Hẳn bất cứ ai yêu văn học đều biết đến tên tuổi của nữ nhà văn Anh Mary Shelley (1797 – 1851), tác giả của cuốn tiểu thuyết kinh điển Frankenstein, một tuyệt tác của thể loại kinh dị. Mary Shelley không chỉ lưu dấu trong lòng người yêu mến với tài năng và những trang viết của bà mà còn chính ở sự mạnh mẽ, khát khao, đam mê và một cuộc đời không ít bi kịch, đắng cay từ khi còn rất trẻ. Đạo diễn người Ả rập Xê- út đã khá thành công khi chuyển tải những điều đó trong bộ phim của mình.

   Đạo diễn Haifaa Al-Mansour có phim đầu tay vào năm 2012 mang tên Wadjda – bộ phim đầu tiên được quay hoàn toàn trên quê hương cô và là bộ phim truyện đầu tiên do một nữ đạo diễn Ả Rập Xê Út thực hiện. Bởi thế, cô là một lựa chọn phù hợp và đầy thú vị để đảm nhận kịch bản đầu tay của Emma Jensen về cuộc đời của nữ nhà văn Mary Shelley. Sự kết hợp hoàn hảo này đủ để phim trở thành thông điệp mạnh mẽ cho nữ quyền, cho khát khao khẳng định tài năng của những người phụ nữ.

Elle Fanning trong vai Mary Shelley

   Bước vào thế giới phim chúng ta sẽ bị mê hoặc bởi ánh sáng, màu sắc và những trang phục đẹp cổ điển. Các cảnh quay đầy tính nghệ thuật, dàn diễn viên sáng giá và chất giọng Anh quyến rũ,…khiến người xem như được sống lại không khí của nước Anh vào thế kỷ XIX. Nhưng, trên hết, phim khiến ta xúc động ở mạch cảm xúc khi đã tái hiện cuộc đời nhà văn từ những ngày tháng cô đơn ngồi sáng tác bên mộ của mẹ mình, đến chuyện tình đầy đam mê, khổ đau với Percy Bysshe Shelley – một trong những nhà thơ vĩ đại của nước Anh ở thế kỷ XIX và những khát khao, trăn trở trên từng trang viết của bà. Cùng nhìn lại sóng gió trong cuộc đời nữ nhà văn tài năng, người xem sẽ thấy thấp thoáng trong đó bao trăn trở, nỗi niềm của chính mình. Bởi vậy, có những lời thoại, những khoảnh khắc chắc chắn sẽ khiến ta bỗng dưng thấy lòng nhói buốt, mà đoạn hội thoại cuối giữa Percy và Mary là một ví dụ:

– “Anh chưa từng hứa với em về một cuộc đời không có khổ đau nhưng anh đã đánh giá thấp chiều sâu của sự tuyệt vọng và sức nặng của nỗi ân hận mà chúng ta chịu đựng.”

– “Em đã đánh mất tất cả để được ở bên anh, Percy. […] nhưng nếu em không học cách đấu tranh với khổ đau thì em sẽ không tìm lại được tiếng nói này. Những lựa chọn của em đã tạo nên con người em hôm nay và em không hối tiếc điều gì cả.”

Một phân cảnh trong phim

   Suốt hai giờ đồng hồ theo dõi những thăng trầm, đớn đau cùng cực của nữ nhà văn, có thể người xem sẽ thấy mình nghẹn lại mà không thể rơi một giọt nước mắt, ngay cả ở cảnh đầy xúc động với đoạn hội thoại trích ở trên. Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn chưa đến 20 giây không thoại trong cảnh cuối phim chắc chắn sẽ khiến nước mắt ta tuôn chảy. Dường như tất cả cảm xúc nén chặt từ đầu đến cuối được dịp bung ra. Đó là hình ảnh Mary dắt con đi trên đường phố, đánh mắt nhìn sang cửa tiệm của cha mình. Bên khung cửa sổ, ông đang cắm cúi lau những cuốn sách và ở đó, tác phẩm đầu tay của con gái ông – người đã từng lựa chọn từ bỏ ông để đi theo tiếng gọi con tim – được trưng lên một cách thật trang trọng. Điều đáng nói hơn, cuốn sách đó đề tên tác giả Mary Shelley chứ không còn khuyết danh như lần xuất bản đầu tiên. Khi bắt gặp ánh mắt con gái, niềm vui và sự tự hào thể hiện rõ trên khuôn mặt người cha. Có lẽ ông đã trông đợi, rất trông đợi giây phút này, giây phút người con gái bé bỏng của mình bước qua và nhìn thấy cuốn sách ở đó, bên khung cửa sổ. Ông cố giấu cảm xúc, ra vẻ lạnh lùng quay đi như cái cách mà bao lâu nay ông đã phải dằn lòng mình xuống, chịu đựng. Chừng ấy thôi đủ khiến ta không kìm nổi lòng mình. Ở đó, sự bao dung, tình cảm của người cha trở nên vĩ đại và bao la quá! Ở đó, niềm vui, hạnh phúc lan tỏa, đủ sức làm mềm bất cứ một trái tim sắt đá nào. Sau tất cả những đắng cay, cơ cực, những giông bão chất chồng, hai cha con họ đã phần nào tìm lại được khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc…. Một cảnh quay đơn giản thôi nhưng lại chạm tới trái tim người xem thật mãnh liệt, để bộ phim kết lại với đầy đủ cung bậc cảm xúc.

   Một trong những thành công của phim đến từ diễn xuất của nữ diễn viên Elle Fanning. Vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết, sự tinh tế và chính trực như thể không có đau khổ, cay đắng, thăng trầm nào có thể xâm phạm, dập tắt ấy càng khiến cho thông điệp trong phim được truyền tải một cách mạnh mẽ.

   Phim cũng cho ta thấy những khác biệt giữa lý thuyết và thực tế về bình đẳng giới trong xã hội bấy giờ để từ đó tiếng nói nữ quyền càng trở nên có sức thuyết phục và ám ảnh hơn. Cũng qua bộ phim, ta thấu hiểu mỗi trang viết của nữ nhà văn đều được kết tinh từ tất cả niềm cay đắng, bất mãn, cô đơn, khát khao,….

  Phim Mary Shelly là một lời khẳng định, ngợi ca, đồng cảm đối với nữ nhà văn tài năng và các sáng tác của bà đồng thời cũng cho chúng ta khám phá một thế giới văn chương đầy sôi động, quyến rũ và sục sôi lý tưởng của nước Anh thời bấy giờ.

  Sau tất cả, ta nhận ra, văn chương là một hành trình chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt đối với các tác giả nữ. Hành trình đó được chắt chiu từ tài năng, đam mê, khát khao và cả muôn vàn nước mắt, sự cô đơn. Bởi vậy, xin hãy biết trân trọng!

Trang Đoan