trinh-thu-tuyet

Tiến sỹ văn học
-Trịnh Thu Tuyết-

Ông đã dùng những nỗi buồn của mưa, sự tươi ấm của nắng, cái vô tri của sỏi đá, cái hữu tình trong vô hình của gió… để gửi gắm cái tình thường buồn, thường lạnh, thường đơn côi trong lòng mình. Thiên nhiên thành những thi ảnh đẹp và buồn, như tâm hồn nghệ sĩ!

H

iếm tác phẩm nghệ thuật nào có khả năng khiến rung động những tiếng lòng xa nhau cả về thời gian, không gian, chính kiến,… có khả năng lôi cuốn tới ma mị kể cả những người tỉnh táo, khô khan,… có thể khiến các thế hệ luôn tìm tới, ru lòng, ru đời, không thấy nhàm chán, dẫu có không ít ngôn từ bí ẩn tới như vô nghĩa. Làm được điều đó, hiện tại có lẽ chỉ là các ca khúc Trịnh Công Sơn – những ca khúc mà nhiều người cho rằng chỉ riêng lớp ca từ đã khiến Trịnh Công Sơn hiện diện như một nhà thơ lớn!

Để cắt nghĩa sức cám dỗ kì diệu và kì lạ ấy, đã có quá nhiều lí giải với quá nhiều lí do, tôi chỉ muốn dừng lại ở một góc thật nhỏ, đó là tìm hiểu giá trị biểu đạt và biểu cảm của một số hình ảnh quen thuộc, luôn trở đi trở lại như một ẩn ức ám ảnh, một niềm yêu hoặc nỗi đau trong toàn bộ thế giới ca từ Trịnh Công Sơn. Không thể hình dung thế giới sẽ ra sao nếu con người bị nhốt trong những đô thị, những cao ốc, chung cư ngột ngạt, thiếu một khoảng trời với mây, gió, nắng, mưa…, thiếu sắc xanh mơn trớn của một vòm cây lả mời bên cửa sổ…! Và cũng không thể hình dung ca từ Trịnh Công Sơn sẽ còn bao lăm sức cám dỗ nếu thiếu vắng hình bóng thiên nhiên!

Nhân vật trữ tình trong những ca từ Trịnh Công Sơn hình như luôn chỉ ngồi một mình trong hiện tại, để nhớ, để đợi, để buồn… Nỗi buồn nhớ thường có nguyên cớ từ một cảnh sắc thiên nhiên nào đó neo giữ với cái thương mến trong quá khứ, hiện hữu trong sự bơ vơ của hiện tại, trong đó, có một hình ảnh khá đặc biệt là mưa.

 

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, tranh của họa sỹ Lê Sa Long. Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên

Nhân vật trữ tình trong những ca từ Trịnh Công Sơn hình như luôn chỉ ngồi một mình trong hiện tại, để nhớ, để đợi, để buồn… Nỗi buồn nhớ thường có nguyên cớ từ một cảnh sắc thiên nhiên nào đó neo giữ với cái thương mến trong quá khứ, hiện hữu trong sự bơ vơ của hiện tại, trong đó, có một hình ảnh khá đặc biệt là mưa.

Người nghe hát, người đọc thơ có thể hình dung khi tình còn nồng đượm, họ đã cùng nhau lắng nghe tiếng “mưa reo mòn gót nhỏ”. Cụm từ “mòn gót” có thể gợi ra đoạn đường họ đi bên nhau, lặng lẽ lắng nghe tiếng mưa reo, nhận ra tiếng mưa vang reo như niềm vui dịu mát trong lòng. Họ đã cùng nhau tận hưởng cái lỡ làng ngọt ngào khi “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”, khi trời đất bằng cơn mưa bất chợt đã cho họ cái cớ thật êm đềm để được đứng bên nhau, được cùng nhau ngắm dòng nước cuộn trào:“Trong lòng phố mưa đêm trói chân/ Dưới hiên nhìn nước dâng tràn/ Phố bỗng là dòng sông uốn quanh”… Bên nhau, những cảm nhận về mưa cũng dịu mềm, trìu mến “Có khi mưa ngoài trời/là giọt nước mắt em” hay “Mùa thu mưa bay cho tay mềm”…, thậm chí, em và sự hiện diện thần tiên của em còn tạo ra “cơn mưa xanh” yêu thương trong gió, trong lá: “Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng/Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me”… Hi hữu có những cơn mưa đầm đìa thỏa thuê khao khát, dẫu biết niềm vui sau khô khát có lẽ chỉ là “một giờ”, cái ước lệ ngậm ngùi cho sự ngắn ngủi của khoảnh khắc: “Người ngỡ đã xa xưa/nhưng người bỗng lại về/Tình ngỡ sóng xa đưa/nhưng còn quá bao la/Ôi trái tim phiền muộn/đã vui lại một giờ/Như bờ xa nước cạn/đã chìm vào cơn mưa” – niềm vui biết trước giới hạn nên càng vội vàng, niềm yêu biết trước mong manh nên càng đắm đuối!

