Dưới bài thơ cuối cùng của Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù NKTT) – bài số 134 – bài Kết luận, tác giả ghi rõ: 29/8/1942 – 10/9/1943. Vậy là năm sau (2022) sẽ ghi dấu năm thứ 80 – thời điểm khởi thảo tác phẩm văn học đặc biệt của nhà văn hóa Hồ Chí Minh: cuốn nhật ký viết bằng thơ trong nhà ngục.

Có những nhà văn để lại tác phẩm lớn, khi từ giã thế gian này vẫn băn khoăn cho vận mệnh của đứa con văn hóa tinh thần của mình: có sống được cùng nhân loại hay chết non, chết yểu dưới sự tàn phá dã man của sức mạnh tha hóa con người. Nỗi niềm của Nguyễn Du về Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) phản ánh tâm sự đó: Không biết rồi ba trăm năm sau có ai người (hiểu) để khóc cùng/ cho ta? Và quả thật, Truyện Kiều của ông đã trải qua một vận mệnh điển hình của những tác phẩm nghệ thuật lớn: lên thác xuống ghềnh, khi được ngợi ca, khi thì miệt thị, có khi tác giả của nó còn bị dọa đánh đòn (dĩ nhiên nếu nhà thơ vĩ đại còn sống thêm nửa thế kỷ).

Với  NKTT, người đọc đại chúng tưởng nghĩ hành trình tác phẩm này đến với độc giả là dễ dàng hơn, vận mệnh của tác phẩm êm xuôi hơn so với Truyện Kiều. Bởi vì, với họ, việc cảm nhận giá trị của tác phẩm hầu như hoàn toàn thuận lợi. Niềm đồng cảm, tri âm của người đọc với tác giả và tác phẩm đã biểu thị ngay từ lần xuất bản đầu tiên. Năm 1960, có hai nhà xuất bản in lần đầu tác phẩm dưới hai dạng: Nhà xuất bản Phổ thông – Hà Nội – in 45 vạn bản, in riêng phần dịch thơ. Nhà xuất bản Văn hóa – Hà Nội – in 2 vạn bản, in cả nguyên văn chữ Hán, phần dịch nghĩa và dịch thơ(1). Bốn mươi bảy vạn (470.000) bản in của cả hai nhà xuất bản đã bán “hết nhẵn” “trong không đầy mấy tháng”(2). Ai đó sẽ sai lầm nếu cho rằng vì NKTT là sáng tác của lãnh tụ tối cao, của Cha già dân tộc nên công chúng mới “chiếu cố” như vậy. Quan niệm đó vừa chứng tỏ không có tri thức tối thiểu về đặc trưng loại hình của sáng tạo nghệ thuật, vừa xem thường ý thức tự trị sáng tạo của chủ thể người đọc.

Trang bìa tác phẩm “Ngục trung nhật ký”. Nguồn: baotanglichsu.vn

Suốt hơn nửa thế kỷ (kể từ tác phẩm được xuất bản – 1960), đại công chúng độc giả cho rằng vận mệnh lịch sử của NKTT hầu như chẳng có gì gập ghềnh, trắc trở, dường như tất cả đều thuận chiều để công chúng đón nhận giá trị của tác phẩm.

Trong thế kỷ tao loạn vừa rồi, một tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng một cách trót lọt, êm ái có thể chưa hẳn đã là một tác phẩm nghệ thuật lớn, đích thực. Vì trót lọt, êm ái thường cũng hay dẫn đến trạng thái ngủ quên. NKTT không thuộc trường hợp này. Vận mệnh của tác phẩm nghệ thuật này thực ra không hề đơn giản. Không phải trong lịch sử mấy mươi năm đến với công chúng, nó không bị phản ứng ngược chiều. Không phải ngay từ lần xuất bản đầu tiên (1960) đến sau đó 30 năm, công chúng đã biết tường tận chân dung văn hóa toàn vẹn của tác phẩm cũng như ý kiến của tác giả khi đem nhật ký của cá nhân phổ biến vào đại chúng. Không phải người đọc đại chúng đã được tiếp cận giá trị của NKTT như tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật… Một số vấn đề ấy trong vận mệnh của NKTT xưa nay mới chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định trong lớp người đọc hàn lâm. Còn người đọc đại chúng, người đọc văn học không chuyên nghiệp thì chưa hoặc không được biết đầy đủ. Do đó mà hạn chế hiểu biết về giá trị cao đẹp, đích thực của một tác phẩm nghệ thuật lớn, một di sản văn hóa quý giá của dân tộc trong thời hiện đại.

