm
Đêm ơi chênh chếch nửa rèm vầng trăng.
Em ơi phải thú thực rằng
Quên nhau khó lắm chi bằng nhớ nhau”.
Bài thơ gồm 6 câu thơ lục bát chia thành 3 khổ. Đề tài là tâm trạng nhớ nhung, tương tư của chính tác giả với… “nhau”. Ai là người Nghệ cũng có phản xạ tự nhiên là “nhau” đây là “chắc” trong “quen chắc”, “nhớ chắc”, “yêu chắc”, “ghét chắc”, “quên chắc”, “ly dị chắc”, “đập chắc”… Thường là một đối một. Vậy “quên nhau” ở đây là người yêu quên người yêu. Một bài thơ tình riêng tư.
Tương tư, nỗi nhớ là đề tài vô cùng quen thuộc của thơ ca xưa nay. Ai cũng chạm phải nó và ai cũng đã làm thơ về nó như một định mệnh của thơ. Nhưng viết như thế nào?
Câu đầu tiên dễ dàng như một lời buông ra, ẩn chủ ngữ và không định hướng: nó là lời tự nói với mình theo kiểu hướng nội, nó cũng có thể là lời nhắn gửi tới người một cách thầm thì, nó cũng có thể là lời tự thú đáng yêu, bao hàm một ý tứ trách cứ cái hoàn cảnh đã đưa lại tình thế ly biệt. Nhưng phải thừa nhận là nó đáng yêu một cách thật thà. Nói về nỗi nhớ nhưng bắt đầu bằng “quên”! “Khó quên” thì khác với “không quên”. “Không quên” là lời thề thốt dặn nhau và dặn lòng. Nó chắc nịch, quyết đoán về lòng chung thủy. Và… nhiều khi hóa đãi bôi, ít chất thơ. “Khó quên” là sự băn khoăn vì lúc nào cũng nhớ, cũng phải vượt qua khi đối diện với muôn vàn tình cảnh không như ý. Trong sự dung dị, dân dã đến tận cùng tưởng như dễ dàng lại hàm chứa sự phản ánh hoàn cảnh.
Câu thơ tiếp nối thứ hai là một câu thơ đột xuất, vượt trội về ý tứ:
“Nhớ nhau cứ vậy như là ngày đêm”.
Một câu thơ phi ngữ pháp thông thường, ngữ pháp văn xuôi khi nó so sánh nỗi “nhớ nhau” với “ngày đêm” qua hư từ “như là”. “Ngày đêm” thuộc phạm trù thời gian, “nhớ nhau” thuộc phạm trù tâm trạng. Hai cái trong tư duy thường nhật không đem so sánh với nhau được. Người ta thường so sánh rõ ràng hơn:
“Trời còn có bữa sao quên mọc
Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em”.
(Nguyễn Bính)
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng”.
(Chế Lan Viên)
Những câu thơ trên đã là thật hay về so sánh nỗi nhớ qua qua không gian và thời gian, tuy nhiên vẫn rất logic về ngữ pháp, nó vẫn thực thà. Còn với nhà thơ Trần Hữu Thung, “như là ngày đêm” thì đó là một bứt phá phi ngữ pháp. Đó là ngôn ngữ thơ. Nó kỳ lạ tựa hồ ngọng nghịu. Bình thường ra, để diễn đạt nỗi nhớ thường trực trong thời gian, thâu ngày thâu đêm, thì hai chữ “ngày đêm” phải đặt trong kết cấu ngữ pháp là làm trạng ngữ (theo ngữ học châu Âu). Nhưng ở đây nhà thơ đã bất chấp điều đó. Nhưng người đọc vẫn cảm nhận được những gì nhà thơ muốn truyền đạt. Đó là vì, từ vựng đó hiện ra như một tín hiệu trong một cấu trúc và tự thân nó tạo nên một ấn tượng mang thông điệp nghệ thuật. Phong cách của nghệ thuật ấn tượng đã được nhà thơ sáng tạo dễ như không.
