Tôi vừa dừng xe cạnh bàn bán vé thì chiếc phà xình xịch rời khỏi bờ. Vậy là lại lỡ chuyến rồi. Chỉ một lát, xung quanh đã có thêm cả chục chiếc xe trờ đến. Những khuôn mặt đợi chờ xám như tro bếp vì vừa đi qua một quãng đường gió bụi hay vì sắp phải đối diện với những nỗi bất an ở chặng đường tiếp theo?! Chậm phà là do mình, sao ai cũng muốn đổ vấy đổ vá sự bực dọc sang người khác. Có tiếng gắt gỏng của bà vợ khó tính, tiếng phàn nàn của mấy người đàn ông về cái dự án vành đai gì đó thấy nói đã vài năm nay mà đến giờ vẫn chưa có cây cầu nào bắc ngang để dân còn phải trầy trật lên xuống phà thế này.

Tôi lơ đãng nhìn những con sóng dập dờn lăn vào bờ. Tiếng gió hun hút đập vào rặng chuối hột ven bãi át đi những tiếng càu nhàu than trách. Tại chiều đông đẹp hanh hao khiến lòng bỗng nhẹ thênh hay tại những chuyện vừa xảy ra đã hút rộc sinh lực khiến tôi không còn đủ sức để bực bội được nữa. Cuộc đời cứ mải miết trong vòng xoáy hư vinh, đôi khi trễ muộn một lần như cơ hội hiếm hoi được sống chậm, đắm mình trong cái hoang hoải xác xơ của những tháng ngày xa lắc bị bỏ quên.

Quê loi nhoi nhuốm màu sắc phố thị, sặc sỡ và ồn ã, quen mà lạ. Chỉ có những vạt gió đông tràn từ trên đê xuống bến phà nhuộm sẫm cả cánh đồng dong riềng bạt ngàn là vẫn không thể phai nhòa trong kí ức của tôi. Mỗi lần về quê, như một thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức, lên đến dốc đê, tôi lại dừng xe bần thần nhìn xuống cánh đồng bãi ngút ngát, nhìn lại đoạn đường xuống bến phà đã được trải bê tông phẳng phiu. Con đường ấy từng trơn trượt suốt những mùa đông ấu thơ của tôi. Một chiều mưa lạnh căm căm, cả nhà cố đi dỡ nốt ruộng dong riềng xa nhất để xát mẻ bột cuối cho vụ miến Tết. Nhá nhem tối, tôi cắp thúng mủng đi trước, bố mẹ đẩy xe củ dong đi sau. Bố tôi bấm chân xuống bùn lầy gồng mình đẩy chiếc xe thồ lên dốc. Có cảm giác xe mỗi lúc một nặng dần, bố càu nhàu hổn hển. Bánh xe ì ạch nhích thêm được một vòng lại như tụt lùi hai vòng, bố mất đà ngã khuỵu xuống, chiếc xe đổ kềnh, hai sọt dong riềng văng tứ tung xuống mặt đường nhoe nhoét. Bố toan gắt lên thì chợt quay đầu nhìn lại phía sau, mẹ tôi đã ngã dụi xuống từ lúc nào, đang nằm co giật bên vệ đường. Bố lao đến cõng mẹ chạy tới Trạm xá xã. Bùn đất lấm lem khuôn mặt xám ngắt của mẹ, bết bát trên vầng trán đẫm mồ hôi của bố. Đó là chuyến đẩy xe cuối cùng của mẹ. Biết bao chiều đạp xe trên con đê chênh vênh, nhìn xuống vạt dong riềng xanh ngắt, tôi cứ tưởng tượng ra bóng mẹ trong tấm áo nâu bạc phếch nhỏ thó như một vệt lá khô lạc giữa khoảng mênh mông ngút ngát ấy. Ngay cả lúc này, cái cảm giác chênh vênh vẫn khiến tôi nghẹn thở…

Trời sầm sập tối. Cổng nhà vắng hoe vắng hoắt. Tôi tắt máy, dắt xe qua đoạn ngõ dài ngoằng. Mấy khóm dong riềng lá to phàn phạt xanh thẫm đơm vài bông hoa muộn đỏ quạch nhoi lên khỏi cái giậu khúc tần xén bằng chằn chặn. Trong nhà có tiếng ho khàn khàn quen thuộc của bố, tiếng bà nội rỉ rả nói một mình. Tôi bỗng thấy lòng mình như chiếc phên tre trong vại cà nén, nằng nặng và xa xót. Góc sân có một đống củ dong mới dỡ còn hăng mùi đất. Nghe tiếng gạt chân chống xe, dì Hin lật đật từ bếp chạy ra:

