LTS: Nhà thơ Thạch Quỳ là một nhà thơ tiêu biểu của xứ Nghệ, là một trong những hội viên sáng lập của Hội VHNT Nghệ An, có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà bằng các sáng tác cũng như công lao xây dựng Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An.

Ông hiện là 1 trong 3 thành viên ban chuyên môn của Ban Thơ. Số tạp chí này, chúng tôi xin dành một chuyên đề giới thiệu về nhà thơ Thạch Quỳ. Ngoài bài viết ký sự chân dung đầy tính… thời sự của nhà thơ Võ Văn Vinh sẽ có các sáng tác mới nhất của nhà thơ Thạch Quỳ. Đây là các bài thơ được ông viết trên giường bệnh những ngày gần đây.

Nhà thơ Thạch Quỳ. Ảnh: Võ Khánh

1. Năm ngày, một mảnh vụn thời gian trước chặng đường hơn 50 năm tình thâm giữa nhà thơ Thạch Quỳ và tôi. Tôi không còn nhớ đã có bao nhiêu tuần được ở bên ông cùng nếm mật nằm gai, lo cuộc sống mưu sinh thường ngày đầy gian nan và bao nhiêu cuộc đàm đạo văn chương đối ẩm trên chiếu rượu thâu đêm với niềm say mê bất tận.

Đầu tháng 9/2022, tôi có 5 ngày về Vinh chăm sóc nhà thơ Thạch Quỳ đang trong thời gian bệnh trọng. Về quê, tôi viết ký sự nhỏ này không ngoài ý nghĩ cung cấp thêm một vài chi tiết đời thường về nhà thơ để bạn đọc và bạn bè văn nghệ hiểu về ông hơn.

Với riêng tôi, nhà thơ Thạch Quỳ vừa là người thầy vừa là người bạn tâm tình đầy ắp những kỷ niệm buồn vui. Ông là một nhà thơ tài danh trong nền văn học hiện đại Việt Nam từ chiến tranh chống Mỹ đến tận bây giờ. Theo tôi thơ ông có vòng xoáy dư chấn không ồn ào và không dễ biểu dương bởi tính tư tưởng, dự báo, triết học thơ… không lẫn với bất kỳ ai.

Tôi chợt nhớ Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam Phạm Thùy Vinh đã bức xúc khi bắt gặp một người nào đó đối xử quá thể với ông: “Thạch Quỳ là báu vật của Nghệ An, xin các người đừng bóc lột ông đến cạn kiệt”. Và câu văn của chị trong bài viết về ông trên facebook: “Chú ơi, chú đeo hàm răng giả vào và cười tươi lên nào”. Câu văn tưởng như thoảng qua ấy mà làm tôi ứa nước mắt.

Khi tôi cầm bút viết bài này tâm trí cứ bị ám ảnh bởi câu thơ của ông: “Anh nhận ra hạnh phúc nghiêm trang trong thất vọng kiếm tìm”.

2. Một chiều giữa tháng 6/2022, nghe tin nhà thơ Thạch Quỳ lâm bệnh, tôi đi xe máy đem theo mấy mấy con gà đen (gà của người Mông huyện Kỳ Sơn) về Vinh thăm ông. Trưa hôm ấy, ông còn uống với tôi một ly rượu và trò chuyện văn chương suốt buổi. Ông nói: “chỉ cái u ở cổ khó ăn uống và gây ho thôi”. Chiều tôi về Đô Lương trong gió mưa bất chợt và cứ nghĩ mông lung: Tuổi già mà đổ bệnh thì khó vực dậy lắm!

Một tuần sau ông gọi điện khoe với tôi: “sức khỏe khá hẳn lên. Mình còn đi dã ngoại được đấy!” Nửa tháng sau tôi đọc tin của bạn bè trên mạng biết ông đã phải nhập viện, không ăn uống được phải phẫu thuật bơm thức ăn, nước uống và thuốc trực tiếp qua ống dẫn vào thẳng dạ dày. Tôi gọi điện liên tục vẫn không liên lạc được.

Trưa 30/8, ông gọi cho tôi,giọng thều thào: “Mình mệt lắm, Vinh nói với gia đình xuống ở với nhau mấy ngày, nghĩa tử là nghĩa tận. Mình đang chờ ông đấy!”

Tôi bàng hoàng: “Dạ, mai em xuống với thầy 5 ngày”.

