Ngày xưa ơi là xưa ấy, mẹ có một chiếc áo ấm màu xanh coban thiệt đẹp; bên ngoài là lớp vải dạ, còn lót bên trong là một lớp lông cừu như tuyết trắng tinh. Nơi cổ áo sát ngay cằm có một hột nút bấm tròn khắc nổi hình hoa thị to bằng đầu ngón tay và một hàng khuy gỗ láng bóng màu vàng cài khoen dây trắng. Tuổi thơ của hai anh em xanh biêng biếc theo màu áo thanh thao của mẹ.

Huế, những ngày mùa đông tận thềm Giêng Hai, mưa phùn hiu hắt xám trời xám đất, lạnh đến độ mệ ngoại phải ví von “tháng Mười một con gái tốt cũng hư”. Lạnh dữ lắm mẹ mới đem chiếc áo xanh ni ra mặc, nhưng chỉ mặc một lúc thôi rồi lại treo lên để làm việc, tới khi có chút rỗi rãi mới mặc tiếp. Thành ra, nghe mẹ kể áo đã lâu, từ hồi mẹ còn con gái mà vẫn còn mới cóng. Vì chiếc áo ni của mẹ mà hai anh em đã tranh giành nhau dữ lắm. Con em thì đội cái mũ áo lên, tưởng tượng mình là công chúa như trong truyện Nàng công chúa ngủ trong rừng mà nó đọc được từ tập truyện cổ tích giấy cũ ố vàng do thằng anh cạy cục xin mẹ tờ hai trăm đồng nhàu nhĩ để thuê ở quán truyện mụ Bích trước trường Thanh Long. Còn thằng anh thì khoái chí làm thần làm thánh như trong truyện Đông Du bát tiên khi bấm nút bấm cái tách, tức thì đã có cái áo khoác nhiệm màu. Hồi đó, nhà còn bộ phản cao, hai anh em xếp mền xếp gối để tưởng tượng ra những cảnh rừng bí mật, những bãi sông rộng rãi rồi khoác áo của mẹ lên mà có cảm giác bay bổng mây ngàn như thật.

Cái áo đẹp và ấm đã đành rồi, nhưng thích hơn nữa, là bởi hai anh em đều muốn mặc áo để hít lấy hơi hướm của mẹ vẫn đọng trên áo. Thiệt là không biết làm răng để nói cho rõ cái mùi của mẹ từ trong thẳm sâu trí nhớ. Cái mùi thơm ấm đó cứ thấm dần và tuồn vào trong từng mạch máu khi đưa lên mũi hít thật sâu mỗi chiều mỏi mòn đợi mẹ đi làm thuê bên nhà mụ Đường sát nhà ngoại về. Cái mùi của chở che và ôm ấp tựa như lời ru quen thuộc để nương náu mình qua những mai sau. Có lẽ vì đó, khi đọc hồi ký Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, tới đoạn cậu bé Hồng sà vào lòng mẹ để hít lấy cái mùi thơm từ da thịt của người mẹ xa cách, thằng bé ngày xưa đã say sưa để mặc nước mắt chảy xuống cổ dù xung quanh bọn bạn học cứ trêu chọc mãi.

Hồi nhỏ cứ để ý, hễ gần Tết là mẹ đem áo ra mặc và qua Tết vài ngày mẹ lại giặt riêng ra rồi phơi nắng trên đầu chái hiên cho tới khi nghe mùi nắng thơm giòn giã cả mũi, mới bọc kỹ rồi treo trong cái tủ lim cao ngất mua lại của bác May khi vợ chồng bác bán nhà trên xóm Lò Vôi để vô thành Nội ở. Bởi rứa, dù còn bé bỏng không biết tháng biết ngày gì cả, nhưng cứ thấy mẹ đem áo này ra mặc, là biết chỉ năm bảy ngày chi nữa thôi, Tết sẽ đến và sẽ được đi chơi, được dẫn qua ngoại xếp hàng với mấy cậu nhỏ nhỏ ngang lứa đợi ôn Tùng lì xì.

Minh họa của Thiết Trinh

Thuở đó, mẹ có một đồ màu vàng chanh thêu hoa điên điển, chỉ mặc lúc qua ngoại khi có giỗ chạp tết nhất, rồi khoác cái áo xanh coban ở ngoài cho đỡ lạnh và cũng để che bớt nỗi túng quẫn thường ngày. Có lần, lén mẹ lấy áo ra chơi, hai anh em mò mẫm trong cái túi áo ấm hơi mẹ ấy thấy có chiếc nhẫn vàng đã được gói ghém kĩ lưỡng trong một chiếc khăn tay và bọc ngoài bằng mấy lớp nilon. Chiếc nhẫn này cũng chỉ được mẹ diện mỗi năm một lần vào ngày Tết khi dắt hai con về nhà ngoại; khi con bé em phải nằm nhà thương, mẹ mới bán đi. Cho tới khi tạm đủ lớn mới hiểu rằng mẹ đeo nhẫn chẳng qua cũng chỉ để giữ lấy chút thể diện cho chồng, để giấu bớt đi gia cảnh hẩm hiu bên nhà chồng. Không bao giờ quên được, mẹ còn có một thỏi son đỏ tươi, một chiếc gương tay, một chiếc lược gỗ, một chiếc nhẫn mã não vân đỏ đã được xếp gọn gàng trong một cái hộp thiếc bánh bích quy màu ngà. Cũng chỉ ngày tết, qua ngoại, mẹ mới thoa chút son môi và tiện tay thoa lên má cho có chút hồng hào mì xưa đầu năm. Hai anh em ngây thơ đồng ý với nhau gọi cái hộp đó là hộp nữ trang của mẹ. Thuở nhỏ, mỗi khi thấy mẹ đem cái hộp nữ trang ra, hai anh em đều giành nhau đứa tô son, đứa thoa má cho mẹ. Mẹ cười như nắng mới đầu xuân cắn nhè nhẹ lên ngón tay của hai đứa con dại, thiệt là trìu mến.

