Một trong những lý do Truyện Kiều nổi tiếng là các phương pháp nghệ thuật. Trong đó có nhiều phương pháp của Nguyễn Du đã là tín hiệu của nghệ thuật Hiện đại và Hậu hiện đại ở thế kỷ XX. Một trong những phương pháp nghệ thuật đó là linh cảm  trong tác phẩm. Ở đây là linh cảm của Thúy Kiều được thể hiện qua Lời thoại và qua Giấc mơ. Bài viết này xin được đề cấp đến việc tiên tri và linh cảm qua lời thoại
  Ngay buổi sáng Thanh minh, đi chơi hội đạp thanh, khi Thúy Kiều rút trâm cài tóc, vạch vỏ cây làm thơ bên mộ Đạm Tiên thì nàng đã “Lại càng mê mẩn tâm thần”. Tư duy, thần kinh của nàng đã biến chuyển và thay đổi, không làm chủ được nữa: “Lại càng ủ dột nét hoa/ Sầu tuôn dứt nối châu sa vắn dài”.
Không chỉ mê mẩn tâm thần mà đã biểu hiện ra hành động. Nàng “đứng lặng, tần ngần”, rồi sầu muộn thể hiện ra trên nét mặt liên tục: “Lại càng ủ dột nét hoa”, và nàng khóc (châu sa)  sụt sùi (vắn dài).
Thấy Thúy Kiều như vậy, Thúy Vân coi đó là chuyện “nực cười”, lại còn chê chị là “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Với tầm hiểu biết và trí thông minh của mình có được, Thúy Kiều đã biết: “Rằng hồng nhan tự nghìn xưa. Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”. Linh cảm đã xuất hiện ở Thúy Kiều bằng sự nghi ngờ: “Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”
Thúy Kiều đang đối thoại với Thúy Vân nhưng lời thoại này cũng như là độc thoại. Tự hỏi mình và đó là linh cảm những gì không hay sẽ xẩy ra với nàng.
Cái lo âu, phập phồng và hoài nghi cho tình yêu và hạnh phúc của mình đã ám ảnh Thúy Kiều ngay cả khi mới  gặp Kim Trọng sau mấy tháng  xa cách, kể từ hội đạp thanh. Nay dịp may hiếm có, hai người mới gặp lại. Nàng đã “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để gặp người yêu. Hai người đang được sống trong hạnh phúc dạt dào thì nàng lại thảng thốt: “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.”
Và nàng lại nghĩ đến Đạm Tiên và nghĩ tới mình với màn độc thoại: “Trông người lại ngẫm đến ta/ Một dày  một mỏng biết là có nên?”
Chẳng biết rồi mình và Kim Trọng có nên duyên nên phận hay không, Thúy Kiều nghĩ tới Đạm Tiên bởi “cùng hội cùng thuyền” với mình. Cùng là những bậc tài hoa “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, rằng “Hồng nhan tự nghìn xưa/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”. Nàng nghĩ đến Kim Trọng (một dày) đẹp trai (dung quang) lại tài giỏi, giầu sang “Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn”, còn mình thì (một mỏng) “phận mỏng cánh chuồn”.            
Lại một câu hỏi. Hỏi Kim Trọng nhưng chính là tự hỏi mình. Một độc thoại trong đối thoại và lại xuất hiện một linh cảm của Thúy Kiều trong tình yêu với Kim Trọng. Mà rồi đúng như linh cảm của Thúy Kiều. Kim Trọng nhận được thư nhà báo tin chú từ trần ở Liêu Dương. Chàng phải về chịu tang và rồi vĩnh viễn mất Thúy Kiều (dù sau 15 năm có gặp lại thì đã “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”).
Kim Trọng vừa chia tay Thúy Kiều về Liêu Dương thì gia đình Thúy Kiều gặp nạn. Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha để “đền ơn sinh thành”. Nàng biết thế là phải hy sinh  tình yêu với Kim Trọng.