– Ô, chị May về sao không báo trước để dì đi chợ…

Tôi thoáng sững người. Ở cơ quan, mọi người gọi tôi là Elsa Mai. Về căn chung cư lấp lánh tiện nghi, chồng gọi tôi là Mai Mai. Chỉ về đây tôi mới được gọi với cái tên thật mộc mạc quê mùa ấy. Thấy thằng Vui thập thò sau cánh cửa gỗ sứt sẹo, tôi vẫy nó ra và đưa cho cu cậu mấy cuốn truyện song ngữ. Nó len lét nhìn dì Hin rồi chìa tay ra ngập ngừng. Thằng bé lên lớp 8 mà bé quắt như đứa lớp 5. Cả làng vẫn bỉ bôi “cha già con cọc”, vậy mà thằng bé học tiếng Anh rất giỏi. Nhớ hồi còn son rỗi, thi thoảng tôi về nhà, nằm trong buồng bật điện thoại xem phim có phụ đề, cu Vui lúc đó mới vào lớp 1, hé mắt qua khe cửa mê mẩn như nuốt từng lời thoại. Nhà có mỗi chiếc ti vi màu cũ rích, chẳng ai biết nó vẫn thường bật kênh VTV7 và háo hức với những bộ phim hoạt hình tiếng Anh. Lên lớp 5, nó đã nói tiếng Anh khá trôi chảy. Tôi hiểu rằng năng lực ngôn ngữ của một đứa trẻ thường được di truyền từ mẹ và cũng thấy mừng vì điều đó.

Dì Hin người huyện dưới, học hết cấp hai, nhà nghèo, tấp tểnh theo chúng bạn đi buôn, chẳng may bị bán sang bên kia biên giới, trao qua đổi lại qua bao nhiêu nhà thổ, mãi sau mới trốn thoát và lang bạt đến tận Đài Loan, lấy một ông già gần năm mươi, đẻ liền tù tì hai đứa con gái. Khi đứa con lớn lên 5 tuổi thì ông chồng già đột ngột qua đời, mấy chú em chồng xúm vào chia chác đất đai đẩy mẹ con dì ra đi tay trắng. Chật vật mãi ba mẹ con mới trở về được Việt Nam. Gần chục năm bươn bả xứ người, vốn liếng duy nhất dì có được là khả năng nói thành thạo tiếng Trung. Dì đi làm công nhân cho công ty liên doanh trên tỉnh, thi thoảng tay quản lý nhờ dì làm phiên dịch bất đắc dĩ. Một lần, gã chủ người Đài gọi dì lên bảo sẽ cho dì làm phiên dịch chính thức. Dì chưa kịp nói lời cảm ơn thì lão chốt chặt cửa toan giở trò bỉ ổi, dì vớ chiếc bình hoa sứ đập vào đầu lão, máu túa ra vạt áo trắng che cái bụng phệ. Vụ ấy khiến bà mẹ già của dì phải bán cả mảnh vườn để đền kiện. Dì về quê buôn bán lặt nhặt nuôi con, qua mai mối mà nên duyên với bố tôi. Cảnh rổ rá cạp lại gá nghĩa duyên mọn chẳng thoát khỏi những định kiến hẹp hòi của người làng quê. Bà nội tôi cứ chiều tối lại tập tễnh lết đôi chân đã teo lại vì căn bệnh viêm khớp mãn tính, đi từ xóm trên xuống, ngồi đầu hiên xem dì Hin thái miến, miệng vừa nhai trầu vừa thẽ thọt: “mấy đời bánh đúc có xương…”