Có điều, hầu như tất cả những cơn mưa dịu dàng ấm áp ấy đều chỉ là kí ức, nên phần lớn mưa trong ca từ Trịnh Công Sơn luôn thật buồn bởi nỗi nhớ tiếc, khi cảm thấy những ánh đèn nhòa mờ trong mưa chỉ càng soi rõ đơn côi, nên cảm thấy như “đèn phố nghe mưa tủi hờn”, khi vì xót thương “Mưa có buồn bằng đôi mắt em” nên xa rồi còn trăn trở:“Mưa có còn buồn trong mắt trong”, khi da diết “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”, khi băn khoăn “Chiều nay còn mưa sao em không lại”, để người ngồi trong mưa mà vẫn lặng thầm ước nguyện “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng”, bởi cái lẽ giản dị mà sao đúng tới nao lòng: “sỏi đá cũng cần có nhau”!

Âm hưởng ca từ của Tuổi đá buồn cũng da diết trong cơn mưa dài lê thê, trong điệp khúc mưa miên man suốt bài: “Trời còn làm mưa/ Mưa rơi mênh mang…Trời còn làm mưa/ Mưa rơi mưa rơi…”, cái da diết bởi hình bóng thân yêu của người con gái có “ngón tay buồn… Sợi tóc em bồng…gót chân trần…”, thẩy ướt mềm trong mưa, bởi kí ức làm hiện lên hình ảnh cánh tay ngần trắng như phiến ngà mướt mát dòng mưa xuôi chảy:“Trời còn làm mưa/ Mưa rơi mưa rơi/Từng phiến băng dài/Trên hai tay xuôi”; da diết còn vì âm hưởng lời ru ngọt dịu trong mưa, dỗ dành trong mưa:“Ru em nồng nàn…Ru em giận hờn”…

Mưa có khi mang ý nghĩa như một sự bao dung tự cao xanh: “Người ngồi xuống xin mưa đầy /Trên hai tay cơn đau dài/ Người nằm xuống nghe tiếng ru/ Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Câu thơ như khắc họa hình ảnh người quỳ dưới mưa, hai tay dâng nguyện, mắt đầm mưa hướng cầu đấng thiêng liêng chút ân huệ nhỏ nhoi cho tình yêu giữa cuộc đời luôn ngắn ngủi với mọi hững hờ…

Ai đó nói không gì buồn bằng mưa Huế, mưa nhạt nhòa, mưa lê thê, mưa day dứt, mưa lặng thầm, mưa rã rời, mưa khắc khoải,… Phải chăng vì thế, mưa không thể thiếu trong những ca khúc buồn của Trịnh Công Sơn?

Sau mưa là nắng – nắng tràn đầy, nắng chan chứa, nắng lung linh, nắng trong muốt, nắng vàng rượi… trong ca từ Trịnh Công Sơn.

Hình ảnh đĩa than Tuổi đá buồn
Hình ảnh đĩa than Tuổi đá buồn

Cũng như mưa, nắng luôn gắn với em, với tình yêu, nên đẹp, mà cũng thường buồn. Có khi cả đoạn thơ không có một chữ “nắng” mà vẫn tràn đầy sắc nắng. Nắng chan chứa trong không gian sánh vàng tựa mật, nắng phấp phới trên áo em, nắng hân hoan cùng dáng em như nhẹ bay trong gió, hoa nắng lung linh như gấm thêu mặt đường: “Có mặt đường vàng hoa như gấm/ Có không gian màu áo bay lên”.

