Những tờ lịch của năm cũ 2020 đã gần hết, báo hiệu chuẩn bị đón chào năm mới. Tết âm lịch vẫn còn khá xa, nhưng không khí năm mới ở vùng Mường Xén đã làm cho lòng người chộn rộn. Phố núi êm đềm đã khoác lên mình một màu sắc mới. Các  quán bên đường đã chất đầy hàng tết đủ các loại bánh kẹo, mứt trái cây, hàng tạp hóa. Nhiều cửa hàng đã treo đèn nhấp nháy xanh, đỏ, tím, vàng và những chiếc đèn lồng có tua rua thật đẹp. Người mua sắm chưa đông lắm, nhưng cũng đã có nhiều tốp những chàng trai, cô gái Thái, Mông, Khơ Mú  khăn áo rực rỡ, vai mang gùi, tay cầm ô dạo qua các sạp hàng đầy ắp.
   Đoàn cán bộ huyện Kỳ Sơn đi mừng năm mới ở tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào do Bí thư Huyện ủy Vi Hòe dẫn đầu đã qua cửa khẩu Nậm Cắn. Những người lính biên phòng của bên ta và bên Lào như đã quen biết hầu hết anh em trong đoàn nên việc làm thủ tục qua biên giới cũng nhanh chóng và thuận lợi. Bí thư Vi Hòe đã qua tuổi 50 nhưng vẫn như một thanh niên. Dáng hình cân đối, trẻ trung, tác phong hoạt bát, nhanh nhẹn, thông thạo địa hình và nói tiếng Lào như tiếng Việt. Anh đã từng công tác trong quân đội gần 30 năm, trong đó có 15 năm bám trụ ở miền Tây Nghệ An. Trước khi chuyển ngành sang dân sự, anh là Huyện đội trưởng huyện đội Kỳ Sơn.

Đ/c Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn và lãnh đạo tỉnh bạn Lào trong một cuộc gặp gỡ

Con đường núi bằng phẳng lượn qua những cung đèo mềm mại. Nắng chiều nhàn nhạt, không khí lạnh se se. Đã vào những tháng đầu mùa khô của đất nước Lào, cỏ hai bên đường ngả vàng từng đám nhưng cây rừng vẫn xanh ngắt một màu xanh mê mải. Huyện đầu tiên giáp với Kỳ Sơn là huyện Nọng Hét, quanh Đèo Đá những khóm trúc vàng mọc cả dãy dài bên khe suối, nhiều loại cây có vòm lá sặc sỡ như cây sồi ở rừng Nga nổi lên trên nền xanh của rừng già, biến những cánh rừng thành bức tranh của thiên nhiên kỳ diệu. Mùa Xuân đang nhú nụ trên những cành đào rừng thấp thoáng giữa ngàn cây.
Trên bản đồ Việt Nam, mảnh đất nhô ra ở phía Tây Nghệ An là huyện Kỳ Sơn, cả 3 hướng đều giáp với nước bạn Lào. Phía Tây giáp với tỉnh Xiêng Khoảng, phía Bắc giáp huyện Mường Quắn thuộc tỉnh Hủa Phăn; phía Nam giáp huyện Khamkeuth và huyện Vieng thong thuộc tỉnh Bolikhamxay. Toàn huyện có đường biên giới với nước bạn Lào là 203,4 km. Huyện có 21 xã, thị trấn, có 193 bản với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống  gồm Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh và Hoa. Tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn luôn tiềm ẩn những phức tạp như vấn đề về dân tộc, buôn bán  ma túy, buôn lậu và buôn bán người . Trong năm 2019, công tác đối ngoại của huyện đã có bước phát triển mới trên, duy trì giao ban thường niên mỗi năm 2 lần với các huyện Nọng Hét, Mường Khăm, Mường Mọc tỉnh Xiêng Khoảng và huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Các huyện tổ chức thăm, chúc tết truyền thống giữa 2 nước, tổ chức kết nghĩa các cặp bản biên giới giữa 2 bên, tăng cường hợp tác, hữu nghị, thực hiện tốt quy chế biên giới quốc gia.