Đêm hôm ấy, tôi bắt con gà giống cuối cùng và gói vài chục quả trứng, xếp tư trang ngày mai đi thật sớm. Đến 10h trưa ngày 1/9, tôi có mặt ở phòng ông. Thấy ông tiều tụy quá, cơ thể chỉ còn một bộ xương nhưng trí óc, giọng nói vẫn minh mẫn sắc sảo như xưa.

Điều đầu tiên tôi xin gia đình được toàn quyền ở phòng ông trong năm ngày (trừ trường hợp đặc biệt). Về chế độ ăn uống của tôi là: Sáng 2 cái bánh mỳ 5 ngàn đồng. Trưa không ăn. Tối một bát cơm, một miếng đậu phụ và ít dưa chua. Tôi thông cảm với gia đình là ăn chay lâu rồi. Tôi muốn tránh sự ồn ào để có thời gian ở bên ông nhiều hơn. Mặt khác tôi luôn trấn giữ cửa phòng bởi người đến thăm ông khá đông mà có lúc đau quá ông quằn quại bức bối đến mức cởi hết cả áo quần, thân thể chỏng chơ một bộ xương khô sạm thật tội. Tôi lo cho ông được quần áo chỉn chu trước lúc khách gõ cửa xin vào thăm ông và sự điều tiết thời gian tiếp khách rất quan trọng đối với sức khỏe của ông. Có khi sau mỗi lần tiếp khách, ông ho rũ rượi đến mấy giờ liền.

Nhà thơ Vương Cường (em trai ông) có chiều cùng tôi ngồi bên giường trò chuyện cùng ông. Khi ông vui, Vương Cường đưa ra ý tưởng muốn được cùng ông xuất bản tuyển tập thơ của hai anh em khoảng 100 bài.

Tôi góp ý: Nên chọn mỗi người 25 bài thôi và thư thả đã đợi khi ông thật khỏe lại làm.

Ông gật đầu đồng ý và nói: phải thận trọng lắm mới được!

Không khí văn chương chợt sôi nổi hẳn lên: Hàn Mặc Tử có 8 tập thơ chọn ra 10 bài đặc sắc đã khó. Thời nhà Đường có 2300 thi sỹ tuyển thơ chọn hơn 100 tác giả nhiều nhà thơ chỉ có một bài tứ tuyệt như: Lưu Vũ Tích, Hạ Tri Chương, Đỗ Mục… đến sau 14 thế kỷ đọc vẫn không cũ.

Nhà thơ Thạch Quỳ như quên hết bạo bệnh: Thơ kinh khủng lắm! Không đùa được đâu. Nhà văn cũng hiếm lắm, có lần Vương Trọng bảo: Hội viên Hội Nhà văn đích thực chỉ có 10%, mình hạ xuống 5% cũng đã quá lắm rồi.

Cơn ho lại ập đến hành hạ ông. Cái cổ họng như ngạt thở đặc quánh đàm vô tận bắt ông khạc nhổ một cách khổ sở.

Đã hơn tháng nay cứ mỗi ngày con cái bơm thức ăn, nước uống, thuốc men duy trì sự sống cho ông. Nhưng ông luôn tin sức khỏe rồi sẽ bình phục lại đi được xe máy như ngày nào. Có lần tôi ngồi sau xe ông từ Vinh về Đô Lương, tay lái ông lụa và quyết đoán lắm như tính cách của ông. Ông hào hứng: Mình thích đi xe máy hơn ngồi ô tô. Xe máy huyền diệu và tự do như thơ ấy. Rồi ông đột ngột nói về thơ: Này anh nghe người ta viết thế này đây: “Trời đã vào thu chừng mấy bữa/Quỳ Sơn mấy bữa đã sa mù…”.

Ông cười nói sôi nổi mà khó chịu: Có gì mà anh ngân nga thế? Đưa địa danh nào mà chẳng được. Kim Nhan, Sa Pa, Tam Đảo… viết sáo đến thế là cùng. Cứ đi theo cái nhạc du dương cũ mèm ấy để tự ru mình ngủ sao?

