Tôi được phân công làm trưởng đoàn nhà văn tỉnh Nghệ An đi thực tế vùng Tây Bắc. Kinh phí eo hẹp nên chuyện ăn nghỉ trưởng đoàn phải tính toán rất chi li, chặt chẽ. Theo kinh nghiệm của anh bạn trẻ đã đi nhiều vùng này thì chúng tôi nên nghỉ ngơi ở các homestay. Ở đấy cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà giá chỉ bằng một phần ba nhà nghỉ, hoặc khách sạn. Hơn nữa, cái ăn lại rẻ, những thứ đặc sản như xôi bảy màu, lợn đen nướng, măng đắng chấm chẻo chỉ ngang một suất cơm bụi dưới xuôi.

Điểm đầu tiên đoàn dừng chân là homestay Suối Mơ trên cao nguyên Xuyên Mộc, nơi được coi là “Đà Lạt của Tây Bắc”. Chúng tôi ở đối diện suối ánh bạc long lanh dưới ánh mặt trời. Các phòng ngủ ở đây được lát sàn gỗ, trong phòng đầy đủ tiện nghi. Mỗi dãy có từ năm đến bảy giường, đa phần anh em thấy thoải mái.

Niềm vui đang rực cháy trong lòng nhưng tôi vẫn phải sang Ủy ban huyện lỡ mình có thất thố gì với phong tục địa phương.

Trời vừa tang tảng sáng, sương mù đang như khói um, còn quá sớm nên Ủy ban vẫn chưa ai đến làm việc. Đứng đợi một lúc thấy có người xách cặp lên tầng hai, tôi vội chạy theo và trình bày lý do, người đó bảo:

– Mời anh vào phòng tôi uống nước đã.

Tôi ngước lên cánh cửa thấy biển “Chủ tịch Nông Văn Đợi”. Ôi thì ra là Chủ tịch huyện! Thấy anh chân tình, giản dị, tôi trình giấy tờ, nói chương trình của đoàn. Anh ân cần nhìn tôi:

– Quê nhà văn Hồ Sỹ Quân ở Làng Quỳnh, Quỳnh Lưu à? Mấy khi các nhà văn ở Nghệ An ra đây giúp tuyên truyền, quảng bá cho huyện rẻo cao hẻo lánh này, văn phòng sẽ bố trí các anh chị phòng khách vip, ăn ở xe cộ, người hướng dẫn. Bây giờ giờ tôi có cuộc họp bên Huyện ủy, hẹn anh ngày mai ta sẽ hàn huyên với nhau.

Chúng tôi đành theo sự sắp xếp của văn phòng. Cô gái Thái tên Luyện, áo cóm, váy đen và chiếc khăn piêu thật xinh là người đưa chúng tôi đi.

– “Thưa các bác, các anh chị”, Luyện nói, “từ hôm nay em được lệnh của Chủ tịch huyện đưa đoàn Nghệ An đi thực tế vùng Tây Bắc. Em xin giới thiệu qua các điểm du lịch quê em, trên đường đi em sẽ giới thiệu thêm trang phục, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc sinh sống ở đây”.

Nghe Luyện diễn thuyết, tôi cứ nghĩ mông lung, không biết sao Chủ tịch Đợi lại quan tâm đến chúng tôi quá mức như thế này và tại sao sáng nay lại cứ xem đi xem lại chứng minh nhân dân của tôi? Ảnh, quê quán, ngày tháng năm sinh có gì lạ ư? Khi Luyện đang nghỉ giải lao, tôi đứng lên hỏi:

– Chủ tịch huyện ta quê ở đâu em?

– Dạ Chủ tịch Nông Văn Đợi là người dân tộc Tày ở bản Coon, cách trung tâm huyện hai mươi km. Anh ấy là kĩ sư, giỏi lắm, được mọi người rất yêu thương và kính trọng, sắp tới sẽ sang làm Bí thư Huyện ủy đấy anh ạ.

Trưa đoàn trở về huyện đã thấy vợ chồng Chủ tịch chờ sẵn. Anh chào hỏi từng người và chiều hôm đó anh mời đoàn về bản Coon xem sinh hoạt văn hóa, liên hoan ẩm thực theo phong tục người Tày.

Đúng là nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống từ phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi đến các món đặc sản như gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố, các loại rau rừng, măng rừng, canh bon, rêu suối,… cái gì cũng lạ cái gì cũng mới. Rồi Đợi kéo cả đoàn lên xe về nhà anh.

Ngồi trên xe, anh tâm sự: Bố mẹ tôi đều là người dân tộc Tày ở bản này, bố mất sớm khi mẹ mới 24 tuổi, mẹ ở vậy nuôi con. Bà là cán bộ ngành Y, hiện nay vẫn đang bốc thuốc chữa bệnh cho dân bản. Đã bao lần chúng tôi mời cụ xuống thị trấn nhưng cụ không chịu, cụ còn tuyên bố không bao giờ đi khỏi bản Coon này.

Xuống một con dốc dài khúc khuỷu, hoang vu, xe đi chậm lại. Phía sau thung lũng nhấp nhô khoảng 20 đến 30 nhà sàn lợp lá cọ xinh xắn, quây quần, dựa lưng vào sườn núi trùng điệp. Xe dừng lại ở ngôi nhà sàn to rộng đầu bản, anh Đợi nói to:

– Mẹ ơi nhà ta có khách quý đến chơi này.

