Hành trình sống và sáng tạo gần một thế kỉ cho Chế Lan Viên cơ hội chứng kiến và trải nghiệm nhiều biến động lớn lao của dân tộc và nhân loại. Điều đó in dấu ấn đậm nét trong thơ ông. Dù viết về cõi điêu tàn siêu hình, đời sống kháng chiến hay hiện thực đất nước thời hậu chiến, thơ ông luôn nhất quán với phong cách triết lí, khái quát.

Đọc thơ Chế Lan Viên, tôi tình cờ bắt gặp hai bài cùng viết về chim vít vịt, một loài chim hoang dã bé nhỏ. Bài đầu – Chim vít vịt, viết vào mùa hạn năm 1961; bài thứ hai – Tiếng chim vít vịt, rút trong Di cảo thơ, tập Nháp 5, tức vào khoảng sau 1986. Được viết cách nhau hơn 20 năm, dẫu cùng đề tài, hai bài vẫn có khá nhiều khác biệt.[1]

Đây là bài thứ nhất:

Chim vít vịt

I

Vít vịt

Mưa hay không là không mưa?

Những đồng chiêm khô khốc

Cửa sổ phòng ta

Ở quá xa

Không thấy mùa chiêm mất

Những nhành lan nhan sắc

Nở mùa hoa

Che mắt

Vít vịt

Tiếng chim chiều

Như trách móc

Lòng ta.

II

Vít vịt

Những cánh đồng chiêm nẻ nứt

Thương con chim

Biết nghĩ đến ngày mùa

Mà động tiếng kêu mưa

Vít vịt

Trời mờ im

Như cảm bởi tiếng chim

Nắng tắt

Vít vịt

Chim kêu

Dân ta nghèo

Mùa ơi chớ mất

Chớ phụ lòng người sản xuất

Phụ lòng ta sớm chiều

Day dứt

Nghe bên vườn

Vít vịt

Chim kêu.

Còn đây là bài thứ hai:

Tiếng chim vít vịt

Chim vít vịt kêu trong lùm tre

Thơ dại

Chim im rồi, tre lại

Sẫm xanh hơn

Và màu xanh như rót xuống

                                 tâm hồn

Anh chỉ là kẻ phàm phu mắt thịt

Chỉ nghe được tiếng chim khi chim kêu

Ðâu biết màu tre xanh

                    cũng là tiếng

                                 chim vít vịt.

Anh nghe sao được cái lặng im

                    thẳm sâu trong hồn

Nuối tiếc

Một đàn vịt đã bay, đã mất

Những cơn mưa xa tắp

Chưa về giữa quãng trời, quãng đời

                                 khô khốc

Những cái gì một đời mà khoảnh khắc

Ðể bây giờ

Vít vịt gọi, kêu, lên tiếng nhắc

Giữa trời.

Bài Chim vít vịt mang cảm hứng và bút pháp tả thực. Nó hoàn toàn thống nhất với cảm hứng gắn bó của người nghệ sĩ trước đời sống cần lao của Nhân dân lao động, vốn là cảm hứng chủ đạo của thơ kháng chiến. Bài thơ có cấu trúc trữ tình khá đơn giản: trước tác động của ngoại cảnh (tiếng hót của chim vít vịt, còn gọi là chim vịt, chim gọi nước), đúng vào mùa hạn hán, nhà thơ “tức cảnh sinh tình”, bộc lộ nỗi day dứt, thương người sản xuất, mong khô hạn chấm dứt. Chim vít vịt cho thấy, bên cạnh giọng ngợi ca hùng tráng, trong thơ Chế Lan Viên giai đoạn 1945 -1975 vẫn có “giọng trầm” thương cảm, day dứt. Đó là nỗi day dứt của người sống trong phòng văn, bị “những nhành lan nhan sắc” che mắt, nên không thể thấy được “mùa chiêm mất” trên những cánh đồng hạn hán “khô khốc”. Trong Chim vít vịt, tiếng chim đóng vai trò tác động ngoại cảnh, chủ thể ở tư thế hướng ngoại, nghe/ nhờ tiếng chim để giãi bày nỗi lòng và sự cảm thông với người lao động. Không ngẫu nhiên mà nhân vật trữ tình ở đây xưng “ta” (xin nhớ lại những câu này trong “Tiếng hát con tàu”: Tây Bắc ư? Có gì riêng Tây Bắc? / Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu!). Bài thơ là sự tường thuật khá đơn giản tiếng nói trữ tình của chủ thể.

