Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dẫn đầu gồm các nhà văn, nhà báo đến từ 27 tỉnh, thành phía Bắc ghé thăm làng gốm Bát Tràng một chiều cuối tháng Ba. Cái rét se se đủ để chúng tôi cảm nhận được vẻ trầm mặc của những con phố và một trong những nét làm nên hồn cốt Hà Nội, ấy là gốm Bát Tràng.

Bà Hà Thị Vinh đón nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và các văn nghệ sĩ. Ảnh: Hữu Vinh

Chúng tôi về Hà Nội dự trại viết, may mắn được đi tham quan làng gốm và bảo tàng Bát Tràng, một địa danh nổi tiếng mà thuở còn đi học, tôi đã biết qua những câu thơ của nhà thơ Hồ Minh Hà: “Bút nghiêng lất phất hạt mưa/ Bút chao gợn nước Tây Hồ lăn tăn/ Hài hoà đường nét hoa văn/ Dáng em, dáng của nghệ nhân Bát Tràng”.

Một làng nghề có bề dày văn hoá truyền thống

Đón chúng tôi là bà Hà Thị Vinh, hậu duệ đời thứ 15 trong một dòng họ có truyền thống làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng, hiện bà là Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội. Với tác phong linh hoạt, cởi mở, bà trải lòng cùng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và anh em văn nghệ sĩ về làng nghề và quá trình xây dựng Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng, Tinh hoa làng nghề Việt.

Bà Vinh cho biết, Bát Tràng là một làng cổ được thành lập từ rất lâu, những người đầu tiên khai cơ lập làng là những con người can trường, quả cảm đến từ vùng đất Ninh Bình. Năm 1010, khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, sau là Thăng Long, Vua cần nhiều gạch ngói và các vật dụng khác để tu bổ và xây dựng Hoàng thành. Những người thợ gốm giỏi ở Bồ Bát, Yên Mô, Ninh Bình đã được vua chiêu mộ về xây dựng một cơ sở sản xuất để cung tiến nguyên vật liệu xây dựng Hoàng thành. Ban đầu, có 5 dòng họ đi trước để tìm nơi sinh sống và sản xuất là Trần, Lê, Nguyễn, Vương, Phạm. Họ phải đi qua chín con sông, bắt đầu từ dòng Hoàng Long cho đến khúc cong của sông Hồng, gọi là Nhĩ Hà (cong như vành tai) thì các cụ dừng lại tại một bãi bồi ven sông Hồng. Bãi bồi này có 72 gò đất trắng, mà đất trắng lại là chất liệu làm xương gốm rất tốt. Các cụ vui mừng tin rằng đã được các vị thần linh, thổ địa phù hộ nên chọn vùng đất này làm nơi sinh sống dựng làng. Lúc đầu làng có tên là Bạch Thổ phường (phường đất trắng), đến thế kỷ XIII mới đổi tên là Bát Tràng. Có nhiều cách lý giải về tên Bát Tràng nhưng cách lý giải thuyết phục nhất là cách gọi kết hợp từ tên hai địa danh “Bát” trong Bồ Bát (Yên Mô – Ninh Bình) và “Tràng” trong Tràng An (Hoa Lư – Ninh Bình). Cái gốc tích ấy vẫn còn được lưu giữ đầy tự hào qua câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là vậy.

Hình ảnh con thuyền tái hiện hành trình tìm nơi lập làng. Ảnh: Thế Uẩn.

Chúng tôi len lỏi qua những con hẻm ở Bát Tràng, những lối đi hẹp hơn cả những nơi hẹp nhất của Hà Nội, hai bên là những bức tường cao vòi vọi được xây bằng gạch Bát Tràng sạch sẽ, không chút rêu phong ẩm mốc. Lối đi hun hút như thế là đặc trưng của Bát Tràng vì xưa kia Bát Tràng là một làng giàu có nên trộm cướp thường hay xâm nhập. Các cụ đã nghĩ ra một cách là xây lối đi hẹp lại, tường cao lên để chống trộm cướp vì với địa hình như vậy, kẻ gian có thể dễ vào nhưng lại khó ra.

Chúng tôi đến thăm Văn chỉ làng Bát Tràng, nơi thờ Khổng Tử và nhà giáo Chu Văn An. Đây cũng là nơi lưu danh 364 vị đỗ đạt trong các kỳ khoa bảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX của làng, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải (1507 – 1586) và 8 vị tiến sĩ. Có nhiều điều đặc biệt ở đình làng Bát Tràng, điều đặc biệt thứ nhất là trên cổng chính tam quan có ba chữ Hán “Ngưỡng Di Cao” (trông lên cao) nhằm nhắc nhở con cháu trong làng phải luôn luôn phấn đấu vươn lên cao hơn trong học hành. Điều đặc biệt thứ hai là trong sân đình có một tấm bia đá lớn, kiểu gần giống với bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhưng tấm bia này để trắng, không một dòng chữ. Tấm bia không chữ có ý nhắc nhở các thế hệ con em Bát Tràng phải luôn phấn đấu, khi thành công cũng không được tự mãn với thành tích của mình.

