Lịch sử triết học Tây phương Johannes Hirschberger

“Triết học hiện đại cần

 được tìm hiểu từ quá khứ.

 Không như thế, ta chỉ có hiện tại, mà không có triết học”.

J.Hirschberger

 1.

Ngày nay, chọn một bộ lịch sử triết học Tây phương theo sở thích là việc tương đối dễ dàng. Giản lược hoặc chi tiết, gọn nhẹ hoặc đồ sộ, tổng quan hoặc chuyên sâu về từng thời đại, lĩnh vực hay trường phái, thị trường sách vở, nhất là trong các ngôn ngữ thông dụng, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu. Nhiều công trình còn rất “cập nhật” về những tên tuổi, thành tựu mới mẻ nhất trong đời sống triết học đương đại. Vậy tại sao chúng tôi lại chọn dịch và giới thiệu bộ Lịch sử Triết học có quy mô vừa phải (non 2000 trang) của Johannes Hirschberger, xuất bản lần đầu từ năm 1952 và tuy có bổ sung ít nhiều qua các lần tái bản, nhưng vẫn không thể gọi là thật sự “cập nhật”? Hẳn phải có lý do biện minh cho sự lựa chọn này! Bên cạnh sự thành công đặc biệt của nó (đến nay, được tái bản hơn 80 lần và được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ lớn trên thế giới), công trình này quả có những giá trị tự tại, vượt thời gian của nó, khiến được đọc rộng rãi trên thế giới và thường được dùng làm tài liệu học tập và nghiên cứu của đông đảo những người yêu thích triết học.

Từ sau Hegel với loạt Các Bài giảng về Lịch sử Triết học (1820-1830),[1] lịch sử triết học lần đầu tiên trở thành một môn học độc lập, không còn là sự tường thuật rời rạc về những triết gia và trường phái nữa. Theo Hegel, lịch sử triết học không phải là sự tập hợp mù quáng những tư tưởng lạ lùng, cũng không phải là một sự hành tiến ngẫu nhiên, mà là sự phát triển tất yếu của những nền triết học tiếp diễn nhau, cái sau tất yếu tiền giả định cái trước đó. Kết quả là, theo ông, (1) chỉ có Một triết học, còn những khác biệt là những phương diện khác nhau của Một nguyên lý; (2) sự phong phú, đa tạp không phải ngẫu nhiên, mà là sự tiếp diễn tất yếu của những giai đoạn trong sự phát triển của môn khoa học này; và (3), triết học tối hậu là kết quả của sự phát triển này, và là chân lý trong hình thức cao nhất của Tự-ý thức của Tinh thần về chính mình. Với quan niệm ấy, Hegel đã đặt nền móng cho cái nhìn nhất quán, có hệ thống về lịch sử hàng nghìn năm của triết học, và đó là công lao lịch sử của ông. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng đồng ý với quan niệm về Một triết học mang nặng tính toàn thống, về Một nguyên lý không khỏi xem nhẹ tính độc sáng và riêng biệt của mỗi triết gia. Ngay tác giả J.Hirschberger, người có nhiều điểm chung với Hegel, cũng nhận thấy quan niệm này khó nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhất là nơi các triết gia Đức: “Triết gia muốn có tên tuổi phải bắt đầu lại từ đầu, và giống như một vị thần linh, họ phải tự taọ cho mình một thế giới thu nhỏ, luôn coi trọng tính mới lạ và độc đáo. Đôi khi, họ thích một chủ nghĩa cá nhân bị xuyên tạc về mặt trí tuệ hơn là một triết học thể hiện thái độ điềm đạm, đúng mực trong việc truyền đạt nhận thức phổ quát và trường cửu…” (tr. 797). Tìm sự nhất trí giữa các triết gia về những vấn đề cơ bản của triết học, vì thế, cũng khó như tìm sự nhất trí trong quan niệm về lịch sử triết học! Chờ đợi một sự trình bày thật cặn kẽ về một triết gia, trường phái hay thời kỳ bao giờ cũng vượt khỏi khuôn khổ của một bộ lịch sử triết học, dù có đồ sộ và công phu đến mấy. Chờ đợi một thái độ hoàn toàn khách quan, không thiên vị – hay còn gọi là hoàn toàn không có tiền-giả định – tiếc thay, lại còn khó hơn nữa, nếu không muốn nói là phi-lịch sử, thậm chí phản lại chính tinh thần và bản tính phê phán và phản tỉnh của suy tư triết học.

