Đã quá nửa đời người, nhưng trong tôi, hình ảnh bếp lửa bập bùng vẫn luôn đau đáu, nhất là mỗi độ xuân về.

Sinh ra ở vùng đồng chiêm trũng, con người quê tôi gắn bó với đồng ruộng, rơm rạ. Những đụn khói mỗi sáng sớm, mỗi hoàng hôn chờn vờn trong ký ức, chờn vờn đến cả hôm nay.

Những ánh lửa bập bùng, nhảy nhót, reo vui, tỏa ra sự ấm cúng của sự sum vầy. Ảnh: Nguyễn Đạo.

Lên cấp 3, xa quê, nhớ nhà, tôi nhớ nhất hình ảnh mẹ lúi cúi trong bếp để nấu cho cha con tôi những bữa ăn đạm bạc, ngon lành. Tôi thèm ngửi mùi khói bếp cay cay nơi sống mũi. Nhất là những ngày giáp Tết, đói, rét, nỗi nhớ lại giày vò hơn. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bữa cơm chiều ăn với món cá đồng kho khế, thèm được quây quần bên bếp lửa sau mỗi bữa ăn tối, và nước mắt cứ chạy vòng quanh…

Nhớ nhất là mỗi sáng mai thức dậy, khi còn ủ mình trong hơi ấm ổ rơm đã nghe tiếng củi lửa nổ lách tách. Lồm cồm bò dậy, tôi chạy nhanh xuống bếp, ngồi cạnh mẹ, giơ hai bàn tay hơ gần ngọn lửa, đỡ xuýt xoa vì lạnh. Những ánh lửa bập bùng, nhảy nhót, reo vui, tỏa ra sự ấm cúng của sự sum vầy.

Bên bếp lửa. Ảnh: Tất Lành.

Bếp lửa trong tôi không chỉ là tình mẹ, tình quê đong đầy mà còn gắn với bao kỷ niệm của tình bạn. Đó là những buổi chăn trâu ngoài bãi, khi những cơn gió heo may lành lạnh, khi cái rét tê tê ùa về, trong tay chúng tôi là những nùi rơm đang un khói. Khói cay xè mắt phần nào giúp những đứa trẻ thôn quê phong phanh trong chiếc áo mỏng xua đi cái rét. Cái ấm nồng của khói, của lửa quyện với mùi thơm của rơm tạo nên một mùi vị rất đặc biệt mà chỉ có những đứa trẻ lam lũ với ruộng đồng mới cảm nhận được; để rồi nó theo ta suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

Có những hôm không đủ ấm, chúng tôi chia nhau đi nhặt những cành củi khô, gom lại, chất thành đống nhỏ, đốt lên để sưởi rồi ríu ra ríu rít kể những câu chuyện chẳng có đầu, có cuối. Vậy mà cả bọn vẫn say sưa. Trong đống lửa đang cháy đó, có cả những củ sắn, củ khoai,… chúng tôi nhổ trộm, mà khi bắt được, bác chủ ruộng cũng chỉ dọa ít câu và thông cảm vì nhiều lý do. Trong đó có vì đói và cả vì nghịch dại. Mùi thơm thơm, khen khét của sắn, khoai, chuối nướng vẫn đằm sâu trong ký ức, để mỗi lần về quê gặp nhau, chúng tôi lại rúc rích cười. Thèm được sống lại những ngày tháng đẹp đẽ, vô tư, trong ngần ấy…

Bếp lửa trong tôi còn là kỷ niệm của những ngày giáp hạt. Ngày ba tháng Tám, cơm không đủ ăn, mẹ hầm ngô, những hạt ngô răng ngựa, phải nấu, đãi vôi từ chiều hôm trước; chờ hầm, ủ trong bếp củi than, mãi sáng hôm sau mới được ăn. Sáng hôm đó, tôi dậy sớm hơn, ngồi bên bếp, háo hức trông chờ. Bếp lửa lúc này hình như chẳng làm tôi ấm hơn vì không chỉ rét, mà còn cả đói. Những lúc như thế mới thấm thía cái cảnh “bụng đói, cật rét” là như nào. Khi những bát ngô được xúc ra, không thể chờ cả nhà, tôi vội vàng xin mẹ một bát, bưng vào ngồi trong bếp, ăn một cách ngon lành. Và cái lạnh cũng như biến đi đâu mất… Ngày ấy, những bát ngô răng ngựa sao mà ngon đến thế!

Bếp lửa trong tôi còn là kỷ niệm những đêm ngồi canh nồi bánh chưng đêm 29 Tết. Cả nhà hì hục gói bánh từ chiều, cho vào nồi mười, đổ nước ngập bánh. Ăn cơm tối xong, cha cho củi, trấu vào. Lửa được nhóm lên. Trong tiếng tí tách của củi là câu chuyện rôm rả của cả gia đình. Cha kể về sự tích bánh chưng bánh giầy… Trong ánh lửa bập bùng, lung linh, chúng tôi như được trở về quá khứ để thêm tự hào truyền thống tốt đẹp; tri ân, nhớ về tiên tổ… và biết quý trọng hơn công sức của những người nông dân; biết trân trọng hạt lúa, củ khoai, củ sắn,…

Quê tôi đang những ngày rét cắt da, cắt thịt. Bếp lửa đâu đó đã không còn. Nhưng bếp lửa tuổi thơ, bếp lửa của những kỷ niệm đằm sâu sẽ mãi sưởi ấm lòng tôi; đã, và sẽ đưa tôi đi qua những ngày đông tháng giá, vượt lên tất cả để sống tốt, sống đẹp hơn!

Phan Diên