Đêm trước bán mình chuộc cha, nàng vật vã, khóc thương cho mình, cho Kim Trọng. Thúy Vân – em nàng tỉnh giấc hỏi cơn cớ làm sao. Thúy Kiều nói cho em biết về mối tình của mình với Kim Trọng. Nàng nhờ em gái nối tiếp tình duyên. Cuộc đối thoại giữa hai chị em gái thật chua xót: “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy, so tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.”
Ấy là Thúy Kiều lại có thêm một linh cảm nữa về cuộc đời mình rồi sẽ chẳng ra gì. Và rồi ngay đó nàng đã lại nghẹn ngào độc thoại với Kim Trọng: “Ôi Kim lang hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.”
Trong cuộc thoại này có đến 5 người tham gia. Thúy Kiều và Thúy Vân đối thoại. Kim Trọng không có mặt ở đây mà chỉ có Thúy Kiều nói to lên: “Ôi Kim lang hỡi Kim lang”. Thúy Kiều độc thoại, tự nói với mình, nhưng nàng cũng muốn nói cho Kim Trọng nghe dù vắng mặt Kim Trọng, chỉ có Thúy Vân  nghe. Tiếp đó Thúy Kiều vừa tham gia đối thoại vừa tham gia độc thoại. Một mình, lẩm bẩm nhưng lại đối thoại với nhiều người (kỹ thuật này thường thấy trong tác phẩm của Hemingway): Vĩnh biệt vũ khí (A Farewell to Arms), Ông già và biển cả (The Old Mand and the Sea). Đó là trường hợp ông già Santiago trong Ông già và biển cả, một mình trên biển đêm độc thoại, thỉnh thoảng lại gào to để chứng tỏ mình không cô đơn. Ấy là ông đang đối thoại với ai? Với trời, với biển, với con chim đậu trên cột buồm và đàn cá chuồn, cá trích đang bơi dưới nước dưới thuyền ông…
Linh cảm xuất hiện qua lời thoại (đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm) của nhân vật Thúy Kiều hoặc của Nguyễn Du nhân danh nhân vật Thúy Kiều mà nói, có thể mượn từ vựng và giọng điệu của nhân vật. Trong đó có độc thoại và độc thoại nội tâm, giọng nói của nhân vật bị chia làm hai, thành hai giọng nói riêng biệt, có khi đối nghịch để tranh luận. Có khi logic, có khi mơ hồ, hỗn loạn, phi logic (như trường hợp Thúy Kiều (đối) độc thoại trên đây.
Đây cũng là một đặc sắc trong hội thoạị của Nguyễn Du.
Sau đó bố mẹ Thúy Kiều thức giấc “Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng”, cùng tham gia hội thoại. Thúy kiều nói với cha mẹ chuyện tình duyên của mình và hoàn cảnh hiện nay đang và sẽ chịu đựng. Nàng đối thoại:“Sá chi thân phận tôi đòi/ Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu.”
Buổi chiều, trong cảnh ra đi của Thúy Kiều: “Trời hôm mây kéo tối rầm/ Dầu dầu ngọn cỏ đầm đầm cành sương” thì câu thoại của Thúy Kiều, cũng là một linh cảm về cuộc đời sắp tới của nàng.
Thúy Kiều đã phải bán mình nhưng mọi người vẫn tưởng là nàng được gả chồng vì có đủ lễ lạt, nạp thái, sính nghi, nghinh hôn, đón dâu… thì ai mà chẳng nhầm. Nhưng trên đường đến Trú Phường về Bắc Kinh nàng mới dần dần nhận ra sự thật là chẳng có duyên phận, cưới xin nào cả mà là đã mắc mưu lừa gạt của lũ buôn người. Rồi khi “Tiếc cho một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về” với Mã Giám Sinh, nàng đã chửi rủa hắn: “Tuồng chi là giống hôi tanh/ Đời người thôi thế là xong một đời.”