Trong nhà có bốn năm người đang nói chuyện, nghe tiếng anh Đợi, một cụ bà rất phúc hậu mặc bộ quần áo đen, da trắng, tóc bạc dài bồng bềnh như mây, nhanh nhẹn xuống cầu thang:

– Chào các anh, mời các anh lên nhà, tôi đang dở tay bốc thuốc cho bà con trong bản.

Tôi đỡ lời bà:

– Thưa bác, chúng cháu ở Nghệ An ra công tác ngoài này, là người quen của anh Đợi, muốn được đến thăm nhà và chúc sức khỏe bác ạ.

Bà cụ hơi ngạc nhiên, chăm chú nhìn tôi rồi cụ tiếp tục đến bốc thuốc cho mấy người đang ngồi chờ. Anh Đợi lên, lấy quả bầu đựng rượu ở góc nhà rót ra các bát, mời mẹ và mời chúng tôi:

– Khách quý đã lên nhà thì phải uống rượu. Đây là phong tục của chúng tôi, mong các bác cạn chén, mời mẹ và các mế cùng cạn chén với khách quý ạ!

Nói rồi anh uống hết bát, chúng tôi nhấp môi mãi rồi cũng hết. Ngồi nói chuyện một lúc, tôi đưa túi quà đến bên cụ nói:

– Thưa bác, hôm nay chúng cháu đến thăm sức khỏe của bác không có gì, đoàn nhà văn chỉ có sách, xin tặng bác mấy cuốn viết về Nghệ An, bó hương trầm cũng của quê hương và hoa quả ạ.

Cụ cảm ơn, đỡ lấy gói quà, lấy chiếc phong bì ra và nói:

– Tôi xin nhận quà nhưng phong bì thì gửi lại.

Nói rồi cụ ngồi im, chăm chú nhìn chúng tôi từng người một như tìm kiếm điều gì. Trời về khuya, chúng tôi xin phép ra về, cụ tiễn ra đến hết cầu thang rồi vào nhà ngay, thật khó hiểu.

Mấy ngày sau, Chủ tịch Nông Văn Đợi gọi tôi:

– Anh đang ở đâu đấy, tối nay anh về bản em được không? Mẹ em rất muốn gặp anh, chỉ mình anh thôi, năm giờ chiều nay em đến đón anh nhé!

Gặp vợ chồng anh đến đón, tôi hỏi có việc gì không anh, anh bảo:

– Vợ chồng em cũng hồi hộp lắm không biết đã xảy ra chuyện gì, chỉ thấy mẹ điện thoại khẩn khoản bảo em cố gắng mời anh về cho mẹ gặp và ăn với mẹ bữa cơm. Em thấy lạ, chưa bao giờ mẹ em như thế này, nên rất lo.

Anh cho xe đi rất nhanh, về đến đầu bản Coon đã thấy cụ đứng đợi sẵn, vẫn quần áo đen dân tộc, giày vải, khăn đội đầu, nhanh nhẹn như con gái. Mọi người xuống xe chào cụ, cụ đến gần nói nhỏ với vợ anh Đợi:

– Hai vợ chồng về làm thịt gà để đãi khách quý nhé, gà mẹ đã nhốt sẵn dưới chân cầu thang, mẹ cùng anh Quân đi chơi nói chuyện, tí về ăn cơm.

Nói rồi cụ chỉ cho tôi đi về phía con suối đang chảy róc rách, bảo ngồi xuống hòn đá to phẳng bên bờ, cụ ngồi đối diện nhìn tôi trìu mến nói:

– Mấy ngày nay tôi đã đọc xong mấy cuốn sách của nhà văn tặng, hay quá, giá trị lắm, nhất là hai cuốn “Làng tôi làng Quỳnh” và “Chuyện của làng”. Nó gợi cho tôi những kỷ niệm tuổi thơ; những năm tháng tươi đẹp của tuổi trẻ, của làng quê cuồn cuộn như nước lũ tràn về đã biến tôi thành một con người khác, không ăn, không ngủ được suốt mấy ngày nay. Này nhà văn, câu chuyện “Chuyện nhà chú tôi” anh đã kể thật bao nhiêu phần trăm?

– Dạ chuyện thật trăm phần trăm của chú ruột cháu đấy, cụ thấy sao ạ?

Cụ im lặng, một dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt trắng trẻo phúc hậu, tôi chột dạ, càng không hiểu sao nữa.

Tôi vẫn nhớ như in bài ký về người chú đặc biệt của mình. Chú tôi là bộ đội ở chiến trường miền Nam, có một người vợ rất xinh đẹp, đẹp như hoa hậu của làng và là y sỹ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã. Cưới nhau đã lâu chú mợ vẫn chưa có con. Vì tình hình khẩn cấp, năm 1973, cấp trên điều chú đi học ngành Hạt nhân nguyên tử ở Liên Xô, trước khi đi cũng không về nhà được. Trong thời gian này, mự lại có con. Vì không chịu được búa rìu dư luận và sự thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí xúc phạm của chú qua những lá thư nên khi con được hai tuổi, mự đưa con đi biệt xứ. Chú về nước, tập trung nghiên cứu chuyên môn, một thời gian dài không về quê và cũng không lấy vợ khác.

Ngày bố tôi ốm nặng chú tranh thủ về chăm sóc, thỉnh thoảng tạt qua ngôi nhà của vợ chồng chú trước đây. Tình cờ trong rương gỗ đựng toàn bộ thư từ và đồ kỷ niệm của vợ chồng, chú thấy gói nhỏ bọc ni-lông rất cẩn thận, trong đó có ảnh hai mẹ con. Cu con trai hai tuổi giống chú như đúc, từ đôi mắt tròn xếch, miệng rộng đến cái bớt nhỏ ở thái dương. Ở dưới là mấy dòng viết vội: “Em nghe lời anh, hy sinh cho anh tất cả, để bây giờ mẹ con em sống còn khổ hơn chết! Mẹ con em đi đây, vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt ngôi làng thân yêu!”

