Sông Lam

Năm 2013, vừa Đại hội nhiệm kỳ 2013-2018 xong, Hội LH VHNT Nghệ An đã phải làm nhiệm vụ của đơn vị đăng cai tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ XVIII. Đây là trách nhiệm của Hội trước UBND tỉnh Nghệ An và trước giới mỹ thuật 6 tỉnh Bắc miền Trung.

Đó là lần thứ ba, Nghệ An đăng cai triển lãm này; và cũng là lần khó khăn nhất, vì thời gian gấp gáp, và vì nhà trưng bày triển lãm của tỉnh do Trung tâm văn hóa tỉnh quản lý đang sửa chữa. Rất khó để có thể tìm một nơi có mặt bằng và độ an toàn cao để trưng bày gần 200 tác phẩm mỹ thuật của khu vực đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn (có những bức, sau này được tác giả bán với giá hàng trăm triệu đồng). Khó khăn này, cuối cùng đã được giải quyết, nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh và Sở Tài chính Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Đức – Phó giám đốc Sở Tài chính, đã trực tiếp cùng lãnh đạo Hội đi khảo sát, và đồng ý phương án thuê mặt bằng của Nhà thiếu nhi Việt-Đức với toàn bộ không gian 2 tầng. Ban tổ chức triển lãm phải làm toàn bộ pa-nô mới trên 300m2 mà không được khoan một mũi nào vào tường nhà. Các pa-nô đủ vuông để treo, có những bức sơn mài rộng gần 6m2 phải 4 người lực lượng mới khiêng nổi. Mọi công việc chỉ hoàn tất trước giờ khai mạc đúng một buổi.

Năm năm đã trôi qua, nhưng triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ XVIII tại Nghệ An vẫn còn để lại ấn tượng sâu sắc trong giới mỹ thuật 6 tỉnh trong khu vực, và trong cán bộ, nhân viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đó là một không gian thoáng rộng, trưng bày gần 200 bức tranh rất hoành tráng, được trình bày đẹp, sang trọng ở vị trí trung tâm đại lộ Quang Trung. Đó là một lễ khai mạc được chuẩn bị tốt, trang hoàng đẹp, được tổ chức trọng thể. Đó là một cuộc tọa đàm thẳng thắn; và đặc biệt là sự đón tiếp chu đáo, mà nhiều họa sĩ trong khu vực đến nay vẫn còn nhắc.

Nhiều người nói: “Đây là lần đầu tiên, và có lẽ là lần duy nhất trong đời, tôi được ở khách sạn năm sao. Cảm ơn Hội Nghệ An!”. Thực ra, đó là sự ưu ái của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An dành cho các họa sĩ Bắc miền Trung, năm ấy. (Nói chung, các triển lãm mỹ thuật, liên hoan ảnh nghệ thuật của khu vực, các tỉnh chỉ tiếp đón các trưởng đoàn, và mời cơm thân mật đại biểu sau buổi khai mạc). Tại triển lãm này, “Công dân mới ở Trường Sa” (sơn dầu) của Hồ Thiết Trinh, đạt giải C. Tác phẩm này, sau đó đã giành nhiều giải thưởng khác.

Từ 2013-2018, Nghệ An có tổng số 158 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung; trong đó có 2 giải B (của Nguyễn Đình Truyền và Hồ Thiết Trinh), 2 giải C, nhiều giải khuyến khích và tặng thưởng, nhiều tác giả có tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiệm thu đầu tư. Năm 2017, vì nhiều lý do, tỉnh Quảng Bình không nhận đăng cai triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung (khu vực IV) lần thứ XXII. Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được ghép vào khu vực Đồng bằng sông Hồng (mở rộng); và ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế được ghép vào khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên.

Tại triển lãm lần đó, Nghệ An được 01 giải khuyến khích của Hồ Thiết Trinh Tráng ca mười hai cô gái Truông Bồn -đó cũng là thành tích cao nhất trong 3 tỉnh. Triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ XXIII vừa diễn ra tại Hà Tĩnh, mà các họa sĩ hân hoan gọi là “sự trở về đầy sôi động của nghệ thuật tạo hình Bắc miền Trung”, có những yếu tố bất ngờ, có sự kết nối cảm xúc- hiện thực – siêu thực; vừa bí ẩn, vừa thăng hoa, dự báo về những nhân tố mới, về cảm hứng tự do mới trong sáng tạo.

Phòng tranh Nghệ An được Ban Tổ chức đánh giá là “có nhiều bứt phá so với trước đây” (báo cáo của họa sĩ Trần Khánh Chương – chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam được đọc tại Lễ khai mạc ngày 14/8/2018); trong 07 giải thưởng (có 02 giải B, 01 giải C và 04 giải khuyến khích) từ 130 tác phẩm của 123 tác giả được trưng bày Nghệ An có 01 giải B của Hồ Thiết Trinh với khắc gỗ “Ước mơ người lính đảo” (xin xem bìa 2). Phòng tranh Nghệ An ở triển lãm này được giới chuyên môn đánh giá cao.

