Cách TP. Vinh hơn 250km về phía Tây Bắc, Huồi Tụ là một xã vùng cao thuộc huyện Kỳ Sơn. Nhắc đến Huồi Tụ, hẳn bất cứ ai từng ghé thăm mảnh đất này đều nhớ tới một không gian được màn sương mù bao phủ quanh năm…
Một ngày tháng Bảy, tôi cưỡi lên chiếc xe máy cà tàng men theo quốc lộ 16 ngược vào với xã vùng cao Huồi Tụ của huyện Kỳ Sơn. Cơn mưa trút xuống chiều hôm qua khiến sương mù vẫn phủ dày đặc trên đường đi và hai bên rừng núi. Mới đến đầu xã Phà Đánh, vượt qua những con dốc cao ngút đã thấy thấm thía cái lạnh của vùng đất này. Bên những vực núi cao hun hút, gió thổi vi vút thấm vào da thịt. Đất trời, núi rừng, bản làng chìm vào sương mù. Ban ngày, người đi đường luôn phải bật đèn pha của xe để người đối diện thấy được. Cách khoảng 10 mét đã không thể thấy rõ mặt người. Huồi Tụ lạnh không chỉ vì gió mà cái lạnh của sương mù cũng khiến tôi phải xuýt xoa.
Dù đã quen thuộc lắm thế nhưng mỗi lần đến với Huồi Tụ bao giờ cũng để lại cho chúng tôi cảm giác thú vị. Nơi đây từ cảnh sắc đến cuộc sống con người đều huyền bí. Những ai mới đến đất này, hè cũng như đông cứ tối đến là phải mặc thật ấm cho đến tận sáng hôm sau khi mặt trời xuất hiện. Qua mỗi mùa, rừng núi lại mang một màu áo mới. Hoa cỏ đất này có một sức sống và một vẻ đẹp đến lạ kỳ. Phiên chợ ngày cuối tuần nhộn nhịp người qua lại. Cũng chỉ dăm ba món hàng quen thuộc của bà con dân bản cả thôi nhưng với người dân Huồi Tụ và các khu vực lân cận thì đây là một ngày “hội”.
Đường đến Phà Xắc
Từ ngã ba ở bản Trung Tâm, theo con đường gồ ghề đá sỏi, men theo chừng mười cây số nữa tới bản Phà Xắc. Từ xa nhìn lại, Phà Xắc ẩn hiện thấp thoáng trong làn sương mù dày đặc và những hàng cây pơ mu thấp lè tè. Đây là bản định cư của hơn 148 hộ, 720 nhân khẩu người Mông ở xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy, tự cung tự cấp là chính.

Lang thang trong bản giữa buổi sáng ban mai, nhà nhà đều vắng bóng người. Phía dưới một ngôi trường tiểu học chợt nghe vang lên tiếng học bài vui tai đến lạ. “Những phụ nữ bản mình đang đi học xóa mù đấy” – Bí thư Đoàn xã Hờ Bá Đà giải thích. Trong lớp học nhỏ, cô giáo Vừ Y Mọ – giáo viên trường Tiểu học Huồi Tụ 2 vừa say sưa dạy các bà mẹ người Mông đánh vần, vừa chỉ dẫn từng nét chữ thô mộc trên những trang giấy kẻ bằng ô ly. Mười bốn học viên lớp xóa mù và một cô giáo người Mông đang miệt mài với từng con chữ.
Đứng ngoài lớp học quan sát một lúc lâu, tôi vẫn chưa dám lên tiếng bởi sợ ảnh hưởng đến việc học của lớp. Tranh thủ giờ giải lao, cô giáo người bản địa Vừ Y Mọ niềm nở ra tiếp khách. Cô cho biết: “Phà Xắc được xem là một trong những bản khó khăn của xã Huồi Tụ. Tuy vậy, khi lớp xóa mù chữ được mở ra tại bản khoảng một năm trước, 14 học viên của bản đã tích cực hăng hái tham gia với mong muốn kiếm được con chữ. Lần đầu tiên mở lớp, chị em cũng rất ngại bởi tuổi đã lớn rồi mà vẫn phải cắp sách tới trường nhưng khi được tiếp xúc với cái chữ thì họ lại rất hào hứng. Chúng tôi cũng cố gắng động viên và đưa ra nững kiến thức dễ nhất cho chị em tập làm quen”.

Bí thư Đoàn xã Hờ Bá Đà bảo rằng, bình thường lớp học diễn ra vào ban đêm để ban ngày các mẹ, các chị còn tranh thủ lên nương rẫy và lo việc nhà. Chỉ hai ngày cuối tuần mới học vào buổi sáng. Trước đây mỗi mình cô Vừ Y Mọ đảm nhiệm việc dạy xóa mù, nhưng mấy tuần nay đã có 5 – 6 đoàn viên thanh niên của xã, trong đó có cả những sinh viên về nghỉ hè tham gia cùng. Với họ, được giúp cho các bà, các mẹ, các chị trong bản biết được cái chữ cũng là một phần đóng góp có ích cho quê hương và thực sự là một niềm vui lớn.
Lớp học diễn ra trong không khí vui vẻ. Hầu hết học viên ở đây đều có tuổi đời từ 20 đến 65. Một số học viên sau những ngày phải lo việc nương rẫy không theo kịp lớp đã quên đi nhiều mặt chữ, cô giáo Vừ Y Mọ và các đoàn viên thanh niên phải đi đến gia đình từng người hướng dẫn họ cách cầm bút, đọc từng chữ, làm từng phép tính đơn giản.

