(Suy nghĩ về cuốn sách Đi tìm văn hóa của văn học, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2019 của Lê Văn Tùng)

Văn học từ cổ chí kim luôn là một ẩn số mời gọi sự khám phá của bạn đọc, của giới phê bình. Tác phẩm văn chương càng giàu “năng lượng thẩm mỹ” thì sức hấp dẫn, sự trường tồn cùng thời gian của nó càng lớn. Cùng với sự vận động, phát triển của văn học, lý luận, phê bình văn học cũng không ngừng hoàn thiện, giúp con người mở ra những chiều kích mới trong tiếp nhận tác phẩm. Từ đầu thế kỷ XX, nhiều xu hướng nghiên cứu, phê bình ảnh hưởng từ phương Tây lần lượt được tiếp nhận ở Việt Nam: phê bình Mác – xít, phê bình xã hội học, phê bình cấu trúc, tiếp cận thi pháp học, phê bình ký hiệu học, phê bình hậu thực dân, phê bình sinh thái…
  Nghiên cứu, phê bình văn học từ góc nhìn văn hóa là một xu hướng nghiên cứu liên ngành đầy triển vọng, được quan tâm chú ý trong những năm gần đây. Xu hướng nghiên cứu này xuất phát từ mối quan hệ khăng khít giữa văn hóa và văn học. Văn hóa – theo nghĩa rộng – bao hàm tất cả “những gì con người tạo ra do hoạt động xã hội, trong sự khác biệt với tự nhiên, khu biệt với tự nhiên” (định nghĩa của Pufendorf) (1). Theo nghĩa hẹp, văn hóa chỉ là “di sản tinh thần và những phong tục tập quán của con người” (định nghĩa của E.B. Tylor) (2). Còn văn học nằm trong văn hóa, là bộ phận tinh tế, nếu không nói là kết tinh của văn hóa.  Lê Văn Tùng – để tạo ra phương pháp luận làm việc – đã chọn một cách tiếp cận văn hóa của riêng mình, cách tiếp cận mà ông tự nhận là “mang một sắc thái thực dụng” để từ đó khám phá thế giới bí ẩn và hấp dẫn của văn chương, đó là: “ Văn hóa là ý thức của con người về giá trị từ/của những hoạt động và những sản phẩm vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra, nhận thức được trong toàn bộ quan hệ mà con người tương tác với tự nhiên, xã hội và với chính mình” (tr. 19). Trong định nghĩa này, văn hóa được nhìn trước hết từ chủ thể tiếp nhận, từ ý thức người trong các mối quan hệ.
Cầm cuốn sách, ban đầu tôi khá băn khoăn, bởi có gì đó trái với cách nghĩ thông thường. Người ta thường nói văn học trong văn hóa, nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa (chẳng hạn: Nghiên cứu thơ đời Lý trong bối cảnh văn hóa Phật giáo, nghiên cứu tùy bút Nguyễn Tuân từ góc nhìn văn hóa…). Còn ở đây lại là “đi tìm văn hóa của văn học”. Tất nhiên “đi tìm” thì có thể theo nhiều con đường, nhưng con đường khác với số đông liệu có khả thủ? Tuy nhiên, đọc hết cuốn sách, mới thấy rõ Lê Văn Tùng đã kiên trì, nhất quán đi trên con đường khá gian nan của mình và ông đã có những thành công, chí ít cũng là gợi mở cho người đọc nhiều điều phải suy nghĩ tiếp trên từng chương, từng bài của cuốn sách.
Cách tiếp cận văn hóa từ góc độ “ý thức của con người về giá trị” đã giúp tác giả từng bước tiến vào địa hạt văn chương. Từ chỗ khu biệt “con người với các động vật khác” (nói theo cách Tản Đà là “con người” và “thằng người”), khu biệt con người với giới tự nhiên vì “tự nhiên không có ý thức, hơn nữa không có ý thức về giá trị” và như vậy “tự nhiên không có văn hóa”, tác giả đi đến xác định văn hóa là ý thức của con người “thông qua sự lựa chọn” (tr. 23). Từ sự lựa chọn của một dân tộc (“Hòa bình và nhân ái trong độc lập tự do là ý thức văn hóa, lý tưởng văn hóa của dân tộc Việt Nam” – tr.25) đến sự lựa chọn của cá nhân, đó là “tự giải phóng những năng lực nhân tính của cá nhân, để có tự do và tôn trọng tự do của người khác” (tr. 41). Đến đây, tác giả đã đặt con người, đúng hơn là ý thức con người cá nhân trong sự lựa chọn nghiệt ngã giữa “văn hóa” và “tha hóa” làm hạt nhân cho mọi quy chiếu của mình. Và nhờ thế, tác giả đã có được góc tiếp cận chính xác, có tính khả thi để thâm nhập, soi chiếu, đi tìm “văn hóa của văn học”, “từ sáng tác của một nhà văn đến hoạt động sáng tạo của một trào lưu, một khuynh hướng văn học, từ văn hóa của một loại hình văn học đến văn hóa của văn học một dân tộc và văn hóa nhân loại” (tr. 57). Từ góc nhìn này, ông cũng luôn ý thức về tính phức tạp, rộng mở, đa nghĩa khi tiếp cận văn chương: “Văn hóa của văn học là giá trị của thế giới văn học trong ý thức của con người, loài người. Thế giới ấy không có chân trời cuối cùng cả trong phạm vi không gian, thời gian sinh thành và tiếp nhận (…). Thế giới đó vừa hấp dẫn người đọc, nhà phê bình nghiên cứu văn học nhưng đồng thời cũng là một thách đố” (tr. 57).

