Bớ làng, hổ, hổ…! Tiếng ai đó hét lên nghe rợn cả người. Hạnh cắm cổ lao về phía trước, không kịp ngoái lại mong lánh cho thật xa nơi vừa có tiếng ai như con chắt Châu thét lên. Hạnh chạy như quàng chân lên cổ, đôi dép văng đâu mất, đá nhọn, gai góc cứa vào chân đau buốt. Cái bị cói đựng sim văng tung tóe Hạnh cũng không dám ngoảnh lại nhặt, mặc kệ, chạy cho thoát thân đã…
  Hạnh không nhớ mình đã chạy được bao lâu, chỉ biết là xa lắm rồi. Trời nhá nhem tối, đôi chân đau buốt rã rời không lê nổi bước, Hạnh nằm vật ra một lúc rồi bò dậy tựa lưng vào một gốc cây thở như muốn đứt hơi. Trời tối, Hạnh khiếp đảm khi biết mình đã mất phương hướng không thể tìm ra lối về. Hạnh run lên, không biết con Châu, con Huyền và anh Khánh có ai bị hổ ăn thịt không. Họ có đi tìm mình không? Hạnh nghẹt thở vì khiếp hãi nghĩ đến đêm nay phải nằm lại trong rừng. Cái cảm giác sợ bị rắn rết, hổ báo ăn thịt lấn át hết tâm trí Hạnh. Cha ơi, anh Khánh ơi. Hạnh bật khóc nhưng rồi lập tức nín bặt vì sợ hổ báo nghe tiếng người mò đến. Anh Khánh ơi, anh mô rồi? Hạnh gọi trong tuyệt vọng nhưng vẫn bấu víu vào một chút hi vọng mong manh: Anh ấy nhất định sẽ đi tìm mình!
Anh Khánh đang tìm Hạnh thật. Hạnh mừng bật khóc. Hạnh vừa nghe từ đằng xa, rất xa bỗng có tiếng hú vọng lại. Đúng là tiếng người hú. Em đây, anh Khánh ơi. Hạnh hét to rồi vùng dậy lao về hướng có tiếng hú vừa dội đến. Dây rợ, gai góc quấn vào chân, Hạnh trượt lăn mấy vòng, dậy lại chạy. Tiếng hú như dồn dập hơn, anh Khánh ơi, em đây. Hạnh ngã dúi dụi, rồi lại vùng dậy chạy như đang có hổ đuổi sau lưng. Hạnh vừa thoát ra khỏi một búi dây chạc bùng nhùng thì lại vướng một lùm cây khác. Kia rồi, đằng xa có ánh lửa le lói. Hạnh dùng hết sức bình sinh bứt khỏi một đám dây quấn vào chân, mất đà, Hạnh ngã dúi lao về trước và lăn tùm xuống một con suối.
***
– Anh Khánh – Hạnh thều thào
– Khánh là đứa mô rứa, ai đưa mi vô rừng mà đến nông nỗi ni?
Hạnh tỉnh dậy hé mắt nhìn quanh. Không phải Khánh, giọng nói khô khốc kia là của một người đàn ông rất lạ. Hạnh thấy mình đang được ông bế trên tay, rồi ông đặt Hạnh nằm xuống cái sạp bên cạnh một bếp lửa nóng rực. Quanh bếp còn có ba, bốn người đàn ông bận đồ đồng bào thiểu số, trên vách lán có đến dăm khẩu súng cùng với dao rựa treo lủng liểng. Thổ phỉ? Hạnh chực hét lên nhưng cổ họng tắc cứng. Hạnh đã nghe kể nhiều chuyện rùng rợn về thổ phỉ ở vùng biên giới. Cha ơi! Hạnh ôm chặt đầu rồi co rúm người lại.
– Mi tên chi, ai đưa mi đi vô rừng, họ mô rồi?
Hạnh vẫn nằm im thít:
– Đừng sợ, bọn choa không phải thổ phỉ mô mà sợ.