Dì Hin làm tất cả những công việc của mẹ tôi trước kia, từ trồng dong đến xát bột tráng miến, hong miến thái sợi rồi bó thành từng đọn gọn ghẽ chở xuống chợ huyện giao cho các mối hàng quen. Dì làm một cách thành thạo khiến có lúc tôi nghĩ sự xuất hiện của dì trong nhà này để thay thế mẹ tôi là một sự sắp đặt hữu duyên của số phận. Thậm chí có chiều đi học về, tôi giật mình đứng ngây nhìn dì đang khom lưng đảo bể bột mà suýt bật lên tiếng gọi “mẹ ơi!” Nhưng ngày ngày nhìn bố và dì tíu tít gánh gánh gồng gồng, hàng hàng họ họ từ sáng sớm đến tối khuya, tôi co mình lại trong nỗi cô độc của thân phận mồ côi. Mỗi lúc vô tình nghe tiếng cười giòn tan của dì hay trông thấy ánh mắt lấp lánh của bố múc nước giếng khơi lên cho dì giặt quần áo, tôi nghe như có cái gì đó rôm rôm vỡ trong mình. Đêm, tôi lấy mảnh bìa chụp vào cái bóng điện đỏ quạch và ngồi học ở góc nhà. Trong tiếng kêu ra rả của những con dế gọi bạn tình ngoài vườn, thi thoảng có tiếng thì thầm nũng nịu, tiếng cười cố nén của dì Hin phát ra từ chái buồng bên kia. Tôi lầm lũi lấy kéo cắt vụn tấm áo mà dì vừa mua cho, rồi lại vội vàng nhét vào cái bịch vải, giấu sâu dưới đáy tủ. Nước mắt tôi lại giàn giụa, thắt lòng nhớ hình ảnh mẹ nằm co quắp trên vũng bùn lầy xám lạnh. Trái tim của đứa con gái mười bốn tuổi cứ vẩn lên cảm giác đau đớn ấy. Những đồng quà tấm bánh chẳng thể kéo gần khoảng cách của dì với tôi. Bố tôi sinh tật uống rượu và có vẻ khó tính hơn, hay kiếm cớ cáu gắt với dì Hin, có lúc làu bàu quạu cọ cả bà nội. Bố chỉ không to tiếng với một mình tôi thôi.

Hai năm sau, dì Hin sinh cu Vui. Dì xin phép bà nội mang hai đứa con gái về nhà tôi. Mẹ đẻ dì mới mất, anh trai dì bị thua nợ phải bán nốt phần nhà đất còn lại dắt díu vợ con vào Tây Nguyên. Bà không phản đối nhưng vẫn có cái kiểu nói thẽ thọt mà như xát muối vào lòng người ta. Tôi gom quần áo lên ở với bà nội. Mà kể cả dì Hin không mang con về đây thì việc tôi lên ở với bà cũng là hợp lẽ, khỏi mang tiếng “mẹ ghẻ con chồng”, “con anh con tôi”. Nhà bà nội cách nhà tôi một con sông, có cây cầu sắt bé tẹo hoen rỉ bắc ngang. Hai đứa con gái của dì Hin mắt một mí, da trắng xanh, tần ngần theo tôi ra đến cổng, con bé lớn rụt rè bám vào yên xe, giọng như hụt hơi: “Chị sang bên đó, thi thoảng lại về đây nhé. Đây là nhà chị mà…” Nó kém tôi hai tuổi mà tôi tưởng như nó già dặn gấp đôi mình. Tôi đặt chân lên bàn đạp, ngoái đầu lại dặn: “Hai đứa mà nấu cơm thì nhớ cho nhiều nước chút, bố bị đau dạ dày…” Vòng xe đi qua cây cầu sắt nặng trĩu nghe tiếng xóc xách, keo két đến rợn người. Nắng tháng Tám hắt rát mặt, khô rong cả những giọt nước mắt chảy lẫn vào dòng mồ hôi mằn mặn, lạo xạo nhức buốt.

