Không có cánh đồng hoa màu nào nhưng Diễn Vạn có thời từng là thủ phủ của lạc Diễn Châu. Tại đây, mỗi năm, hàng ngàn tấn lạc nhân đã được đưa đi Hà Nội, Trung Quốc tiêu thụ. Đó là những năm cuối 1980 và thập niên 1990.

Tôi không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi gầy gò bươn chải chở lạc trên những chặng đường.

    Từ sáng đến tối, khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng vang lên tiếng tách lạc lạch cạch, lách cách… Bản giao hưởng lộn xộn và rời rạc lúc khô khốc trong nắng hè oi ả, lúc buồn thiu giữa đêm khuya canh vắng, lúc rộn ràng như một đại công xưởng… Thời gian làm nghề được khởi động từ cuối tháng Tư đến hết tháng Chín thì mùa xáo lạc kết thúc.

      Đêm, những nhà có con gái mới lớn là rộn ràng hơn cả vì các anh chàng thanh niên đi dép nhựa, dép tông, sơ vin – thắt củ lạc, cầm đèn pin đom đóm đi cưa cẩm cũng ngồi vây quanh đống lạc nhà cô gái (ở giữa là ngọn đèn dầu vặn to, nếu đông người thì thêm vài, ba ngọn đèn Huê Kỳ nữa) mà thể hiện. Họ thể hiện sự lém lỉnh, sự ga lăng và không thể thiếu là thể hiện khả năng bóc lạc bằng hai tay nhanh như chớp. Khi ấy chị tôi đã lớn, rồi chị Hường con dì xuống làm chung với mẹ cũng được mấy nam thanh làng muối (nghề chính của quê tôi là làm muối) quần thùng, áo lửng, dép lê đến tán tỉnh. Bố tôi vốn là người ham đọc sách báo, có trí nhớ vào loại siêu phàm, vẫn kể cho mọi người nghe những cuốn tiểu thuyết lịch sử, trinh thám, thế sự. Thời gian như trôi đi nhanh hơn bởi câu chuyện mà ông kể, có hôm khuya quá, phải để dở câu chuyện ngày mai kể tiếp.

Bóc lạc bằng hai tay là một nghệ thuật, phải đạt đến một trình độ kĩ năng – kỹ xảo cao và khéo léo mới có thể thực hiện được.

    Khi mới 11, 12 tuổi, tôi đã phải ngồi nhiều giờ liền để bóc lạc. Sau thời gian chập chững “học nghề”, tôi đã có thể bóc bằng hai tay thoăn thoắt. Bóc lạc bằng haitay là một nghệ thuật, phải đạt đến một trình độ kĩ năng – kỹ xảo cao và khéo léo mới có thể thực hiện được. Độ chính xác gần như tuyệt đối từ khâu ra tay cầm lạc, lựa thế, đến khi dập xuống nền xi măng (hay tấm gỗ, tảng đá kê thay cho nền nhà bằng đất) và tách vỏ chỉ diễn ra trên 3 đầu ngón tay, trong vòng một vài giây đồng hồ. Thầy tôi lấy làm hâm mộ khả năng bóc lạc nhanh như người máy của anh Công con bác, luôn xem anh ấy như một “tài năng xuất chúng” để chúng tôi học theo. Ngoài việc bóc lạc, anh Công còn cày, cấy, gặt hái, xây dựng hay làm bất cứ việc gì cũng rất nhanh. Ngoài ra, anh còn là một ông chủ nhỏ thu mua lạc. Đợt trước 1986, thầy tôi, anh Công cùng một vài người nữa từng đi buôn trâu trong tỉnh, buôn lạc ra Hà Nội. Buôn trâu thì phải lùa qua mấy cánh đồng lúa, qua hói nước, đi bộ và vật lộn với trâu gần trăm km từ Tân Kỳ, Nghĩa Đàn về Diễn Châu, không bị thuế vụ thì cũng bị bảo vệ bắt phạt. Buôn lạc thì đi tàu Hà Nội, có chuyến lọt, có chuyến bị bắt trắng tay, thầy tôi phải bỏ nghề từ khi nào tôi không biết.