Người đàn ông dịu giọng đổi cách xưng hô. Hạnh bớt run hơn, mở to mắt. Có lẽ họ là một phường săn. Qua câu chuyện không đầu không cuối, Hạnh kể, có lẽ phường săn đã đoán ra cô bé này vừa chạy lạc đám bạn cùng quê đi hái sim vì bị hổ vồ hụt.
– Quanh mấy đồi sim dưới nớ mần chi có hổ, đứa mô nhìn gà hóa cuốc kêu hổ để làm tội người ta rứa, rừng ni có con chi bọn tau lại không biết – Người đàn ông cao tuổi nhất trong phường săn nói, rồi ông quay vào gọi:
– Thằng Cảnh mô rồi, lấy xôi cho em mi ăn, nó chết đói bây giờ – Người thợ săn đã bế Hạnh hong lửa chỉ vào một cậu thanh niên vừa xách một cái giỏ trong góc lán bước ra, rồi tiếp:
– Lúc tối nếu không gặp lúc thằng Cảnh con lão xuống suối lấy nước thì coi như con đã làm mồi cho hà bá rồi đó. Thôi cố mà ăn đi vài miếng vào bụng lấy sức mai mà về với mẹ.
– Vâng ạ.
Hạnh mừng quýnh, rứa là mai được về nhà rồi. Cậu thanh niên tên Cảnh có lẽ lớn tuổi hơn Khánh. Trời ơi! Hạnh thầm kêu lên khi nhìn thấy bên dưới cái cằm của Cảnh một vệt sẹo dài làm khuôn mặt anh ta như biến dạng trông sờ sợ. Cảnh có nước da trắng, tóc hung nâu, dáng dấp cao lớn, cậu ta bận một bộ đồ vải thô may kiểu không ra Kinh, không ra Mường nhưng nom rất hợp với dáng vẻ một thợ săn. Cảnh chiếu thẳng vào Hạnh như chẳng hề muốn che giấu khuôn mặt không bình thường của mình. Vết sẹo như một cái dấu “ngoặc” làm cho cái cằm của Cảnh bạnh ra. Hạnh nhận ra trên khuôn mặt trai tơ ấy phảng phất một chút dữ dằn bí hiểm và từng trải. Cảnh cũng đăm đăm tia ánh mắt về phía “nàng Bạch Tuyết” của mình đang ăn xôi. Hạnh liếc trộm lại “người rừng” với ánh mắt thân thiện hiếu kỳ và thầm cảm ơn người đã cứu sống mình. Cái số mình không bị hổ vồ, không chết đuối nhờ anh chàng này.
Ông trùm phường săn sai Cảnh trải tấm bạt trong góc lán, ông ném cho Hạnh một tấm mền mỏng rồi dục:
– Ngủ cho lại sức đi con, mai thằng Cảnh nó đưa về xuôi.
Cánh thợ săn cũng đã ngả lưng quanh bếp lửa, họ đang “kéo gỗ” đều đều. Hạnh nằm một hồi lâu nhưng không tài nào chợp mắt được. Tiếng củi nổ lép bép, tiếng côn trùng ri rỉ kêu từ một nơi thật xa, tiếngcon chim từ quy vọng lại róng riết rồi chìm trong màn đêm của rừng sâu nghe buồn đến nẫu ruột. Căn lán của phường săn càng như thêm vẻ hoang sơ huyền bí…!
***

Tranh minh họa: Hữu Tuấn

Hạnh tỉnh giấc vì có tiếng gọi bên tai và một bàn tay vỗ nhẹ vào vai mình. Lán của phường săn vắng ngắt, chỉ có mình Cảnh đứng im phắc nhìn Hạnh tỏ vẻ sốt ruột.
– Dậy ăn cơm rồi mình còn xuôi sớm, đường ngái lắm đó.
Hai đứa chỉ ăn hết một nắm xôi nhỏ. Cảnh gói ghém các thứ cho vào chiếc ba lô, đưa cái bù nước cho Hạnh rồi giục: Đi thôi.