Minh họa của Hồ Thiết Trinh

Bao năm nay đây vẫn là nhà tôi. Chưa bao giờ tôi có cảm giác xa lạ khi trở về, chỉ có tình cảm giữa tôi và dì Hin là vẫn gượng gạo. Khoảnh sân nhỏ lát gạch nghiêng và đoạn ngõ dài ngoằng. Khóm dong riềng tốt um bên bể nước mưa lún phún rêu. Bộ đồ nghề tráng miến cũ hoen trong cái chái bếp hẹp ngang. Tất cả vẫn gọn ghẽ nhờ bàn tay của người đàn bà “tứ chiếng” ấy. Học đại học, thi thoảng chiều cuối tuần đạp xe từ trường về, tôi tạt qua nhà ngồi nhặt rễ dong riềng với hai đứa em mắt một mí, nghe tiếng bố khúc khắc ho trong nhà, tự dưng trào lên cảm giác hàm ơn. Nhưng càng thấy được sự tảo tần của dì, tôi càng nhớ mẹ để rồi cứ buộc lòng mình trong nỗi hờn lẩy âm thầm. Đứa con gái lớn của dì vừa tốt nghiệp cấp ba, bảo đợi đứa bé học xong rồi hai chị em sẽ xin làm công ty. Tôi hỏi thờ ơ: “Sao hai đứa không thi đại học?” Con bé cười gượng: “Tụi em học làng nhàng lắm, nhắm chẳng đậu nổi đại học, thôi cứ đi học nghề để mau kiếm được việc.” Tôi biết nó nói chống chế vậy thôi chứ năm ngoái về trường cũ, tôi nghe nói mấy thầy cô đều muốn chọn nó vào đội tuyển học sinh giỏi. Nó nghỉ học để bớt đi một khoản lo, để đầu mỗi kì học bố lại lọc cọc đạp xe mang sang cho tôi một cuộn tiền. Tôi biết đó là số tiền bố và dì gom góp từ những phên miến. Còn tiền trang trải chi tiêu gia đình và thuốc thang cho bố là nhờ thúng xôi và bàn trà đá dì bán mỗi sớm trước cổng công ty chế biến rau củ ở xã bên. Từ ngày có cu Vui, bà nội cũng bớt hà khắc với dì Hin. Bố kể thi thoảng dì mang sang biếu bà tấm quà bánh hay vỉ thuốc bổ, không thấy bà mát mẻ thẽ thọt nữa. Giọng bố trầm đục dè dặt mà ấm áp. Nhưng bố đâu biết rằng mấy vỉ thuốc bổ ấy bà vẫn gói lại để dành dúi vào đáy ba lô cho tôi mang lên trường.

Tôi ra trường với tấm bằng giỏi, ở lại thành phố làm kế toán cho một công ty liên doanh có những chi nhánh lớn ở Nhật và Đài Loan. Hai đứa em mắt một mí đã đi làm công nhân trên tỉnh. Bố tôi thuyết phục bà nội về ở cùng nhưng bà nhất định không chịu. Tôi vẫn qua lại cả hai nhà nhưng dường như tất cả cứ rời rạc, khiên cưỡng, chẳng thể gắn kết được với nhau theo tình thân đúng nghĩa. Bố, dì Hin và cu Vui đã là một gia đình riêng và tôi tôn trọng cái quyền riêng tư ấy. Có lúc tôi bỗng sợ cái sự rời rạc, thấy nó còn xa xót hơn cả vẻ nghiệt ngã hà khắc trong quan niệm “mẹ ghẻ con chồng”.

Tôi lao vào kiếm tiền. Tôi nhận lời làm vợ Chang, Quản lý nhân sự của công ty, người Đài Loan, đã qua một đời vợ và chỉ kém bố tôi tám tuổi. Để làm gì? Để mua được một căn chung cư và đón bà nội lên ở cùng. Để mỗi lần bố đi khám bệnh sẽ có chỗ tá túc trong lúc đợi chờ kết quả. Để hai đứa em gái mắt một mí sẽ phải trầm trồ ngưỡng mộ. Để dì Hin rụt rè nói rằng mai này cu Vui lên học đại học sẽ có chỗ cậy nhờ. Một chút hả hê tự phụ khi nghĩ rằng mình sẽ là chỗ nương tựa cho cả nhà.

Đám cưới tôi là một lễ báo hỉ linh đình nhất xóm đê. Lúc trao cho tôi chiếc lắc vàng, dì Hin cầm chặt tay tôi, ánh mắt vời vợi thao thiết. Món quà hồi môn này chỉ bằng một tháng lương của tôi nhưng lại là bao nhiêu năm tích cóp của dì, vì thế nên tôi cứ day dứt mãi với cái nắm tay ấm áp ấy. Nhưng khi nghe bố kể lại có lần dì bảo: “Trông cậu Chang có vẻ gì đó không đáng tin lắm, mà sao chị May lại vội vàng thế. Trẻ trung xinh đẹp vậy mà…”; tôi đã nhếch mép cười, thoáng nghĩ rằng có khi dì ích kỷ, ghen tị thay cho hai đứa con gái hẩm hiu của mình nên không ưng lòng với hạnh phúc mà tôi đang có chăng? Dì đâu có máu mủ ruột rà gì với tôi, sao lại có những lo lắng dự cảm kì quặc như thế?