PGS, TS Đinh Trí Dũng trong buổi tọa đàm về cuốn sách ”Đi tìm văn hóa của văn học” của Lê Văn Tùng. Ảnh: P.V

Bên cạnh việc xác lập cơ sở lý luận, đóng góp lớn của tác giả cuốn sách là đi sâu khám phá các hiện tượng văn học. Nhiều tác gia văn học lớn, từ văn học trung đại đến văn học hiện đại đã được soi xét: Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh và Nhật ký trong tù… Đã từng có nhiều quan điểm bàn luận về màn kết Truyện Kiều. Một số nhà nho nhìn thấy ở đây ý thức về “trinh tiết”. Xuân Diệu có một phát hiện khi nhận ra màn kết là “bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều”. Nhìn theo quan điểm Phật giáo, Thích Nhất Hạnh cho rằng: Kiều đã là người tu hành, đã giác ngộ chân lý nhà Phật, đã vượt lên trên quan niệm hạnh phúc thông thường của chúng nhân, “đã nếm được mùi tịnh lạc và thấy hạnh phúc chân thật là như thế nào rồi thì không thể trở về chuyện đó được” (3). Gần đây, có người lại gắn màn kết này với vấn đề “nữ quyền”: “Dường như nhà thơ vĩ đại muốn đặt những câu hỏi khá bức bối này của tư tưởng nữ quyền trong phần đại đoàn viên của Truyện Kiều” (4).Nhất quán với các tiêu chí đã lựa chọn, nhìn “Truyện Kiều là một kết thể văn hóa” kết hợp ba nguồn thi pháp: “thi pháp truyền thống văn học dân tộc, thi pháp thời đại và những sáng tạo hiện đại trong tư duy nghệ thuật của tác giả”, Lê Văn Tùng phát hiện ra một nét nghĩa độc đáo ở màn kết Truyện Kiều: “Màn tái hợp của Truyện Kiều, tiềm ẩn phía sau tấm thảm ngôn từ trực tiếp miêu tả “vườn xuân muôn đời” là một giải kết bi kịch. Giải kết bi kịch này là cách nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du về số phận của con người. Đó là bi kịch của một khát vọng lành mạnh của con người muốn vươn tới cuộc sống hài hoà. Trở về đoàn tụ với gia đình nhưng Thuý Kiều phải sống khắc khoải trong kiếp lưu đày ngay giữa nhà mình, bên cạnh người yêu mình” (tr. 140). Cũng đã có nhiều công trình, bài viết tiếp cận, phân tích cái hay trong thơ Nguyễn Khuyến, Lê Văn Tùng đứng ở “văn hóa từ quan xưa” để phát hiện cái cao đẹp của hành vi “từ quan” của Tam Nguyên Yên Đổ như là “con đường tìm về dân tộc để bảo vệ dân tộc từ bề sâu văn hóa” (tr. 154), từ đó đi đến một khái quát đầy ý nghĩa: “thì ra làm quan hay từ quan vẫn có một cốt lõi nhân cách văn hóa truyền đời trong quan niệm của người Việt Nam từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ và mãi mãi” (tr. 158). Cũng với cách nhìn soi chiếu từ văn hóa, Lê Văn Tùng phát hiện ra quan niệm về con người – thông qua nhân vật trữ tình – trong thơ trữ tình Phan Bội Châu trước 1905 là “con người thao thức trong những đêm cuối của thế kỷ XIX  “cả nước ngủ mê” đến con người bừng tỉnh trong bình minh thế kỷ mới” (tr. 162), còn sau 1905 là sự xuất hiện “con người ý chí, thao thức tìm đường, không thừa nhận cuộc sống nô lệ, khao khát chinh phục những không gian kỳ vĩ, những chân trời mới lạ” (tr. 178). Còn với Nhật ký trong tù, tác giả nhận ra một khía