Chú vội vàng gấp mảnh giấy và chiếc ảnh bỏ vào túi áo trên cài cúc cẩn thận, chạy sang dựng bố tôi dậy nói lắp bắp vội vàng:

– Anh! Anh! Hồi đó, cả nhà ta và cả cái làng này nói vợ em ngoại tình, chửa hoang, anh và dân làng có trông thấy hay bắt được lần nào không?

Bố tôi rất ngạc nhiên trước sự gay gắt vô lý của chú, mặc dầu rất mệt nhưng cũng cố ngồi dậy trả lời:

– Thực ra bắt được mự Thảo trai trên gái dưới thì không và việc hôm nay đi với người này mai đi với người khác ở nơi bóng tối như người ta đồn đại, cũng chưa ai bắt gặp, tất cả chỉ là dư luận. Nhưng hai điều sau đây thì mự không cãi vào đâu được. Một là vào đêm tháng 9 năm 1972, cái đêm mà bom Mỹ bỏ trúng đám cưới làm chết hơn 50 người chú nhớ không? Khi pháo sáng rải khắp cả vùng này, đêm mà sáng hơn ban ngày, vào lúc hai giờ sáng nhiều người trong làng thấy có một thanh niên vội vàng lao từ trong nhà mự Thảo ra, vừa đi vừa chạy; thằng chắt Bện chạy theo thì nghe nói người đó lên phía đường quan, vậy là người làng khác. Thứ hai là đứa con trai ra đời sau đó, mự còn già mồm nói con của vợ chồng tôi, lúc đó chú đang ở chiến trường Quảng Trị, mấy đứa đàn bà trong xóm lấy ngày sinh của thằng bé trừ đi chín tháng mười ngày đúng ngày bom bỏ vào đám cưới làng bên, cái đêm pháo sáng rực trời, là cái đêm thằng mất dạy đó chạy trong nhà chú ra lúc 2 giờ sáng. Đó là ngày 30 tháng 9 năm 1972, ngày giỗ làng bên. Chú nói chồng đi bộ đội vợ ở nhà chửa hoang, lại ngoan cố không khai ra, bị khai trừ ra khỏi Đảng. Mọi người biên thư khuyên chú bỏ con đàn bà lăng loàn, bỉ ổi đó là đúng hay sai?

Chú tôi rên lên một tiếng:

– Anh giết em rồi, cả cái làng này giết vợ chồng em rồi.

Chú ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ trước sự ngạc nhiên của bố tôi và tất cả mọi người, không ai hiểu đầu đuôi tai nheo ra sao cả. Một tháng sau thì bố tôi mất mang theo cả nỗi băn khoăn, trăn trở của một người anh sang thế giới bên kia.

Chú ra đơn vị xin về hưu trước tuổi với hàm thượng tá, phó tiến sỹ, rồi sửa lại ngôi nhà cũ sau bao năm bỏ hoang để sống một mình và lên kế hoạch hành trình đi tìm vợ con.

Minh họa: Đình Truyền

Hai năm lặn lội ra vào ở đất phương Nam, bao nhiêu chuyện ly kỳ, nguy hiểm rình rập, hy vọng, thất vọng, và sự sống chết cách nhau gang tấc được tôi đặc tả trong bài ký rất chân thật công phu và kỳ thú. Chú đi hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, không chỗ nào là không đặt chân đến, đi cho rạc cả người, đen thui như cò hương. Mỗi lần về tiếp tế là chú gầy thêm một tý, cuối cùng còn da bọc xương, cả làng cả họ ai cũng thương và khuyên chú ở nhà dưỡng sức, nhưng chú quyết đi một chuyến ra vùng Tây Bắc, Đông Bắc một tháng, rồi hai tháng cũng vô vọng. Chú về sống trong nỗi cô đơn chán chường, khi nào cũng như người mộng du, tâm thần, vừa đi vừa cười, tay bắt chuồn chuồn, miệng luôn lầm bầm: “Tha cho anh, tha cho anh”. Trẻ con trong làng đều gọi chú là ông Tiến sỹ tha-cho-anh. Ba mươi Tết năm đó chú chết, đầu gục trên bàn, tay còn cầm chặt bức ảnh và mấy dòng vĩnh biệt của mự Thảo…

Có lẽ không thể kiềm chế lâu hơn được nữa, bà đứng dậy tay run run, đặt lên vai tôi nói lắp bắp, tiếng làng Quỳnh đặc sệt:

– Cháu ơi, mự đây, mự Thảo vợ chú Kiềm của cháu đây, mự định quên hết quê hương bản quán, họ hàng, không bao giờ về ngôi làng thân yêu với những con người bội bạc ấy nữa. Nhưng khi đọc truyện của cháu, mự quyết định gặp cháu, nói ra tất cả sự thực mà mự đã chôn chặt trong lòng suốt 50 năm qua, và mự sẽ về tạ lỗi với tiên tổ…

Qua lời kể chắp vá, lộn xộn ngắt quãng của mự Thảo, xâu chuỗi lại tôi hiểu được một cuộc đời đầy uẩn trắc, ngập tràn thương đau của gia đình chú mự.