Có khi, nhịp ngắt và phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác khiến người nghe bàng hoàng nhận ra sắc tươi tắn cùng sự ấm áp của nắng tỏa từ trong âm thanh bình dị tới xao xác của tiếng gà ban trưa:

“Có chút nắng trong tiếng gà trưa”… Nhiều ca sĩ tách rời tiếng gà và sắc nắng, đã làm mất đi cảm giác về sự kết nối, sự hòa quyện rạo rực giữa hình sắc và âm thanh của một ca từ đắt mà sự tinh tế có thể gợi liên tưởng tới những phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong câu thơ: “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” (Trần Đăng Khoa) hoặc ca từ: “Một làn nắng cũng mang điệu dân ca” (Phó Đức Phương).

“Lùa nắng cho buồn vào tóc em” Ảnh: Võ Khánh

Nếu mưa gợi buồn nên thường xuất hiện trong vai trò là cảnh sắc bên ngoài em, để nhắc nhớ em… thì nắng, có lẽ vì trong trẻo, vì tươi tắn, vì rạng ngời nên thường được so sánh với em, thậm chí nhập thân vào em, nương đậu trên vai em, mắt em, tóc em, môi em… Nhìn nắng mà xót xa nhớ bờ vai gầy của em với “Mây che trên đầu và nắng trên vai”, để cất tiếng thầm “Gọi nắng/Trên vai em gầy/ Đường xa áo bay/Nắng qua mắt buồn/ Lòng hoa bướm say”. Gọi nắng đấy mà thực ra là gọi em, nhớ em, là mong tay được chạm bờ “vai gầy guộc nhỏ”, mong mắt được đắm chìm trong ánh mắt em, ánh mắt dẫu ấm sắc nắng mà sao vẫn thật buồn; nhìn nắng mà nhớ tới mái tóc em trong một cử chỉ tình tứ không cùng: “Lùa nắng cho buồn vào tóc em”. Ca từ gợi hình ảnh một bàn tay gầy guộc và dịu dàng, bàn tay ươm nắng, lùa nhẹ trong mái tóc mềm, làm hiện ra ánh mắt buồn bã và trìu mến, nhìn tóc em đan trong ngón tay gầy mà sao vẫn đượm buồn. Hình như khi đã trải qua quá nhiều đau khổ, người ta luôn nhìn thấy xa xôi khi đang gần gũi, nhìn thấy lạt lẽo khi đang nồng nàn, vì vậy mà gắng sống từng khoảnh khắc bên nhau, như gắng uống thật cẩn trọng, thật nâng niu từng giọt quý giá trong ly rượu cứ đang vơi nhạt dần, không tránh khỏi…

Nắng còn xuất hiện như một cách đong đếm yêu thương. Khi vì xa vắng mà người hững hờ tới bất công với mùa thu: “Ngày xưa sao lá thu không vàng/ Và nắng chưa vào trong mắt em”, chỉ tới khi: “Em qua công viên bước chân âm thầm…Cỏ cây chợt lên màu nắng/Em qua công viên mắt em ngây tròn/Lung linh nắng thủy tinh vàng…Ngàn cây thắp nến lên hai hàng/Để nắng đi vào trong mắt em”, thậm chí, yêu thương đã tạo ra ảo giác trong nắng, khi nhìn nắng mà ngỡ ngàng: “Màu nắng hay là màu mắt em”; mà thương mến: “Màu nắng bây giờ trong mắt em”. Ca từ không chỉ thể hiện niềm yêu mà hình như đã chạm vào quy luật, quy luật ngàn đời: trong mắt những người yêu nhau, thiên nhiên chỉ đẹp, chỉ gợi cảm khi được thắp trong tình yêu. Như câu nói quen thuộc: “Vẻ đẹp không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm ở con mắt của kẻ si tình” (“Beauty is in the eyes of the beholder” – Kant)!