Cái giường xếp của tôi nằm ngang cuối giường ông, khi vui chuyện ông quay sang nằm ngang sát tôi để cho nghe rõ lời nhau. Ngày và đêm chúng tôi cứ chập chờn trong thức ngủ, có khi im lặng không nói gì, có lúc lại hào hứng với những chuyện đã xa lắm rồi…

Tôi luôn thường trực bên ông. Ngoài chức năng là một “ôsin đặc biệt” như ông nói tôi còn là người học trò, người ông thích tâm sự. Tôi dìu ông đi vệ sinh, thay quần áo, nhặt những mảnh giấy ông khạc nhổ vứt bừa bãi, lau nhà cửa, giường chiếu, đưa ông ra với cây cối với bầu trời xanh vợi trên cây ngô đồng, cây bàng bên đường phố nhộn nhịp tiếng còi xe…

Thường vào lúc 2h sáng mỗi ngày, cơn ho hành hạ ông đến tàn nhẫn. Tôi vừa chợp mắt đã nghe ông van vỉ: “Anh xoa bóp giúp tôi. Tôi mệt quá rồi”.

Tôi mát-xa cho ông. Tay tôi cứ run lên trên bộ xương gồ ghề khúc khuỷu.

Tôi nói đùa: “Nếu giờ đây có bàn tay phụ nữ chắc mát dịu hơn nhiều?”

Ông chậm rãi: “Mình không có cảm giác đó nữa!”

– Thầy nói trong lúc đau yếu, khi khỏe lên sẽ khác?

– “Không! Đã ở trong nhận thức và tiềm thức rồi.” Ông nói với âm tiết kiên quyết lắm.

Tôi thưa: “Nhận ra thì quá muộn?”

Ông nói: “Muộn thì còn lời khuyên với con cháu!”

– Em còn nhớ những bài thơ: “Em đến”, “Bến sông quê em”, “Hoa dứa dại”, “Bài ca thuốc lá”, “Cô gái áo đỏ”, “Đợi em ngày giáp tết”… Trong bài sao có câu thật rạo rực như “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư: “gió ríu rít em anh”?

Ông thở dài: “Nhắc chi những nông nổi đó nữa.”

Tôi thưa: “Vẫn biết bài thơ “Cuối cùng vẫn một mình em” không phải là bài thơ tình thuần túy như một số người nghĩ?”

Ông đang nằm bỗng bật dậy nhanh như con mèo vồ chuột, ánh mắt sáng long lanh: “Anh biết không, chữ “em” trong bài thơ ấy là chữ khó nhất trong thơ mình.” Rồi ông đọc giọng ấm và ngân vang:

“Cuối cùng vẫn một mình em

Nhưng anh đã qua ba nghìn thế giới

Ngọn lửa thiên đường, vì sao đáy suối

Ảo ảnh miền sa mạc, những cơn mơ

Cuối cùng vẫn một mình em

Nhưng anh đã khô kiệt cùng đá sỏi

Nhưng anh đã kêu kiệt cùng tiếng gọi

Nhưng anh đã mơ cạn kiệt giấc mơ

Cuối cùng vẫn một mình em

Nhưng em ở nơi đâu? Em ở

Trong nước mắt của đêm, trong tiếng thở dài của gió

Anh nhận ra hạnh phúc nghiêm trang trong thất vọng kiếm tìm”.

Đọc xong, trong cơn thở dốc, ông hỏi tôi: “Anh thấy chữ “em” là gì? Được mấy người hiểu thơ?”

Tôi lựa lời: “Còn những “em” có thật ấy thì sao?”

“Nhắc làm gì!” Ông nói vẻ dửng dưng.

Là người thân tôi rất hiểu tính ông vô cùng cực đoan đến phiến diện và có lúc tự mâu thuẫn với bản thân. Trong đời thường ông sống hồn nhiên, bình dị nhưng cực kỳ khó tính và cả thất thường nữa. Tôi học được ở ông nhiều điều nhưng hết sức tránh lặp lại giọng điệu thơ ông. Tôi tránh sức hút của từ trường thơ ông để tìm được giọng điệu của riêng mình.

Có anh bạn chê tôi: “Bác gần Thạch Quỳ nhất mà không thấm”. Tôi không hiểu nhà thơ ấy nói gì? Gần mà thơ không nhái thì đúng hơn chứ thấm nỗi gì. Chính nhà thơ ấy đã có lần được nhà thơ Phạm Tiến Duật nhắc nhở phải ra khỏi đường ray thơ Thạch Quỳ thì mới đi tiếp được.

Chưa bao giờ tôi nhờ ông sửa thơ. Duy nhất bài thơ “Với tiếng chim tà vặt”, viết về ông. Viết xong tôi đọc cho ông nghe qua điện thoại trước khi gửi báo Văn Nghệ. Bài thơ có câu kết:

“Ta thảng thốt tìm về miền thẳm xanh trong trẻo

của chính mình

Đã bị vùi lấp!”

Bài thơ in ra đã được sửa: “Đã bị thời gian vùi lấp!”