Thăm Văn chỉ làng Bát Tràng, nghe nói chuyện về bia đá không chữ. Ảnh: Hữu Vinh

Đáng chú ý, trong đình có 2 bức đại tự “Thiên Địa Đồng Lưu” (trời đất cùng luân chuyển) và “Hiếu Nghĩa Cấp Công” (có Hiếu, Nghĩa được ghi công) của Vua Tự Đức ban thưởng do làng có công cung tiến khi xây dựng kinh đô Huế. Ngoài ra, trong đình còn có đôi câu đối gắn trên nghi môn: “Ngũ hành tứ khí chung anh kiệt; Vạn trượng văn quang biểu cát tường” nghĩa là: Nơi hội tụ khí thiêng hun đúc nên các bậc anh hùng hào kiệt – Ánh sáng văn hóa tỏa vạn trượng biểu thị sự cát tường.

Nơi đây còn lưu giữ đôi câu đối ghi lại gốc tích con dân làng Bát Tràng: “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ – Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần” (Đem nghề từ làng Bồ ra khởi dựng đình miếu – Lòng thành như hương lan toả cúng tạ thánh thần).

Văn hoá Bát Tràng có bề dày ngàn năm lịch sử, nơi đây sinh ra tiến sĩ, trạng nguyên và cả những người nghệ nhân bình dị mà tài hoa. Họ đã đưa tên tuổi của một ngôi làng nhỏ bé lan toả khắp trong và ngoài nước.

Công trình bày tỏ lòng kính tổ nghiệp, niềm tự hào

Bằng chất giọng đằm thắm, bà Hà Thị Vinh tự hào kể về quá trình xây dựng bảo tàng gốm Bát Tràng. Bà cho biết, đây là công trình của gia đình, được xây dựng để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn ông cha, tổ nghiệp.

Bảo tàng gốm Bát Tràng. Ảnh Hữu Vinh.

Bà Vinh chia sẻ: “Bảo tàng do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, một người bạn trẻ tài năng của tôi và anh Quân. Cách đây gần chục năm, tôi ngỏ ý nhờ Hào thiết kế một công trình mà phải kể được câu chuyện văn hoá của quê tôi. Trong thiết kế cũng cần làm thế nào để có được ngôn ngữ làng nghề Bát Tràng này. Và thế là Hoàng Thúc Hào đã không phụ lòng mong mỏi của tôi, công trình đã đáp ứng yêu cầu hơn cả mong đợi. Bảo tàng được thiết kế mang biểu tượng của làng gốm, mỗi trụ như một bàn xoay lớn, các bàn xoay xếp lên nhau, kết nối nhau bằng những lớp sóng lượn rất phiêu, tượng trưng cho sóng nước sông Hồng quê tôi. Ta có thể hình dung như có một bàn tay của người thợ thủ công đang nâng niu, vuốt từng sản phẩm gốm. Màu sơn là màu đất hoàng thổ mà chúng tôi đã đề nghị một công ty sơn nổi tiếng thử nghiệm trên 20 lần mới thành công”. Bà chỉ xuống nền gạch trong sân bảo tàng và nói: “Các bạn đang đứng trên nền gạch cổ Bát Tràng, gạch này chịu được nhiệt độ 1.250 độ C. Hiện nay, chỉ công ty chúng tôi mới phục chế được loại gạch này đúng tiêu chuẩn gạch cổ Bát Tràng”.

Bảo tàng Gốm Bát Tràng trưng bày nhiều hiện vật là những sản phẩm quý của gốm Bát Tràng qua các thời kỳ và mô hình tái hiện lịch sử phát triển của làng gốm, mô hình các lò nung gốm qua các thời kỳ. Trong giai đoạn từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX, Bát Tràng có 5 dòng men chính là men trắng, men lam, men nâu, men ngọc và men rạn, nhưng khi nhắc đến gốm Bát Tràng là nhắc đến men rạn và men trắng hoa lam. Cô hướng dẫn viên cho chúng tôi biết, trong nghề làm gốm, đôi khi nhờ những giây phút thăng hoa mà có được những tác phẩm độc bản, không bao giờ lặp lại được, nó nằm ngoài dự kiến của người nghệ nhân, gốm cũng giống nghệ thuật là vậy.