Năm 1968, làng Quỳnh có hai đoàn viên thanh niên trai tài gái sắc là Hồ Sỹ Kiềm và Hoàng Phương Thảo học một lớp, ở cùng một xóm. Họ yêu nhau tha thiết và được cả hai gia đình, chi đoàn thanh niên, bạn bè cùng trang lứa vun vào, cổ vũ. Tốt nghiệp phổ thông, có giấy báo đi đại học nước ngoài nhưng Kiềm lại xung phong đi bộ đôi, Thảo đi học trung cấp y Nghệ An.

Trước khi lên đường, địa phương và gia đình tổ chức lễ cưới cho đôi uyên ương này. Vì gia đình đông người nên bố mẹ hai bên làm cho đôi vợ chồng son ngôi nhà lim ba gian xinh xắn ngay cạnh nhà bố mẹ chồng. Cưới nhau được mấy tháng, anh Kiềm lên đường vào mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa. Cô thôn nữ Hoàng Phương Thảo sau hai năm học xong y sỹ về làm Trạm trưởng y tế xã.

Tất cả thời gian cô dành cho chuyên môn và các hoạt động xã hội. Đêm khuya, dù mưa lạnh đến đâu, khi có bệnh nhân cô đều xách túi cứu thương, cầm đèn bão ra đi. Khi rỗi việc, cô ra đồng cùng chi đoàn thanh niên làm bèo hoa dâu, ủ thóc giống, làm phân xanh, hầu như cô không có thời gian nghỉ để xua đi nỗi nhớ chồng ngoài mặt trận. Cô được bầu là thanh niên ba sẵn sàng, rồi chiến sỹ thi đua, được đi báo cáo điển hình ở huyện, ở tỉnh, và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới tuổi đôi mươi..

Vợ chồng xa nhau được bốn năm, mỗi năm được ba bốn lá thư, trong thư anh tả nỗi nhớ vợ cồn cào, da diết, nhớ mãi nụ hôn và hơi ấm tuần trăng mật… Ban ngày làm công tác chuyên môn rồi hoạt động xã hội giúp cô nguôi ngoai sự nhớ nhung, nhưng ban đêm, ở một mình, nỗi nhớ thương, thèm muốn da diết quá! Nhiều đêm tưởng chừng không vượt qua được, xay hết lúa, giã hết gạo rồi cô lại bỏ trấu vào xay đến một hai giờ sáng cho quên đi. Nếu như anh Kiềm đi để lại cho cô một đứa con chắc không khổ sở như thế này…

Thế rồi sự mong mỏi, hy sinh đã được đền đáp. Tháng 8 năm 1972, trong trận đánh nhau ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị ta đã bắt được tên đại tá cố vấn Mỹ, bốn chiến sỹ được lệnh khẩn cấp giải tên cố vấn ra Hà Nội bằng xe com-măng-ca ngụy trang rất kín, ngày đi, đêm đi, tuyệt đối không được nghỉ. Ngoài lí do tên đại tá cần phải có mặt tại Bộ Quốc phòng càng sớm càng tốt để ta khai thác tài liệu gì đó, rất quan trọng cho trận đánh sắp tới, còn có việc chú được cử đi học khẩn cấp ở Liên Xô.

Thế nhưng, qua khỏi phà Bến Thủy, mấy anh em cùng đi biết hoàn cảnh chú Kiềm, ở chiến trường đã bốn năm, sắp sửa đi Liên Xô thêm bốn năm nữa, lại biết từ thị trấn Cầu Giát trên đường quốc lộ 1A về làng Quỳnh chỉ vài cây số, nên chiếu cố cho anh tạt qua nhà một tý gặp vợ, may ra có con nối dõi. Vấn đề là phải giữ bí mật, lộ ra sẽ bị đòn ra bã. Tóm lại, cả đi lẫn về trong vòng hai tiếng đồng hồ. Anh Kiềm thề như đinh đóng cột. Anh xuống xe là chạy bộ một mạch đến nhà.

Kiềm về nhà trong cảnh vắng lặng, trời tối thui như mực. Thì ra vợ đang giã gạo, ở gian nhà ngang. Anh thấy vợ ngồi trầm ngâm bên bóng đèn Hoa Kỳ sáng như hạt đỗ. Anh sờ tay vào cối gạo thấy trấu đã thành cám, anh hiểu rồi… Anh ôm chầm lấy vợ, nước mắt chảy dài. Bao nhiêu yêu thương, nhớ nhung của đôi vợ chồng trẻ quyện vào nhau. Họ chỉ kêu lên được hai từ anh…, em… và tan ra trong nhau, trong niềm hạnh phúc đê mê.

Bỗng tiếng máy bay gào thét, tiếng đùng đoàng lẹt đẹt, pháo sáng rực trời, ban đêm mà trời còn sáng hơn ban ngày, vợ chồng trẻ đang sung sướng hạnh phúc bên nhau, bỗng hàng loạt tiếng bom nổ như thảm sát cả vùng này. Kiềm bừng tỉnh:

– Thôi chết rồi em ơi, bọn anh đang áp tải một tên cố vấn Mỹ, xe và đồng đội anh đang ở trên đường quốc lộ, lộ rồi, nguy rồi. Em nhớ không để lộ ra đêm nay anh về đây đâu nhé, nếu đơn vị biết được là bốn đồng đội và anh phải ra tòa án binh đấy, có khi phải tử hình cũng nên.

 Nói rồi anh ôm vợ hôn tới tấp lần cuối và phóng ra cửa, bất chấp nguy hiểm phi thẳng ra đường, may mà xe, người và tên đại tá cố vấn Mỹ vẫn an toàn.

Chiều tối hôm sau các anh đã có mặt ở Hà Nội, bàn giao nguyên vẹn tên đại tá cố vấn cho Trung ương, và anh khẩn trương chuẩn bị lên đường sang Liên Xô học tập.

