Vùng thung lũng đất đai màu mỡ, bản làng trù phú, nằm bên bờ sông Nặm Huống – ấy là mường Khủn Tinh (trung tâm huyện Quỳ Hợp ngày nay) yêu dấu của tôi. Nặm Huống là dòng sông bắt nguồn từ núi Pu Huống, chảy qua Khủn Tinh, đổ xuống sông Con, rồi chảy vào sông Lam. Mường Khủn Tinh là quê hương lâu đời của người Thái. Địa danh này gắn với bao truyện cổ, truyền thuyết, sử thi, ca dao, dân ca của người Thái nơi đây.

Ngày xưa, Chủ mường Khủn Tướng một lần xuống sông tắm mát, đã lạc xuống mường Nước của nàng Ẹt Khay, quên cả đường về. Ông gắn bó với nàng, sinh được người con là chàng Khủn Tinh. Ông là người mường Đất, không thể sống lâu ở mường Nước được, nên phải đem con trở về. Sau này ông qua đời, chàng Khủn Tinh nối nghiệp cha mẹ, cai quản cả mường Đất và mường Nước rộng lớn. Mường ấy, chính là đất Khủn Tinh ngày nay. Có thể hiểu mường Đất là vùng đồi núi cao, mường Nước là vùng thung lũng làm lúa nước được. Câu chuyện cổ phản ánh quá trình chinh phục vùng thấp của người Thái. Mường Đất của Khủn Tướng, mường Nước của Ẹt Khay, và sau này là mường Đất – Nước của Khủn Tinh là hình ảnh xa xưa của sự liên minh các bộ lạc Thái với Thái, hoặc Thái với bộ lạc khác tộc thứ hai.
Vùng đất thoát thai từ huyền thoại ấy, hẳn nhiên là vùng đất cổ. Các bản Chiêng, Chiêng Đôn, Chiêng Yến là bản Thái lâu đời. Những địa danh có từ “Chiêng” còn khẳng định vị thế trung tâm của xứ Thái, người Thái, xã hội Thái trong quan hệ “vùng” đó. Bản sử thi “Lai mổng mương” (Trông mường) của người Thái miền Tây Nghệ An có câu: “Mổng hầu cằm chỏng cọ nóng Hảnh, Chiêng Đôn” (Trông vào tận góc đầm Hảnh, Chiêng Đôn), chứng tỏ bản Chiêng Đôn đã nổi tiếng từ xa xưa.

Mường Khủn Tinh xưa – thị trấn Quỳ Hợp ngày nay. Ảnh: Nguyễn Đạo

Xung quanh bản Chiêng Đôn là những địa danh mà truyền thuyết của nó gắn với thời kỳ Khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV. Bản Le với cô gái có công giúp nghĩa quân tiêu diệt giặc, tục gọi là Nhả Póm, nay người Thái còn thờ. Núi Pu Chẻ (núi “đồn lũy”) là nơi quân Minh xây đồn lũy. Ao “Nóng Chết Chai”, có nghĩa là ao “Bảy Chàng Trai”, lưu truyền câu chuyện 7 chàng trai luyện tập, mai phục ở đây để tiêu diệt giặc. Cánh đồng “Tổng Nải” có nghĩa là “Đồng Chừa/Đồng Ngán” để ghi dấu trận đánh làm quân giặc phải khiếp đảm. Bản “Ảng” có nghĩa là bản “Ang Nước” dân bản dùng để ngâm gạo nếp hông xôi nuôi nghĩa quân. Núi “Pu Màng Khùng” có nghĩa là núi “Mang Súng/Khoác Súng” để nói nghĩa quân mang vũ khí đánh giặc. Các bản “Mổng” (Trông), “Nhanh” (Ngắm), “Diềm” (Ngó), “Le” (Liếc), để nói dân bản xung quanh hướng về núi Pu Chẻ xem quân ta giết giặc. Bản “Chiêng Yến” có nghĩa là bản “Bình Yên” sau khói lửa binh đao, bản này cũng xuất hiện sau khi bản mường nơi đây sạch bóng quân thù. Xa hơn một chút là bản “Phá Cặp”, tức là bản “Vách Đá Chật”, do chuyện xưa kể rằng voi của nghĩa quân Lam Sơn đi qua đây bị kẹt vì đường hẹp quá, v.v…

Bấy nhiêu truyện cổ, truyền thuyết, địa danh đủ để điểm tô cho vùng đất Khủn Tinh trở thành một vùng đất lâu đời, anh dũng, hấp dẫn – là nơi lòng ta gắn bó yêu thương.

La Quán Miên