Đây là những câu độc thoại của Thúy Kiều, nàng linh cảm về cuộc đời mình. Cũng vì Thúy Kiều là người thông minh và nhạy cảm. Qua hành động của Mã Giám Sinh “Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ” và “Khi ăn, khi nói lỡ làng” nàng đã đặt câu hỏi từ nghi ngờ đến khẳng định, Mã Giám Sinh là người: “Xem gương trong bấy nhiêu ngày/ Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già.”Khác màu kẻ quý người thanh/ Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.”
Từ những dữ kiện đó, những thông tin đó, Thúy Kiều đã nói với cha mẹ trước lúc đi vào nơi gió bụi một câu vừa than vãn, vừa hối tiếc và cũng là một linh cảm quan trọng: “Thôi con còn nói chi con/ Sống nhờ đất khách thác chôn quê người!”

Tranh minh họa truyện kiều: Phạm Đức Hạnh

Đối thoại của Thúy Kiều vừa hướng tới những người đối thoại. Đó là cha mẹ và những người đưa tiễn nàng “về nhà chồng” nhưng cũng tự hướng vào thế giới nội tâm của mình thốt lên câu trên kia. Đây là tiếng nói của ý thức (đang đối thoại với nhiều người) xen với tiếng nói từ vô thức nên tạo nên tính đa âm, đa thanh của lời thoại. Cả những lần tiên tri và linh cảm khác trong Truyện Kiều (4 lần nhớ nhà, 3 giấc mộng, 4 lần gẩy đàn, 3 lần tự tử). Có nhiều độc thoại nội tâm của Thúy Kiều không hiện ra trên bề mặt câu chữ của lời thoại. Người đọc phải đặt mình vào hoàn cảnh của Thúy Kiều mới hiểu.
Đó là những câu thoại của Thúy Kiều khi đang đối thoại. “Thôi con còn nói chi con. Sống nhờ đất khách thác chôn quê người”. “Thôi con còn có ra gì mai sau”... là độc thoại nằm trong mạch nguồn vô thức, cảm xúc, suy nghĩ đang tuôn chảy trong lòng Thúy Kiều bỗng đến, bật ra khi nàng đang đối thoại. Mặc dù nàng đang hướng tới người đối thoại bằng ý thức. Đó là lời phát ngôn của Thúy Kiều nói với chính mình, thể hiện quá trình tâm lý nội tâm mô phỏng hoạt động cảm xúc suy nghĩ của mình trong dòng chảy trực tiếp của ý thức, tức là thể hiện trạng thái tâm lý của nàng. Rõ ràng với linh cảm, lời thoại không chỉ là đối nhau, thông báo thông tin trên bề mặt câu chữ mà còn là ở dưới tầng ngầm, ở ngoài câu chữ, ở giữa những hàng chữ mà người đọc phải cùng tham gia khám phá mới hiểu hết.
Nhiều khi Thúy Kiều băn khoăn về những điều mà mình linh cảm, những điều nàng tin sẽ xảy ra mà không cần lý do xác đáng nào cả. Sự băn khoăn đó hình thành các câu hỏi mà nàng phải tự trả lời. Ví dụ khi thắp hương cho Đạm Tiên: “Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”, “Trông người lại ngẫm đến ta/ Một dày một mỏng biết là có nên”,  “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm hỏi có duyên gì hay không?”
Thúy Kiều có 5 lần độc thoại và độc thoại nội tâm và 5 lần độc thoại đó đều xuất hiện linh cảm. Lần thứ 4 nàng độc thoại khi đang là vợ của Thúc Sinh. Thúc Sinh về Vô Tích thăm vợ cả là Hoạn Thư. Thúy Kiều ở Lâm Tri nhớ chồng và nghĩ về mình: “Bóng dâu đã xế ngang đầu/ Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi/ Tóc thề đã chấm ngang vai/ Nào lời non nước nào lời sắt son/ Sắn bìm chút phận con con/ Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?”, “Thân bao nhiêu nỗi bất bằng/ Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao?”.
