Tục ngữ Việt Nam có câu: “Hùm chết để da/ Người ta chết để tiếng”. Trong cõi đời này “người ba đấng, của ba loài”, thế gian có kẻ giàu người nghèo, kẻ xấu người tốt, người may mắn, kẻ hẩm hiu… Nhưng khi chết đi thì mọi thứ coi như chẳng còn gì? Họa chăng chỉ còn lại giá trị tinh thần. “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Mọi thứ khi hay, dở, khi đã thành truyền thuyết, sẽ mãi mãi khó phai.
Nhân 5 năm ngày mất của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (2019-2024), gia đình và một số ban ngành, cơ quan đoàn thể tổ chức Lễ khánh thành khu tưởng niệm “Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ” tại khuôn viên quê nhà Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An vào ngày 12 tháng 6 năm 2024.
Xin chép ra đây một vài “tản mạn” giữa tôi và Nguyễn Trọng Tạo trong quãng thời gian 45 năm bạn bè, cùng thói “ham vui” và nghiệp thi ca.

***
Tôi quen Nguyễn Trọng Tạo từ năm 1972-1973. Lúc bấy giờ Tạo còn là trung sỹ, rồi thượng sỹ thuộc “Đội Tuyên truyền văn hóa Đoàn 22” đóng quân ở Hương Sơn quê tôi. Hồi ấy Nguyễn Trọng Tạo không phải nhạc công cũng không phải nhạc sỹ mà là nhà thơ áo lính. Những sáng tác của Nguyễn Trọng Tạo chỉ nhằm ca ngợi chiến công, phẩm tiết của người lính cụ Hồ, như “Ở nhà có mẹ có cha / Ở đây có tổ ba ba chúng mình”.
Năm 1974 tôi làm công tác văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Tháng đôi lần Nguyễn Trọng Tạo ghé vào Hội xin đóng dấu công vụ. Tôi nhớ hôm ấy là một chiều cuối năm 1974, sau khi cùng Đội Văn nghệ Đoàn 22 tham gia Hội diễn Văn nghệ toàn quân ở Hà Nội về, Tạo khoe tiết mục hợp ca nam nữ do Tạo sáng tác tham dự hội diễn năm trước không bén giải gì, thế nhưng năm nay đoạt giải 3. Tôi chúc mừng anh đã có đóng góp to lớn cho thành tích của đoàn. Tạo xắng xởi kể: – Cậu biết không, thì vẫn bài hát ấy, vẫn những con người ấy hát chứ có phải thuê mượn ai đâu. Chỉ khác chút xíu về cách giới thiệu. Năm ngoái giới thiệu “Tiết mục do hợp ca nam nữ Đội Văn nghệ Đoàn 22 trình bày. Còn vừa rồi giới thiệu “Tiết mục do tốp ca nam, có nữ” trình bày! Ha ha thì ra thêm tí “có nữ” vào, nghe lạ tai, không ngờ lại được chuyện cậu ạ!
Vâng, tôi nhớ mãi chiêu trò “Tốp ca nam, có nữ” của Tạo mỗi khi có dịp gặp nhau.
***
Những năm 1973 – 1975, Đội Văn nghệ Đoàn 22 của Tạo thường xuyên được điều động đi biểu diễn văn nghệ phục vụ các đợt giao quân của các huyện thị trong tỉnh Hà Tĩnh. Lần nào Tạo cũng rủ tôi đi cùng. Đi nhiều tới mức các tiết mục hát xướng thơ ca của Đoàn 22 tôi đều thuộc lòng. Anh chị em diễn viên, nhạc công trong Đoàn, nhiều người quân hàm trung úy, thượng úy, vậy mà răm rắp tuân thủ mọi phân công, sắp xếp của thượng sỹ Nguyễn Trọng Tạo, oai phết!
Việc nhà binh “Quân lệnh như sơn” đã đành xưa nay, nhưng khi tôi chứng kiến cảnh Tạo giúp đỡ các em gái diễn viên của Đội văn nghệ đã đến kỳ xuất ngũ được Tạo dẫn vào thị xã Hà Tĩnh liên hệ xin việc làm cho họ, thì quả thực tôi cảm phục. Quan điểm của Nguyễn Trọng Tạo là những ai bạn mình (tức bạn của Tạo) là mình bênh, mình giúp bằng hết khả năng thì thôi!
Nhìn vẻ thư sinh, có phần a-ma-tơ lãng tử, bất cần đời là thế, nhưng Nguyễn Trọng Tạo lại là người sống có trách nhiệm, chỉn chu với bạn bè đồng đội.