Do đó, đến với các bộ lịch sử triết học, thiết tưởng trước hết cần tìm hiểu quan niệm của tác giả về triết học (không tác giả nào chỉ trình bày mà không “cùng triết lý”!) và lịch sử triết học. Tìm hiểu để dễ theo dõi chỗ đứng, truyền thống xuất thân, ý niệm dẫn đạo và cả mạch ngầm tư tưởng của tác giả, qua đó biết tôn trọng nhưng không nhất thiết phải chia sẻ và đồng tình ở mọi nhận định. Tuy nhiên, điều ta có quyền chờ đợi là sự am tường của tác giả về những gì mình trình bày dựa trên kiến thức vững chắc về nhiều chuyên ngành triết học và sự khảo chứng nghiêm chỉnh, đáng tin cậy về nguồn triết văn, nhất là thuộc về các thời cổ đại, trung đại và hiện đại sơ kỳ, nơi đòi hỏi những kiến văn vượt khỏi khả năng của một độc giả thông thường. Trên hết, là thái độ chân thành, có cân nhắc, gợi mở và không cố tình xuyên tạc! Công trình của J. Hirschberger, theo chúng tôi, đáp ứng được phần lớn các đòi hỏi và chờ đợi ấy.

Lý thuyết trung tâm về lịch sử tư tưởng của Hirchberger là philosophia perennis, tức quan niệm rằng lịch sử triết học là một nỗ lực không ngừng nghỉ, phi thời gian để vươn đến những chân lý vĩnh cửu. Một mặt, triết gia là đứa con của thời đại mình, bị ràng buộc bởi truyền thống và những giả định ban đầu, nhưng mặt khác, có những chủ đề hầu như bất biến và hằng cửu – do đó, độc lập tương đối với “tinh thần thời đại” (Zeitgeist) của mỗi thời kỳ – nói lên tính phi-thời gian của chúng. Lịch sử triết học, vì thế, mô tả nỗ lực ấy, với những thành bại, thăng trầm, những phát kiến và sai lầm trong mối quan hệ chặt chẽ với hành trạng và nguồn tư liệu của mỗi triết gia, trường phái và thời kỳ. Cách tiếp cận của ông phần nào gần gũi với Hegel. Nhưng, khác với tư duy tuyến tính của Hegel, xem lịch sử triết học là sự “tự-triển khai của Tinh thần” theo một đường thẳng, Hirschberger hiểu lịch sử triết học như tiến trình tìm về với chính mình của tinh thần con người. Với tính cách ấy, nó không phải là con đường thẳng, mà đầy quanh co, khúc khuỷu với không ít những bước lùi và lầm lạc không thể tránh khỏi do sự bất toàn của mỗi triết gia xét như con người hữu hạn. Ông viết: “Triết học nói chung thật sự là con đường vương giả để đi đến chân lý. Nhưng nó không phải là con đường vương giả đó trong những khẳng định riêng biệt và bộ phận của nó, nhưng sẽ là như vậy trong toàn bộ cấu trúc của các học thuyết của nó – chúng điều chỉnh, hoàn thiện và phát triển lẫn nhau” (tr. 16). Bởi “ý chí muốn đạt được chân lý không phải là bản thân chân lý’ (tr. 17), nên chỉ có cái nhìn toàn cục về một nỗ lực tập thể, trường kỳ mới có thể nuôi dưỡng được niềm hy vọng ấy. Ta sẽ phần nào hiểu được ý niệm về “triết học vĩnh cửu” – thoạt nghe khá cổ lỗ! – nơi Hirschberger khi biết qua đôi nét tiểu sử và truyền thống tư tưởng được ông thừa hưởng.