Thoạt nhìn, giữa Chim vít vịt Tiếng chim vít vịt có nhiều điểm gần gũi: hình tượng con chim vít vịt, sự tác động của tiếng chim, sự suy tư, day dứt của nhà thơ (ta/ tôi), đối với đời sống, người lao động… Nhưng nếu trong Chim vít vịt, tiếng chim khiến ta bừng tỉnh, biết thương “người sản xuất” (quả là thứ ngôn ngữ đậm tính thời đại, phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, vào những năm 60 của thế kỉ trước!) thì trong Tiếng chim vít vịt, cái mà tiếng chim đánh thức không chỉ là ý thức trách nhiệm xã hội mà còn là mong muốn nhận thức lại về bản chất đời sống và nội tâm (vốn là một cảm hứng mạnh mẽ trong thơ Việt Nam hậu chiến nói chung, thơ Chế Lan Viên giai đoạn Di cảo nói riêng). Nó không chỉ tác động, kêu gọi, nó còn kích thích và gợi mở một thế giới khác, bí ẩn, phức tạp, không dễ diễn giải.

Trong Tiếng chim vít vịt, tư thế lẫn tâm thế của chủ thể trữ tình đã khác. Thay vì hướng ngoại, anh ta hướng vào nội tâm cá nhân. Đó cũng chính là hành trình tự nhận thức. Bởi vậy, nếu ở Chim vít vịt chỉ có sự độc thoại của nhân vật trữ tình, thì trong Tiếng chim vít vịt, nhân vật trữ tình tự phân thân để đối thoại/ tự đối thoại. Anh ta vừa là mình, vừa tách ra khỏi mình, đứng cao hơn mình để phân tích, lí giải, truy vấn, tranh biện…

Nhưng nhận thức là cả một quá trình, điều này càng đúng với một hồn thơ giàu trí tuệ, sắc sảo và ưa lí lẽ như Chế Lan Viên. Trong một khái quát sơ giản, có thể nói, từ Chim vít vịt đến Tiếng chim vít vịt cũng cho thấy một diễn trình thay đổi trong tư tưởng, nhận thức (và cùng với điều đó là thi pháp) của nhà thơ, đi từ cái ta đến cái tôi, từ bên ngoài vào bên trong, từ hiện tượng đến bản chất… Trong Tiếng chim vít vịt, việc nói về bản thân “chỉ là kẻ phàm phu mắt thịt” là cách để tự nhắc phải vượt qua “con mắt thịt”, con mắt “phàm tục” để có thể nghe/ nhìn/ nhận thức đời sống theo cách khác, gần hơn với bản chất của nó. Chỉ khi thay đổi nhận thức và cách tiếp cận, “anh” sẽ có khả năng thẩm thấu âm thanh (nói rộng ra là hiện thực đời sống) khác thường. Ngay cả khi tiếng chim im lặng chính là khi “anh” nghe rõ tiếng kêu của nó hơn bao giờ hết. Sự chuyển hóa từ âm thanh sang màu sắc, từ âm thanh sang hình ảnh, xúc cảm, hoặc đặc biệt hơn, từ âm thanh sang vô thanh, cũng là tuân theo quy luật chuyển hóa nội tâm ấy:

Anh chỉ là kẻ phàm phu mắt thịt

Chỉ nghe được tiếng chim khi chim kêu

Ðâu biết màu tre xanh

                    cũng là tiếng

                                 chim vít vịt.

Anh nghe sao được cái lặng im

                    thẳm sâu trong hồn.

Tiếng chim đã thay đổi hay tâm thế người nghe đã thay đổi? Dĩ nhiên, câu trả lời nằm ở vế thứ hai. Thật ra, chim vít vịt thì có thể vẫn là chim vít vịt thôi. Nhưng vấn đề là trước đây, anh chỉ thấy/ nghe những gì mà mắt/ tai anh cho phép. Cái nhìn nệ thực đã trói chặt con mắt siêu thực của anh, khả năng sáng tạo của anh. Giờ đây, có một cái tôi khác đang buộc anh phải thay đổi cái tai nghe, con mắt nhìn – thực chất là thay đổi nhận thức, tư duy. Bởi vì, cái siêu tôi ấy cũng nhắc anh rằng, bên cạnh cái sự thực, thậm chí có vẻ cực thực – là tiếng chim, mà anh tận mắt nhìn thấy/ nghe thấy bằng con mắt/ đôi tai vật chất của anh, vẫn còn một hiện thực khác đang hiện hữu: âm thanh của màu tre xanh; âm thanh của cái lặng im thẳm sâu; âm thanh của những cơn mưa xa tắp; âm thanh của quãng đời khô khốc; âm thanh của những day dứt, xót xa, nuối tiếc trong chính anh… Tất cả “những gì một đời mà khoảnh khắc” đều có thể hiện diện qua một tiếng chim vít vịt. Nhưng anh đã không thể nghe, bởi thiếu sự nhạy bén nội tâm, bởi tâm lý bảo thủ cố hữu, bởi thiếu điểm tựa nhận thức và phương pháp luận (tôi muốn nhấn mạnh đến cái gọi là phương pháp luận sáng tạo), anh tự mình đánh mất khả năng cộng thông với thế giới và cùng với điều đó, là khả năng nhận thức, rung động trước những vẻ đẹp và giá trị phong nhiêu, đầy bất ngờ của nó.