Tôi là một người đọc bình thường, không chuyên nghiệp, do những điều kiện của nghề nghiệp giảng dạy văn học có biết được một số vấn đề xung quanh vận mệnh của NKTT muốn chia sẻ cùng bạn đọc phổ thông rộng rãi để cùng nhận rõ hơn con người văn hóa Hồ Chí Minh qua tác phẩm văn học tuyệt vời đó, nhất là khi cả cộng đồng dân tộc Việt Nam đang ra sức “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách” của Bác Hồ. Tôi viết với ý nghĩ: thế hệ người đọc ngày nay với trình độ học vấn, trình độ tiếp nhận văn hóa của văn học đã cao hơn nhiều so với cha, anh họ từ những năm 60 thế kỷ trước, khi tác phẩm xuất bản những lần đầu. Tri thức về tiếp nhận văn học ngày nay đã tiến dần đến chiều sâu mới từ đặc trưng, bản chất loại hình của văn học nghệ thuật bằng một ý thức dân chủ mới – không còn chỉ là đặc hữu của lớp người đọc hàn lâm. Và kể cả lớp người đọc hàn lâm, không phải ai cũng thừa nhận một cách tự giác chức năng văn hóa loại hình đặc trưng của văn học nghệ thuật và “tính chất cốt tử” của sáng tạo nghệ thuật theo quan điểm của Marx(3).

Tác phẩm ‘Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Nguồn: hanoimoi.com.vn

1. Do dư chấn của một thời, cái nhìn đối tuyến chính trị chi phối cả văn học nghệ thuật, cho nên bạn đừng tưởng rằng NKTT đến với chúng ta thuận buồm xuôi gió. Một người Việt – một giáo sư hẳn hoi – đã từ bỏ dân tộc và Tổ quốc di tản cả thân xác và “văn hóa” ra nước ngoài – ông Lê Hữu Mục – từng viết và công bố cả một “công trình” mà người đọc có thể giật mình choáng váng: Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”. “Công trình” này lần đầu in trên tạp chí Làng văn (xuất bản ở Canada) trong bốn số (từ số 67 – 3/1989 đến số 70 – 6/1990). Sau đó, nó được in thành sách do một “trung tâm văn bút Việt Nam hải ngoại” phát hành vào tháng 11/1990. Bạn nhớ năm 1990, thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Lê Hữu Mục bằng nhiều cách đã cố chứng minh tác giả NKTT là một ông già người Trung Quốc, họ Lý, một tướng cướp, là người quen của “ông Nguyễn” trong nhà tù Hồng Kông. Giáo sư Mục đã viết “công trình” với giọng hằn học, nhưng vẫn phải thừa nhận phần lớn các bài thơ trong NKTT đều rất hay.

Tôi tin rằng câu chuyện này đến với người đọc ngày nay, nếu ai đó chưa từng biết vẫn gây choáng. Nhưng bạn hãy bình tâm. Giáo sư Phan Ngọc xuất phát từ luận chứng khoa học khách quan, không hề có thái độ thiên kiến chính trị, đã chứng minh đến tận đáy tám cái sai của Lê Hữu Mục. Người ta biết đến cách làm việc của Giáo sư Phan Ngọc chỉ dựa trên thao tác luận, bằng phương pháp khoa học khách quan để đi tìm chân lý, không vì đối tượng này hay đối tượng khác để nói “yêu thành ghét” hoặc “ghét thành yêu”. Cho nên, đây là câu chuyện “một giáo sư nói với một giáo sư”, không có một lời mạt sát, xúc phạm. Những sai lầm của Lê Hữu Mục được Giáo sư Phan Ngọc chỉ ra rất xác đáng với lời lẽ rất ôn tồn. Chẳng hạn: “Bài báo của ông Mục viết ra là rất dại dột, mơ hồ”, ông Mục “dựng đứng ra chuyện, cẩu thả”, “cách làm của ông là sai lầm”, ông “dựa trên cái võ đoán để chứng minh cái võ đoán”, ông “hoàn toàn không có căn cứ”, ông Mục dùng “giọng điệu xúc phạm”, “cực kỳ vô lý”, dùng cả “mánh khóe thiếu thật thà”, ông “muốn ngụy biện”, không khỏi mang tiếng “hồ đồ”…

Nếu bạn muốn khẳng định niềm tin chắc chắn hơn, xin bạn tìm sách Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù – công trình tập thể do Viện Văn học chủ trì – Nhà xuất bản Giáo dục, 1995 – bài của Giáo sư Phan Ngọc từ trang 621 đến trang 633.