Johannes Hirschberger (07.5.1900-27.11.1990) xuất thân là một nhà thần học Công giáo, đồng thời là nhà ngữ văn học, sử học và triết gia Đức. Ông được thụ phong linh mục năm 1925. Từ 1927, ông học thêm triết học, thần học và ngữ văn Hy Lạp tại đại học München (Đức) và soạn luận án về triết học Plato. Sau nhiều năm giảng dạy ở nhiều học viện triết học-thần học, ông trở thành giáo sư thực thụ vào năm 1946. Từ năm 1953, ông giữ ghế giáo sư về triết học tôn giáo tại đại học Frankfurt/M cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1968. Trong thời gian này, ông là đồng sáng lập của Niên giám triết học Görres-Gesellschaft và chịu trách nhiệm chính trong việc biên soạn và ấn hành tập hợp “Tác phẩm” của Nicholaus Cusanus, “người sáng lập đích thực của triết học Đức: hợp nhất thời trung đại và hiện đại, thuyết duy lý Đức và triết học Kitô-giáo thành một thể liên tục trong tư duy Tây phương” (tr. 714 và tiếp).

Khi bắt tay soạn bộ Lịch sử triết học này, ông cho biết mình đi theo cách tiếp cận siêu hình học về lịch sử tư tưởng từ người thầy theo phái tân-Kinh Viện là Joseph Geyser: những lý thuyết và khái niệm siêu hình học phải được nghiên cứu và giải thích từ nguồn văn bản gốc, nhất là của thời cổ đại. Theo đó, việc “truyền thừa” trở thành một trong những tiêu chuẩn cho giá trị chân lý của các lý thuyết và khái niệm. Ý niệm dẫn đạo của cách làm này vốn đã bắt nguồn từ truyền thống Kinh Viện học trung đại, có liên quan đến việc hấp thu triết học Aristotle vào trong học thuyết của Thomas Aquino (thuyết Thomas-mới), đồng thời cũng tương ứng với chủ trương về “philosophia perennis” của thần học Kitô-giáo đương thời.

Là triết gia, Hirschberger ý thức rất rõ về nguy cơ của tư duy giáo điều, làm cho “sự sống ban đầu bị đông cứng vào trong một lược đồ – số phận của mọi đời sống, và cũng là số phận tinh thần của tất cả những trường phái triết học” (tr. 421), nhưng bản thân cách tiếp cận lịch sử triết hoc theo định hướng của philosophia perennis, bên cạnh những ưu điểm của tính nhất quán và tính “tư biện” sâu thẳm (như là sự tự triển khai và tác động của đức Thánh Linh trong lịch sử), không thể có cách đánh giá nào khác về các nền triết học ngoài cặp phạm trù “đúng-sai”, “tích cực-tiêu cực”. “Tích cực”, theo đó, là những triết học nào bàn toàn diện về những vấn đề thường nghiệm lẫn siêu việt, mà theo ông, vốn là đặc điểm nổi bật của triết học từ thời cổ đại. “Tiêu cực”, trái lại, là những triết học tự giới hạn mình chỉ trong phạm vi kinh nghiệm. Trong tinh thần ấy, David Hume, “kẻ đánh thức Kant [và không chỉ Kant!] khỏi giấc ngủ giáo điều” bị đánh giá thấp, trong khi G.W.Leibniz được tán dương hết lời: “Leibniz, nhà tư tưởng vượt thời gian và vượt trên mọi trường phái, xem xét chân lý vĩnh hằng với tính đơn giản kinh điển”, vì “triết học vĩnh cửu hấp thu và đồng hóa được mọi sự cách tân”. Ngoài ra, tiêu chuẩn phân định đúng-sai của mỗi nền triết học là dựa vào việc đánh giá những phương pháp nghiên cứu, xem chúng có giúp ta đến gần những chân lý vĩnh cửu và khách quan hay không. Trong chừng mực đó, dưới mắt Hirschberger, lịch sử triết học được giao cho chức năng “thanh lọc”, vì, theo quan niệm của ông – cũng như của các nhà Thomas-mới -, lịch sử triết học, về mặt lịch sử tư tưởng và siêu hình học, phải hướng đến những chân lý vĩnh cửu, trong sự gắn bó chặt chẽ với truyền thống: “Triết học ngày nay chỉ có thể được nghiên cứu tốt nhất trong lòng triết học của thời quá vãng. Chối bỏ điều ấy, ta hẳn vẫn có thể suy lý về hiện tại, nhưng không phải với tư cách một triết gia”. (tr. 635).