So với bài Chim vít vịt, Tiếng chim vít vịt có cấu trúc trữ tình phức tạp hơn, tôi tạm gọi đó là kiểu cấu trúc nghịch lý. Nghịch lý được trình bày như một sự thật phổ quát của đời sống: chẳng hạn, nghe âm thanh (tiếng chim) mà lại nhận ra vô thanh (“cái lặng im thẳm sâu trong hồn”); nhìn màu sắc (màu tre xanh) lại nghe/ nhận thấy âm thanh (tiếng chim); trong “khoảnh khắc” (khi tiếng chim vang lên và tắt đi) hàm chứa “những cái gì một đời” (lâu dài, vĩnh viễn). Ở đây, tiếng chim không phải gợi ra cái có thể nhìn thấy, nó gợi ra cái không nhìn thấy, đúng hơn, nó gợi ra những cái chỉ có thể nhìn thấy bằng con mắt bên trong, siêu giác quan. Tiếng chim vít vịt, dẫu không phải là một bài thật hay, nó vẫn cho thấy những nét ưu trội, quen thuộc của phong cách triết lý – suy tưởng của Chế Lan Viên: thói quen tìm kiếm những điều thuộc về bản chất của đời sống thông qua nghịch lý; bút pháp tượng trưng (tìm kiếm mối quan hệ thống nhất giữa các sự vật; cách nói bằng hình ảnh tượng trưng, cắt bỏ những yếu tố kết nối bề mặt để tạo ra độ sâu của liên hệ, suy tưởng…); thói quen phân tích, tranh biện, (“anh” trong bài thơ thực chất là phân thân/ hóa thân của cái tôi tác giả, nhằm tập trung vào vấn đề của cuộc đối thoại – yêu cầu nhận thức lại hiện thực, thái độ đối với đời sống và hành động viết…)

Sự lặp lại về đề tài giữa hai bài thơ đã làm người đọc có cơ hội nhận ra một số điểm khác biệt trong cảm hứng và thi pháp thơ của Chế Lan Viên ở hai chặng sáng tác khác nhau. Nếu Chim vít vịt là cảm hứng phản ánh hiện thực thì Tiếng chim vít vịt là cảm hứng nhận thức lại về hiện thực, nhằm đòi hỏi ở nghệ sĩ một thái độ ứng xử khác trước hiện thực. Tiếng chim vít vịt đã khác trong cảm hứng và bút pháp, nghiêng về chiêm nghiệm cái bề sâu bề xa của hiện tượng, đời sống. Nó thể hiện ý thức và đòi hỏi của tác giả nhằm vượt qua cái nhìn nệ thực để hướng tới một hiện thực khác, sâu xa hơn, mà theo ông, bây giờ mới đích thực là bản chất đời sống.