***
Người xưa có câu “sông có khúc, người có lúc” – sau năm 1975 đất nước thống nhất, Nguyễn Trọng Tạo có điều kiện được tham dự nhiều trại sáng tác của quân đội, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với các cây bút thế hệ đàn anh, nên bút lực của Nguyễn Trọng Tạo ngày một tỏ ra thâm hậu.

Thập niên 80 của thế kỷ 20 là thời điểm Nguyễn Trọng Tạo bắt đầu bước một chân vào sân chơi chuyên nghiệp, nhanh chóng trở thành người của công chúng bằng ca khúc “Làng quan họ quê tôi”. Hát đơn, hát kép, hát tập thể đều hay (khỏi cần phải “Tốp ca nam, có nữ”).
Tiếp theo là các ca khúc gây được tiếng vang như “Đôi mắt đò ngang”, “Khúc hát sông quê”…
Nghệ Tĩnh hồi ấy tự hào có 2 nhạc sỹ trẻ đều áo lính có bài hát nổi đình nổi đám là nhạc sỹ An Thuyên “Em chọn lối này” và Nguyễn Trọng Tạo với “Làng quan họ quê tôi”.
Về thơ, Nguyễn Trọng Tạo thật sự gây được chú ý với bạn đọc với “Tản mạn thời tôi sống”.
Bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” lúc bấy giờ được coi như một tiếp nối mang hơi hướm “Cửa mở” của Việt Phương.
Nguyễn Trọng Tạo đã dám nói những điều ai cũng biết, cũng thấy mà không dám nói “Con phe sục khắp ga tàu bến cảng/ Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương”… hay “Như con chiên sùng đạo bỗng bàng hoàng/ Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất, đá”… “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi”. Vâng, người nghệ sỹ đích thực, ngoài cái “tâm” cái “tài” ra còn phải “dũng”!
Đến như nhà thơ – Bộ trưởng Huy Cận cũng phải mượn vía các vị La Hán chùa Tây Phương để thốt lên “Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”!
***
Việc Nguyễn Trọng Tạo phải rời Trường Viết văn Nguyễn Du giữa chừng, quay trở lại Nhà văn hóa Quân khu Bốn, cũng phần nào do ảnh hưởng của “nguồn áp thấp” Tản mạn thời tôi sống.
Năm 2005 trên trang VnWebloc.com của Nguyễn Trọng Tạo có bài viết kể lại nguyên do bỏ dở chừng khóa I khoa Viết văn Đại học Văn hóa Hà Nội – Nguyễn Trọng Tạo kể khá rạch ròi: “Hồi theo học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Hoa Kỳ (tức nhà thơ Nguyễn Hoa) cùng ở chung phòng tại ký túc xá. Vì sự cố ngoài mong muốn, Nguyễn Trọng Tạo phải rời trường. Chiều thứ 7 hôm ấy Nguyễn Hoa về quê Thanh Hóa, còn lại một mình.Tạo thấy buồn chán quá nên nảy sinh ý định tự tử. Hồi ấy Tạo và Nguyễn Hoa đều là sỹ quan quân đội nên đều được trang bị súng ngắn. Tạo lục trong hộc bàn Nguyễn Hoa lấy thêm khẩu súng ngắn. Rồi hai tay hai khẩu súng dí vào hai bên mang tai, những định bòm một phát cho xong. Nhưng rồi chợt nghĩ cách chết thế này quả là nhạt thếch, chẳng vinh quang mới mẻ gì, nên thôi!
Đêm ấy Tạo thức suốt đêm viết được 12 bài thơ. Mờ sáng Chủ nhật vơ vội quần áo tư trang nhét ba lô con cóc, bắt xích lô ra ga Hà Nội lên tàu về Vinh.
Đọc được sự kiện này, tôi viết gửi Tạo bài thơ dán lên trang VnWeblog.com, Nguyễn Trọng Tạo đọc thấy đúng mình quá, bèn gọi điện khen bài thơ hay và nhắc tôi nhớ in vào tập thơ mới của cậu nhé? Tôi đã in bài thơ này trong tập thơ “Vừa hót vừa bay”, NXB Thanh Niên năm 2014. Bài thơ như sau:
Súng bắn vào đầu chẳng có gì mới lạ
Vì thế nên, hắn đếch bóp cò.
Mà bóp cò, chắc gì đã nổ
Nổ chắc gì đã chết ngay cho.
Thế là hắn lồm cồm nhổm dậy
Thay vì bắn vào đầu
Hắn bắn vào thơ.