Ông bảo thêm hai chữ ấy là hạ thấp cốt cách của tác giả đấy.

Có khi ông gọi điện cho tôi: “Anh là người được tôi “hét” nhiều nhất. Hãy viết thật hóc hiểm, thật độc, thật lạ mà hay đó mới là nhà thơ!

Những lúc ông ngủ mê, tôi xách nước tưới cho bờ cây cảnh dọc hành lang tầng hai. Những cây trong chậu cảnh đói nước đã mấy tháng nay chợt bừng tỉnh. Nào phong lan, mẫu đơn hoa ngâu, hoa nhài xen lẫn cây gừng, ớt, nghệ, mùng tơi… tôi nhớ có lần ông nói: “Mình thích hoa mướp, hoa cà, hoa chanh nhất là cây hoa đót”.

“Rừng hoa chổi lại trắng rừng hoa đót”

“Và màu xuân mưa rọi tím hoa cà”…

Đã đi vào thơ ông ấm áp và lung linh đến thế!

Ông nhờ tôi dọn dẹp, sắp đặt lại đồ đạc trong căn phòng vừa là nơi làm việc cũng là nơi ăn nghỉ của ông đã bừa bộn suốt mấy tháng nay.

Ông bảo: “Mình nằm ở đây cho gần công trình nhà vệ sinh còn linh hồn mình là ở căn phòng ấy.”

Trong căn phòng bừa bộn mà mấy cháu sinh viên tiếp quản mấy tháng nghỉ hè vừa rời đi, tôi đứng lặng hồi lâu. Cái bàn viết bụi phủ dày, chiếc láp tốp im lìm, hai tủ sách có cài ngang hai thanh kiếm cũng im lìm. Mấy chậu cảnh đặt trên bàn viết bên cửa sổ đã héo úa. Tôi nhìn bức tượng ông bên bức tượng vũ nữ Chăm bằng đất nung bạn bè tặng ông từ năm nào. Tôi biết căn phòng là nơi trú ngụ của ông khi còn khỏe. Ông đã nằm im 20 năm, thi thoảng rời phòng đi đâu đó mấy ngày rồi buồn bã về lại chốn vắng lặng của riêng mình.

May thay nhà báo Phạm Thùy Vinh, người rất quý tài năng của ông đã tìm cách “lôi ông ra khỏi chăn” ngồi vào bàn viết và dành cho ông một mảnh đất nhỏ trên trang báo Nghệ An cuối tuần. Mấy năm sau mảnh đất ấy chuyển sang chuyên mục khác, ông lại “chui vào chăn” mở facebook rồi nhìn vào ngày đêm thăm thẳm. Chính sự nằm triền miên và ăn uống đơn giản cùng những cuộc vui bia rượu, nghiện thuốc lá đã làm sức khỏe ông suy sụp.

Tôi nhặt những bông hoa khô héo đã mấy năm rồi từ cái lọ còn trơ cành bay lả tả khắp căn phòng. Tính ông không thích cắm hoa giả, ông bảo cứ để hoa héo cũng có cái thi vị của nó. Bởi thế có khi tôi thấy trên bàn ông một lọ bông lau trắng xóa hay chùm hoa sen khô héo đã bao mùa.

Tôi chìm trong cõi u huyền lòng cứ thảng thốt sao ấy. Điện thoại báo có tin nhắn của ông : “Vinh về dìu mình đến căn phòng nhé”. Tôi đưa ông đến bên cửa sổ căn phòng. Ông đưa bàn tay gầy guộc nắm song cửa sổ, mắt đắm đắm nhìn vào miền gần gũi mà bảng lảng xa xăm…

Tác giả Võ Văn Vinh (bên trái) và nhà thơ Thạch Quỳ.

3.Bây giờ ông yếu quá rồi. Hôm 3/9 con cháu dìu ông lên xe taxi đến chụp ảnh ở một studio đường Quang Trung làm lưu niệm. Lúc về ông ngã quỵ trong thang máy. Cơ thể ông một bộ xương rệu rạo, mọi người hốt hoảng đưa ông về nhà.

Bây giờ ông không còn chống gậy tự đi và cũng không tự bò được, bởi tay chân bủn rủn quá chừng. Ông ngồi bệt trên nền nhà nhích từng tý một ra với mấy cây cảnh hay vào nhà vệ sinh.