Con đường mòn trong rừng sâu không còn rõ lối vì không mấy khi có người đi qua nên đôi lúc Cảnh phải dừng lại để dò tìm phương hướng. Họ đã đi được khá xa nhưng đến gần trưa thì Cảnh thấy Hạnh đi chậm dần rồi rớt lại sau một đoạn khá xa. Cảnh dừng lại đợi, Hạnh tập tễnh sà đến rồi ngồi bệt xuống đất nhăn nhó vẻ đau đớn. Bất giác nhìn vào đôi chân Hạnh sưng tấy, Cảnh mới sực nhớ từ hôm qua đến giờ Hạnh đi chân đất, sao không nghĩ ra đôi chân của nàng đã trầy xước vì đã qua một ngày đường chạy bộ. Làm răng giờ, tìm mô ra giày dép giữa chốn rừng rú ni. Cảnh mừng rơn chợt nhìn vào đôi giày vải dưới chân mình rồi quả quyết:
– Em phải đi cấy ni mới hòng về được đến nhà.
Nói rồi Cảnh tháo nhanh đôi giày khỏi chân mình đưa cho Hạnh.
– Giày rộng ri em đi răng được – Hạnh cười như mếu.
Cảnh thừ người một thoáng, nhưng người con trai ông chủ phường săn có vẻ khôn trước tuổi kia dường như lại tìm được kế sách. Anh chàng móc trong ba lô ra một chiếc áo màu cháo lòng rồi rút con dao nhọn đi rừng rọc thành từng dải.
– Đưa chân đây, anh quấn làm bít tất mà đi giày.
Hạnh ngoan ngoãn giơ chân cho Cảnh. Loay hoay mãi rồi Cảnh cũng đút được đôi chân quấn vải của Hạnh vào giày rồi rút dây buộc lại cẩn thận. Hạnh đứng lên thử chân mấy cái rồi lẽo đẽo theo Cảnh tiếp tục xuyên rừng. Đến một quãng rừng thưa, mặt trời hiện ra trên đỉnh đầu mới biết trời đã chính trưa.
– Nghỉ tý đã anh ơi!
Hạnh không gắng được nữa, nói muốn khóc. Cảnh biết dù được quấn vải đi giày nhưng đôi chân Hạnh đã bị xây xước sưng tấy như thế cũng không thể đi xa được. Cảnh tìm một nơi có bóng râm rồi dìu Hạnh ngồi xuống.
Hạnh mệt mỏi ngửa cổ tựa lưng vào thân cây mắt nhắm nghiền để mặc cho Cảnh tháo giày ra khỏi chân mình.
– Ối cha mẹ ơi!
Hạnh hét lên, cảm giác như lớp da bàn chân đang bong theo lớp vải. Nước mắt Hạnh giàn giụa. Hạnh khóc phần đau thì ít mà phần lo không đi nổi chặng đường còn dài trước mặt thì nhiều. Cảnh không ngờ đến cảnh ngộ hai đứa lâm nạn kiểu này. Không phải tai họa gặp hổ, báo hay rắn rết mà chỉ là một chuyện oái oăm về đôi chân sưng tấy của Hạnh.
– Em không xỏ được chân vô giày nữa mô anh ơi.
Hạnh nói giọng ngân ngấn nước mắt.
– Không xỏ giày mần răng mà đi.
– Em thà đi chân đất còn hơn đi giày tróc hết da chân.
– Chậc, răng đi chân đất mà hơn đi giày?
Cảnh nghĩ Hạnh nói cũng có lý, cái chân phỏng rộp kia mà cố nhét vô giày đã đau nói chi đến chuyện đi đứng. Nhưng để trần rứa thì cũng mần răng mà đi được.
Rứa thì để anh quấn vải làm cái xà cạp, em gắng đi được đoạn nào hay đoạn nấy.
Cảnh rọc phá thêm cái áo cũ lấy trong ba lô ra, quấn nhiều lớp vào chân cho êm để Hạnh đỡ đau.
– Êm chưa, đi thôi.
Hạnh không ngờ quãng đường từ chỗ đồi sim đến khu rừng gặp phường săn lại dài đến thế. Không biết mình chạy bằng cách chi mà đến được nơi khỉ ho cò gáy ấy. Đôi chân của Hạnh không lê nổi thêm bước nào được nữa. Hạnh cảm giác cái nhức nhối bỏng rát dưới đôi bàn chân buốt lên tận óc.