     Sau thời gian bóc tay thì người dân chuyển sang xay lạc bằng cối. Kết cấu của cối xay lạc cũng như cối xay lúa nhưng bằng gỗ nhẹ, cần kéo dài hơn để tạo lực, dưới đáy là sàng để nan rộng sao cho các hạt lạc có thể chui lọt mà không bị vỡ. Một cối xay lạc có thể thay thế cho dăm, bảy người ngồi bóc nhưng xay cối lại cần những người khỏe mạnh thay phiên nhau. Mẹ tôi, một cô giáo tiểu học được nghỉ hè, vẫn cần mẫn đi lên những vùng như chợ Tảo, chợ Chùa, Diễn Hùng, Diễn Hoàng, Diễn Kỷ… mua lạc, mỗi ngày năm, sáu mươi cân chở về… Thầy tôi phụ trách khâu xay, toàn thân ông từ râu tóc, mặt mũi đến quần áo… bám một màu bụi bạc, chỉ có miệng là thường xuyên được làm sạch bởi chai rượu dựng cạnh bên, mồi thì đã sẵn lạc sống nhấm nháp. Ông cần mẫn và khổ sở kéo cối, thi thoảng chị tôi phụ giúp nhưng không đáng kể vì còn bận dần, sàng. Năng suất chỉ tăng lên gấp 2-3 lần vì mẹ mua không kịp và phải có thời gian nghỉ do thiếu nhân lực. Chỉ có bọn trẻ chúng tôi là được giải phóng nhưng chiều đến thì phải lo nhặt củi dọc bờ mà nấu cơm nước, nấu cám lợn.

     Tôi 14 tuổi, chị đi làm ăn xa, mẹ đã phải đào tạo để tôi trở thành “trụ cột” trong nhà bằng cách huy động tôi đi theo chở lạc. Tiếc vì gặp được mối lạc đẹp và cũng gần nhà mà không có sức chở nên mẹ đóng cọc tiền trước rồi về điều động thêm tôi. Thực ra thì quãng đường làm nhiệm vụ của tôi không xa, chỉ độ 3 đến 5 cây số nhưng đó là câu chuyện gian nan của một chàng “thanh niên ép” gầy gò như tôi. Tôi phải chở hai bì lạc đầy chồng lên nhau, chiếc xe đạp mong manh, nghiêng ngả, lạc cao quá đầu. Lúc lên xe, được mẹ hoặc chủ nhà hỗ trợ, giữ xe rồi đẩy tạo đà nên tôi có thể nhẹ nhàng đi qua những con đường làng mát mẻ và bằng phẳng. Hết đường làng, tôi liêu xiêu trong cơn nắng Nam giữa con đê cao mấp mô và hoang vắng, mồ hôi nhễ nhại. Chiếc xe đạp không chuyên ốm yếu chẳng kém gì tài xế của nó cũng nhọc nhằn lê từng đường ngoằn ngoèo. Con đê từ Diễn Vạn sang Diễn Kỷ gồ ghề, đầy ổ gà, thi thoảng còn có ổ trâu, ổ voi và đó là những cửa ải mà tôi không thể nào vượt qua nổi. Đến ổ trâu, ổ voi, xe chao đảo, tôi nhanh nhẹn nhảy xuống. Kỹ năng nhảy thì quá dễ dàng với cậu con trai ham chạy nhảy như tôi nhưng quan trọng nhất là kỹ năng đỡ hai bì lạc và xe sao cho thăng bằng thì tôi chịu cứng. Cứ như vậy, trong 3-4 ngày liên tiếp, mỗi lần xuống xe là mỗi lần ngã, mỗi ngày ngã 2-3 lần, ấy là chưa kể lần cuối về đến nhà thì chủ động ngã để hạ lạc xuống luôn. Sau khi ngã, tôi phải chờ những người lớn qua đường giúp buộc lại xe lạc rồi mới có thể tiếp tục lên đường. Đến ngày thứ tư, thứ năm thì tự rút kinh nghiệm, quen dần nên tôi có thể giữ thăng bằng mỗi khi xuống xe. Đó là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong “nghề xế lạc” của tôi – tôi đã lên hạng “bán chuyên” – có thể đi xa hơn và thường xuyên hơn để giúp mẹ.

     Nhưng xem ra chiến tích còm của tôi không thấm gì so với dân chuyên nghiệp. Những anh chị, cô chú khỏe mạnh đi những cung đường xa hàng trăm cây số như Nghĩa Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Hà Tĩnh… Xuất phát từ 4 giờ sáng đến tối mò mới về. Người khỏe chở đến tạ rưỡi lạc trên chiếc xe đạp vốn dùng chở muối, họ cột 2 bì hai bên hông, 2 bì chồng trên, gặp dốc thì giúp nhau đẩy qua, đường bằng thì leo lên xe đi bon bon. Sau này, khi có điều kiện, người ta chở bằng xe Minsk có thể hơn hai tạ lạc cồng kềnh một cách nhẹ nhàng.

