Vòng tay “đồng bào”. Ảnh: Hồ Chiến

1. Trong một ngày tháng Tư mà ngọn gió còn phảng phất hơi lạnh, nhưng nắng đã viên mãn trên mọi nẻo đường, cái nắng không gay gắt mà tưởng chừng trong suốt như được làm từ những mảnh thủy tinh lấp lánh… thường giục người ta tìm đến một người bạn thân, một góc ngồi quen thuộc, hát một bài hát xưa cũ, hay giản đơn là lặng im. Lặng im, mà hít thở cái không gian ngỡ như từ ký ức, chập chờn giấc mơ thơ bé. Bạn đang mơ gì? Ồ, hình như mình đang mơ giấc mơ của cây rơm và ngọn khói bình yên, tiếng chim hót trên cành tầm xuân đang trổ những nụ hoa màu hồng phấn. Thế còn bạn? À, mình đang nhớ tiếng ong bay trong rừng cây, tiếng cọn nước róc rách những vòng quay bình thản nơi con suối đầu bản. Mình nhớ núi, nhớ cái khung dệt dưới đôi tay mẹ bỗng nhiên hiện lên họa tiết hình mặt trời, rồi hình cỏ cây, muông thú dưới chân tấm vải…

Tôi nắm tay bạn. Hai chúng tôi, một đứa con của đồng bằng, một đứa xuống từ vùng núi xa, tôi người Kinh, bạn tôi người Thái, trong cuộc vui nào đó, khi tôi hát ví thì bạn tôi hát nhuôn. Điều gì đã khiến chúng mình gần nhau, và không thể thiếu nhau ấy nhỉ? Đã nhiều lần, chúng tôi hỏi nhau như một câu đùa, để rồi chẳng đứa nào trả lời…

Đồng bào các dân tộc cùng vui nhảy sạp. Ảnh: Hồ Chiến

2. Không trả lời, nhưng chúng tôi cùng biết một điều thẳm sâu, chúng tôi cùng chung cội nguồn, xứ sở. Bạn có thể nhớ nương rẫy, tôi có thể nhớ cánh đồng, nhưng là của một dải đất mấy nghìn năm cha ông đổ máu xương giữ lấy. Không chỉ có tôi, có bạn, mà biết bao nhiêu mối thâm tình của những người Khơ Mú, Ơ đu, với người Thổ, người Mường, của người Mông với người Đan Lai… Tôi kể bạn nghe chuyện “Con Rồng, cháu Tiên” với 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ di cư lên núi xuống biển để hình thành, sinh sôi ra các vùng miền, các dòng giống Bách Việt, thì bạn kể tôi nghe chuyện “Quả bầu mẹ” rằng chúng ta vốn cùng được sinh ra từ một trái bầu, con của đôi vợ chồng nọ. Người Xá, người Thái, người Lự, người Lào… và cuối cùng là người Kinh chui ra từ đó. Và vì con cái quá nhiều, không nuôi được hết, nên bố mẹ phân chia họ đi các ngả kiếm ăn. Từ đó, các dân tộc được hình thành trên các vùng lãnh thổ, mỗi nơi một nếp sống, một bản sắc văn hóa riêng nhưng về nguồn gốc, đều chui ra từ một quả bầu, được sinh ra từ một người mẹ.

Tặng quà cho trẻ em vùng cao xứ Nghệ trong một chương trình thiện nguyện. Ảnh Hồ Chiến

3. Dù câu chuyện có tình tiết khác nhau, nhưng đều lý giải chúng ta có chung một dòng máu. Đất nước ta đã trải qua bao cuộc thăng trầm vần xoay của thế sự, nhưng các dân tộc vẫn sát cánh bên nhau, quý trọng và hòa hợp với nhau, dẫu mỗi dân tộc một bản sắc, một tiếng nói. Cái bọc trăm trứng, hay trái bầu, là thực hay hư, lịch sử hay huyền thoại? Câu hỏi ấy không còn quan trọng nữa, bởi đời sống của một con người hay một dân tộc không nương vào chỗ điều gì đã thực sự diễn ra, mà là điều gì được tin tưởng, ấp ủ và khao khát. Và một dân tộc mạnh mẽ là một dân tộc biết đoàn kết, biết nâng niu hai tiếng “đồng bào”, biết cùng nhau tin tưởng, khát vọng.

Tiếng nói, phục trang, các lễ nghi, phong tục làm nên bản sắc đa dạng của các dân tộc, còn tình yêu thương, sự đoàn kết làm nên sức mạnh của tất cả chúng ta.

T.V