Khoảng 6 giờ chiều chúng tôi đến thị xã Phôn Xa Vẳn, thủ phủ của tỉnh Xiêng Khoảng. Phố xá tấp nập, nhà cửa khang trang, giao thông trật tự và môi trường sạch sẽ. Đón đoàn tại khách sạn Xiêng Khoảng là đồng chí Thong Đươn, Bí thư kiêm Cụm trưởng cửa khẩu Nậm Cắn. Ông có dáng vẻ rắn rỏi, tác phong đĩnh đạc nhưng rất hồn hậu và thân thiện. Trong tiệc chiêu đãi tại nhà riêng của vợ chồng ông có cả đồng chí đại tá Xổm Văn Đi, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Xiêng Khoảng, đồng chí thượng tá Phu Vông, Phó Giám đốc Công an tỉnh và đồng chí Phết Xa Mỏn, Phó Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Xiêng Khoảng. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, họ nói chuyện với nhau bằng cả tiếng Lào và tiếng Việt. Cả 2 bên hầu như đã rất hiểu cương vị, hoàn cảnh và tâm tính của nhau. Những câu chuyện được nhắc nhiều là kỷ niệm về nhau trong quá trình quan hệ cho công việc và trao đổi tình cảm như anh em trong một gia đình. Được vài tuần rượu thì có 2 người nữa vồn vã bước vào, đó là đồng chí Xi Vi Lây, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Mường Pẹc và đồng chí Viêng Xây, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Mường Khăm. Vậy là bàn tiệc rộn rã trong cuộc hội ngộ đầy thân thiết, cởi mở và nồng nhiệt. Trong không khí tưng bừng ấy, họ vẫn tranh thủ trao đổi với nhau về tình biên giới và dự báo những diễn biến cho cả 2 bên, những dự kiến cho các cuộc thương thảo, ký kết hợp tác các nội dung cần thiết. Tôi ghé tai hỏi nhỏ một đồng chí trong đoàn của huyện Kỳ Sơn: “Tôi thấy toàn quan chức cấp tỉnh, cấp huyện của 2 nước mà không câu nệ gì về nghi thức ngoại giao anh nhỉ”? Anh bảo: “ Thân thiết như gia đình anh ạ. Có lần chị Pa Ni Da Thò Tu  –  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào đang đi công tác và dự tiệc tiếp khách, biết có chúng tôi đang ở bên này, chị gọi điện trực tiếp cho anh Vi Hòe, vợ chồng anh chị dành tình cảm riêng đến trực tiếp đón cùng ngồi xe của chị, bố trí thời gian ngồi ăn cơm cùng và nói chuyện với nhau. Các đồng chí lãnh đạo của các ngành ở Trung ương và các tỉnh của bạn Lào mỗi lần về Việt Nam có đi qua Kỳ Sơn đều được lãnh đạo huyện đón tiếp chu đáo, những cuộc gặp không cầu kỳ nghi thức đón tiếp đều để lại những ấn tượng sâu sắc cho cả 2 bên”.
Về lại khách sạn, ngồi nói chuyện với bí thư Vi Hòe, anh nói:
– Hoạt động đối ngoại với bạn, chúng tôi đã tiến hành thường xuyên, liên tục. Ngoài việc giao ban định kỳ, chúng tôi chỉ đạo cho các ngành trong huyện trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho bạn về quản lý phần mềm đất đai và kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, kết nghĩa cụm bạn, ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa 2 bên biên giới để tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, tạo sự đoàn kết, gắn bó keo sơn. Lãnh đạo và nhân dân 2 bên tham gia vào các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng như đi chùa cầu an, cầu may té nước, giao lưu ẩm thực, thăm hỏi người thân… Để những hoạt động đó có chất lượng cao, lãnh đạo huyện phải đi sâu bám sát từng cơ sở, kết nối với địa phương bạn ở các huyện giáp ranh cũng như các huyện khác trong tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn. Từ đó nhân dân 2 bên tin cậy lẫn nhau, chủ động phát hiện cho nhau những dấu hiệu khả nghi, kịp thời ngăn chặn tội phạm và gây rối, tránh được những xung đột giữa 2 bên. Xây dựng được sự gắn bó như vậy là cả một quá trình làm công tác dân vận công phu, khéo léo; lãnh đạo phải thực sự hiểu ta, hiểu bạn từ phong tục tập quán, đặc điểm, tâm lý địa phương, thói quen trong lao động và sinh hoạt. Việc này cũng không dễ vì mỗi dân tộc, mỗi địa phương có những đặc thù riêng biệt, địa bàn hiểm trở, bản làng định cư phân tán khắp nơi giữa vùng rừng núi mênh mông…
Ngày thứ 2 ở Xiêng Khoảng chúng tôi đến huyện Phu Cút. Lướt qua những đường phố tấp nập, đông vui trong nội đô thị xã Phôn xa vẳn, xe chạy qua những bản làng thưa thớt bên đường. Những ngôi nhà vùng nông thôn thường là nhà sàn nho nhỏ làm bằng gỗ, lợp tôn, xung quanh cũng thưng bằng gỗ. Các anh trong đoàn nói, nhà nhỏ như vậy nhưng không nóng lắm như ở Việt Nam, vì nắng ở Lào không gay gắt, khí hậu nói chung mát mẻ, dễ chịu.