     Những người không có khả năng đi mua hoặc ngày rỗi do không mua được lạc thì người ta đi làm lạc thuê cho những nhà làm ăn lớn, những đại lý “bự” trong vùng. Các bà, các chị thì xay, sàng, sảy, nhặt lạc lép, lạc hỏng… Tôi cũng theo chân chị và mấy đứa trong xóm lên nhà một người quen đi nhặt lạc. Đó là nhà thầy Cường, thủ trưởng của mẹ tôi, thầy có vợ là “sếp” chuyên thu mua lạc. Chúng tôi ngoan ngoan ngồi nhặt từng hạt lạc lép, lạc vỡ, lạc sâu thối, nghe người lớn nói chuyện trạng, chuyện làm ăn và chuyện trên trời dưới bể… Anh cửu vạn được thuê bốc xếp mỗi lần kể chuyện nghịch xong thì cười hé hé, hai chỏm râu lưa thưa cũng rung lên đắc như ý phụ họa, đôi mắt liếc ngang, liếc dọc mấy cô gái lạ. Mấy chị mới lớn xấu hổ, thi thoảng che miệng cười khúc khích. Chiều mát, hai cô bé con chủ nhà chơi đùa với nhau. Cô chị trạc tuổi tôi bị cô em đuổi quanh nhà, thi thoảng cô chị dừng lại trêu em rồi cười nắc nẻ, mái tóc búi làm hai bím kiểu đuôi gà rung lên hiếu động, đôi mắt đen tròn xoe bất giác nhìn về phía tôi, trên môi có cái nốt ruồi nhỏ khiến cho khuôn mặt, ánh mắt càng trở nên tinh nghịch…

    Năm lên lớp 10, tôi gặp lại cô bé năm nào giờ đã là một thiếu nữ. Tôi nhận ra Bích – cô gái có đôi mắt đen láy và cái nốt ruồi trên đôi môi hay cười mà tôi đã từng gặp khi nàng chơi với em gái hồi hè năm 1991. Không ngờ 4 năm sau, chúng tôi gặp lại nhau khi cùng vào học trường cấp 3 Diễn Châu 2, rồi học cùng lớp văn. Sau bao năm xa cách, gặp lại chàng “nông dân”, tiểu thư Ngọc Bích cười tinh nghịch, vẫn nụ cười như 4 năm về trước: “Vinh, dạo ni có còn buôn lạc nữa không?”, tôi cười và bình thản trả lời: “Có chứ, không làm lấy chi ăn nạ”. Không những không tự ti, mà trái lại, tôi có phần tự hào là mình biết lao động sớm…

    Khi xã nhà có điện thì người ta chuyển sang xay lạc bằng máy. Xay máy khỏe và nhanh hơn hàng chục lần so với xay cối. Mỗi nhà ít thì một vài tạ, nhiều thì mỗi ngày làm hàng tấn, còn tùy vào sức mua, sức làm và đầu ra. Các xóm Trung Phú, Yên Đồng, Trung Hậu, Đồng Hà, Đồng Én… như một đại công xưởng. Tiếng máy chạy rậm rịch, bụi tung mù mỗi nhà, vườn cây, bờ rào… bụi phủ một lớp trắng xóa. Người xe tấp nập vào ra, nào xe máy, xe ô tô chở lạc vỏ mua về, chở lạc nhân đi nhập, xe bò, xe đạp thồ chở vỏ lạc… Một số người làm nghề đổi muối, bán muối cũng đã chuyển sang làm lạc. Tất cả háo hức, khẩn trương trong những tà áo bụi bám đầy trộn lẫn mồ hôi.

     Cái nghề xáo lạc của 30 năm về trước cho thấy sự năng động của người dân quê hương nước mắm Vạn Phần. Dân quê tôi chào đón thời kỳ mở cửa của kinh tế thị trường như thế. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, con em ít học hành đã trở nên khấm khá. Thay vì những bữa cơm độn khoai khô, cháo loãng, bột ngô… người dân quê tôi đã được ăn những bữa cơm no, có cá thịt đàng hoàng, nhà cửa được sửa sang, con em được tạo điều kiện học hành tử tế.

     Nghề xáo lạc có ở nhiều nơi nhưng tôi dám tự hào rằng Diễn Vạn là nơi sôi động nhất xứ Nghệ vì đất chật, người đông, đồng ruộng ít, nghề làm muối ngắn ngủi, người dân không có ngành nghề ổn định. Trong buổi đói kém, được cởi trói, người dân theo nhau, bày nhủ cho nhau để kiếm thêm bát cơm, manh áo. Bao năm trôi qua, cái âm thanh lách cách… lạch cạch… ấy, tiếng cối xay loẹt xoẹt ấy cùng với hình ảnh mẹ tôi gầy gò bươn chải trên những chặng đường, hình ảnh thầy tôi mình lấm lem bụi vẫn in sâu trong ký ức.

Trần Hữu Vinh

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 15, tháng 7/2021)