Đáng chú ý, bảo tàng còn trưng bày một chiếc chuông gốm lớn có khắc bài phú “Bát Tràng hồng chung” của nhà văn hoá Vũ Khiêu. Đoạn đầu bài phú ghi lại buổi đầu của lịch sử khai cơ lập địa: “Kể từ thuở ngược sóng Hồng Hà dựng phường Bạch Thổ/ Mở mang gạch gốm nghề xưa/ Theo đuổi bút nghiên nếp cũ/ Ơn Thành hoàng 6 vị chở che/ Đời dân chúng một vùng trù phú…”

Chiếc thống lớn thể hiện kỹ thuật nung gốm ở trình độ cao của các nghệ nhân Bát Tràng. Ảnh: Hữu Vinh.

Một chiếc thống lớn hội tụ những tinh hoa của nghệ thuật gốm Bát Tràng như điểm nhấn của bảo tàng. Thống có vẽ hình rồng tinh xảo; bao phủ trên bề mặt thống là men cổ Bát Tràng kết hợp men rạn và men lam. Thống được dùng trong trang trí và phong thuỷ với ý nghĩa tụ tài và tụ khí. Điều đặc biệt là chiếc thống này được làm bằng tay và nung nguyên khối trong lò, đạt trình độ kỹ thuật cao.

Tại đây, chúng tôi còn được xem những bức tượng đất nung tái hiện lại quy trình làm gốm thủ công ngày xưa. Quy trình làm gốm trải qua 5 công đoạn chính được tái hiện một cách sinh động, cụ thể. Đầu tiên là làm đất, đất Bát Tràng giờ đã hết nên người dân phải đi khai thác ở các vùng khác nhau như Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh… Đất được đưa về cho vào trong 4 hệ thống bể để tách bỏ những tạp chất, quy trình này thường mất 3 đến 4 tháng mới thu được đất tinh luyện mềm mịn, dẻo như thế này rồi đưa vào khâu tạo hình. Bát Tràng có 3 phương pháp tạo hình chính là vuốt tay trên những bàn xoay; đổ rót vào những khuôn thạch cao; ve chặt. Khi có được hình dáng rồi thì trang trí bằng những cách như vẽ, đắp nổi hay điêu khắc rồi đưa vào tráng men. Khi men khô thì đưa vào lò để nung với 3 mô hình lò nung truyền thống là lò đàn, lò bầu và lò hộp.

Những bức tượng tái hiện các quy trình làm gốm Bát Tràng. Ảnh: Hữu Vinh.

Bảo tàng còn lưu giữ những tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng gốm Bát Tràng. Năm 1959, lần đầu tiên Bác Hồ về thăm công trình thuỷ nông Bắc Hưng Hải và thăm làng Bát Tràng. Bức ảnh thứ nhất ghi lại khoảnh khắc Bác đứng trò chuyện với dân làng, nơi này nay được chọn làm nơi xây dựng nhà tưởng niệm Bác. Bức ảnh thứ hai ghi lại thời điểm Bác thăm HTX Minh Châu, HTX sản xuất gốm đầu tiên của làng.

Tại đây, chúng tôi còn được xem mô hình tái hiện lại cuộc di dân vĩ đại của những người Bát Tràng năm xưa từ Hoa Lư về Đại La, những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đương đại độc đáo của nghệ nhân Bùi Văn Tự. Đó là sự kết hợp giữa điêu khắc, sắp đặt và ánh sáng để khi những luồng ánh sáng chiếu qua các sự vật tưởng chừng ngẫu nhiên, lộn xộn lại tạo nên những hình ảnh kỳ thú. Vật liệu có thể là những bức khắc gỗ, có thể chỉ là vài nhành cây, cỏ, một vài mảnh nhựa, mảnh gốm vụn… mà tạo nên những bức tranh sinh động làm người xem ai nấy trầm trồ thán phục. Bà Hà Thị Vinh cho biết, trong những ngày giỗ tổ, các dòng họ (19 dòng họ gốc, đến nay là 23 dòng họ) có thể dâng cúng nhiều sản vật nhưng không thể thiếu hai món là cơm nắm muối vừng và cháo nhừ để nhớ lại những ngày gian khó thuở cha ông vượt sóng nước sông Hồng mà lập làng, đấy là văn hoá của Bát Tràng.

Một gian hàng ở chợ gốm Bát Tràng. Ảnh: Hữu Vinh.

Hành trình về thăm làng cổ Bát Tràng của chúng tôi dừng lại ở chợ gốm. Vô vàn những sản phẩm từ bình dân đến cao cấp bày ra trong sự thích thú và khâm phục của du khách, ấy là minh chứng sinh động cho sự trù phú, tài hoa và năng động của những người dân Bát Tràng. Tôi thấy ẩn chứa trong những nét hoa văn là cả ngàn năm lịch sử, thấy sau mỗi màu men tinh xảo là mùi thơm của đất, thấy dâng lên dạt dào sóng nước sông Hồng.

Trần Hữu Vinh