2. Giờ đây, bạn có trong tay văn bản toàn vẹn của NKTT được xuất bản từ năm 1990 và những năm sau đó. Văn bản này gồm 134 bài thơ (cùng một bài ngoài tập nhật ký: Mới ra tù tập leo núi là 135 bài). Nhưng không phải từ lần xuất bản đầu tiên năm 1960, chúng ta đã được đọc ngay toàn vẹn tác phẩm. Vận mệnh của tác phẩm ngay lần đầu đến với người đọc đã có một chân dung hụt hẫng rồi. Tác phẩm trải qua hai lần bổ khuyết mới được trả về với chân dung đầy đủ của văn bản tác giả khai sinh, mặc dù văn bản nguyên thể ấy đã có từ đầu trong tay những người dịch và chịu trách nhiệm xuất bản. Tuy vậy, lần bổ khuyết thứ nhất (1983) vẫn còn chưa đầy đủ: lần xuất bản đầu tiên (1960) có 114 bài (thiếu 20 bài), lần bổ khuyết thứ nhất (1983) 13 bài, cộng là 127 bài. Vẫn còn 7 bài chưa có mặt. Vì nỗi gì mà việc xuất bản tập thơ của Bác Hồ người ta phải “thận trọng” đến như vậy? Giờ đây người đọc rộng rãi, nhất là với thế hệ người đọc trẻ sinh ra từ những năm 80 thế kỷ trước đến ngày nay cần được biết việc này trong vận mệnh của NKTT để hiểu và đồng cảm hơn với tác giả tập thơ.

Nguyên tác 134 bài thơ, lần xuất bản thứ nhất 1960 chỉ cho in 114 bài – nghĩa là có 20 bài bị bỏ ra ngoài. Quả là trong ý thức của đại chúng độc giả Việt Nam lúc đó, người ta hoàn toàn tin ở những người chịu trách nhiệm và cơ quan xuất bản. Tuy vậy, ngay từ 1956, nhà thơ Nam Trân, người được giao nhiệm vụ dịch NKTT để xuất bản lần đầu (1960) đã đến gặp và hỏi ý kiến Giáo sư Phan Ngọc – lúc ấy là Tổ trưởng tổ Ngôn ngữ của Trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Qua trao đổi, Giáo sư Phan Ngọc hỏi ông Nam Trân: “Tại sao không dịch toàn bộ mà chỉ dịch khoảng 100 bài thôi?” Nam Trân cho biết: “Có một số bài liên quan tới những người làm việc cho Tưởng Giới Thạch, dịch ra không tiện(4). Do những áp lực nào đấy, Giáo sư Phan Ngọc đến 1980 “viết về phong cách Hồ Chí Minh trong Ngục trung nhật ký” ông cũng chỉ “dựa vào tác phẩm xuất bản năm 1960”. Giáo sư nói “mặc dầu… tôi đã đọc toàn bộ(5).

Nhưng phải đến lần xuất bản 1983, tuy được bổ sung 13 bài thì trong giới nghiên cứu, phê bình và một số bạn đọc, mới đặt những dấu hỏi:

– Việc tập thơ in lần đầu bị lược bớt 20 bài tác giả có được biết không? Bây giờ thì xin trả lời luôn nếu bạn đọc còn hỏi như vậy: Tác giả không được biết.

– Những bài bị lược bớt là những bài như thế nào? Vì sao bị lược bớt? Xin trả lời: Một số trong những bài đó, tác giả bày tỏ lòng biết ơn chân thành với một số người trong chính quyền Tưởng Giới Thạch trực tiếp quản lý Bác trong tù đã đối xử tốt, giúp đỡ, quan tâm và đã trả tự do cho Bác. Đó là những dòng nhật ký viết về: Trần Khoa viên, Hầu Chủ nhiệm, Khoa trưởng họ Ngũ, Tiên sinh họ Quách, Sở trưởng Long An họ Lưu… kể cả với Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch trong bài Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng. Hai câu hỏi ở điểm này, chúng tôi đã có dịp giải thích trên tờ An ninh thế giới số 29 (5/2010). Vắn tắt như sau: vì lý do đối tuyến chính trị, do quan niệm, nhận thức ấu trĩ của người dịch và xuất bản thời ấy về con người văn hóa Hồ Chí Minh: chỉ thấy khía cạnh giai cấp và cách mạng triệt để mà chưa nhận rõ tính Người nhân loạicảm hứng nhân văn cao thượng trong nhân cách của Bác. Khuynh hướng một chiều, sức ép thời sự, trình độ ấu trĩ một thời đã xem tác phẩm “như một văn kiện lịch sử hơn là một công trình nghệ thuật(6). Lúc đó, chưa nhận rõ Hồ Chí Minh là con người văn hóa của tương lai nhân loại ngay từ những năm 1940 khi Người viết NKTT.

Ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận đây là bảo vật quốc gia. Nguồn: baotintuc.vn

3. Trong mấy chục năm đầu khi tác phẩm ra mắt người đọc, những người chịu trách nhiệm xuất bản, giới nghiên cứu phê bình văn học đã cấp cho người đọc đại chúng cách hiểu NKTT chưa đúng với đặc trưng loại hình nghệ thuật của nó.

Một khuynh hướng tiếp nhận trước đây là người đọc tự nhận cho mình những giá trị của NKTT bị chính người đọc và giới nghiên cứu, phê bình “thời vụ” hóa. Đó là tình trạng ấu trĩ hồn nhiên của người đọc đại chúng, nhưng chưa hẳn đã là một trình độ ấu trĩ vô tư của một số nhà nghiên cứu, phê bình. Ngoài việc coi tác phẩm là một văn kiện lịch sử, người đọc còn được định hướng tác phẩm là những lời răn dạy giáo dục, cổ vũ tinh thần chiến đấu, vượt lên gian nan để đi tới thắng lợi. Hiểu thế thì có khác gì một sự chuyển vị NKTT trở về với văn chương giáo huấn trung, hiếu, tiết, nghĩa… của văn học trung đại.

Do tình trạng đọc NKTT chưa phải là đọc một tác phẩm nghệ thuật, cho nên con người thơ của tác giả, nhân vật trữ tình trong tác phẩm thường được kính dâng những danh từ, mỹ từ lớn lao, cao cả có khuynh hướng thánh hóa một người thơ bằng cách hiểu xã hội học với màu sắc phi phàm. Chẳng hạn, những ẩn dụ của thơ trữ tình, những yếu tố ngôn ngữ nghệ thuật thơ đáng lẽ phải được quan sát trong ngữ cảnh hành chức của một loại hình nghệ thuật, thì ở thời ấy người ta suy diễn: “Cột cây số” thì được biến nghĩa thành “người lãnh đạo kiểu mới từ trong giai cấp vô sản”; “Tiếng gà gáy” thì được hiểu là “lời Đảng gọi”; “phương Đông màu trắng chuyển sang hồng” là “phương Đông chỉ phương Đông của thế giới, sự vùng lên của Á Đông, gió Đông thổi bạt gió Tây”(7), v.v…

Con người Hồ Chí Minh ngoài đời, người thơ và nhân vật trữ tình trong NKTT và nhiều bài thơ khác hết sức dị ứng với tâm thế phi phàm. Đó là con người luôn khao khát hòa đồng với con người của dân tộc mình và của cả nhân loại trong những tình huống cuộc sống lúc gian nguy cũng như lúc thành công thắng lợi. Không bao giờ trong cuộc sống, không chi tiết nào trong NKTT chứng tỏ Bác có ý thức (ẩn ngầm hay trực tiếp) đứng cao trên mọi người như một tầng cấp khác. Ngược lại, Bác luôn hòa nhập bình đẳng với thế giới tù nhân. Bác gọi họ là “nạn hữu” (bạn cùng hoạn nạn) đến 8 lần. Bác là một trong “nhân nhân” (mọi người), “ngã mẫn” (chúng tôi)… Lại có lúc Bác tự nghĩ về cuốc sống trong tù của mình ở dưới mức con người: “Sống chẳng ra người vừa bốn tháng”. Do tự ý thức được tình trạng “phi nhân loại sinh hoạt”, nên Bác tự khẳng định với riêng mình: ta vẫn là con người. Từ nhận thức đó, chúng tôi thật sự chưa có sự đồng cảm với tác giả Vũ Khiêu – người viết “Lời bạt” in ở cuối công trình Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù” (bản in năm 1995) khi ông viết về Bác Hồ: “Con người ấy luôn luôn tự hạ mình xuống, coi mình là đầy tớ của nhân dân…”(8) Không! Bác Hồ không bao giờ nghĩ mình là con người ở tầng cao đang tự hạ mình xuống, để làm đầy tớ. Bác là người tự giác về mình một cuộc sống hài hòa giữa nhân dân, phục vụ nhân dân để cùng lo bảo vệ đất nước và dân tộc. “Làm đầy tớ” chỉ là cách nói để nhấn mạnh yêu cầu với bộ phận lãnh đạo nào đó xa rời dân, muốn đứng cao hơn nhân dân cả quyền lực và quyền lợi. Cách nói Bác “tự hạ mình xuống, coi mình là đầy tớ” lại cũng là một cách “phi phàm hóa” để thánh hóa một con người vốn sống cùng với ta, trong ta, hòa chung gian nan và hạnh phúc. Khi đã thánh hóa một nhân vật thì người ta chỉ còn một việc thắp hương, chứ làm sao mà học tập, làm theo người đó được.