– Anh ơi…
Cảnh vừa nghe tiếng kêu ngoảnh lại đã thấy Hạnh ngồi xoài xuống đất đau đớn. Cảnh biết là người bạn đường của mình không thể gắng được nữa.
– Nghỉ tý rồi anh cõng em…
Hạnh tròn mắt.
– Thật mà.
Cảnh xoay chiếc ba lô quàng ra trước ngực rồi ghé lưng trước Hạnh:
– Bám vô, anh cõng đi nhanh mới kịp tới đường lâm nghiệp trước khi trời chưa tối em à.
– Anh cho em vịn tay là được, đi thôi.
Hạnh bám vào một bên vai Cảnh cố lê bước. Nhưng cũng chỉ được một lúc Hạnh lại khụyu xuống. Cảnh đỡ Hạnh ngồi tựa vào người mình. Trời ơi, người Hạnh nóng ran, có lẽ Hạnh đang lên cơn sốt. Đã hai ngày dầm sương lội suối bươn rừng làm Hạnh kiệt sức kèm theo đôi chân thương tích đã làm Hạnh phát sốt. Bằng cách nào cũng phải ra đưa Hạnh tới đường lâm nghiệp khi trời còn sáng may ra mới gặp được người cứu giúp.
– Cố lên em, bá vào cổ anh mau lên.
Không chần chừ, Cảnh nắm hai tay Hạnh kéo lên rồi ghé người hất Hạnh lên lưng. Hạnh lả đi, người nóng hầm hập như hòn than trên lưng Cảnh. Cảnh chạy bằng tất cả sức lực còn lại với một ý nghĩ phải cứu sống đứa em gái đang lâm bệnh. Nhưng rồi sức trai như ngựa non của con ông chủ phường săn cũng đến lúc bị vắt kiệt. Cảnh quỵ xuống, anh biết mình không gắng chạy được nữa nhưng đầu óc anh vẫn tỉnh táo, vẫn nghe hơi nóng và nhịp thở dồn trong lồng ngực đứa em tội nghiêp đang ôm chặt sau lưng mình. Một cảm giác rất lạ thoáng choán ngập tâm trí Cảnh, không cắt nghĩa được đó là cái gì. Cảnh chỉ biết thương Hạnh vô cùng. Cảnh muốn cứ nằm mãi và ngủ một giấc thật lâu, nhắm mắt nằm áp như bất động trên thảm lá khô của khu rừng để tận hưởng cái giây phút giao cảm lạ lùng ấy.
Khu rừng chìm trong u tịch bỗng nhiên bừng sáng, Cảnh đã nhận ra có một thứ âm thanh lạ vọng lại rất mơ hồ rồi rõ dần. Tiếng ầm ì đều đều rồi rú lên nghe ngày càng gần. Xe lâm nghiệp. Cảnh như hét lên, Hạnh tỉnh lại và dường như cũng nhận ra cái âm thanh kỳ diệu ấy. Hạnh vừa kịp bá lấy cổ Cảnh thì anh đã vọt lên lao như tên bắn về hướng có tiếng động cơ ô tô vọng tới. Cố lên cố lên, Cảnh tự giục mình chạy cho kịp nhưng con đường trước mặt như dài ra hun hút. Không được ngã, Cảnh cố trụ đôi chân mình trong từng bước chạy vì biết lúc này mà quỵ xuống là không gượng dậy được nữa. Trời sẩm tối dần. Kia rồi, phía trước là bìa rừng. Ớ đó trời còn sáng lờ mờ. Cảnh vừa lao ra khỏi vạt rừng, cả hai đứa ngã văng ra bên vệt đường cũng vừa lúc chiếc xe “reo”của trạm lâm nghiệp trườn tới.