Làng ngoại ở bên tê sông, nên muốn qua làng ngoại mấy mẹ con phải đi đò. Trước chợ Đồn cách đình làng Đệ Nhị khoảng nửa cây số có một bến đò. Những ngày Tết thơ dại, ngay tinh mơ mùng Hai, ba mẹ con đã dậy để sửa soạn xuống cho kịp chuyến đò đầu tiên. Đi đò ngày Tết, vẫn còn nhớ là, ngoài tiền đò đi về còn có thêm tiền “lại đò”. Hồi nhỏ thắc mắc mãi không biết có phải là tiền người ta lì xì cho mệ lái đò già hay không nữa, nhưng thấy vui vì được mẹ sai đem tiền tới cho mệ phải đưa bằng hai tay, mẹ dạy nói những điều may mắn với mệ lái đò và với mọi người đi chung. Người trên chuyến đò cũng toàn người bên làng ngoại, thấy ba mẹ con, ai cũng vui mừng hỏi thăm râm ran cả buổi, ai cũng khen mẹ hiền con ngoan:

– Giỏi chưa nà, lấy chồng hai mặt con mà vẫn không quên về nhà mạ tề! Chà, mấy đứa ni nhỏ mà miệng mồm hỉ.

Mẹ chỉ cười cười rồi hỏi xóm dưới làng trên chuyện cửa chuyện nhà, chuyện mới chuyện cũ có chi khác không. Đến cả o, o với mẹ không mấy hợp nhau, nhưng o vẫn phải khen mẹ trước mặt hai đứa cháu rằng:

– Mạ bây biết dạy con, đứa mô cũng lễ phép hết cả.

Qua bến đò, ngược lên khoảng chục bước chân là đình làng Thế Lại hoang tịch. Vạt đất giữa sân đã cỏ mọc um tùm, mấy con nghê con hạc rêu phủ im lìm đến thâm u, còn trước tam quan thì cây đa cổ khẳng khiu giơ những cành xương xẩu giữa nền trời trong vắt. Sát bên đình là ngôi trường Phú Hiệp nhỏ bé và cũng cũ kỹ vì bụi mờ không kém sân đình là mấy. Mặc dù ít khi vào sân đình này chơi theo mấy ông cậu ngang lứa nhưng vẫn thấy ngôi đình này thân quen đến lạ, vì mỗi lần ngang qua đình làng này, mẹ đều lặng lẽ đưa mắt nhìn vào như đang nhìn cái chi đó thu hút lắm, và được nghe mẹ kể lại tuổi thơ của mình đã rong chơi theo chúng bạn ở đây. Chuyện dì Rọm Em bị ma tìm con giấu trong bụi tre, chuyện cậu Dũng bị con nghê đá đá lăn quay ra đất, chuyện mẹ đi mua nước mắm cho mệ ngoại gặp ma hời đi theo,… Những câu chuyện kỳ bí đã thuộc lòng, dù sợ sệt mà vẫn cứ thích nghe và bắt mẹ phải kể đi kể lại khi mỗi lần mấy mẹ con đi ngang qua đây. Hai anh em níu lấy áo mẹ đợi ngôi đình xa hẳn mới ríu ra ríu rít nô đùa trở lại. Những lúc lòng trỗi lên cơn nhớ mẹ, cứ lấy tập truyện Quê mạ của Thanh Tịnh ra để đọc, lại có cảm giác như sân đình Mỹ Lý là sân đình Thế Lại, sân trường Mỹ Lý là ngôi trường Phú Hiệp cũ càng rêu mốc thương quen. Và lại thấy màu xanh áo mẹ đi qua một vùng trời trong veo, giữa con đường bụi trắng mịt mù ven theo bờ cỏ còn ngậm sương xuân, tự dưng nghe tim bồi hồi tựa hồ ngưng nhịp đập vì nghẹn ngào. Nói đúng hơn, giữa lòng này là đêm tối mịt mùng, còn bóng mẹ hôm nao là một ngọn lửa lập lòe chiếu rượi từng hơi ấm chắt chiu. Nghe trong hơi thở có cái ngọt ngào lành lạnh của tiết giêng hai quê cũ, mà mình vẫn còn là chú bé bé bỏng ngày xưa, chạy loăng quăng vừa sợ xa chân mẹ, vừa mải mê đuổi bắt một cụm tơ trời đang la đà xuống tóc xuống vai.