Nhìn những người đi lại trên đường, anh em trong đoàn giải thích cho tôi về những phong tục tập quán mà mình phải biết khi tiếp xúc với họ. Chẳng hạn với phụ nữ Lào, lúc còn nhỏ họ có thể để tóc hoặc hớt tóc, nhưng trên 10 tuổi thì phải bới tóc, chưa có chồng thì búi lệch, có chồng rồi thì búi thẳng, ngoài 50 tuổi họ thường cắt tóc ngắn. Theo phong tục cổ truyền, phụ nữ Lào thường mặc váy có cạp, có gấu, không quá ngắn hoặc quá dài. Váy có đường viền thêu hình hoa lá, chim muông; áo có đính khuy đồng hay khuy bạc; dây thắt lưng bằng bạc, gọi là khểm khắt. Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn, tay ngắn, quần đùi, bên ngoài quấn chiếc phạ xạ rông ( khăn dài) màu hoặc kẻ ô. Những ngày lễ hội quan trọng họ mặc y phục dân tộc.
Tết của người Lào diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Những ngày tết người dân Lào tổ chức nhiều hoạt động lễ hội náo nhiệt như té nước cầu may, đẩy thuyền rồng, lễ hội hóa trang… Người Lào gọi bông hoa đok khun là bông hoa phước, ngày tết khi chúc nhau, người ta thường thả những bông hoa này vào chậu nước để rảy lên người thân, du khách. Hoa đok khun có màu vàng, từng cành buông xuống như hoa phong lan, đẹp một cách sang trọng.
Về phong tục, người Lào rất kị sờ đầu, tránh chui qua gầm nhà, dây phơi quần áo. Vì vậy, khách không được chạm vào đầu người khác hoặc xoa đầu trẻ em. Khi đi tránh đụng vào hoặc bước qua chân người khác. Khi đi qua mặt các cụ già phải xin lỗi và cúi thấp người xuống một chút. Khi chào phải chắp tay trước ngực, đầu hơi cúi xuống…
Chúng tôi đang mải mê nói chuyện về những phong tục của người Lào thì đã đến trụ sở huyện Phu Cut. Giữa một khoảnh đất mênh mông nổi bật lên một tòa trụ sở 2 tầng khang trang, bề thế vừa xây dựng xong, ở sát tường rào có vài  ngôi nhà cũ kỹ chưa được cải tạo, trước trụ sở  của huyện có bức tượng nhỏ của nhà lãnh đạo Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn. Khu vực này trước đây  là căn cứ dành cho Trung ương và các cơ quan cơ mật, dưới lòng đất là một hệ thống hầm ngầm có nhiều ngách nối vào nhau, hiện vẫn được bảo quản như một di tích chiến tranh. Hôm nay là chủ nhật, công sở đóng cửa im lìm, cái chòi bảo vệ sát ở cổng vào cũng được đóng kín. Cả đoàn quay ra để vào nhà đồng chí Khăm Pan, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Phu Cút, ông là người đã có nhiều đóng góp cho tình hữu nghị Việt – Lào và là người bạn vong niên thân thiết của bí thư Vi Hòe. Căn nhà của ông nhỏ nhắn, đơn sơ nằm ngoài cổng huyện. Nếu không được giới thiệu thì không ai nghĩ đó là căn nhà của người từng là lãnh đạo cao nhất của huyện này. Người con gái đón chúng tôi và cho biết 2 ông bà đang ở ngoài trang trại.