Sau đám cưới tôi, bố lên đón bà về nhà. Thi thoảng tôi dẫn Chang về quê, dì Hin và Chang giao tiếp với nhau khá suôn sẻ. Có lần Chang bảo dì cho hai đứa em gái lên thành phố, Chang sẽ xin cho làm tạp vụ ở Công ty, nếu có thể sẽ giúp hai đứa về Đài Loan tìm lại gốc tích gia đình. Dì lắc đầu quầy quậy. Chang có vẻ tự ái, không đả động đến chuyện ấy nữa và cũng ít về quê với tôi hơn…

Gần một năm nay tôi mới về quê, lại đi một mình bằng xe máy. Chắc dì Hin lạ lắm. Sau bữa cơm, tôi ngồi tần ngần xem dì lui cui tráng miến, dì mới khẽ khàng:

– Cậu Chang bận hay sao mà May về một mình? Hay là ngày mai, dì đưa May lên ông lang Tư nhé. Biết đâu hợp thầy hợp thuốc…

– Chúng con… sắp ly hôn dì ạ.

Tôi nói như thở hắt ra, chợt thấy lòng nhẹ bẫng. Nỗi niềm cố nén bấy lâu giờ bỗng bung ra như dòng nước ứ đầy gặp lúc bờ kè đột nhiên suy yếu. Vì tôi còn có thể tâm sự được với ai nữa đâu. Bà đã già và lẩn cẩn lắm rồi. Bố thì cứ đắm mình trong những cơn say. Tôi đã đánh đổi phơi phới thanh tân để có được vẻ nhung lụa hào nhoáng. Nhưng rồi tôi cay đắng nhận ra mình chỉ là chốn ghé chân của Chang. Ngay cả cái quyền làm mẹ tôi cũng không có được. Chang nhớ chu kì của tôi còn hơn cả chính tôi. Hai lần mang bầu, tôi được Chang chăm sóc bằng đủ món ngon bổ dưỡng. Nhưng cả hai lần cứ ăn xong món gà ác hay món chim câu hầm thuốc bắc thì tôi thấy râm ran đau bụng và chỉ vài tiếng sau, đứa con chưa kịp thành hình lại quằn quại trôi ra theo dòng lũ đỏ ối. Lần nào Chang cũng xoa dịu động viên tôi bằng vẻ mặt hối lỗi, tự nhận mình “có tuổi rồi” nên không thể tặng tôi những đứa con khỏe mạnh. Tôi bẽ bàng hiểu rằng Chang đã có ba đứa con nếp tẻ đề huề nên không muốn vướng bận thêm nữa. Tôi cố dằn lòng nuốt cay đắng vào trong, âm thầm nuôi hy vọng vào sự bất cẩn của Chang và sự cẩn thận của mình nếu có lần sau.

Năm ngoái, khi biết tin vợ cũ lấy chồng mới, Chang về Đài Loan mang hai đứa con trai sinh đôi sang đây. Hai đứa trạc tuổi cu Vui. Tôi cố gắng chăm sóc chúng thật chu đáo nhưng chúng vẫn giữ khoảng cách với tôi. Tại vì tôi không thể chăm chúng bằng bản năng người mẹ hay tại vì bố chúng giàu có, uy quyền mà chúng chỉ coi tôi như một người giúp việc không hơn? Nhận ra mối bất hòa ấy, Chang mua một căn nhà hai tầng rộng rãi và mang con sang đó, đưa cô tạp vụ trẻ ở công ty về làm giúp việc. Chang cứ đi đi về về giữa hai nhà. Tôi cũng vậy. Chang vì trách nhiệm. Còn tôi vì những bấu víu âm thầm đắng đót bởi đã trót đâm lao?!

Một trưa cuối tuần, tôi ghé qua siêu thị mua cho mấy bố con ít đồ ăn. Tôi mở khóa cổng đi vào nhà, bắt gặp cô bé giúp việc mặc áo hai dây xộc xệch trễ nải bước ra từ phòng Chang, bản mặt non choẹt vếch lên khiêu khích. Trong phòng, Chang nằm quay ra, tấm lưng trần còn phập phồng mùi khoái cảm. Không hiểu sao tôi chỉ cười nhạt rồi lẳng lặng ra về như thể cái cảnh ấy đã từng mường tượng trong tâm thức. Hôm sau tôi gửi đơn ly hôn vào email của Chang. Bức thư hồi đáp đến nhanh hơn tôi tưởng, tròng trọc hai chữ “tùy em”. Tôi gọi điện cho một người bạn là luật sư để biết thủ tục ly hôn cũng chẳng phức tạp lắm. Chỉ có điều căn nhà mà tôi đang ở phần lớn là mồ hôi công sức của tôi nhưng lại đứng tên Chang vì lúc đó tôi mua theo suất ưu đãi ngoại giao của anh ta. Tôi bải hoải rã rời, chẳng còn đủ sức để chắt ra những giọt nước mắt buốt xót ê chề.