Tranh sơn dầu: Đỗ Văn Tăng

***
Hạnh sốt li bì đến độ lên cơn co giật. Cảnh cũng suy kiệt sức, lên cơn sốt. Nhân viên y tế của trạm kiểm lâm gửi Cảnh về xuôi ngay chuyến xe trong đêm. Hạnh phải lưu lại chạy chữa cấp cứu khi cơn sốt thuyên giảm rồi người ta mới dám tính chuyện gửi về xuôi.
Sau gần mười ngày dưỡng bệnh, Hạnh khỏe lại mới kể được đầu đuôi câu chuyện đi hái sim lạc rừng của mình. Sau mấy lần chuyển tiếp qua các trạm lâm nghiệp, người ta cũng đưa được Hạnh về đến cái làng với lũ bạn hái sim bị hổ “vồ hụt” hôm nào. Người cha ôm Hạnh khóc, không dám rời con nửa bước. Hạnh được biết, Khánh cũng bỏ học cả tuần theo mọi người đi tìm Hạnh. Họ biết Hạnh không phải bị hổ báo ăn thịt nhưng có lẽ đang nhịn đói nhịn khát mà chờ chết trong rừng sâu.
Cả kỳ nghỉ hè năm học ấy, Hạnh gần như chỉ nằm viện. Trận ốm can qua gây biến chứng suy tim đưa Hạnh từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Hạnh không muốn bỏ, nhiều buổi người cha và có lúc cả Khánh phải cõng Hạnh đến trường. Rồi bệnh tật qua đi…
Tốt nghiệp cấp ba, như một nghiệp chướng, cô gái từng giành kỷ lục “chạy việt dã” đường rừng năm xưa đã chọn theo học trường trung cấp thể dục thể thao. Gần đến ngày kết thúc năm học thứ hai thì một sự cố đã đến với cô sinh viên giỏi của môn chạy việt dã. Hạnh bị ngất xỉu khi cán đích đầu tiên trong cuộc thi chạy 3000 m.
Sau ngày xuất viện, Hạnh được nhà trường cho về nhà nghỉ dưỡng mấy ngày. Người cha đã từng bao nhiêu phen cõng Hạnh đi viện, cõng Hạnh đến trường nghĩ đến bệnh tình của con gái, ông ôm con thì thào:
– Hạnh ơi! Con chết đi sống lại đã quá tam ba bận. Lần này cha không bỏ mặc để mất con một lần nữa. Con đừng theo học môn chạy nhảy phải cố gắng lực nữa. Nguy hiểm lắm, con ơi!
– Con sẽ ở nhà …với cha !
Ông không ngờ đứa con gái mạnh mẽ, cá tính có phần ngang bướng như Hạnh lại nghe lời ông mà từ bỏ một niềm đam mê dễ dàng như vây. Chỉ có Hạnh mới biết vì sao phải từ giã ngôi trường, từ giã niềm đam mê của mình trong nước mắt, trước sự nuối tiếc của thầy cô và bạn bè!
Một năm sau khi rời trường học về nhà, Hạnh được tuyển làm nhân viên mậu dịch huyện, Khánh tốt nghiệp đại học. Tình yêu của họ nảy nở sinh sôi và đơm hoa kết trái tự nhiên như cây với đất. Không màu mè hoa lá, chẳng hãnh diện phô trương mà đẹp như một chuyện tình đẹp nhất trong nhân gian. Khi đã thành vợ thành chồng, họ thi thoảng cùng đọc lại cho nhau nghe những vần thơ mà Khánh đã làm tặng Hạnh ngày nào, kể lại những kỷ niệm ngày hái sim năm cũ…
Nhưng cuộc đời thật khó đoán định. Làm sao Hạnh có thể tin nổi có một nỗi bất hạnh vừa đổ sập lên gia đình chị phũ phàng đến thế. Khánh tử nạn trong một vụ tai nạn lao động bất ngờ trên công trường. Năm sau cha Hạnh cũng qua đời vì một cơn bạo bệnh.