Mình đã có tuổi, lúc này xa nhà đã gần 10 năm. Không biết đời mình sẽ ra sao. Chồng mình đã hứa bao nhiêu điều “Nào lời non nước nào lời sắt son”. Mình và Thúc Sinh duyên phận chỉ là sắn bìm (vợ lẽ) cho nên rồi sẽ đến đâu. Đời mình chịu bao nhiêu “nỗi bất bằng” rồi. Cứ sống độc thân như Hằng Nga có khi lại hay hơn. Với những băn khoăn, lo lắng ấy Thúy Kiều linh cảm thấy tai họa và bi đát đang chờ mình. Và rồi sau này đã xẩy ra đúng như vậy khi Hoạn Thư bắt nàng về đánh ghen.
Là người sắc sảo, thông minh nhưng như đạo cô Tam Hợp nói với vãi Giác Duyên về cuộc đời của Thúy Kiều vì “Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan” nhưng lại vì nặng nghĩa nặng tình, ăn ở chu toàn, vì tình, vì hiếu, vì thương người nên cái sắc sảo thông minh nhiều khi lại làm hại nàng, cho nên: “Ma đưa lối , quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” như đạo cô Tam Hợp đã nhận xét.
Bởi vậy nàng bị Hồ Tô Hiến mua chuộc, dụ dỗ đánh lừa Từ Hải, khuyên Từ Hải hàng vì quyền cao chức trọng. Hơn nữa bản thân mình cũng đã trải qua mười lăm năm gian khổ, nàng muốn về nhà với cha mẹ. Thúy Kiều linh cảm qua độc thoại của mình: “Bằng nay chịu tiếng vương thần/ Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì”, “Cũng ngôi mệnh phụ đường đường/ Mở mang mày mặt  rỡ ràng mẹ cha”.
Đối thoại và độc thoại của Thúy Kiều ở đây không thông báo cho ta sự kiện mà thông báo ý nghĩ của nàng giữa lúc ý nghĩ đó đang hình  thành trong dòng chảy ý thức. Các lời thoại tập trung xung quanh chủ đề khuyên Từ Hải ra hàng theo một trật tự logic và trở thành độc thoại nội tâm của Thúy Kiều, bộc lộ hoàn cảnh và tâm trạng, suy nghĩ, tính toán của nàng. Nghĩ đến đầu hàng Hồ Tôn Hiến là sẽ thoát khỏi cảnh “đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân” rồi sẽ “liệu về cố hương”, sẽ được “cũng ngôi mệnh phụ đường đường” làm “rỡ ràng mẹ cha” và quan trọng hơn cả là “Trên vì nước dưới vì nhà”. Nhưng đây chỉ là mong ước, là linh cảm sai lạc của Thúy Kiều, đã vô tình đẩy chồng mình là Từ Hải vào chỗ chết.  Hồ Tôn Hiến đánh bại Từ Hải nhờ lừa gạt Thúy Kiều. Hắn bắt Thúy Kiều đánh đàn hầu rượu ở lễ hạ công. Hắn lại còn tán tỉnh nàng, không được, để tránh tiếng hắn ép gả nàng cho viên thổ quan. Thúy Kiều không biết là sẽ bị đưa đi đâu, đây là đâu vì đang đêm tối. Khi nghe “Triều đâu nổi tiếng đùng đùng/ Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường”, nàng sực nhớ đến “lời thần mộng” mà Đạm Tiên báo cho nàng năm xưa, ở giấc mộng thứ hai: “Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau.”
Lúc hấp hối ở đáy sông Thúy Kiều đã gặp lại ma Đạm Tiên trong cơn mê đúng như linh cảm của Thúy Kiều đã có 10 năm về trước.

Lê Đình Cúc
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 8/tháng 8+9/2020)