Qua khổ hai câu đầu, đột ngột chuyển nhanh sang khổ 2 với một cặp lục bát:
“Ngày ơi nắng trải ngang thềm
Đêm ơi chênh chếch nửa rèm vầng trăng”.
Đây là một thủ pháp rất cổ điển để phát triển mạch thơ các nhà thơ xưa thường sử dụng, trong mẹo làm thơ gọi là thủ vĩ liên hoàn, thủ vĩ tương liên (chữ cuối của khổ trên sẽ được dùng làm mở đầu cho khổ dưới) tạo ra cái mạch lưu thủy hành vân (nước đẩy nhau chảy, mây nối nhau bay).
Đến đây, hai chữ “ngày đêm” ở trên đã được nối kết với khổ dưới. Nhưng nếu chỉ là sự diễn giải về nỗi nhớ thâu đêm thâu ngày thì đó là việc sử dụng thủ pháp một cách mô phỏng, cứng nhắc của người tập làm thơ. Ta thử tưởng tượng, hoàn toàn có thể viết là “Ngày thì…”, “Đêm thì…” mà câu thơ vẫn trọn ý. Không, tác giả dùng “Ngày ơi…”. “Đêm ơi…”: Một thủ thuật thường được gọi là nhân hóa, không gian – thời gian đều nhúng trong nỗi nhớ, đều được gọi lên với tâm trạng thiết tha, gửi gắm.
“Nắng trải trước thềm” và “nửa rèm vầng trăng” là những ngữ liệu quen thuộc của thơ ca xưa cũng như của dân gian, chỉ có ý nghĩa biểu trưng. Tuy nhiên, tác giả đã lựa chọn để đưa vào đây khi ta thấy, trong cả ngày và đêm đó, tịnh không có bóng người, không có bóng ai. Mà nếu có thì nỗi nhớ cũng loại đi tất cả để chỉ hướng về nhân vật “Em” sẽ hiện ra lần đầu ở khổ thơ cuối.
“Em ơi phải thú thực rằng
Quên nhau khó lắm chi bằng nhớ nhau”.
Sự “thú thực” thật thực thà và chất phác, nó tương ứng với sự mộc mạc của câu thơ mở bài. Đến đây, đối tượng được nhắn gửi mới xuất hiện: “Em ơi”. Nhưng khó viết phải là câu cuối cùng:
“Quên nhau khó lắm chi bằng nhớ nhau”.
Nhà thơ đổ tội cho cái khó của sự “quên” nên “chi bằng nhớ”. Một nụ cười ngầm ẩn trong một câu thơ tưởng dễ mà khó. Đến đây tôi nhớ đến ý của một câu thơ của một nhà thơ Nga Ê-xê-nhin:
“Chết trên đời không có gì mới mẻ
Thì sống trên đời, dĩ nhiên cũng thế, chẳng mới hơn”.
Hai nền thơ cách xa nhau, hai đề tài khác nhau, nhưng liên tưởng thơ ca ở hai sự đối lập “sống – chết”, “quên – nhớ” là hoàn toàn tương đồng. Đó là cái tuyệt diệu của tư duy thơ ở các bậc tiền bối.
Tôi đọc thơ bác Trần Hữu Thung từ những năm đầu 1960 và suốt cả thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Tôi cũng đã yêu thích và viết về bài thơ Thăm lúa trứ danh của bác. Nhưng hôm nay, đọc lại bài lục bát ngắn gọn này, tôi như được khai mở về tầng sâu khác của nhà thơ. Bài thơ đọc qua tưởng chừng như mộc mạc, thô phác nhưng thực ra kỹ càng đến từng chữ, uyển chuyển đến từng ý, không chơi chữ, không màu mè, mà đúng là “Ý kỵ lộ, mạch kỵ trực” như người xưa răn dạy. Đó là nội lực của một bậc thi bá đã đạt đạo.
Và tôi hiểu rằng, tác phẩm của thế hệ trước đây còn dạy mình nhiều trên con đường thấu thị thơ ca.
Nguyễn Hùng Vĩ