Nhưng tai họa lại ập đến ngôi nhà nhỏ của anh ở làng Quỳnh. Sáng hôm sau, làng Quỳnh đất trời như có bão lớn, xôn xao bàn tán hai sự kiện xảy ra. Một là máy bay Mỹ đã bỏ bom trúng vào đám cưới làm chết gần năm mươi người ở làng bên. Hai là thần tượng của làng, cô y sỹ Trạm trưởng, chiến sỹ thi đua, người vợ chiến sỹ đảm đang Hoàng Phương Thảo đã lén lút đưa trai vào “ngủ lang” trong nhà. Cái chứng cứ của chuyện tày trời sau là nhờ pháo sáng, đến con kiến cũng thấy, nên nhiều người nhận ra bóng một anh chàng cao to vượt qua cửa phụ ra cánh đồng, chạy theo đường lớn. Người thì đoán anh này ở trên huyện, thường về làng chỉ đạo xã làm thủy lợi, có người lại quả quyết nói ông này là bác sỹ bệnh viện huyện, còn đám thanh niên thì phán như đinh đóng cột rằng tay này ở Huyện đoàn, vì nó cao trên mét bảy. Chỉ trong một ngày mà tiếng đồn thổi đã bay khắp xã, Thảo không dám ra đường, bố mẹ hai bên không dám đến nhà ai.

Bao đêm, Thảo trằn trọc không ngủ được, mặc dầu anh Kiềm đã sang Liên Xô, thường xuyên gửi thư về động viên vợ hãy cố gắng lên, chồng hiểu tấm lòng và sự thủy chung hy sinh của vợ là được, mọi chuyện nói sẽ qua nhanh thôi mà. “Quan trọng là em giữ được bí mật, đó là sinh mạng chính trị của anh và đồng đội. Anh còn nghi ngờ hôm đó thằng cố vấn Mỹ đã phát tín hiệu nên máy bay rải pháo sáng cả vùng để tìm kiếm người của nó, may mà người và xe của anh vẫn an toàn. Đúng là nguy hiểm thật! Vì mình, vì tình yêu, anh đã bất chấp tất cả, bây giờ có chết em cũng phải bảo vệ anh đến cùng”.

Đến tháng thứ ba thì bụng Thảo đã lùm lùm, cô ngập tràn hạnh phúc mà chỉ biết chia sẻ với chồng. Anh Kiềm cũng mừng lắm, khuyên cô giữ gìn sức khỏe, cố gắng bồi dưỡng để mẹ tròn con vuông. Nhưng búa rìu dư luận bắt đầu bổ vào cô, khốc liệt và tàn nhẫn. Đầu tiên là gia đình nhà anh Kiềm từ mặt con dâu, mặc dầu anh Kiềm đã viết thư về động viên nói gần nói xa là cháu của ông bà, có điều không ai tin cả. Thảo nói nhỏ anh Kiềm có về tạt qua thì ông lung loàn lên:

– Mày đừng bốc lửa bỏ tay người. Nếu con tao về chả nhẽ nó không thăm người sinh thành ra nó. Mày còn già mồm thì ông viết thư hỏi thủ trưởng đơn vị nó. Trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch. Tao gửi trăm lá thư theo hòm thư đó thế nào thủ trưởng nó cũng bắt được. Thế là rõ trắng rõ đen ngay thôi mà. Làm đĩ, ả nào chả già mồm.

Nghe bố chồng dọa thế, Thảo đành ôm nỗi oan trái trong lòng, im như thóc.

Đứa con trai kháu khỉnh ra đời, lại những đòn trời giáng mạnh vào cuộc đời non trẻ cô đơn của cô. Đầu tiên là những kẻ hiếu kỳ đến xem mặt thằng bé, người thì bảo giống cán bộ này, người thì bảo giống lãnh đạo kia, có cô ế chồng trong trạm xá thì chắc chắn giống ông bác sỹ, phó giám đốc bệnh viện như tạc… Mặc, Thảo vẫn thấy hạnh phúc tràn đầy, suốt ngày bên con và viết thư cho chồng, anh Kiềm cũng thư về tới tấp động viên vợ cố vượt qua, và đặt tên con là Đợi, Hồ Sỹ Đợi. Ý anh đấy là sự mong đợi và có ý đợi ngày giải oan, đợi ngày đoàn tụ, đợi ngày nói ra hoàn toàn sự thật và đợi ngày vợ chồng ngập tràn hạnh phúc, thế nhưng chưa biết đợi đến bao giờ.

Chi bộ họp kiểm điểm, bắt cô phải khai ra bố đứa trẻ là ai để kỷ luật luôn thằng cha mất dạy vi phạm chính sách hậu phương quân đội, dám tằng tịu với vợ bộ đội. Là đảng viên thì không thể chửa hoang được.

Cô chỉ nói được một câu:

– Đảng hãy tin ở tôi, nó là con của chồng tôi.

Đảng viên trong chi bộ ai tin cô được, ông Bí thư chi bộ còn dõng dạc:

– Nếu cô nói con của chồng cô thì cô hãy cho chi bộ biết chồng cô về ngày tháng năm nào, để chi bộ gửi công văn vào đơn vị hỏi cụ thể xem đơn vị có cho anh Kiềm về quê ngày đó không?

Nghe nói đến điều tra ngày về của chồng, cô sợ anh Kiềm bị tước quân tịch nên không dám nói gì thêm. Sau một buổi đấu tố, xỉ vả, răn đe, giáo dục, cảm hóa, cuối cùng cô bị chi bộ quyết nghị khai trừ ra khỏi Đảng vì tội hủ hóa và ngoan cố không khai ra bố thằng bé, làm mất danh dự của tổ chức.