Quan niệm khá ngặt nghèo ấy về triết học và lịch sử triết học khi đi vào sự trình bày chi tiết mới bộc lộ hết sự tinh tế, uyển chuyển và nhiều khám phá mới mẻ. Và đây cũng chính là những phần đáng đọc nhất của bộ sách. Phần dẫn nhập tổng quan của tác giả cho mỗi thời kỳ là những trang viết súc tích và có tính gợi mở nhiều nhất. Ta cũng thường xuyên đọc được những nhận định bất ngờ nhưng được luận chứng vững chắc có thể làm thay đổi nhiều định kiến trước nay, nhất là về triết học thời cổ đại và trung đại, lĩnh vực mà tác giả thật sự có thẩm quyền. Ông không còn tin vào giản đồ: Aristotle, nhà duy thực; Plato, nhà duy tâm, trái lại, tán thành cách nhìn của Jaeger: “Aristotle là người Hy Lạp đầu tiên nhận biết thế giới thực tồn qua đôi mắt của Plato”, và, vì thế, “giả định [về sự đối lập giữa Plato và Aristotle] của thế kỷ 19 ngày càng gây thêm nhiều tranh cãi” (tr. 570). Lịch sử triết học cũng chứng kiến nhiều khúc quanh không lường trước được, chẳng hạn ở cuối thời Hy Lạp hóa: “Những người theo thuyết Plato-mới lầm tưởng rằng họ đã chiến đấu với Kitô-giáo non trẻ, nhưng chính trong Kitô-giáo, trong Giáo hội, tinh thần Plato đã có thể tiếp tục sống còn” (tr. 422). Về thời trung đại, ông đề nghị một cái nhìn công bằng, sát hợp hơn với thực tế lịch sử: “Trong khi ngày nay bận tâm nghiên cứu xem làm thế nào trật tự và luật pháp lại có thể có được, đồng thời làm thế nào chúng có thể thực sự cùng tồn tại. thì trong thời trung đại, trật tự được coi là vấn đề đương nhiên, và trách vụ của triết gia chỉ đơn thuần là thừa nhận nó ở bất cứ nơi nào nó xuất hiện” (tr. 427). Hơn thế, “Ngày nay, nhờ những công trình nghiên cứu của Denifle, Ehrle, Bäumler, M.D.Wulf, Grabmann, Mandonet, Gilson và những người khác, ta biết được rằng những đóng góp của triết học trong thời trung đại sâu rộng hơn nhiều, sống động hơn nhiều và độc đáo hơn nhiều so với những gì các học giả trước đây đã khiến ta lầm tưởng” (tr. 429-30). Trong đó nổi bật là sự tự do tinh thần, tự do cá nhân được Giáo hội chính thức thừa nhận, vì “nơi nào có sự cắn rứt lương tâm [của triết gia], nơi đó ắt có tội lỗi [từ phía những người có quyền uy]” (tr.429-30). “Không chỉ học thuyết trung đại về luật tự nhiên trải nghiệm một sự “quy hồi vĩnh cửu” mà còn nhiều tiên đề triết học khác nữa đã lưu lại những kho báu”. “Chủ nghĩa kinh viện là một trong những lĩnh vực có giá trị nhất đối với lịch sử tư tưởng, còn che giấu trong nó rất nhiều kho tàng để tiếp tục khám phá” (tr. 532). Triết học trung đại và Kinh Viện “đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ”, nghĩa là không thể phục hồi, nhưng những gì còn lưu lại là “những nguyên tắc tinh thần và chuẩn mực hằng cửu” của nó (tr. 432). Ngay cả khẳng định khét tiếng rằng “triết học là con sen của thần học”, qua chứng minh của ông, chỉ là “từ vùng ngoại vi của Kinh Viện mà thôi” (tr. 542) cũng như “chủ nghĩa Kinh Viện và huyền học lại đồng thuận với nhau về thực chất” (tr. 692). “Nhờ vào sự quan sát này, ta cũng nhận ra thời hiện đại liên tục bước ra và phát triển lên nhờ vào thời trung đại như thế nào, và không giống như trước đó vẫn ngây thơ tin rằng, nó đột nhiên, giống như Athena từ đầu thần Zeus, là cái gì hoàn toàn mới lạ và táo bạo” (tr. 690). Ông còn chứng minh rằng: “Khởi đầu của thời kỳ các khoa học tự nhiên không thể đặt vào thế kỷ 17 mà ít nhất là vào thế kỷ 14” (tr. 714).