Có một hình ảnh thường được liên tưởng tới nắng, đó là môi em. Khi là sự so sánh trực tiếp đầy trìu mến khiến môi em ấm hồng, gợi cảm hơn nắng, tình tứ hơn nắng, khiến anh mê đắm, khiến nắng hờn ghen: “Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Nắng có còn hờn ghen môi em…”; khi lại thấp thoáng hiện ra trong nhịp ru mềm mại, dịu dàng: “Tôi ru em ngủ một sớm mùa xuân/em hôn một nụ hồng/hỏi thăm về giọt nắng”; và có khi, một so sánh ngọt ngào cũng khiến hình dung sắc nắng hồng như lửa trên môi em: “Ngoài phố mùa Đông/ đôi môi em là đốm lửa hồng”. Vậy là chỉ khi có em, nắng mới ấm, mới đẹp; và khi đã có em, kể cả mùa đông cũng không còn lạnh lẽo. Trách gì ngày xưa, Xuân Diệu chẳng nghĩ tới một lý do xao xuyến của tình yêu: “Thu, người ta vì lạnh nên cần đôi”!

Chiều một mình qua phố/ Âm thầm nhớ nhớ tên em/ Gió ơi gió ơi bay lên…. Ảnh: Võ Khánh

Trong ca từ Trịnh Công Sơn, nắng thường ấm áp, tươi trong, có lẽ vì vậy nên tình khi nồng thắm cũng được so với nắng: “tình reo vui như nắng”. Nắng có khi gợi cái say la đà của tình yêu trong sự đối sánh với “Đường về tình tôi có nắng rất la đà”; nắng được coi là tín hiệu của niềm vui, là lời nguyện cầu cho tình yêu nồng ấm: “Đời xin có nhau/Dài cho mãi sau/Nắng không gọi sầu”; nắng có khi tựa niềm sung sướng rạng rỡ sau giấc mơ buồn: “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi…”.

Và cũng vì cái ấm nóng rạng rỡ ấy mà khi tình lỡ tình buồn, người ta ngậm ngùi thấy như “lòng không chút nắng”, thấy “Tình mong manh như nắng”, tươi đấy rồi nhạt nhòa, ngay trong rực rỡ ấm nóng đã lo tàn úa, lạnh buồn. Vì vậy mà người hữu tình, đa tình chỉ vời vợi một tiếng “gọi em về giữa yêu thương/ Để trả em ngày tháng êm đềm/ Trả lại nắng trong tim”… Có một so sánh nhắc tới nắng mà nhạt, mà lạnh, mà buồn tới heo hút hoang vu, đó là khi thi nhân nhận ra sự thay đổi trong lòng người sau mười năm vời vợi: mười năm trước, phơi phới, hân hoan, thấy “lòng như khăn mới thêu”, mười năm sau, khi “Bàn chân trong phố xa lạ nhiều”, trải bao tan tác, nguội tàn, thấy “lòng như nắng qua đèo”… Hình ảnh so sánh nhắc nhớ câu thơ Huy Cận “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu”. Khi chiều xuống, cái nắng lan tới nửa bãi, cái nắng về tới lưng đèo, đó là lúc sắc nắng đã nhạt, hơi nắng hết nồng, là lúc lòng người chỉ còn biết ngậm ngùi nuối tiếc cái rực rỡ nồng nàn đã mất! Cái mong manh, chấp chới, cái nghiêng tắt, nhạt nhòa của tình buồn cũng thường mượn chút nắng chiều để bộc lộ: “Tình như nắng vội tắt chiều hôm”. Khi tình qua, những hẹn hò gượng gạo, nhạt như nắng chiều, và cũng vội như nắng chiều; tình mỏng buồn như giờ khắc ngày sắp qua, đêm sắp tới, những níu giữ càng vội vã, càng bẽ bàng, chua xót: “Chút nắng vàng giờ đây cũng vội/ Khép lại từng đêm vui”!