Đ/c Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn tặng quà cho một gia đình Lào

Trang trại của ông là một khu đất trồng lúa rộng chừng 2 ha nằm cạnh con đường nhựa chạy lên đồi Phu Cút, một địa điểm ghi nhiều dấu ấn của chiến tranh. Vào mùa này trên các thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ khô khốc, phải chờ đến mùa mưa mới gieo trồng vụ khác, những con chim có chân dài, mỏ dài cần mẫn kiếm thức ăn trong đám rạ. Căn nhà trại của ông nằm trên một chân  đồi không được bằng phẳng cho lắm. Thấy đoàn đến chơi, ông vội vàng chạy xuống đường ôm chầm lấy anh Hòe và hồ hởi đón chúng tôi. Năm nay ông đã ngoài 80 tuổi nhưng dáng to cao, da đen, săn chắc. Bộ quần áo của ông đang mặc xem chừng xộc xệch, hình như ông làm gì đó ngoài ruộng vừa về. Cuộc gặp với những người anh em từ Việt Nam sang làm ông vô cùng xúc động, ông nói, cười sảng khoái, hai cánh tay vung lên để diễn đạt từng cung bậc cảm xúc say sưa. Họ nói với nhau bằng tiếng Lào, tôi nghĩ là mọi người đang ôn lại những kỷ niệm của những ngày ông đang công tác. Bà vợ của ông có dáng người nhỏ bé vẫn ngồi khều than sưởi ấm bên bếp lửa đốt bằng những khúc củi to như cây cột chái nhà. Dưới mép đồi có cái ao nho nhỏ để nuôi cá và thả một đàn vịt xiêm đang bơi bì bõm trong ao. Phía cuối sân là căn bếp đơn sơ, dăm bảy chú lợn đen cả to lẫn nhỏ đang dụi mõm tìm thức ăn quanh đó. Quang cảnh thật bình dị, cuộc sống và sinh hoạt của một Bí thư kiêm Chủ tịch huyện quá đơn sơ bên những tài sản không có gì đáng giá.
Người con gái và con dâu của ông chuẩn bị bữa trưa. Bàn ăn được kê ngoài trời trên cái sân đất gập ghềnh, lún phún cỏ. Gia đình ông đãi đoàn có vài đĩa thịt gà nho nhỏ, vài đĩa cá nướng và một tô canh. Thức ăn đơn giản thế thôi nhưng rượu thì rất tốn. Một can rượu trắng 5 lít cứ vơi dần sau tiếng cụng li. Ông uống rượu như uống nước lọc, cứ nâng chén xoay vòng chào anh em rồi đưa lên miệng rót một cái “ ực” rất “ ngọt”.
   Những câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt quanh bàn tiệc đơn sơ của người lãnh đạo già trên đất bạn. Nét mặt của ông thay đổi qua từng cảm xúc trào dâng. Mọi người bị lôi cuốn vào cuộc vui thân tình, cởi mở. Đã khá trưa, đoàn phải quay về nơi ở. Ông bịn rịn chia tay anh em chúng tôi, mắt ông ngấn lệ, bồi hồi. Những năm tháng kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam và ký ức về những cán bộ huyện Kỳ Sơn đã để lại trong ông những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Ông dang rộng hai tay ôm chặt bí thư Hòe như không muốn xa nhau. Bên đồi, những bông hoa đok khun đã lấm tấm nụ vàng trên cành lá. Ông nói bằng tiếng Việt “ Tết Việt Nam sắp đến rồi, cho tôi chúc tết mọi người bạn bên đó. Với tôi hôm nay là mùa Xuân, mùa Xuân đến sớm cho tôi thêm trẻ lại”.

Cao Khoa

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam, Số 9/ Chào năm mới 2021)