Vì thế, Hirschberger đề nghị một cái nhìn cân đối, không cực đoan và “tương kính” giữa triết học trung đại và hiện đại: “ Những người tán dương triết học hiện đại chẳng nhìn thấy gì trong chủ nghĩa Kinh Viện ngoài những đêm trường, còn môn đồ của chủ nghĩa Kinh Viện thì chẳng thấy gì trong triết học hiện đại ngoài sự thất bại và sai lầm. Chính việc nghiên cứu triết học Cusanus (Nicholaus von Kües) khiến cho cả hai phía nhận ra làm thế nào mà phía đối lập có thể thiết lập cả một hệ thống vĩ đại nhường ấy, đồng thời giúp họ thấu hiểu chính mình cũng như những người khác”.

Thừa nhận rằng “không ai sẵn sàng học hỏi hơn chính tinh thần của triết học hiện đại”(tr. 17), nhưng, từ viễn tượng của “triết học vĩnh cửu”, việc “thoát khỏi mọi giả định” là không bao giờ có thể thực hiện được. Nhưng nó lúc nào cũng là một lý tưởng cần được theo đuổi vì lợi ích của chân lý (tr. 430), “còn việc ai mới thật sự tiến gần đến mục tiêu này hơn, là họ hay ta, thì chỉ những thế hệ tương lai mới có thể phán xét” (tr. 430-31).

2

Bản dịch này là nỗ lực tự học của một số anh chị em yêu thích triết học quy tụ trong một lớp học tự nguyện hàng tuần, sau đó được tập hợp lại. Bản dịch được thực hiện chủ yếu từ bản dịch tiếng Anh của RT.REV.Anthony N.Fuerst, S.T.D, có phần bổ sung về lịch sử Triết học Mỹ do Donald A. Gallagher soạn (The Bruce Publishing Company Milwaukee 1959) được tôi hiệu đính và đối chiếu kỹ lưỡng với nguyên bản tiếng Đức (NXB Herder, Freiburg im Breisgau). Sai sót là không thể tránh khỏi và mọi trách nhiệm đều thuộc về người chủ trương và hiệu đính. Xin chân thành cám ơn nỗ lực và tinh thần hợp tác hăng say của tập thể dịch giả gồm: Dương Anh Xuân, Thánh Pháp (Tập I) và Đoàn Kim Cúc, Nguyễn Thanh Huy, Nguyễn Thị Minh, Đặng Thị Hồng Nhung, Vũ Hoàng Lan Phương (Tập II). Chân thành cám ơn Công ty Sách Thời Đại và NXB Tri thức đã hết lòng khuyến khích và ấn hành. Để dễ sử dụng, Cty Sách và Nhà xuất bản đề nghị in thành 3 tập với số trang gần bằng nhau.

Mong mỏi đóng góp một phần nhỏ vào tủ sách Tinh Hoa của NXB Tri thức, đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu triết học Tây phương, xin hoan hỷ giới thiệu cùng bạn đọc.

                                                                   Thay mặt tập thể dịch giả

                                                                         Bùi Văn Nam Sơn

[1] Hegel: Vorlesungen über die Geschichte der Philosophie/ Các Bài giảng về Lịch sử Triết học, 3 tập.