Bây giờ ông một phòng một mình một bóng. Mỗi ngày người thân lên bơm thức ăn, nước uống, thuốc men rồi còn bao việc lo toan mưu sinh hàng ngày. Tôi biết ông cần người tâm tình chia sẻ trong cơn bạo bệnh đang từng ngày hành hạ, bào mòn sức lực đến cạn kiệt.

Tôi thủ thỉ với ông: “Khi còn khỏe, thầy tung hoành ngang dọc mà quên tính đến những ngày này. Đã mất hết xe pháo mã, đến sỹ tượng cũng mất khi bị chiếu tướng nhiều phía làm sao chống đỡ?”

Thật buồn đâu đó còn có người lấy quá khứ của thầy để đối xử. Cũng không có gì lạ Hàn Phi Tử viết Thuyết nan sâu sắc đến thế lại chết bởi sự sơ sài. Hàn Tín cầm quân tài tình mấy ai bằng lại chết dưới tay Lữ Hậu…

Thầy Thạch Quỳ chép miệng: “Quy luật sinh-lão-bệnh-tử thật khắc nghiệt, tang thương, tránh làm sao được sự ngu dại…”

Không! Trong tôi nhà thơ Thạch Quỳ vẫn tràn đầy sức lực như thuở nào. Những kỷ niệm về ông cứ ùa dậy hiện lên trong tâm trí tôi đưa tôi về những ngày tháng xa xăm đầy tình thương mến…

Còn nhớ mùa hè năm 1970 lần đầu tiên tôi tìm về làng Đông Bích quê ông để được gặp thầy Thạch Quỳ, thời gian này ông đang là giáo viên toán trường cấp 3 Thanh Chương. Làng nghèo, những bờ tre giăng như thành lũy bên núi Quỳ lặng lẽ. Tôi hồi hộp và lúng túng khi gặp ông: một người cao gầy, đầu đội nón lá, mặc áo may ô, quần cộc tay xách cái nơm và xâu cá đi từ cánh đồng chang nắng về. Trước khi gặp ông, tôi đã đọc thơ ông in đều trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Những bài: “Đất Đô Lương”, “Ban mai”, “Thanh sắc trời ta”, “Gạch vụn thành Vinh”, “Cái đường thẳng nằm trong hình học”, “Qua đền Công ghi chuyện cũ”… mà tôi đã thuộc. Và nhà thơ Chế Lan Viên đã nhắc đến ông trong Tuyển thơ ba năm chống Mỹ (1965-1967).

Tôi nhìn ông sững sờ, khép nép: “Em chào thầy ạ”.

Ông niềm nở cười và đọc: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ anh kia mới bằng ba chữ thầy”.

Ông đưa tôi vào nhà rồi ra vườn hái mấy quả chanh, lấy đường pha mấy bát nước và giục: “Em uống nước đi. Trời nóng quá”.

Ông hỏi thăm gia đình tôi và ánh mắt lộ vẻ ái ngại: “Lo làm ăn em ạ. Làm thơ làm gì cho khổ. Khi nào rỗi việc nhà nông xuống mình chơi cho vui.”

Năm 1973 Thạch Quỳ được giải Ba cuộc thi Thơ của báo Văn Nghệ rồi được nhà thơ Trần Hữu Thung ngày ấy là Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An xin Ty Giáo dục về làm biên tập thơ cho Tạp chí của Hội cùng nhà thơ Quang Huy.

Từ đó mỗi lần từ Vinh về Đô Lương bằng xe đạp ông đều ghé thăm gia đình tôi và rủ tôi về Đông Bích mấy ngày.

Ông khoe: “Mình mới đào xong cái giếng và dùng xe đạp thồ đá từ núi về ghép lòng giếng. Làm một mình từ A đến Z, ông thấy có khỏe không?”

Lần khác ông lại khoe: “Mình mới đào xong cái đìa bắc cái cầu tre và nuôi cá, thả sen rồi đẹp phải biết.”

Ông kể: “Hễ rỗi việc cơ quan là mình về quê ngay, ở làng thật thú vị, được đi bắt cá ở ruộng bàu, đêm rợp dơi, hương lúa, hương cây, gió đồng, sông nước mênh mông vô tận…”

Tôi thầm đọc những câu thơ viết về quê kiểng của ông: “Mảnh sành vỡ khó ghép hình chiếc vại/ Bà thẫn thơ tiếc cả nhút cà”. “Giờ của nồi cơm sôi trào bếp lửa/ Lòng mẹ chia phần gửi những con xa”. “Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ/ Giương mắt tròn ngơ ngác nhận ra tôi”. “Tôi về trong nôi quê/ Gió mềm trên lá cỏ/ những đám mây tuổi nhỏ/bay la đà trên đê”….