Và lần này thì thơ hắn trúng đạn
“Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”.
Rồi sao nữa ư?
Chẳng vì sao nữa cả
Hắn ra ga Hàng Cỏ nhảy tàu Vinh
Từ đó hắn đâm ra nổi tiếng
Phá và Xây[*] bản tướng hiện nguyên hình.
***
Năm 2002, Nguyễn Trọng Tạo cùng đoàn nhạc sỹ Hội Nhạc sỹ Việt Nam vào dự Trại sáng tác tại Nhà Sáng tác tác Vũng Tàu. Sau 5 ngày khai mạc Nguyễn Trọng Tạo đã hoàn thành ca khúc “Khúc hát sông quê” phổ thơ Lê Huy Mậu. Tôi nhớ buổi sáng hôm ấy tại nhà Lê Huy Mậu – Nguyễn Trọng Tạo hát cho mấy anh em văn nghệ, báo chí chúng tôi nghe. Mọi người gật gù khen hay. Tôi nói nhỏ vào tai Tạo: “Ông tự hào ông là nông dân nhưng xem ra ông chỉ sống ở nông thôn thôi chứ đếch phải nông dân”?
Tạo cãi: “Tớ nông dân chính hãng nha!”
Tôi bảo: “Nông dân gì mà “lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”? Lúa gặt rồi để lại rạ hoặc tóoc mới đúng chơ? Phần rơm là phần hạt lúa, gặt đi rồi sao bỏ lại được?” Tạo cười hì hì… “Rơm mới hát được, chứ tóoc éo hát được! ha ha…”
Năm 2003 “Khúc hát sông quê” được Hội Nhạc nhạc sỹ Việt Nam tặng giải Khuyến khích. Còn giải A được trao cho ca khúc “Cõng mẹ đi chơi” của Trần Quế Sơn.
Nhân một lần tiếp xúc với nhạc sỹ An Thuyên – lúc bấy giờ An Thuyên là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Tôi hỏi An Thuyên vì sao bài “Khúc hát sông quê” được nhiều người hát, nhiều người thích thế mà chỉ được tặng giải Khuyến khích? An Thuyên bảo: “Bài được nhiều người hát, nhiều người nghe thích chưa hẳn đã hay đến mức được giải cao. Có ở trong nghề mới biết ông ạ!” Thì ra là thế.
***
Nguyễn Trọng Tạo tự nhận mình là gã “ham vui” – điều này ai cũng biết, cũng thấy. Công chúng, bạn bè công nhận Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài. Thơ văn nhạc họa, phê bình tiểu luận, làm báo… gì gì Tạo cũng tỏ ra xuất sắc. Sân chơi nào Tạo cũng xứng mặt soái ca.
Ngoài ra Nguyễn Trọng Tạo còn được các cây bút trẻ tôn vinh là “hiệp sỹ” trong việc ủng hộ, nâng đỡ, cổ súy trường phái “thơ cách tân, hậu hiện đại”…
***
Năm 2004 nhân có việc ra Hà Nội, tôi đến 51 Trần Hưng Đạo – trụ sở Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nơi Nguyễn Trọng Tạo làm Thư ký tòa soạn tạp chí Âm nhạc. Thấy sắc diện Tạo không được vui, tôi hỏi “có chuyện gì à”? Tạo bảo “chẳng có gì quan trọng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới cả, chỉ hơi buồn cho thế thái nhân tình thôi. Cậu ngồi chơi, đợi mình tí, mình làm nốt số báo Thơ cuối cùng cho báo Văn Nghệ”.
Tôi hỏi, sao lại số cuối cùng? Tạo bảo, “cái số mình luôn kỵ con số 18 cậu ạ! Hồi mình biên tập ở tạp chí Sông Hương, đến số 18 thì Bình-Trị-Thiên tách thành 3 tỉnh. Mình cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập về làm Tạp chí Cửa Việt đang ngon trớn, thì đến số 18 mình cũng rời Cửa Việt, ra Hà Nội. Số báo Thơ này cũng là số 18 mình làm. Đã có quyết định sẽ chuyển thành tờ tạp chí Thơ. Trong trường ca Đồng Lộc mình có câu thơ nó ám mình hơn ma quỷ ám “Phá và xây ngày tháng đỡ đần nhau!””