Mưa nắng trong thế giới ca từ của Trịnh Công Sơn quả thật đã không chỉ còn là mưa nắng. Trong điệp khúc khắc khoải thiết tha của ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên”, mưa nắng là quê hương nhọc nhằn, thân yêu với những vẻ đẹp bình dị, thơ mộng; mưa nắng là những kỉ niệm của tình yêu và nỗi nhớ mà một người đàn ông có thể gửi tới em nơi viễn xứ: “Em còn nhớ hay em đã quên/ Quê nhà đó bao năm có em/Có bóng dừa có câu hò/Có con đò chở mưa nắng đi”… Qua tần suất xuất hiện cùng những tầng nghĩa được gửi gắm trong mưa nắng, có thể nhận ra nỗi buồn và vẻ đẹp cô đơn trong tâm hồn người nghệ sĩ luôn gắn bó thân yêu với quê hương, đất nước.

Một hình ảnh cũng thường xuất hiện trong ca từ Trịnh Công Sơn như sự đối sánh, nhắc nhớ tới thân phận, tình cảm, hình hài, tâm sự… của con người, đó là “sỏi đá”. Sỏi đá có khi là hình ảnh của vô tri để đối sánh với con người hữu tình: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng /Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”! Trong ca từ Trịnh Công Sơn, có lẽ đây là một trong những câu thấm thía nhất khát vọng yêu thương. Sỏi đá vô tri còn cần có bầu có bạn, cần được yêu thương, khao khát yêu thương, con người hữu tình sao đời nỡ để bơ vơ?
Sỏi đá có thể hòa nhập với lòng người mỏi mòn yêu nhớ em: “Ngày mai em đi/ đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ/ sỏi đá trông em từng giờ/nghe buồn nhịp chân bơ vơ”. Tập hợp các hình ảnh trong đoạn thơ làm hiện lên hình tượng quê nhà với đồi núi, với đá sỏi, với “cồn đá rêu phong rủ buồn”…, không thấy con người, hay con người đã nhập hồn vào sỏi đá, vào rêu phong, vào đồi núi… để cùng nhớ em! Những ẩn dụ mang sắc thái nhân hóa cho thấy nỗi nhớ thương lớn tới mức làm xao động cả vô tri, làm mềm cả sỏi đá, làm đồi núi cũng như nghiêng đổ, như cùng người thao thức, đợi chờ…

      Trong ca từ mang đậm sắc vị triết học của Cát bụi, hình ảnh sỏi đá hiện ra trong hai biến thể là “cát bụi” và “đá cuội”. Trước hết là “cát bụi”, hình ảnh đã trở thành biểu tượng trung tâm, xuyên suốt bài, là ẩn dụ cho con người, kiếp người. Cát bụi từ nghĩa đen khi “một mai tôi về làm cát bụi”, đó là điều ai cũng thấu hiểu trong cuộc sống, nhưng nếu quan sát hai câu thơ đầu sẽ nhận ra một vòng luân hồi với ba chặng: “hạt bụi – thân tôi – cát bụi”, trong đó, cát bụi đã mang thêm nét nghĩa ẩn dụ ngậm ngùi cho sự nhỏ bé vô thường của kiếp người khi “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/Để một mai tôi về làm cát bụi”! Lạ nhất là tuy ai cũng hiểu sự minh triết khắc nghiệt của vòng luân hồi, nhưng không mấy ai bận tâm tới chặng cuối, hầu hết đều chỉ lo lắng, ham hố, bon chen, vất vả trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi vô cùng của chặng giữa trong “Bao nhiêu năm làm kiếp con người”… Cát bụi xuất hiện lần thứ hai trong vòng ba câu thơ đầu là cách tác giả hé mở cho những người nghe sớm thấu nhận lẽ vô thường. Câu thơ “Ôi cát bụi mệt nhoài” tạo sự đồng nhất về nghĩa cho khái niệm “thân tôi” trong câu thứ nhất với “cát bụi” trong câu thứ ba. Hóa ra, với cái nhìn từ vô thường, kể cả ngay khi đang “mệt nhoài” vì bon chen vất vả trong chặng giữa ngắn ngủi của vòng luân hồi, con người thực chất vẫn chỉ nhỏ nhoi,vô nghĩa tựa cát bụi!