Trong những ngày này Thảo buồn chán lắm, không muốn tiếp xúc, không muốn ra đường, mẹ con ru rú trong nhà. Cô chỉ tập trung vào chuyên môn, ngày ra trạm xá làm việc hết mình, thời gian còn lại tập trung nghiên cứu tài liệu và đi học thêm trên tỉnh về chuyên môn thuốc Nam, thuốc Bắc, kê đơn bốc thuốc ở nhà để kiếm thêm tiền nuôi con. Kiến thức về y học cổ truyền kết hợp với Tây y của cô được phát huy và có hiệu quả thực sự, nhiều ca bệnh nan y được cô giải quyết bằng thuốc Nam. Tiếng lành đồn xa, không những bệnh nhân trong xã mà bệnh nhân ngoài xã cũng đến rất đông.

 Với lời xì xầm của thiên hạ thì Thảo đã lì đòn, nhưng với bố mẹ chồng thì Thảo thấy sợ và khó vượt qua sự khinh thường, ghẻ lạnh. Hai bố mẹ chồng đã quyết bỏ đứa con dâu lăng loàn và chọn cô Lành xóm trên để kế thế. Cô Lành béo như khúc giò nạc. Tóc dài đến khoeo chân. Ngữ ấy thì vượng phu ích tử. Cô ta lại dễ tính, đồng ý cưới ngay, không cần chú rể ở nhà. Chả là cô sợ đợt tuyển dân công hỏa tuyến, xe ghé đít, chở đi ngay.

Chính lúc này vì ghen ăn tức ở, dư luận lại bùng lên nói xấu cô, nào là không biết ăn năn hối lỗi, không chịu tu dưỡng đạo đức, tự kiêu tự phụ sống một mình không cần quan tâm đến ai. Thư của gia đình nhà chồng tới tấp gửi sang cho anh Kiềm kể tội Thảo, nào là người đàn bà lăng loàn, sống bất chấp dư luận không coi ai ra gì, mấy năm nay không thèm sang nhà chồng, giỗ chạp cũng bất cần, đứa con trai càng lớn càng giống cái ông trên huyện, nào là lấy lý do chữa bệnh, đi đêm đi hôm, người vô, người ra trong nhà tấp nập, bây giờ nhiều tiền lắm, áo quần lượt là, béo trắng đẹp ra, mắt khi nào cũng lúng liếng, và đề nghị anh nên có thái độ dứt khoát với với con “dâm phụ” này.

Anh Kiềm bắt đầu dao động, mấy lá thư đầu gửi về còn nói xa nói gần lo lắng khuyên bảo, sau thấy mấy bố mẹ, mụ o và mấy cô bạn biên thư sang kể cụ thể về Thảo, anh bắt đầu ghen và nặng lời với vợ.

Thảo cũng không vừa vì cô đã mất tất cả vì chồng, hy sinh cho chồng để hứng lấy búa rìu dư luận. Cả làng nói xấu cô, xa lánh cô, cô chịu được; gia đình nhà chồng ruồng bỏ, cô chịu được; tổ chức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, cô cũng chịu được. Nhưng chồng nặng lời, nghi ngờ, xúc phạm là không thể chấp nhận được. Những bức thư sau anh viết cho cô bắt đầu dao động, nghi ngờ: “Anh biết em đã hy sinh cho anh rất nhiều, nhưng không phải hy sinh đó mà giờ đây em muốn làm gì cũng được. Anh nghe gia đình và bạn bè biên thư sang kể nhiều chuyện quá, họ nói thằng Đợi giống người nào trên huyện và đang lo em sẽ có đứa con thứ hai, em cố giữ gìn đừng để xảy ra chuyện gì nữa…”

Tiếp những thư sau vẫn giọng điệu như thế. Ngay thằng cu Đợi anh cũng nghi ngờ thì không có gì để nói nữa. Niềm tin cuối cùng như chiếc phao cứu sinh để cô làm điểm tựa, bấu víu, hy vọng, vượt qua mọi gian truân khổ đau bây giờ đang mục nát, trôi dần khỏi mẹ con cô. Như giọt nước tràn ly, Thảo không chịu được nữa, quyết bỏ nhà, bỏ làng ra đi không bao giờ quay về, không liên quan, vương vấn gì đến quê hương, bản quán, họ tộc.

Cô chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như lý lịch cán bộ, bằng tốt nghiệp y sỹ, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn, một cơ số thuốc Tây, thuốc Nam cùng các dụng cụ như nhiệt kế, máy đo huyết áp và lương thực thực phẩm, quần áo tư trang bỏ vào ba lô quân đội.

Chờ đến khuya mẹ con bồng bế nhau đi thẳng lên ga Cầu Giát, chui vào một toa goong chở hàng, nghĩ bụng nếu tàu đi ra thì đi ra nếu đi vô thì đi vô, phó mặc cho số trời định đoạt, đi đâu cũng được, miễn là đi khỏi cái làng Quỳnh này.