Bỗng một chiều nào bên bếp lửa củi tre, ông buồn bã nói với tôi: “Thiên nhiên hồn hậu ở quê đang dần biến mất bởi làn sóng đô thị hóa. Điều buồn hơn là tư duy của người làng nặng về lễ giáo đạo Khổng, ngay cả những trí thức cầm bút. Mình trọng Lão Tử. Muốn viết được phải thoát khỏi lũy tre làng Vinh ạ. Ông cất tiếng đọc trong âm hưởng buồn vui nhòa nhạt: Tôi bỏ làng đi từ độ ấy/ Tâm hồn vừa chạm với mênh mông.”

Nhưng rồi ông vẫn giậm chân tại chỗ dẫu có khi người ta muốn điều ông ra Hà Nội giúp biên tập thơ cho báo Văn nghệ. Chỉ thấy tư duy thơ ông đã khác.

Có những lần ở Vinh lên, ông ở nhà tôi vài tuần rồi lại trở về Vinh. Những ngày ấy tôi được dịp nghe ông đọc thơ, luận về văn chương bàn về đời sống đầy cam go… với niềm say mê bất tận. Trên chiếu rượu chỉ có ít lạc rang và cái điếu cày có lúc hết sạch thuốc lào phải gom bã mà hút lại.

Tôi nhớ một chiều mùa đông năm 1978, ông đi xe đạp từ quê lên, dáng vẻ mệt mỏi lắm. Ông nói: “Nguy lắm Vinh ạ, chỉ có anh mới cứu được tôi không biết anh có giúp không?”

Tôi thưa: “Thầy cứ nói đi!”

Ông lấy một tệp thư đưa cho tôi đọc. Đó là những lá thư của nhà thơ Xuân Quỳnh gửi cho ông (hồi Xuân Quỳnh chưa đến với Lưu Quang Vũ). Tôi nhớ câu Xuân Quỳnh viết trong thư: “Trong thời buổi gian khó này chúng mình bí mật nuôi nhau”.

Ông kể, Xuân Quỳnh thường gửi giúp ông tem gạo và phiếu thực phẩm mà Xuân Quỳnh cũng giàu có gì đâu và ai nỡ lấy mãi.

Chợt ông hào hứng: “Anh biết không, Xuân Quỳnh biên tập thơ ở báo Văn Nghệ sau số báo in bài thơ “Với con” của mình, hôm ra Hà Nội gặp mình Xuân Quỳnh cười nói: “Từ cõi chết anh trở về chói lọi”.

Mình nói: “Người ta sắp chết bà còn chúc tụng gì nữa”.

Bài thơ “Với con”, ngày ấy làm ông khó khăn nhiều bề nhất là chuyện cơm áo của gia đình. Thời kỳ này nhà thơ nấu rượu, nuôi lợn trong căn hộ trên tầng 5 khu tập thể Quang Trung cũng đồng cảnh với văn nghệ sỹ ở Vinh lúc ấy.

Ông hỏi tôi: “Vinh có kế sách gì vượt qua nạn đói không?”

Tôi đưa ra ý tưởng phải đi buôn thôi!

Ông hỏi: “Buôn gì? Vốn lấy đâu ra?”

Đưa lạc nhân và giấy cuốn thuốc lá ra Hà Nội. Vốn thì em và thầy phải nhờ mẹ em giúp thôi.

Thế là ông và tôi đã có hai năm đi xe đạp trong đêm chở hàng ra ga Si và ga Vinh rồi nhảy tàu chợ đi Hà Nội. Hàng từ Hà Nội về là phụ tùng xe đạp gia công toàn càng đĩa, xích, líp nan hoa,… đi qua những nhân viên phòng thuế hồi hộp đến thót tim.

Nhà thơ Thạch Quỳ. Ảnh: Võ Khánh

Nhớ lại những chuyến tàu chợ ngột ngạt người và hàng hóa lợn, gà, rau dưa… cứ chất đầy lên con tàu thở khói đen kịt lầm lụi chạy trong đêm mà kinh sợ. Thầy trò chúng tôi đứng một chân từ Nghệ An ra Hà Nội là còn may mắn chỉ thương có những người phải leo lên nóc toa tàu mà ớn lạnh.