Tôi nhất trí với Tạo về việc “thơ ám” là có thật. Phàm cái “nghiệp” nào mà chẳng có “chướng”. Nhà thơ Thạch Quỳ viết “Mảnh đất này không xúc đi được/ Nên điên cuồng chúng ném vụn tơi ra” trong bài “Gạch vụn thành Vinh”, thế rồi Thạch Quỳ cũng lâm vào cảnh bị “đánh vụn tơi bời” sau khi bài thơ “Nói với con” ra đời. Hay, tép riu như tôi, cũng ma xui quỷ khiến thế nào cũng tự dưng vô cớ viết vào bản can in vào bìa 4 tập thơ đầu tay câu thơ “Đời tôi, câu lục bát/ Gieo mãi vẫn chưa vần”. Ngần này tuổi rồi mà có nên cơm cháo gì đâu!
***
Cuối năm 2018 khi nghe bạn bè báo tin Nguyễn Trọng Tạo về quê chuẩn bị cho việc ngày mai tổ chức liên hoan tất công nhà thờ, chập chiều bị đột quỵ phải chuyển vào cấp cứu tại bệnh viện Ba Lan – thành phố Vinh. Tôi gọi điện cho nhà thơ Nguyễn Đăng Chế hỏi thăm tình hình. Được biết hiện tại đang cấp cứu và theo dõi, không ai được vào. Chiều hôm sau tôi cùng nhạc sỹ Phan Thanh Chương vào thăm Tạo. Huyết áp của Tạo đang trong tình trạng quá mức cao không thể di chuyển ra Hà Nội.

Gần 3 tiếng đồng hồ ở cùng Tạo tại phòng cấp cứu – buồn và thương bạn khiến tôi “thi hứng” viết lên facebook mấy vần, hàm ý thông tin với bạn bè.
Thơ như này:
Nằm vạ ở Vinh chừng ấy bữa, đủ rồi
Không rượu, không thơ còn chi là Trọng Tạo
Bỏ qua bên chuyện bạc tiền, cơm áo
Việc ổn áp lúc này thật chẳng dễ dàng chi.
Phàm những thằng vướng căn số thiên di
Không lang bạt kỳ hồ thì mới lạ.
Đời lắm nẻo gập ghềnh phúc họa
Sắc sắc, không không cứ như thật như đùa
“Em vẫn đàn bà” – Anh đã khác xưa
Nhịp với phách “đồng dao người lớn”
Tuổi con Mão lại cầm tinh con Hợi
Nước sông Bùng mơ hóa rượu sông Hương.
***
Quen thân nhau những 45 năm, từng uống rượu bia, cà phê, đọc thơ ca hát với nhau hàng trăm cuộc, có những cuộc thâu đêm suốt sáng nhưng tôi chưa một lần thấy Nguyễn Trọng Tạo trổ tài chơi bất cứ một loại nhạc cụ nào! Có lần tôi đánh liều hỏi nhỏ Tạo: – Này, ông thích hát chay, nghe người khác hát chay, hay ông không biết chơi đàn? Thấy ai ôm đàn chuẩn bị đệm cho ai đó hát, ông lại xua xua tay bảo thôi thôi là sao? Tạo nói nhỏ chỉ vừa đủ mình tôi nghe: “Khổ nỗi những lúc mình chơi đàn tỳ bà lại không có cậu”.
Nguyễn Trọng Tạo là thế . Ai “tin thì tin không tin thì thôi”!

5 năm người bạn tài hoa – nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo giã từ “cây si” về dưới gốc “bồ đề”. Làng quan họ quê tôi – “loan phượng đến mùa vẫn về ăn xoài… chị cả vẫn tựa mạn tuyền, anh hai vẫn ngồi bẻ lái…”. Chợ Sa Nam vẫn chưa vãn – “Đôi mắt đò ngang” vẫn tình tứ chia đều cho thập loại chúng sinh, chỉ thiếu vắng bóng chàng nhạc sỹ mảnh mai, đa đoan, láu cá, bất chấp “đò đầy… anh cứ sang” hôm nào!
Đời vẫn còn nhiều (rất nhiều) câu hỏi chưa thể trả lời ngay tắp lự, hay một sớm một chiều! Những bông hoa thời nay không nhất thiết phải nở đúng mùa như “Tản mạn thời tôi sống”. Những bông hoa không còn quá phụ thuộc vào nhịp mùa đi của đất trời, mà đã biết nở theo sở thích, ý nguyện của con người.
“Người, ngày một khôn, hoa nào chả dại” phải không bạn tôi – nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo?
Tùng Bách
[*]. Lời thơ của Nguyễn Trọng Tạo trong “Trường ca Đồng Lộc”