Sau hai đêm, một ngày, nằm lăn lóc, Thảo ôm con ngồi khóc không một tý chợp mắt. Tàu dừng lại rất lâu, mẹ con đành ôm nhau xuống đường nhìn lên thấy chữ “Ga Văn Điển”. À là tàu ra Bắc, sắp tới Hà Nội. Thảo không vào ga Hàng Cỏ mà quyết đi lên tỉnh nào đó vùng Tây Bắc xa xôi và ít người. Đang chần chừ thì có xe hồng thập tự của quân đội đi qua. Thảo vẫy tay, trình bày mẹ con đi thăm bố là bộ đội đang đóng quân ở Tây Bắc, các anh mời lên xe ngay. Sau một ngày lắc lư, xe đến cao nguyên Xuyên Mộc, xe phải rẽ vào đơn vị Sư 316, mẹ con Thảo đành xuống ngã ba dọc đường. Giữa núi rừng trùng điệp hoang vu đó, mẹ con Thảo không biết vào nhà ai xin ngủ nhờ, định đến cái quán nước dọc đường quây bao tải ngủ qua đêm.

Đang nghĩ vẩn vơ không biết đi, về đâu thì bỗng thấy phía trước một chiếc xe ngựa đi đến, trên xe là một thiếu phụ, mặc quần áo dân tộc thiểu số, người cao to. Xe ngựa dừng lại trước quán sửa dây cương, kiểm tra bánh xe và làm những gì lích kích chừng tiếng đồng hồ, Thảo mon men đến làm quen thiếu phụ. Chị ta nói tiếng Kinh đơ đớ:

– Hai mẹ con mày đi đâu đây?

Tự nhiên không suy nghĩ, Thảo nói ngay:

– Đi tìm đơn vị chồng, anh ấy đang ốm nằm trạm xá nhưng ra đây tờ giấy ghi địa chỉ không thấy nữa, rứa là lạc đường.

Người đàn bà nhìn Thảo một lúc từ đầu xuống chân, rồi lại hỏi:

– Mày có giấy tờ gì không?

– Có ạ.

Nói rồi Thảo mở ba lô, lần lượt giở ra ống nghe, máy đo huyết áp, thuốc thang. Người đàn bà cầm từng loại giấy tờ đọc chậm kỹ rồi hỏi thêm:

– Mày là bác sỹ chữa bệnh à?

Thảo gật đầu.

– Giàng ơi, giàng giúp con rồi!, chị ta kêu to khiến Thảo thấy lạ.

Thì ra chị ta đang tìm thầy thuốc chữa bệnh cho đứa con ở nhà. Chị đỡ mẹ con Thảo lên xe rồi giục gã xà ích ra roi thúc ngựa phi nước đại về nhà.

Ngồi trên xe, chị giới thiệu:

– Ta là Tòng Thị Thuận, người Tày, trưởng bản Coon. Chồng ta mất đã hai năm rồi cũng vì sốt rét. Hiện bản ta đang bị con ma dịch tả, con ma sốt rét hắn hoành hành. Cả bản có hai nhăm nóc nhà mà có đến mười người chết rồi à.

Thảo hỏi, sao không đi bệnh viện điều trị ạ?

Chị Thuận đáp:

– Giàng ơi! Từ bản ta đến huyện xa lắm. Cả xã rộng, con ngựa đi một ngày mỏi chân mà không có thầy thuốc cắm bản đâu đấy. Hôm nay ta đi mời thầy lang bản Côi mà ông ta đi vắng. Mày biết làm thuốc thì mẹ con ở hẳn bản ta làm anh em đi.

Tối đó, mẹ con Thảo ở nhà chị Thuận chữa trị cho đứa con trai chừng mười tuổi bị bệnh tả, người cứ nhèo nhẽo như con mèo hen. Thảo tiêm thuốc rồi ra vườn lấy đọt ổi, đọt sim cho uống. Sau đó, Thảo hướng dẫn cho ăn cháo loãng và bù mất nước. Ba ngày sau thì thằng bé ngồi dậy, đòi ăn cơm.

Thảo cũng đi đến những nhà xung quanh khám chữa bệnh cho bà con. Người này đồn người kia, cái sân nhà chị Thuận lúc nào cũng người tới xem bệnh đông nghìn nghịt. Người ta trả tiền Thảo không lấy, nhưng chị Thuận lấy hộ. Chị nói người ta cần phải phòng thân, mày đã có nhà trú mưa đâu. Có ngày chị đưa Thảo vài chục ngàn đồng. Còn gà, vịt ngan ngỗng nhốt đầy chuồng. Khoai từ, khoai vạc chất thành đống.

Vì công việc, vì niềm tin và tình cảm của bà con trong bản, Thảo đã lấy lại niềm vui thực sự, nhưng nhiều lúc nghĩ về những chuyện cũ ở quê chị lại quặn buồn. Nhiều hôm, chị Thuận bắt gặp Thảo ôm con khóc thút thít cả đêm, chị Thuận đã lựa thời cơ tâm sự, tìm hiểu xem nỗi lòng của Thảo có gì uẩn khúc.

Vì xem chị Thuận là người tin tưởng nhất, Thảo đã kể tất cả. Chị Thuận ôm lấy Thảo nói trong nước mắt:

– Tao không ngờ một người đàn bà xinh đẹp, giỏi giang, sống đầy tình người như mày mà khổ. Thôi thì hy sinh cho chồng thế cũng được. Mày là người phụ nữ mà tao ít thấy. Từ nay mày là em gái của tao. Tao cũng ở tít từ bản Sùng Phiêu dạt về đây. Dân ở đây tốt lắm. Đất lành chim đậu mà. Tao sẽ vận động bản cho gỗ, cho tre làm nhà sàn rồi trả công cho họ bằng chữa bệnh cho dân bản. Thằng Đợi nhà mày trông kháu khỉnh ngoan ngoãn đấy, nó sẽ học giỏi cho mà xem. Sắp tới đi học, tao làm giấy khai sinh cho nó là họ Nông, có được không?