     Biến thể thứ hai của “sỏi đá” trong bài thơ này chính là “đá cuội” với một tứ thơ lạ: “Mặt trời nào soi sáng tim tôi/ Để tình yêu xay mòn thành đá cuội”. Ý thơ có thể được hiểu theo nhiều tầng nghĩa. Tầng nghĩa thứ nhất có lẽ nói về sự phai nhạt của tình yêu khi năm tháng, khổ đau, bầm dập,… hoặc đơn giản là sự nhàm chán qua thời gian có thể khiến tình yêu mất đi cái nồng nàn say đắm ban đầu. Tình yêu tới nhanh như giông bão, tới tối tăm mặt mũi, tình yêu đi, lặng lẽ như thời gian, cứ mỏng dần, hao vợi dần như bloc lịch trên tường, nhạt nhẽo dần như ấm trà mỗi lần thay nước,… khiến tuệ nhãn khai mở từ chính khoảng sẫm tối của nỗi đau…; và thời gian tuần hoàn như vòng quay mòn mỏi của chiếc cối xay đời, khiến tình yêu mất đi cái phập phồng, run rẩy để trở thành “đá cuội” trơ lì, khô khốc, mòn nhẵn, vô tri… Tầng nghĩa thứ hai có thể nghĩ tới sự sâu xa hơn của sự tha hóa – L. Tolstoy nói: “Có bao nhiêu cái đầu thì có bấy nhiêu cách suy nghĩ, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu đương”, đó là nguyên nhân tạo ra những cái “tôi” trong cuộc sống, trong tình yêu. Tình yêu luôn là lĩnh vực của cái duy nhất, người ta không thể yêu sự nhân bản, và người ta sẽ lười biếng, chán chường thả trôi cái “tôi” của mình vào thế giới nhân bản khi không còn tình yêu. Sự trôi chảy của thời gian luôn bào nhẵn mọi sắc màu, khiến nó thành một gương mặt chung, vô bản sắc. Khi còn cái rạo rực say mê thuở ban đầu, con người luôn có thể tạo ra những cách riêng duy nhất cho lời yêu, cho nỗi nhớ; nhưng khi tình yêu mòn nhẵn dần, trở thành thói quen thì hình như không một ai trên đời muốn mất sức tạo hình khác nhau cho sự nhạt nhẽo. Vẫn là thời gian đã khiến “tình yêu xay mòn thành đá cuội”, tình yêu trở thành như những hòn đá cuội giống hệt nhau trong bãi đá vô tình!

     Đá cuội còn xuất hiện vài lần khác trong ca từ Trịnh Công Sơn. Khi là lời nguyện của tình yêu đi theo tình yêu: “Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội/Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài”. Hình như khi yêu, mọi lời nguyện đều khiêm nhường da diết như thế, về mức độ chắc cũng ngang bằng với lòng tự trọng cao ngạo khi nhạt nhẽo; có khi, “đá cuội” lại hiện ra trong một so sánh hẫng hụt âm thầm khi tình yêu đến và đi, nhẹ và nhanh, không dấu vết, không tiếng vang: “Như từng viên đá cuội/rớt vào lòng biển khơi”…

Một hình ảnh, dẫu vô hình nhưng luôn tìm được sự hiện hữu khi nhẹ êm, khi mãnh liệt trong không gian mà nó đi qua, đó là gió, và gió cũng là hình ảnh để lại những ấn tượng ám ảnh trong thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn!

Gió có thể đơn thuần là một yếu tố trong cảnh sắc, thiên nhiên ở nghĩa đen. Gió khiến không gian xung quanh con người thơ mộng hơn, như hình ảnh của “Sài gòn những chiều ngợp gió” khiến xao xuyến lòng người xa xứ; gió góp phần tạo hình cho em thêm đẹp, thêm yêu, thêm bay bổng trong mắt anh: “Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng”; gió khiến không gian quanh tình yêu thêm gợi cảm, hữu tình, làm thay những việc chính tình yêu còn ngập ngừng, e ngại: “Gió heo may đã về/ chiều tím loang vỉa hè/ và gió hôn tóc thề/rồi mùa thu bay đi”…