Hạnh tưởng như không gượng dậy được, nhưng lý trí của chị không chịu gục ngã trước trái tim dường như tan xé vì đớn đau. Hạnh cam phận, đã tin con đường chung của vợ chồng chị đã đến cột số cuối. Nhưng chị cũng nhìn thấu hơn lúc nào hết phận đời của chị: Hạnh không thể chết lạc trong rừng hoang, không thể gục qụy trên đường chạy… Để rồi giờ này gánh lấy cái thiên chức làm mẹ, làm cha nuôi dạy ba đứa con thơ, Hạnh phải dắt chúng đi tới như ước muốn của Khánh.
***
Hạnh làm đủ mọi việc, trở nghề như chong chóng, cứ nghề nào kiếm được nhiều tiền  là làm. Chị bỏ việc bán mậu dịch sang hợp đồng nấu ăn cho các công ty, rồi chuyển qua buôn bán hàng hóa, về quê xin ruộng cấy lúa được mấy mùa rồi lại bỏ. Chị mở ốt chụp ảnh dịch vụ kèm theo photocopy, in thiệp, chuyển sang làm nhân viên kế toán. Rồi đến một ngày, như trong giấc mơ, Hạnh gom góp vốn liếng đang có được thành lập công ty kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng thường thường bậc trung. Một thành công mà Hạnh chẳng bao giờ nghĩ đến. Ba đứa con của Hạnh cũng đã tốt nghiệp đại học và đã thành gia thất, chị như nằm thấy chiêm bao!
Hạnh càng lao động, càng sung mãn, người chị càng khỏe thêm, trẻ ra. Bao nhiêu người đàn ông ngỏ ý tỏ lời kết giao bạn đời nhưng Hạnh đều từ chối. Chị gồng mình mạnh mẽ để vượt lên chính mình, dù rằng Hạnh cũng muốn nắm bắt lấy một cơ hội để tìm một bến đỗ, một bờ vai tựa cuối đời nhưng nó cứ vô tình trôi đi.

                                                     ***
Mấy ngày mưa gió dầm dề, cơn bão vừa dứt được một buổi lại thấy mây vần vũ phía thượng nguồn sông Giăng. Không chờ lâu được nữa, Hạnh quyết định đưa hàng cứu trợ của công ty đi làm từ thiện ở vùng có trận lũ vừa tràn qua. Dường như là một duyên cớ đã được sắp đặt, điểm đến lần này của công ty là một xã nghèo của huyện biên giới, nơi mà cách đây hơn ba mươi năm Hạnh bị hổ vồ hụt và đã có người cứu sống.
Sau khi giao mấy kiện hàng quần áo phân phát cho bà con, Hạnh thay mặt ban giám đốc công ty trực tiếp trao quà tiền mặt cho những hộ đặc biệt khó khăn ngay tại trụ sở xã nhà. Mọi việc gần như trôi chảy tốt đẹp, nhưng khi đọc hết danh sách người được nhận quà cứu trợ, ông Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã rất băn khoăn về một trường hợp cá biệt là một thương binh.
– Ông thương binh tên Cảnh, không bao giờ chịu nhận cứu trợ. Hoàn cảnh của ông ấy kể cũng thật đáng thương, hồi mới ở trại thương binh về làng đã một lần lấy vợ nhưng không thành.
« Ông ấy tên là Cảnh ». Hạnh giật mình. Câu chuyện của ông chủ tịch về người thương binh ám ảnh Hạnh. Chị cố mường tượng về một miền ký ức đã xa lắc vừa chợt lóe lên.
Hạnh để ô tô tại trụ sở xã rồi mượn xe máy một mình hỏi đường tìm đến nhà ông thương binh. Quãng đường cũng gần, Hạnh hỏi đúng ngõ ngôi nhà nhỏ. Một bầy chó xồ ra ông ổng. Nhà vắng chủ nên đàn chó cứ bám riết lấy khách mà sủa. Hạnh chần chừ định quay lui thì vừa lúc một người đàn ông đi xe máy chạy vào đỗ xịch sau lưng chị.
– Chào bác, bác đi mô về?