Nói rồi tháng sau, chị đưa về cho mẹ con Thảo cuốn sổ hộ khẩu có tên thằng bé là Nông Văn Đợi, cha là Nông Văn Kiềm, mẹ Tòng Thị Thảo, tất cả đều dân tộc Tày, nguyên quán bản Coon, xã Mường La.

Chị Thuận giới thiệu với mọi người Thảo là người nhà của chị ở bản Sùng Phiêu về, lại thấy Thảo nhiệt tình, có trách nhiệm với mọi người, chữa bệnh giỏi nên chẳng những người trong bản Coon quý mến mà xã Mường La cũng coi Thảo như người thân. Thảo thực sự sống yên vui, quyết tâm cho con học đến nơi đến chốn. Đó là điều mong muốn duy nhất của Thảo.

Già làng, cùng trưởng bản Tòng Thị Thuận bàn với dân bản làm cho mẹ con Thảo một ngôi nhà sàn vừa để ở, vừa làm cơ sở khám chữa bệnh cho bản. Ngôi nhà sàn có diện tích lớn, sử dụng tám cột gỗ chính và mười sáu cột quân và được bố trí thành nhiều gian. Hầu hết các gian có một chức năng riêng. Phòng thuốc nam, phòng thuốc tây, gian có giường để bệnh nhân nặng nằm điều trị. Được phân chia khu vực nhưng không có vách che chắn, nhà sàn của mẹ con Thảo là một không gian mở, kể cả là phòng ngủ.

Công việc của Thảo từ đó là khám chữa bệnh, kết hợp hướng dẫn một số người đam mê nghề thuốc cách tìm và pha chế thuốc Nam chữa các bệnh thông thông thường như cảm cúm, sốt rét, kiết lị, v.v… Tiếng lành đồn xa qua mấy chục dãy núi, mấy trăm con suối, bệnh nhân các dân tộc sinh sống trên vùng Tây Bắc không ngại đường xa, đèo cao, kéo nhau về bản Coon để Thảo chữa các bệnh nan y như xơ gan cổ trướng, xương khớp và đặc biệt là vô sinh, hiếm muộn.

Đúng như lời chị Thuận tiên đoán, ở trường dân tộc nội trú của tỉnh, Nông Văn Đợi học rất giỏi. Tư duy của thằng bé vượt trội so với những học trò khác trong vùng, cấp một, cấp hai, cấp ba Đợi đều đứng đầu. Trong nhà, bốn bức vách gian ngoài dán kín giấy khen, bằng khen. Hết cấp ba, Đợi được tuyển thẳng vào Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Tốt nghiệp loại ưu, nhiều nơi nhận, nhưng Đợi vẫn xin về vùng quê heo hút này công tác để gần mẹ. Về huyện chưa ấm chỗ, Đợi được bầu vào Hội đồng Nhân dân huyện, rồi giữ chức Phó chủ tịch, ai cũng khen người họ Nông bản Coon giỏi giang.

Đến lúc này Thảo lại nảy sinh tâm lý muốn về quê hương để chứng tỏ với mọi người, nhất là những người không tử tế với cô. Khổ nỗi anh Đợi bây giờ lại mang họ Nông. Bố Nông Văn Kiềm thì còn chẳng ai biết, chứ con trai Thảo đứng đầu huyện, về quê người ta đón tiếp tất phải chưng giấy tờ tùy thân ra. Mà bây giờ thú thật chuyện khai gian lý lịch thì chẳng những con không được ở trong Hội đồng Nhân dân huyện nữa mà còn bị kỷ luật vì khai man hồ sơ để lọt vào thành phần dân tộc thiểu số là cái chắc.

Tất cả làm Thảo khổ sở và tủi thân thêm. Trước đây, vì sự nghiệp chồng mà Thảo hy sinh thầm lặng, chịu bao tiếng xấu, khổ đau uất hận và cuối cùng phải tha phương cầu thực, nay lại vì con mà chịu hy sinh thầm lặng lần thứ hai. Thật là như lá số tử vi thầy từng phán từ nhỏ “Số này là vàng nằm trong cát”. Đến lúc cao sang cũng không được phô với mọi người.

Tôi chỉ biết im lặng, trong lòng nặng trĩu nồi buồn. Thì ra hai mẹ con mà chú tôi tìm bao năm nay đang ở trước mặt tôi, bằng xương bằng thịt, chịu bao oan trái cay đắng, tủi nhục, nhưng cũng đầy vinh quang.

Tôi về quê được một thời gian, thắp hương báo cáo với chú Kiềm và bố tôi chuyện của mự Thảo, em Đợi và đang suy nghĩ tiếp theo sẽ nên như thế nào. Mự đã hơn 70 rồi, thời gian của mự không còn nhiều nữa, suy nghĩ đó thường trực trong tôi từ lúc chia tay mự và chú Đợi.

Đúng Ba mươi Tết năm đó, tôi và cả nhà đang chuẩn bị đón giao thừa bỗng nghe điện thoại của chú Đợi thông báo:

– Mẹ em mất rồi anh ạ. Trước khi đi, mẹ đã kể với em tất cả và dặn từ nay trở đi mọi chuyện trong gia đình và xã hội nên hỏi ý kiến của anh. Đúng như linh tính của em lần đầu tiên gặp anh ở ủy ban huyện, thần giao cách cảm đã mách bảo em. Anh là anh của em.

Lòng tôi như mối tơ vò, không biết xử lý thế nào cho trọn vẹn.

Hồ Ngọc Quang

(Bài đăng tạp chí Sông Lam số 22, tháng 4/2022)