“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”… Nguồn ảnh: Báo Dân trí

Gió có khi được miêu tả như một xúc tác ngọt ngào cho xúc cảm, hoặc thương: “Ngày mai em đi/thành phố mắt đêm đèn vàng/nửa bóng xuân qua ngập ngừng/nghe trời gió lộng mà thương”; hoặc xót: “Rừng thu lá úa em vẫn chưa về/Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ”; hoặc nhớ nhung: “Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm/Mây âm thầm mang gió lên”; hoặc gần gụi, ấm áp, dịu dàng: “Gió sẽ mừng vì tóc em bay/Cho mây hờn ngủ quên trên vai”; gió thay hình sự dâng hiến vô biên vô tận của lòng yêu: “Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy/Để mắt em cười tựa lá bay”; gió vời vợi cả khoảng không thương nhớ khi “Tôi đưa em về/ Chân em bước nhẹ/ Trời buồn gió cao”; gió cũng có thể chia sẻ với anh dòng nước mắt nhớ thương: “Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em/ Gió ơi gió ơi bay lên để bụi đường cay lòng mắt”…

Gió có khi được gửi gắm những ý nghĩa biểu tượng trong những so sánh, nhân hóa. Gió là cuộc đời với tất cả những vô tình lạnh lẽo: “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng/ Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì”; gió là sự hời hợt của tình qua, khi nỗi đau lắng đọng thành trải nghiệm, để nhận ra mình, hiểu ra người: “Có chút tình thoảng như gió vội/ Tôi chợt nhìn ra tôi”; gió có khi còn là phận người, lang bạt giữa mênh mang: “Xưa kia ở đậu miền xa/Cơn gió ở trọ bao la đất trời”; gió gợi cái thoáng chốc hư vô của kiếp người phù du khoảnh khắc: “ôi phù du/ từng tuổi xuân đã già/ một ngày kia đến bờ/đời người như gió qua”; gió là sự trôi chảy tàn nhẫn lạnh lùng của thời gian, của tạo hóa vô tình, khi cuốn đi tấm lòng tử tế, thiện lương: “Sống trong đời sống/ Cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/Để gió (…) cuốn (…) đi”, khi cuốn đi tuổi xuân: “Tuổi buồn như lá/ Gió mãi cuốn đi/ Quay tận cuối trời”, khi cuốn em khỏi cuộc đời anh: “Nào có ai hay ta gặp tình cờ/ Nhưng là cơn gió, em còn cứ mãi bay đi”…

Nhiều khi chợt nghĩ, hay tại sự vô hình hữu tình của gió, tại sự có đấy mà như không, vô ảnh vô hình mà vẫn luôn hiện hữu nên gió rất hay xuất hiện trong ca từ Trịnh Công Sơn, với nghĩa vô thường?! Mà thật, có ai nhìn thấy vô thường đâu, nhưng có ai không nhận ra nó trong cái thường biến ảo diệu, tàn nhẫn, lạnh lùng của đổi thay, tựa như gió, nương vào lá để xôn xao, chạm tóc em để âu yếm, lùa trong nước để bão giông,… Nên sau cả một chặng dằng dặc những kiếm tìm tới võ vàng “mình hạc xương mai”, có được em trong đời, những tưởng thời gian sẽ vĩnh hằng với “Mùa xuân trên những mái nhà/Có con chim hót tên là ái ân”, cho tới khi “Một thời yêu dấu đã qua”, người mới ngộ lẽ vô thường trong cái trống hút thênh thang của gió, làn gió vô thường, vô tình cứ bứt dần từng cánh hoa “Một sớm kia rất hồng”, hồng chưa trọn ngày đã “Nở hết trong hoàng hôn/ Đợi gió vô thường lên”, là hết!

Mới chỉ chạm nhẹ vào một vài hình ảnh thiên nhiên trong thế giới ca từ Trịnh Công Sơn, đã “đọc” thêm thật nhiều cả tài và tình của người nghệ sĩ cô đơn. Ông đã dùng những nỗi buồn của mưa, sự tươi ấm của nắng, cái vô tri của sỏi đá, cái hữu tình trong vô hình của gió… để gửi gắm cái tình thường buồn, thường lạnh, thường đơn côi trong lòng mình. Thiên nhiên thành những thi ảnh đẹp và buồn, như tâm hồn nghệ sĩ!

Trịnh Thu Tuyết