Dĩ nhiên, cần nói thêm rằng, trong cái nhìn toàn cảnh, Chim vít vịt và cả Tiếng chim vít vịt về sau, đều nằm trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Chúng đều là con đẻ của hồn thơ Chế Lan Viên. Chúng được sinh thành từ sự hôn phối giữa tư tưởng, nhận thức, xúc cảm của nhà thơ với bối cảnh lịch sử xã hội tương ứng. Đồng thời, sự khác biệt ấy cũng cho thấy sự vận động, thay đổi của nhận thức về đời sống và sáng tạo của chủ thể. Cũng cần nói thêm rằng, Tiếng chim vít vịt chỉ là một trong số rất nhiều bài của Di cảo, bộ phận thơ thể hiện sự thay đổi lớn trong tư tưởng, nhận thức của Chế Lan Viên. Nó nằm trong hệ thống cùng với hàng loạt bài thơ, dù mới ở dạng phác thảo, nhưng thể hiện một nỗi ưu tư sâu sắc của nhà thơ về bản thể, về nhiều vấn đề của tồn tại, ví dụ Hỏi? Đáp; Các mùa hoa, Vơ vẩn, Gió lật lá sen hồ, Tượng đá, Lò thiêu, Từ thế chi ca, Làm sao, Mặt nạ, Đạo diễn, Ai? Tôi!, Câu hỏi sỗ sàng, Cho và trả, Men vực, Đừng buồn… Ở đó, ta bắt gặp mối ưu tư siêu hình mà vẫn rất đời, rất hiện sinh của tác giả, về ý nghĩa tồn tại cá nhân, về bản chất của đời sống con người, ý nghĩa của sống và chết, thiện và ác, sự thật và dối trá, hạnh phúc và bất hạnh… Đó là tư thế của một con người đang suy ngẫm về bản chất cuộc sống và ý nghĩa của đời mình “từ thế chi ca”, thấu suốt, thanh thản nhưng không hư vô chủ nghĩa, vẫn rất tường minh, rành mạch:

Anh không ở lại yêu hoa mãi được

Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa

Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó

Anh thành một nhúm xương gio trong bình

Em đừng khóc

Ngoài vườn hoa cỏ mọc.

                           (Từ thế chi ca)

Không chỉ viết về chim vít vịt, trong Di cảo nói nhiều đến rất nhiều những con vật, sự vật rất đỗi nhỏ bé, bình thường, thậm chí tầm thường: hoa trên bê tông, cây liễu gãy, lau trắng, hoa khô, ong, tiếng ễnh ương, đá, hạt sương và mạng nhện, lá sen, hoa súng, ruồi và mật, con nhặng xanh… Sự xuất hiện của lớp hình ảnh, sự vật này trong thơ Chế Lan Viên giai đoạn sau vừa có tính ngẫu nhiên vừa như là tất yếu. Ngẫu nhiên, bởi chúng thường chỉ được nói thoáng qua, ít được “tu sức” tỉ mỉ. Nhưng đồng thời, chúng có tính tất yếu bởi thể hiện rất rõ lối tư duy thơ của Chế Lan Viên, đặc biệt ở giai đoạn cuối. Những hình ảnh, chi tiết, sự vật như là thoáng qua đó, với ông, bao giờ cũng có khả năng gợi ra những suy tư bất tận về đời sống, hướng ông đến câu hỏi không ngừng cuộn xoáy trong nội tâm, câu hỏi về ý nghĩa, giá trị đích thực của bản thể cá nhân, bản thể sáng tạo. Dòng tư tưởng của ông, hệt như một ăng ten vô tuyến cực nhạy, luôn có thể bắt sóng ở mọi tần số, mọi khu vực, mọi xung động dù nhỏ bé nhất. Nên trong nhiều bài của Di cảo, bao gồm Tiếng chim vít vịt, đại từ “anh” (là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, được dùng để chỉ cái tôi nhà thơ), xuất hiện khá thường xuyên. Đó là cách để Chế Lan Viên có thể đi đến cùng cuộc truy vấn, đối thoại cần thiết của cá nhân ông. Một cuộc đối thoại dường như vô tận, bởi đó cũng là cuộc đối thoại với lương tri và khát vọng.

Hành trình thơ của Chế Lan Viên trải dài qua nhiều chặng, với nhiều bước chuyển lớn lao trong tư tưởng, xúc cảm và thi pháp. Chỉ qua hai bài thơ nhỏ để thấy được sự thay đổi trong lộ trình thơ của Chế Lan Viên là việc quá khó, thậm chí bất khả. Tuy nhiên, từ một tiêu điểm cụ thể, ta cũng có thể nhận ra một vài điều. Chẳng hạn, thơ ông vừa có thể là tiếng nói của bóng ma Hời trong cõi dị thường, vừa có thể là tiếng kèn kêu gọi xung trận, và có thể đơn giản là tiếng chim vít vịt cất lên xa xôi đâu đó. Âm thanh ấy có khi lại găm sâu hơn trong kí ức người đọc, bởi đó không chỉ là tiếng chim. Đó là, như chính nhà thơ viết, “những cái gì một đời mà khoảnh khắc”…

  1. Chế Lan Viên toàn tập (2002), NXB Văn học (do Vũ Thị Thường sưu tầm và biên soạn).

Lê Hồ Quang

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, tháng 9/2022)