Hàng Hà Nội đem về, ông và tôi lại đạp xe đi bán ở các chợ quê vùng sâu vùng xa các huyện Tân Kỳ, Thanh Chương…

Tôi nhớ có lần ra ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội) bây giờ lúc 3h sáng, chúng tôi đến quán phở ông già ở đường Trần Hưng Đạo ăn bát phở bò ngon đến mức tưởng được lên thiên đường. Sáng ra nhà thơ Thạch Quỳ vội vã đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận nhuận bút. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói ngay: “Nghi bác Thạch Quỳ cũng đi buôn. Thạch Quỳ mà đi buôn thì cả nước cũng đi buôn mất thôi!”

Thạch Quỳ cười: “Cũng có thể!”

Cuộc sống đi qua thời bao cấp đã thông thoáng hơn ở thời Đổi mới. Nhà thơ Thạch Quỳ cũng vậy.

Vào một chiều năm 1993, ông đi xe máy đến, quần bò áo phông trông hoành tráng lắm. Vừa bước vào nhà tôi, ông hào hứng nói ngay: Ngày trước anh cứu tôi qua cơn hoạn nạn nay tôi đến đền ơn đáp nghĩa anh đây.

Tôi nói vui: “Chắc thầy vừa trúng “quả” đậm phải không?”

Thầy cười vang: “Quả gì? Mình có đi buôn vặt như xưa đâu. Mà chú mi cũng phải đổi mới đi cho khỏi khổ.”

Tôi hồi hộp: “Dạ, em nghe đây.”

Thầy dõng dạc: “Anh bỏ ngay mấy sào ruộng khoán và chăn nuôi tiểu nông ngay. Tôi từng biết anh nghèo đến mức mỗi khi ra khỏi nhà anh không quên khóa cái sập đựng khoai lang vì sợ đàn con luộc quá quy định phải không?

Bỏ hết, đi làm ăn lớn. Mình và Đặng Văn Ký có vườn đồi ở Quỳnh Vinh mênh mông. Ra đó anh thỏa sức cày bừa, chăn nuôi sau 5 năm anh sẽ có bạc tỷ. Anh thạo nông nghiệp có tôi làm quân sư lo gì không giàu. Nói anh yên tâm, tiền đầu tư của tôi là vô tận.”

Tôi theo ông ra Quỳnh Lưu cùng nhà văn Đặng Văn Ký và gia đình em vợ của anh Ký. Chúng tôi cày cấy, đóng gạch xây nhà. Nhưng được mấy tháng tôi và gia đình anh nông dân kia đã nản với hai vị quân sư thơ văn lừng lẫy mà việc nông gia thì mù mờ. Anh Ký suốt ngày cặm cụi viết tiểu thuyết “Nhà có thuốc thần”. Thạch Quỳ thì mộng mơ với “Đêm vườn rừng”, để lợn, gà đi mất hết.

Mô hình nhà văn làm kinh tế trang trại bị phá sản. Chỉ có cái được là nhà văn, nhà thơ có tác phẩm ưng ý. Còn chúng tôi kịp hồi hương để không mất mấy sào ruộng khoán.

Nhà thơ Thạch Quỳ rất tâm đắc bài “Đêm vườn rừng”:

“…Ta một mình

Loạng choạng giữa khu vườn

Loạng choạng bước giữa thiên đường, âm phủ

Gờn gợn trời cao vừng trăng cám dỗ

Rờn rợn đêm sâu ma lạc đưa đường

Đi hết vườn thì tóc ướt sương

Giật mình ngoái lại

Len lỏi giữa thiên thần yêu quái

Lẽo đẽo bóng mình dị dạng sau chân”.

Tôi nói như Thần khúc của thế kỷ 20.

Thạch Quỳ cười, thì sau cuộc làm ăn lớn ấy mình chỉ thu hoạch được mỗi bài thơ “hóc hiểm” là thắng đậm rồi!

Tôi cứ nghĩ chính sự phong trần đã cho thơ ông thêm vị muối khi đọc những câu thơ:

“…Tôi cùng Nhân dân/ Đội nón lên đầu/ Để lòng mở như cây xanh ngóng nước/ Muốn là đất cho mùa màng đặt bước/ Muốn là cây cho trái chín chim về”. “Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã/ Tôi đói no với cơm áo đời thường…”.

4. Năm năm trước, ông giục tôi: Anh làm đơn vào Hội Nhà văn đi, và ông cùng nhà thơ Dương Huy giới thiệu tôi. Thấy tôi cứ bị trì trật mãi ở Hội đồng Thơ, ông bảo: “Người ta cả đời mới được một lần làm ủy viên hội đồng xét chọn. Anh nông dân nghèo thì làm sao được”.

