Nguyễn Văn Mùi (tên thật đã được thay vì lý do riêng tư) là bạn thân của tôi hồi anh còn làm việc tại Ty Kiến trúc. Sau một thời gian nghỉ hưu, anh tham gia Câu lạc bộ (CLB) Thơ của thị trấn. Đầu năm rồi anh còn có chân trong Hội Kiều học của huyện. Thời buổi hội hè, câu lạc bộ được phát triển như nấm sau mưa nên việc xin gia nhập làm thành viên các Hội cũng như CLB nói chung là thông thoáng. Vui là chính – và cái “chính” của những người về hưu là cốt sao “vui”- đúng tiêu chí tuổi già sống vui sống khỏe. Cũng có lẽ vì thế mà dân gian mới sinh ra mấy câu mang tính tổng kết vui vui:
“Người người làm thơ/ nhà nhà làm thơ/ Vè nhất định thắng/ Thơ nhất định thua”.
Anh bạn tôi được các thành viên CLB thị trấn tôn phong là “vua thơ lục bát” – bài nào cũng thiết thực, dễ hiểu, dễ thuộc, đặc biệt có tính cập nhật cao. Ví như dịp 27 tháng 7 tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh và những người có công với cách mạng, anh có thơ được chọn ngâm trên Đài truyền thanh thị trấn: “Hai bảy tháng bảy năm nay/ Là ngày liệt sỹ là ngày thương binh/ Là ngày nổi trận lôi đình/ Đánh cho lũ giặc tan tành thịt xương/ Anh em liệt sỹ, bị thương/ Xã hội chủ nghĩa trên đường vinh quang”. Thơ anh được rải đều trên trang Facebook mỗi ngày. Nhiều bình luận khen hết lời, nào là “Thơ hay – Siêu hay – Thơ nhan sắc – Thơ thiết thực ý tại ngôn ngoại”, vân vân và mây mây… Chỉ có vợ anh là “Bụt chùa nhà không thiêng” – luôn chê bai, nào là bị thằn lằn rơi trúng đầu, nào là I xê chập mạch… Tóm lại, ông chồng vô tích sự, nỏ được cấy nết chi! Cũng may đến tháng đến kỳ còn có được dăm triệu lương hưu.
Để khẳng định với mụ vợ chuyên ỉ ôi, coi thường khả năng thi phú của chồng, bạn tôi bảo vợ: Bà đang sở hữu một “tài thi” mà không biết đấy thôi. Thơ tôi, đến như bác Bách, nhà thơ Trung ương, hiện làm việc trên Hội nhà thơ tỉnh cũng khen hết lời đấy. Tuần sau bác ấy có chuyến đi thực tế sáng tác ở huyện ta, bác ấy hứa sẽ ghé thăm nhà mình đấy. Gặp bác Bách, mụ mi hỏi xem thơ tui a răng?”.
Đã hứa với bạn, không thể nuốt lời. Đầu tuần tôi nhảy xe buýt lên thị trấn H. Vừa xuống xe đã được bạn dẫn về nhà. Nhà bạn tôi, một trệt, hai tầng khang trang sạch sẽ. Được bạn vàng (là tôi) – một nhà thơ Trung ương làm việc ở tỉnh Hội lên thăm, bạn tôi phấn khởi ra mặt. Hết ngồi xuống, đứng lên, đi ra đi vào vẻ như chỉ đạo bà vợ nhớ tươm tất mâm cơm đãi khách quý. Tôi hỏi: “Tình hình năm nay đã đủ bài để in tập thơ đầu tay chưa?” Bạn tôi vồn vã: “Nhất định rồi, năm nay không in thơ thì năm nào nữa. Tập thơ dự tính chọn 50 bài thơ Đường, 20 bài khoán thủ, 15 bài lục bát. Ông nhớ viết cho tui vài trang giới thiệu oách oách nhé. Tên tập thơ tui dự tính là “Vợ ơi anh bảo vợ này!” Ông nghe có ổn không?”
Quả thật tôi chưa kịp trả lời với bạn cái tên sách ổn hay chưa ổn thì vợ bạn tôi từ cửa chính bước vào, cúi đầu chào khách rồi trân trân nhìn mặt tôi như thể tôi là thứ vật thể lạ! Chợt vợ bạn tôi thốt lên ngỡ ngàng:
– Vơ trời, chơ nhìn mặt mũi bác phúc hậu a ri mà cũng mần thơ năng?
Thú thật, đây là lần thứ hai trong đời có người khen tôi phúc hậu. Lần đầu, cách nay chừng 10 năm, tôi có mua tặng ông lão ăn xin trước cổng Ga Vinh 20 nghìn tiền xôi và 2 khoanh trứng vịt. Cầm gói xôi, tay ông lão run run, không ngớt lời cảm ơn và khen: Chú thật phúc hậu! Và vừa rồi là lời của vợ bạn tôi. Ngẫm đi nghĩ lại, bản mặt mình cũng không đến nỗi nào.
Lại nói, sau khi được vợ bạn khen phúc hậu, tôi cũng chỉ cười cười rồi nói với cô ấy:
– Thì người ba đấng, của ba loài mà cô. Các cụ xưa bảo “Đứa lắm bạc nhiều tiền rửng mỡ hám gái/ Đứa máu đỏ, đen thích hụi thích đề/ Đứa lọc lừa bán chó treo dê/ Những thằng chơi thơ, đặt thơ là những thằng chơi được” đấy thôi.
Không biết có phải mấy câu thơ tôi vừa đọc có động lòng trắc ẩn gì không, mà xem ra mặt mũi vợ bạn tôi tươi hơn hớn. Nom phúc hậu phết!
Hữu Bằng Sơn
(Theo nhà thơ Tùng Bách kể)