Các tác giả Nghệ An đã bớt mô tả chân thật vẻ bên ngoài của hiện thực, mà dần đi vào chiều sâu nội tâm, biểu đạt những ấn tượng, cảm xúc về hiện thực cuộc sống, về triết lý của cuộc sống; đã bắt kịp dòng chảy nghệ thuật tạo hình đương đại, bút pháp tươi sáng và linh hoạt, vừa thể hiện bản sắc dân tộc, bản sắc địa phương, vừa mang tính hiện đại, năng lực sáng tạo cá nhân. Hiện thực đã thực sự đi vào óc quan sát và cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ, đó chính là những vấn đề của cuộc sống, được tái tạo lại vào tác phẩm một cách tinh tế.

Không bê nguyên xi hiện thực, mà là hồn vía của hiện thực, vì vậy nó mang sự thanh thoát, bay bổng của trí tưởng tượng, và nó làm nên tư tưởng của tác phẩm. Những tranh trừu tượng của Nghệ An, lần này nhiều hơn và thành công hơn. Trừu tượng là một hình thức, là phương tiện để biểu đạt hiện thực, chứ không phải là mục đích của nghệ thuật. Phải biểu đạt được hiện thực cuộc sống thì mới thành công. Vẽ, mà cả những người trong giới chuyên môn, cả những nhà triết học, nhà văn,… cũng chẳng hiểu, chẳng nhìn ra, đọc ra, suy ra cái chút hiện thực nào, thì chỉ là thứ “hũ nút” ba lăng nhăng mà thôi!

Tất nhiên, để hiểu, cảm nhận hiện thực, ý nghĩa và bản chất đích thực của hiện thực, thì không thể nhìn đơn giản trực quan, không thể tả thực đơn sơ dễ dãi. Nó đòi hỏi tri thức, năng lực cảm xúc, khả năng biểu đạt nó. Đời sống tinh thần, bí ẩn của đời người, của cuộc sống,… không bao giờ là đơn giản. Những niềm vui, nỗi đau, những mơ ước, khát vọng thầm kín,… luôn cần được sẻ chia, được biểu đạt, nhưng không phải bằng cách thô sơ, vụng về, đơn giản.

Công chúng trải nghiệm cuộc sống không chỉ bằng cuộc đời mỗi người họ, mà còn qua tác phẩm, qua sự đánh giá hay gợi ý của tác giả trong tác phẩm. Một tác phẩm tốt sẽ đánh thức những tình cảm, xúc cảm tốt đẹp, hướng thiện, đánh thức ý thức về nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ làm người, làm nên ý nghĩa cuộc sống. Phòng tranh Nghệ An tại Triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung lần này đã được ghi nhận, vì vậy. Ngay tác giả đạt nhiều giải cao trong giai đoạn này là Hồ Thiết Trinh, thì từ tả thực trong Công dân mới ở Trường Sa (giải C triển lãm lần thứ XVIII) đến Ước mơ của người lính đảo lần này (giải B, không có giải A) anh đã tiến một bước dài, không chỉ là thứ hạng, mà ở chỗ, anh đã diễn đạt cảm xúc, biểu đạt cái đẹp, cái khát vọng của người lính biển một cách bay bổng, lung linh. Những khối hình, đường nét thật sinh động, mềm mại; có năng lượng của tư duy.

Thành công ở mảng điêu khắc, còn có Ký ức ngày xuân của Trần Minh Châu; Thầm lặng (khắc gỗ) của Nguyễn Đình Truyền; Tóc (gỗ) của Ngô Phi Công; Người lính trên công trường (khắc gỗ) của Uông Thị Mai Hương; Bà tôi ( gỗ) của Hồ Xuân Tùng,…Các tác giả đã có bề dày tác phẩm, nhiều người vẫn tiếp tục vững vàng phong cách đã định hình của mình, và có sự đằm sâu hơn về ý tưởng, màu sắc: Nguyễn Thị Lợi với Hạnh phúc (lụa); Nguyễn Trọng Hiệp với Núi Hồng (acrylic); Nguyễn Bá Siếu với Tuần tra (acrylic); Hoàng Hải Thọ với Ký ức đồng chiêm (acrylich),… Các tác giả trẻ của Nghệ An đã có bước tiến dài, ở sự xuất hiện ở không gian rộng, đa dạng, đa hướng, đó là Nguyễn Thị Lê Hồng với Bên suối (sơn mài), Lê Thị Thu Hà với Sắc màu vùng cao (khắc gỗ màu); Lê Thị Oanh với Mùa thi (in khắc đồng), Phạm Quốc Huy với Phố chiều (sơn dầu); Hồ Xuân Tùng với Bà tôi (gỗ);…

Có thể nói, bước tiến dài của Mỹ thuật Nghệ An từ triển lãm khu vực Bắc miền Trung lần thứ XVIII đến triển lãm lần thứ XXIII là sự khẳng định chắc chắn sự tiếp nối, kế thừa các họa sĩ, nhà điêu khắc tiền bối như Trần Khánh, Đào Phương, Ngô Hùng Lương,… là sự trưởng thành của đội ngũ họa sĩ Nghệ An hôm nay. Đặc biệt là đội ngũ tác giả trẻ được đào tạo khá bài bản, có niềm đam mê, khát vọng sáng tạo, đầy triển vọng.

Nguồn: Tạp chí Sông Lam, số 148