Có khi ông bức xúc: “Tôi sẽ ra Hà Nội gặp Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa nói với họ rằng: Viết được thế người ấy xứng đáng vào Hội!”

Tôi nói, thôi thầy ạ, em viết cho bớt buồn thôi. Tầm cỡ như thầy mà đến tận bây giờ cái Giải thưởng Nhà nước người ta vẫn còn xét?

Ông thoáng buồn: “Sự đời là thế!”

Sáng ngày 6/9 tôi vào chào ông để về sớm tránh mưa nắng thất thường giữa mùa thu. Ông ngồi dậy và nói: “Ngồi với nhau lát nữa”. Ông lấy 2 triệu từ cái phong bì bạn bè đến thăm bảo tôi cầm lấy đổ xăng.

Tôi nắm bàn tay quá gầy guộc xanh xao, lòng dạ ngậm ngùi: “thầy đừng làm thế, muốn sắp xếp ở với thầy vài tháng cũng không được nữa vì sao thầy biết rồi. Thầy cố dưỡng bệnh, khỏe ra thầy trò lại gặp nhau thôi!

5. Về quê, tôi cảm thấy mỏi mệt, có nhiễm Covid từ ông không, tôi cũng không còn quan tâm nữa.

Đêm 13/9 tôi nhận được tin nhắn của ông: “vừa đem đến cho mình cái xe lăn đẹp lắm Vinh ạ”.

Tôi gọi điện chúc mừng và hỏi thăm sức khỏe của ông: “Thầy có ra với mấy cây cảnh không? Có gượng lên toa lét được không? Có người trực chăm sóc không?”. Ở bên kia sóng nghe giọng thầy yếu ớt: “Có khá hơn, nhưng đêm ngày hầu hết chỉ một mình”.

Tôi thưa: Khi nào ăn uống được bằng miệng thì mới yên tâm được!

Ông nói: Mình tin rồi sẽ khỏe lại thôi, rồi lại đi được xe máy về quê ăn rằm tháng Giêng và đến thăm Vinh được ăn gà đen, rang lạc bằng bếp củi lại uống rượu cùng nhau…

Mà mình đổi mới tư duy rồi đấy. Giờ đi đâu cũng chỉ một mình thôi. Nhất là đến với Vinh!

                                                                                                                Võ Văn Vinh

CHÙM THƠ NHÀ THƠ tHẠCH QUỲ VIẾT TRÊN GIƯỜNG BỆNH

Không đề

Chẳng ai ở lại lâu dài

Rằng tình nên trọng mà tài nên thương (*)

Chung nhau bởi một quãng đường

Gai tre lá mít vô thường gặp nhau…

Hoa

Hoa nở bên thềm tay không vói được

Hóng gió đổi chiều để ngóng mùi hoa

Mùi hoa bay theo gió mùa đông bắc

Giường bệnh ta nằm, cửa sổ hướng tây nam.

Nghe mưa

Nằm nghe khế rụng đầu hồi

Mưa rơi trên đất, bốn trời sấm vang

Nằm nghe ngọn gió hồng hoang

Thổi từ thớ thịt thổi sang tế bào

Nằm nghe nước trút ào ào

Đồng hương lũ quét, đồng bào nhà trôi

Ngực tức thở, họng nghẹt rồi

Ho khan mấy tiếng, dậy ngồi nghe mưa.

Nhớ thức ăn

Đêm ngày nằm nhớ thức ăn

Nhớ mùi gia vị di căn vào mình

Nhớ gừng nghệ, nhớ tỏi hành

Chuối tiêu nhớ ngọt, cam sành nhớ chua

Nhớ từ thịt cá, rau dưa

Khoai lang trắng bột, cùi dừa trắng tinh

Bánh đa, bánh mướt quê mình

Cháo lươn bốc khói, cháo hành lên hương

Nhớ từ mật, nhớ từ đường

Nhớ cà, nhớ nhút, bữa thường ngày thơ

Nghệ gừng nhớ vị cá rô

Hành tăm thơm phức nhớ tô thịt gà…

Chao ôi! Nhớ muốn khóc òa

Không ăn uống được biết là làm sao?

Qua ống nhựa, cháo bơm vào

Cái ngon, cái ngọt, ta nào biết đâu…


(*) Nguyễn Du

(Bài đã đăng trên Sông Lam bản in số 28, phát hành tháng 10/2022)