Ngày mờ xa đó, tóc mẹ vẫn còn xanh và tóc ngoại còn chưa bạc trắng. Ngoại vẫn còn đủ sức chiều ý hai đứa cháu qua chơi cứ liên tục bắt ngoại bồng ẵm thay phiên nhau. Một suy nghĩ đã thành nếp trong thẳm sâu từ dạo ấy cho đến bây giờ là, “cháu mô cũng thương mệ ngoại nhất và mệ ngoại mô cũng thương cháu nhất”. Bằng chứng là mỗi lần gặp hai anh em, mệ ngoại đều ôm chặt hôn hít và mắng yêu: “Ui chà, càng lớn càng giống cái mả thằng cha hắn chi lạ”. Không biết răng, mỗi lần qua ngoại, nhất là Tết, nghe người lớn khen ngoan ngoãn cũng không thích bằng mỗi khi gặp mấy ôn mệ già, mấy ôn mệ vừa nhai trầu vừa nhìn thằng cháu vòng tay thưa dạ, mà nói y như mệ ngoại nói.

Không nhớ nhiều những tờ bạc mới phau mà ngày Tết ngoại lì xì, nhưng vẫn luôn nhớ mệ ngoại đi bán rau, nhiều khi qua thăm cháu thăm con, dấm dúi riêng mấy chục bạc lẻ:

– Cầm mà mua thêm gạo, thêm đồ ăn cho hai đứa hắn nghe con, mạ về đã.

Cứ mỗi lần nghe “mạ về đã” thì hai anh em đang chơi liền vứt hết, ra níu lấy đòn gánh của ngoại nhất định không cho về. Ngoại cầm tay hai đứa thơm vài cái rồi đi chậm chậm như không nỡ, còn hai anh em bu theo chân ngoại tới khi đứng từ sân đình Đê Nhị nhìn theo thấy cái áo cánh của ngoại chỉ còn là dấu chấm lơ lửng giữa hun hút tầm mắt mới đi vô khẩn khoản đòi mẹ dẫn qua ngoại chơi.

Nhà cũ của ngoại ở ngay mép sông, bao quanh là vòm trời xanh mướt của cây lá. Nào là khóm tre cong vút xuống thành cái cổng um tùm, nào là cây sầu đâu cao ngất ngưởng trổ hoa từng chùm chúm chím như mây, nào là cây mãng cầu non tuổi, rồi cây mít già sau hè mà mỗi lần Tết qua chơi hai anh em đều đứng dưới tán cây nhìn lên rồi hát lại lời ngoại để xin cây sớm ra trái:

Cây xanh xanh lá
Xanh nhánh xanh cồi
Con chim tìm trái
Đợi trên mái nhà
Chim bay về núi
Nhà hột trả đây

Tết bên nhà ngoại bình yên lạ lùng. Ngoại thì hết nấu cái ni nấu cái tê, lại đút cho hai đứa cháu, rồi còn vỗ cho ngủ nữa. Thằng nhỏ thì hay trốn ngủ, đi dọc theo vuông rào chè Tàu nhà ngoại ra thấu bến sông con mà bên tê là bãi chợ Đồn hiu hắt nghèo nàn, nhìn nước sông lấp loáng ánh trời ban trưa. Con đò nhỏ chòng chành trở lái đưa một vài người về lại bên sông làm cho cậu bé, dù ít tuổi thôi, đã nghe được nỗi buồn xa vắng và thơ dại.

Từ ngày mệ ngoại đi vào Nam tìm ôn ngoại ở mãi không về, rồi mệ cố mất, mẹ thôi đánh son môi, thoa má hồng và cũng ít dắt hai anh em qua nhà mỗi Tết. Tự nhiên từ đó, Tết cứ lặng lẽ đi, thiếu vắng lạ lùng khi mẹ thở dài não ruột vì thấy mấy chị em bạn trong xóm áo xống rủ nhau về nhà ngoại.

Không biết vì răng, trong liên tiếp mấy giấc mơ gần đây, chiếc áo ấm ngày xưa của mẹ cứ hiện ra. Những ảnh những hình đó thân quen và chân thật đến độ mũi vẫn nghe thấy được mùi nắng giêng hai mẹ ra phơi áo trước hiên nhà, mùi long não, mùi dầu gió cay nồng và cả cái mùi thương ơi là thương của mẹ nữa. Như cái thuở hai anh em nghe buồn vô biên khi mẹ vô viện sinh thằng út em, đã lấy cái áo ni ra để đắp cả đêm, để ngửi mùi mẹ cho bớt nhớ rồi rấm rứt khóc như mưa đêm trên mái tranh cũ. Rồi khi mở mắt ra, nhìn tuyết trắng ngập đầy trời tháng Giêng mà thờ thẫn nhớ con đường bụi trắng mịt mù, hai anh em bé con, lon ton đứa trước đứa sau, níu chân mẹ theo qua làng ngoại mùa xuân.

Nguyễn Hữu Tấn

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 29, tháng 11+12/2022)