cạnh của vẻ đẹp trong tập thơ là luôn hiển hiện một “con người văn hóa”, không chỉ ở khía cạnh con người cao cả mà ở “góc nhìn con người bình thường, con người thế sự”, con người “rất dị ứng với tâm thế phi phàm. Từ quan sát, cảm giác, tri giác đến cảm xúc, cảm hứng đều từ những gì thuộc thế giới phàm trần này: một cảnh bắt rận, thiếu nước tắm, ở bẩn, ghẻ ngứa, cái gậy chống, quán cháo ven đường, cái chăn giấy, cơm tù, rét, rệp…” (tr. 191).
Không chỉ đi tìm văn hóa trong các tác giả, tác phẩm cụ thể, Lê Văn Tùng còn nhìn thấy văn hóa ở loại hình văn học. Tác giả xem “đặc điểm loại hình của văn học hiện đại Việt Nam được xem là văn hóa loại hình của nền văn học ấy”. Từ góc nhìn này, Lê Văn Tùng nhìn văn học hiện đại Việt Nam trong mối quan hệ với thực tại xã hội, môi trường văn hóa, sự ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây, cuộc đấu tranh dành độc lập, giải phóng dân tộc, tất cả đã “tạo ra môi trường văn hóa vừa đặc thù, vừa biến đổi như là khí quyển của văn học hiện đại” (tr. 280). Tác giả cũng không quên soát xét lại các quan điểm của Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Lai Thúy, Vương Trí Nhàn, chỉ ra những điểm khả thủ và cả những hạn chế nhất định trong các ý kiến đó, từ đó xác định lại chính xác 5 đặc điểm loại hình của văn học Việt Nam hiện đại: – Nền văn học được dân chủ hóa ở mọi phương diện; – Tính khoa học và tinh thần lý tính; – Tính chuyên nghiệp; – Một nền văn học hội nhập cùng văn học thế giới; – Tính năng động nghệ thuật của văn học hiện đại. Quả đây là một định nghĩa toàn diện, có những đóng góp cho việc xác định chính xác những đặc trưng của văn học hiện đại, dựa trên cơ sở xác định “văn hóa loại hình văn học” nói trên.
  Cũng chưa thể nói rằng mọi điều nêu lên trong cuốn sách của tác giả Lê Văn Tùng đều là chính xác, không thể tranh cãi. Có những luận điểm chưa được triển khai đến cùng và có cách định danh vẫn còn gây băn khoăn, chẳng hạn “văn hóa của hình thức nghệ thuật” (tr.71). Tác phẩm văn chương luôn là một thế giới mở và mỗi phương pháp tiếp cận văn chương đều có những mặt mạnh và mặt hạn chế của nó. Lê Văn Tùng cũng rất ý thức điều đó khi nói rằng “Tản Đà có một mái chèo thuyền nan giữa đại dương giông tố, còn tôi chỉ mới đứng trên bờ nhìn ra biển lớn văn học đã thấy choáng ngợp” (tr.58). Tuy nhiên, với những gì làm được, có thể khẳng định Lê Văn Tùng đã có những đóng góp không nhỏ, mở ra một cách nhìn, một con đường để đi tìm, để khám phá những giá trị, những vẻ đẹp của văn học dân tộc.

Đinh Trí Dũng


Chú thích:
(1), (2) Nhiều tác giả, Một số chuyên đề văn hóa và phát triển, Nxb Chính trị – Hành chính, HN, 2011, tr.9, 11 .
(3) Thích Nhất Hạnh, Thả một bè lau, Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán, Nxb Tôn giáo, HN, 2005, tr.395.
(4) Phạm Thị Hồng, Nhân vật Thuý Kiều trong đoạn kết Truyện Kiều nhìn theo quan điểm văn hoá giới thời trung đại, http://vannghequandoi.com.vn, Cập nhật ngày 22/07/2011.