30/3 nhắc chúng ta nhớ về ngày sinh của một người họa sĩ vĩ đại, một trong những người có ảnh hưởng nhất đối với nghệ thuật Tây phương và cũng là một trong những con người cô đơn nhất – Vincent Van Gogh (1853 -1890). Tài năng, cuộc đời đầy bi kịch và những sáng tác của ông đã được tái hiện qua nhiều tác phẩm điện ảnh nhưng với tôi Loving Vincent, đạo diễn bởi Dorota Kobiela và Hugh Welchman, để lại nhiều ấn tượng hơn cả.

Bộ phim không chỉ ghi dấu trong lòng khán giả bằng nội dung mà còn bằng cảm xúc và một quá trình làm phim kỳ công, tâm huyết của toàn bộ ekip. Phim thể hiện dưới dạng hình họa với 65.000 bức tranh sơn dầu được khoảng 125 họa sĩ khắp thế giới vẽ và lồng ghép 120 kiệt tác của họa sĩ Van Gogh với chuyển động 12 hình/giây. Chỉ riêng điều này đã khiến Loving Vincent trở thành một kiệt tác nghệ thuật mà bất cứ tín đồ hội họa, điện ảnh nào cũng không thể bỏ qua.

Những bức tranh sơn dầu mang đến thế giới màu sắc sống động và đầy xúc cảm trong phim. (Ảnh cắt từ phim)

Bước vào Loving Vincent là bước vào một thế giới của sắc màu, âm nhạc và xúc cảm. Toàn bộ cuộc đời bi kịch của người họa sĩ tài ba dần được tái hiện lại một cách rất riêng để rồi từ đó những bí mật được vén màn. Quan trọng hơn hết, thông qua hành trình tìm hiểu nguyên nhân cái chết của ông, thông qua những lời trong bức thư ông viết, chúng ta hiểu hơn về nỗi cô đơn tột cùng của một thiên tài đầy bất hạnh. Những dòng thư của Van Gogh mà Armand Roulin đã đọc trong đoạn gần cuối bộ phim là nỗi giày vò đến tuyệt vọng của một người khao khát được khẳng định mình nhưng bất lực nhận ra mình chẳng là ai cả: “Who am I in the eyes of most people? A nobody, a nonentity, an unpleasant person. Someone who has not and will never have any position in society” (Anh là ai trong con mắt của hầu hết mọi người? Không ai cả, không là gì cả, một kẻ khó chịu. Là một người không có và sẽ không bao giờ có bất cứ vị trí nào trong xã hội). Có điều gì đó rất kỳ lạ đã cuốn hút, dẫn dụ tôi bước đến thế giới của nhân vật này mà không thể nào giải thích được. Phải chăng đó là sự dẫn dắt của nỗi cô đơn trong sâu thẳm lòng mình?

Người họa sĩ ấy đã trải qua những ngày tháng gần như tất cả đều chống lại mình, thậm chí những đứa trẻ cũng xua đuổi ông. (Ảnh cắt từ phim)

Người họa sĩ ấy đã sống trong nỗi cô đơn cùng cực, trong nỗi tuyệt vọng và sự day dứt khi cảm thấy mình là gánh nặng đối với người em trai, khi ông phải trải qua quãng thời gian mà gần như tất cả đều chống lại mình. Đó là người cô đơn đến mức chỉ cần một con quạ đến ăn vụng cũng đủ để khiến cho tâm trạng ông bừng sáng. Nhiều lần tôi tự hỏi, hôm nay đây, khi bao người mua những bức tranh của ông với giá đắt đỏ, trầm trồ thán phục, ca ngợi tài năng của ông có từng một lần nghĩ về cuộc sống khó khăn, đau khổ của ông trước đây? Nếu khi đó ông có, dù chỉ một phần nhỏ sự quan tâm của người đời như hôm nay thôi, thì chắc đã không phải tự tìm đến cái chết ở tuổi 37… Thế đấy, cuộc đời nhiều khi thật nghiệt ngã! Hóa ra những con người thật thà với mọi cảm xúc của mình, khao khát được yêu thương và tận hiến, khao khát thể hiện tài năng và theo đuổi đam mê lại luôn nhận về sự cô đơn.

Một người đàn ông chấp nhận tự kết thúc đời mình ở tuổi 37 liệu có là yếu đuối? Điều đó thật khó trả lời và đoạn thoại ở phần đầu phim giữa 2 cha con Armand Roulin phần nào trả lời cho chúng ta. Khi Armand hỏi cha tại sao lại khó chấp nhận sự thực rằng ông ấy đã tự tử, Joseph giải thích:
“- He had a breakdown. It happens to people. (Ông ấy đã suy sụp. Điều đó xảy ra với mọi người.)
– If they’re weak (Nếu họ yếu đuối)
– Live longer, you’ll see Life can even bring down the strong. (Cứ sống lâu hơn rồi con sẽ thấy. Cuộc đời thậm chí có thể dập tắt sức mạnh của chúng ta.)

Hình ảnh họa sĩ Van Gogh trong cảnh cuối của bộ phim (Ảnh cắt từ phim)

Lời của người cha có lẽ khiến không ít người trong chúng ta giật mình khi bao lâu nay vẫn luôn trách, thậm chí lên án, những ai tìm đến cái chết là họ quá yếu đuối, nông cạn. Phải chăng phần nhiều trong chúng ta cũng như người con kia, còn quá trẻ để hiểu ra sự tàn nhẫn của cuộc đời; quá trẻ để thấy rằng cuộc đời có thể đẩy người ta vào những hố sâu tuyệt vọng như thế? Có lẽ chính những suy nghĩ ấy đã khiến tôi, và cả những ai xem bộ phim này, phải rơi nước mắt. Quả là càng sống, càng thấy cuộc đời thực lắm nỗi buồn, như lời Vincent Van Gogh thốt ra trong những phút cuối đời mình: “Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi.”

Vâng, nỗi buồn luôn còn đó và vì thế mà chúng ta cần được sẻ chia, được quan tâm, được yêu thương. Có thể điều đó sẽ không khiến nỗi buồn mất đi nhưng hẳn rằng sẽ đẹp hơn ở một góc độ nào đó, và quan trọng, nó sẽ khiến chúng ta bớt đi cảm giác cô đơn đến tuyệt vọng giữa cuộc sống luôn chực chờ dập tắt những hy vọng và cố gắng nơi ta.

Trang Đoan