Được đánh giá là học viên tiến bộ nhất của lớp và được cử làm lớp trưởng, chị Lỳ Y Lầu năm nay 43 tuổi vừa nhắc các học viên khác đọc nhỏ tiếng lại vừa hí hoáy viết từng con chữ lên mặt giấy thô mộc. Vốn là người ở bản Huồi Đun (xã Huồi Tụ) về đây làm dâu ngót nghét hơn 20 năm và đây là lần đầu tiên chị được đến trường ở cái tuổi đã có con, có cháu.
“Ngày trước con đang học mẫu giáo, tiểu học, mỗi lần đến trường về hỏi bài thì cả bố và mẹ (cách xưng hô của chị Y Lầu) đều không biết chữ. Muốn dạy cho con mà không biết phải làm thế nào. Bây giờ con học đại học, cao đẳng cả rồi mà mình vẫn mù chữ, cái tên không biết viết, cái số không biết tính thì xấu hổ lắm. Khi nghe tin mở lớp xóa mù này, chồng mẹ bảo việc nương rẫy mẹ không phải lo nữa, phải lo học để biết chữ trước đã” – chị Lỳ Y Lầu tâm sự.

Ngồi bên cạnh chị Lỳ Y Lầu là bà Và Thị Xồng năm nay đã 65 tuổi, học viên cao tuổi nhất của lớp học và cũng được cô giáo Y Mọ đánh giá là người có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây. Đang chăm chú đọc những bài ca dao trong quyển sách giáo khoa đặt trên bàn, khi nghe tôi hỏi, bà Xồng bẽn lẽn bảo: “Ngày trước mẹ không có điều kiện đi học nên bây giờ già rồi mới phải vất vả thế này. Ngày đầu cứ nghe nói sắp được đi học là mình háo hức lắm. Buổi ngày được thầy giáo dạy cho cách đọc, cách viết là tối về lại bật điện lên ôn lại bài. Chữ nào khó, phép tính nào không biết thì nhờ con, nhờ cháu chỉ lại cho. Nhiều lúc lên rẫy hay bận công việc mà cứ nôn nóng để sớm về cho kịp buổi học”. Những lời tâm sự của bà Xồng khiến người khác cảm thấy mủi lòng. Quyết tâm kiếm bằng được con chữ trên vùng rẻo cao này thật khó khăn đối với những người phụ nữ đã luống tuổi như bà Vừ Thị Xồng. Dẫu sao đối với bà đó cũng là một niềm hạnh phúc rồi.
Hành trình với con chữ
Với bà Vừ Thị Xồng, mục đích của việc học cũng rất đơn giản. Bà chia sẻ rằng, hồi trước không biết chữ cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống gia đình bởi cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp. Vậy nhưng bây giờ muốn bán con gà, bó rau, quả dưa cũng phải biết cách tính tiền, biết cách giao tiếp, biết chữ để ghi vào sổ. Kể cả những lúc con cháu đi xa nhắn tin về không biết đọc đối với bà cũng là một điều rất khổ tâm. Quyết tâm biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản vì thế cũng nung nấu trong bà Xồng từ nhiều năm nay.

Thấy một phụ nữ đang loay hoay với con chữ một cách khó nhọc, tôi lại gần thì bà tỏ ra ngại ngần. Bà là Già Y Lìa, 56 tuổi mới đi học được mấy tháng nay. Hình như đối với bà, việc học tập chậm chạp và không theo kịp các học viên khác là một điều khiến bà xấu hổ. Được tôi động viên, bà nói câu được câu mất bằng tiếng Kinh rằng, trước đây vì nhà nghèo nên bà không được đến trường. Từ tháng 3 đến nay nghe nói Nhà nước mở lớp xóa mù chữ, bà cũng xin chồng đi học cho bằng bạn bằng bè. Không biết cái chữ xấu hổ lắm nhưng nhà nghèo và đông con nên bà đi bữa đực bữa cái. Phải sắp xếp mọi việc ở nhà cả ngày lẫn đêm bà mới có thể đến trường được. Vì thế khi đến lớp bà phải cố gắng hơn mọi người để theo kịp họ.

“Nói thế chứ cái chữ cũng khó thật đấy, hôm nay đọc hết rồi mà ngày mai nó lại chạy đi đâu mất” – bà Y Lìa nói vui. Cô giáo Vừ Y Mọ nhận xét: “Học viên người Mông ở đây rất chăm chỉ, dù điều kiện khó khăn nhưng không có ai bỏ học giữa chừng. Ngoài thời gian học ở lớp, những lúc rảnh rỗi tôi cùng các đoàn viên còn tranh thủ đến tận từng nhà xem các bà, các mẹ ôn bài như thế nào để có kế hoạch phụ đạo thêm”.
Ông Dềnh Bá Lồng – Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ cho hay: Lớp học được mở ra khoảng 1 năm nay nhằm mục đích giúp phụ nữ ở bản Phà Xắc và một số bản khác trong xã xóa mù chữ. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn song hầu hết chị em đều rất tích cực tham gia và có sự tiến bộ rõ rệt. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi dân trí được nâng cao và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bản Phà Xắc đã lùi khuất sau lưng nhưng tiếng ê a đánh vần vẫn vang vọng khắp núi rừng. Những người phụ nữ ấy tranh thủ đến lớp xong lại về quăng quật bên nương rẫy nhưng trong ánh mắt hướng về con chữ của họ lại ánh lên một niềm vui khôn tả. Chợt câu hát “Khi ông mặt trời đi ngủ, mẹ lên lớp bên ánh đèn, bản làng em rộn vang tiếng hát. Niềm tin bao la mẹ viết trang đầu…” lại hiện lên trong tâm trí tôi với một niềm vui khôn tả.
Đào Thọ