Giờ đây đọc NKTT, chúng ta nên trả lại cho tác phẩm chỗ đứng và sự tồn tại của một tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, hãy quan tâm đến đặc tính loại hình và chức năng bản nguyên của thể loại. Ý nghĩa giáo dục, cổ vũ là ý nghĩa khách quan mà người đọc – một chủ thể của quá trình văn học – tự nhận thức, tự ý thức, tự giáo hóa mình chứ không phải do chủ đích của tác giả. Vì sao?

Vì đó là một cuốn nhật ký viết bằng thơ. Người viết nó không hề có ý đồ giáo dục ai, răn dạy ai. Đặc trưng thể loại này tác giả đồng thời là người đọc duy nhất. Hơn nữa nhật ký này lại được viết bằng thơ. Cho nên, đó là tâm trạng, tâm sự, cảm xúc, ý nghĩ và quan niệm của cá nhân ghi lại hàng ngày để tự giải thoát tinh thần, để tự “ngâm ngợi cho khuây” trong chuỗi ngày buồn tù ngục. Đó là những ý thơ, tình thơ, lời thơ “một mình mình biết, một mình mình hay”, là lời độc thoại nội tâm chân thực nhất, người nhất. Vậy thì người đọc nên đọc tác phẩm từ hồn cốt thể loại của nó. Sự tiến hóa trong nhận thức của ta làm ta thay đổi cách nhìn con người văn hóa – con người thơ Hồ Chí Minh trong NKTT. Người thơ ấy tự nói rằng: ta cũng là một con người bình thường như tất cả mọi người. “Thịt da ai cũng là người”, đói thì kêu đói (8 lần kêu đói), khát kêu khát, ghẻ lở thì kêu ngứa, ở bẩn đến độ “sống dưới mức loài người vừa bốn tháng”. Bị cầm tù thì khao khát tự do, lấy thi ca mà tìm tự do tinh thần và tự răn mình: “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết” nghĩa là trong thơ thời nay (mà mình ngày ngày vẫn đang làm) nên có thép. Câu thơ ấy là lời tự khuyên mình, không hề có ý răn dạy các thi sĩ khác, cũng không hề tạo ra đối phản với thơ xưa (cổ thi). Thơ xưa chỉ thiên ái thiên nhiên mỹ, nghĩa là nghiêng về yêu thiên nhiên đẹp, không có nghĩa là thơ xưa không có thép, không có nghĩa thơ thời nay bỏ thiên nhiên đẹp. Trong 134 bài thơ NKTT đã có gần 30 bài tìm đến thiên nhiên để chia sẻ nỗi niềm đấy thôi. Bếp lửa đỏ trong buổi Chiều tối lạnh buồn tê tái trên đường bị giải đi là ước mơ bé nhỏ của người tù về một mái ấm gia đình, một bếp lửa ấm áp cạnh những người thân trong thời khắc cuối ngày.

Tất cả những giá trị cao đẹp ta nhận được ở NKTT hoàn toàn từ những tình huống rất người ấy. Nó đi qua sự tự ý thức, tự phản tỉnh của ta mà thành giá trị, thành văn hóa và sức sống tinh thần trong ta. Có như vậy, tác phẩm nghệ thuật mới trở thành một giá trị tái sản xuất văn hóa đến muôn người và mãi mãi, chứ không phải là sản phẩm thu hoạch xong “thời vụ” là hết.