-Vâng, chào…chị – Người đàn ông đáp khẽ đủ cho Hạnh nghe. Ông không bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu, cũng chẳng quay mặt lại nhìn khách mà lẳng lặng đi vô nhà, đôi chân của người thương binh khập khiễng bước thấp bước cao. Hạnh đoán chắc một bên chân của ông là cái chân giả. Một lát sau ông quay ra nói với khách nhẹ nhàng:
– Mời chị vô nhà…!
Người đàn ông chiếu thẳng ánh mắt vào Hạnh, chị chợt nhận ra một bên con mắt giả, nhưng ánh sáng từ con mắt còn lại bỗng lóe lên rọi vào khuôn mặt của con người ấy làm Hạnh suýt ngất xỉu, đứng như trời trồng. Chị chới với bủn rủn chân tay. Hai người ngó nhau trân trân. Hạnh vẫn chưa tin vào mắt mình, trước mặt chị có phải là người của phường săn hơn ba mươi năm trước? Vết sẹo nơi cái cằm bạnh của anh ấy như hằn sâu thêm trên khuôn mặt tuổi tác, thương tích làm cho dung mạo con người này biến dạng đi rất nhiều. Rất nhanh, Hạnh định thần, người đã cứu mình trong rừng hoang ngày ấy. “Anh Cảnh…trời, anh đây à ?” Hạnh gọi rành rọt. Người đàn ông trước mặt Hạnh thoáng một chút hoảng hốt. Anh cố tìm một nét gì đó quen quen từ phía người khách lạ đang mơ hồ. Hạnh dồn hết tinh lực của đôi mắt và linh cảm của mình rồi nói với người đối diện: Anh Cảnh, đúng là anh! Dứt lời, Hạnh đổ sập người ôm chặt người đàn ông đang đứng như trời trồng! Cảnh không thể chống cự nổi vòng tay chặt siết của Hạnh, anh loạng choạng một thoáng rồi đứng im như hóa đá. « Anh còn nhận ra em không, em là Hạnh, là con bé đi hái sim lạc rừng ngày xưa, anh ơi » ! Hạnh úp mặt mình vào khuôn mặt Cảnh, nước mắt chảy dài. Người đàn ông bỗng rùng mình. Tấm thân dường như đã khô xác chai cứng vì tật nguyền, tuổi tác bỗng mềm nhũn chực khuỵu xuống! «Hạnh là em đây à ?». Cảnh lắp bắp. Cái vòng tay siết chặt và âm thanh dập dồn nơi lồng ngực của người thiếu phụ. Trời, điều gì vậy? Cảnh không thể cắt nghĩa được nhưng rồi anh cũng đã nhận ra.Vòng tay của người thiếu phụ không còn là vòng tay của cô bé ôm chặt để anh cõng trên lưng vượt rừng ngày xưa. Anh cố nhớ lại ký ức về cô bé lạc rừng sốt mê man trên lưng anh thuở nào! Linh cảm mách bảo Cảnh có một điều gì đó thật hệ trọng đang xẩy ra. « Anh ơi, có bao giờ anh nghĩ sẽ còn gặp lại con bé Hạnh lạc rừng ngày ấy không?». Không để Cảnh kịp đáp lời, Hạnh ôm chặt lấy Cảnh trông giây lát.
Cảnh bừng tỉnh và dường như nhận ra có phải đây là một ân huệ muộn màng của cô bé lạc rừng khi xưa giành cho anh? Sự mặc cảm đầy lý lẽ trong Cảnh chợt lóe lên, Cảnh lần tìm bàn tay của Hạnh gỡ ra nhưng không thể. Mặt đất như chao đảo, trời như sầm sập mưa. Cảnh chới với chếnh choáng như mơ như thực. Căn nhà vắng của miền sơn cước ngày nào bỗng nhiên tràn ngập những âm thanh huyền diệu. Là những tiếng gọi tên nhau miên man dập dồn! Và hơn tất thảy những thứ âm thanh huyền diệu ấy, có một âm thanh không cất lên thành lời nhưng cứ ngân vang trong lòng hai người đang quấn quýt nhau: Hãy là bờ vai tựa, là bến đỗ bình yên cho nhau hết cuộc đời này.

Trần Cảnh Yên

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 5/Bộ Mới/2020)