Đêm trôi nằng nặng. Nồi bột dong sôi lăn tăn trên bếp. Dì Hin mải miết múc từng gáo bột lên tấm áo phên, mồ hôi rịn trên trán dính dấp những sợi tóc loăn xoăn chớm bạc. Làng bắt đầu vào vụ miến Tết. Trời tháng Mười hanh khô, nhà nào cũng tranh thủ tráng miến thâu đêm kẻo sang tháng Chạp trời mưa phùn gió bấc miến sẽ ẩm ướt dễ mốc. Tôi tự hỏi lòng mình về sự hối hả của dòng đời. Phải chăng cứ tranh thủ lúc mưa thuận gió hòa thì sẽ có tương lai đủ đầy hạnh phúc? Tôi cũng đã tranh thủ tuổi thanh xuân và nhan sắc của mình mà sao chỉ chuốc về những cay đắng bẽ bàng thế này?!

– Vạn sự tùy duyên May ạ. Cái gì đã cố truội khỏi tay mình thì chẳng nên níu giữ làm gì cho đau lòng thêm. Con vẫn còn có công việc tốt, có bà nội và bố. Còn dì, chỉ có gia đình này làm chỗ tựa lưng. Hai em Yến, Oanh tháng sau đi xuất khẩu lao động sang Đài theo đơn hàng của công ty. Biết đâu chúng muốn tìm lại cội nguồn mà có khi chẳng về với dì nữa…

Tiếng dì Hin khẽ khàng chìm vào màn đêm u tịch. Tôi nghiêng người lấy thanh cời chọc vào bếp lò, bần thần nhìn những tàn than lóe sáng trước khi rơi xuống. Lâu nay tôi luôn tỏ ra mình sống tốt, chưa bao giờ muốn giãi bày với ai kể cả khi thấy lòng mình yếu mềm nhất. Hóa ra tôi chỉ như những đốm than cố sức lóe sáng trước khi rớt thành tàn tro. Giờ đây, tất cả những hào nhoáng tôi từng cố công thể hiện bỗng trở nên vô nghĩa trước ánh mắt thao thiết và cái thở dài cố nén của người đàn bà mà bấy lâu tôi vẫn coi là người dưng này.

Tôi lặng nhìn tấm lưng khum khum của dì bỗng thấy lòng mình quặn xoáy như con nước lạc mùa ngoài bãi. Bấy lâu nay tôi cứ mải miết chạy theo hư vinh, cứ vô tình coi nhà là nơi thỏa mãn tính ngạo mạn ích kỉ của mình. Đến khi rạc lòng với những trái ngang mới nhận ra đây là chốn bình yên cho lòng mình lắng lại. Ngỡ rằng mình như một mạch nước dồi dào đắc ý gieo hạt phù sa vào căn nhà tuềnh toàng này bằng cọc tiền xanh lét giúp bố lát lại cái nền gạch men, sửa sang lại cái mái và cơi thêm khoảnh bếp cho dì có chỗ hong miến, bằng những món quà thị thành sặc sỡ mang về trong mỗi dịp lễ tết; mà hóa ra mình về đây để cuốn theo những hạt phù sa mang đi. Ấy là lòng bao dung đồng cảm của người phụ nữ “nạ dòng” này.

Gió đầu đông heo hắt. Ngoài vườn, những vạt lá khô lạt xạt rơi, vẩn lên mùi ẩm mốc của đám lá mục và bã dong riềng vùi dưới gốc cây táo, cây cam. Tàn dư xác xơ ấy sẽ ủ ấm cho những chồi non lộc biếc khi xuân sang. Dòng đời chảy trôi, đoạn nhân duyên này qua đi như một chuyến phà đã lỡ. Bao hờn lẩy trở trăn xa xót như ngưng lại, nhường chỗ cho niềm tin nhen nhóm đợi chờ. Đêm vẫn bình thản trôi. Bóng của dì hắt lên liếp cửa quen thuộc như bóng mẹ tôi thủa nào. Ánh mắt dì rưng rưng trìu mến, ấm áp tha thiết như một vòng ôm.

Tạ Thị Thanh Hải

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 30, tháng 1+2/2023)