4. Từ đó để nói tiếp ý cuối bài mà cho đến nay vẫn đang là dấu hỏi với người đọc đại chúng.

Điều khẳng định từ các nhà nghiên cứu, từ nhân cách của Bác và đặc trưng thể loại là Hồ Chí Minh không bao giờ có ý định đưa nhật ký của mình (NKTT) xuất bản cho mọi người đọc. Vậy từ đâu tác phẩm được in ra? Ai là người đầu tiên tìm ra văn bản NKTT? Vì sao lần xuất bản đầu tiên không hỏi ý kiến tác giả? Vì sao lược bỏ tác phẩm mà không nghĩ tới việc vi phạm bản quyền và xúc phạm tác giả? Ai chủ trương bỏ bớt? Có phải nhà thơ Nam Trân – người dịch chính – tự ý bỏ bớt những bài ấy vì “dịch ra không tiện”? Có phải đến 1960 mới lần đầu tìm thấy văn bản tác phẩm?

Đây là những yếu tố ngoài văn bản tác phẩm, nhưng với người đọc đại chúng nếu được công bố rõ ràng, minh bạch nó sẽ có tác dụng lớn để họ hiểu sâu thêm con người văn hóa Hồ Chí Minh. Tôi từ giới hạn hiểu biết của mình chỉ có thể chia sẻ cùng bạn vài điều chưa thật rõ rệt: “…Bản chính văn không phải do tác giả đưa ra, tác giả chưa cho in lần nào, cũng không tự mình giao bản thảo cho người phiên dịch, sau này cũng chưa hề phát biểu ý kiến… nghe đâu có lần tác giả có được “đề đạt câu hỏi” (về những chữ chưa rõ chính tả trong văn bản – L.V.T), nhưng ý kiến trả lời chỉ bằng vài nét gạch vắn tắt, lại vẫn qua một khâu trung gian (?). Việc công bố tác phẩm, trên thực tế đời sống văn hóa miền Bắc lúc bấy giờ tuyệt nhiên không có sự tham gia của tác giả(9).

Nói rằng: nguyên tác NKTT tồn tại trong 18 năm lặng lẽ(10) từ 1943 đến 1960, thực ra là một cách nói không chính xác. Giáo sư Phan Ngọc trong bài phê phán Lê Hữu Mục có nhắc đến hai sự kiện: tháng 9/1956, nhà thơ Nam Trân đến nhà tôi cho tôi xem một tập ảnh chụp quyển Ngục trung nhật ký(11). Theo Giáo sư Phan Ngọc: “Nhiều người còn biết nó trước tôi. Muốn nói đến nó phải đọc nó và cũng phải xin phép tác giả có cho phép hay không đã chứ!”. Tháng 6/1946, tờ báo Đồng Minh (phát hành ở Trung Quốc) số 43 có đăng một bài báo ngắn của một tác giả ký tên T.S nhan đề Quyển nhật ký thơ của cụ Hồ giới thiệu vắn tắt về NKTT(12).

Câu chuyện lai xuất của NKTT từ bản dịch, xuất bản lần đầu 1960 cho đến nay, người đọc bình thường quả là mới có vài tư liệu văn bản như thế. Ngoài ra, được giải thích bằng khẩu ngôn thì toàn là “nghe nói”, “có lẽ”, “nghe đâu”… do ông A, ông B tìm ra văn bản NKTT khi thì ở Việt Bắc, khi thì ở nhà Bác trong Phủ Chủ tịch… rồi trên mạng cũng có bạn muốn tìm lai lịch của tác phẩm – thì thật chưa xác tín lắm. Những câu hỏi nêu ở ý cuối (ý 4) này người đọc hiện giờ cần biết lắm, biết một cách công khai và xác định. Chúng tôi đặt hy vọng vào các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.

(1, 2) Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, Viện Văn học chủ trì, Nxb Giáo dục 1995, trang 243.

(3) Marx, trong sách Về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, 1977, trang 63, 64, 66, 67, 69,70.

(4, 5) Suy nghĩ mới … (Sđd), trang 621, 622.

(6) Suy nghĩ mới … (Sđd), trang 271.

(7) Suy nghĩ mới … (Sđd), trang 30.

(8) Suy nghĩ mới … (Sđd), trang 297.

(9) Suy nghĩ mới … (Sđd), trang 268, 269.

(10) Suy nghĩ mới … (Sđd), trang 245.

(11) Suy nghĩ mới … (Sđd), trang 621.

(12) Suy nghĩ mới … (Sđd), trang 623.

Lê Văn Tùng

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 17, tháng 9/2021)