26.7 C
Vinh
Chủ Nhật, 15 Tháng chín, 2024

Liệt sĩ Vương Lân và chùm thơ chép từ thư gửi đồng đội

Liệt sĩ Vương Lân là người con của quê hương Đô Lương, Nghệ An. Ông sinh ra ở làng Đông Bích, xã Trung Sơn – một vùng quê nghèo nổi tiếng bởi tình yêu văn chương của những người con sinh ra, sống tại đây hoặc lập nghiệp muôn nơi. Ông hy sinh ngày 26/5/1972 tại Quảng Trị. Giống như nhiều người con thuộc dòng họ Vương ở Đô Lương, ông sớm làm quen với hoạt động sáng tác, làm thơ từ những năm học phổ thông cấp 3. Vương Lân đã có một số thơ in trên Báo Chiến thắng (như bài “Áo mới”, “Lời mẹ”,…), tờ báo của Ban Vận động thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An (nay là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An). Ông từng là cộng tác viên tích cực của Chi hội Văn nghệ Nghệ An từ ngày đầu thành lập. Vào mặt trận, ông tiếp tục sáng tác, có chiến dịch viết đến gần 100 bài thơ, ca dao phục vụ công tác tuyên truyền, động viên chiến đấu; nhiều bài đã in trên Báo Quân đội nhân dân.

Trong những bức thư gửi bạn bè, đồng đội, ông thường gửi kèm những bài thơ vừa sáng tác. Rất xúc động, có một số bài thơ mà đồng đội của liệt sĩ Vương Lân vẫn đang trân trọng lưu giữ làm kỷ niệm. Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu 2 bài thơ của ông, được chép từ những bức thư đồng đội còn lưu giữ.

VƯƠNG LONG

Thư gửi Bỉnh[1]

Xe đi cuốn đỏ bụi đường
Đưa anh vào tận chiến trường xuân nay
Đã nghe pháo kích đâu đây
Kìa sông Bến Hải chau mày ngẩn ngơ.

Lòng người chiến sĩ yêu thơ
Bắc lên cân cả trước giờ xuất quân
Quê hương xa, mặt trận gần
Bao tên gọi nhắc một lần trong tim.
Người thương chưa kịp nhắn tin
Tấm lòng đa cảm nổi chìm sao đây?
Anh đi biền biệt năm dài
Nhớ thương, kỷ niệm thức hoài hỡi em.

Mẹ già anh, tóc trắng đêm
Cối trầu, bậu cửa mòn thêm nỗi chờ
Quờ tay chạm cuốn sách thơ
Bàn anh học, ướt cơn mưa cuối chiều.

Nhà anh xưa chẳng “được nghèo”
Làm anh biển cả chống chèo nặng tay
Lời chào đồng chí từ nay
Ngắn dần lại chặng đường đầy gai chông.

Máu tim ta vốn vẫn hồng
Qua bom đạn lại thắm nồng tuổi xuân
Giữa đồng đội, giữa yêu thân
Cho anh thêm vững bước chân dạn dày.

Anh đi em nhé, xuân này!…
(Viết trên đường vào chiến dịch, tháng 2 năm 1972).

Tác phẩm “Chân dung người lính”, tranh sơn dầu của Lê Trí Dũng

Tâm sự

Bạn nhỉ, đêm nay ai ngâm thơ trên đài[2]
Kim Cúc, Linh Nhâm hay Trần Thị Tuyết?
Một câu trả lời ai cũng giống ai
“Không biết!”

Bậc đá chúng ta ngồi rêu đã lên xanh
Đom đóm vẽ vòng bên miệng hầm sạt lở
Còn đâu những chiều ríu rít em, anh
Tối hò hẹn mắt ai cười bỡ ngỡ…

Tuổi biết yêu mỗi người đi mỗi ngả
Gửi lại quê hương vắng lặng những đường thôn
Đêm họp đội tiếng cười ran cối gạo
Sao mai lên gà gáy rộ bên làng.

Có ghé qua làng chớ buồn bạn nhé
Dưới trời khuya loa đơn độc một mình
Sau mảnh liếp gầy là em, là mẹ
Thắp sáng đèn tai lắng những dòng tin.

Quê ta vẫn vui – niềm vui trong yên lặng
Hạt lúa mẩy đều, củ sắn bớt xơ
Và những đứa em mười lăm, mười bốn
Chưa vỡ giọng ca đã thạo cày bừa!

Ước lại thức trọn đêm với Cửa Đình, Cổng Ván
Cây đa ta trồng đã lớn cao chưa?
Đa lại đón chúng ta về, bạn nhỉ
Đêm trăng ấy
Cổng làng
vời vợi “Tiếng thơ”…
(Mặt trận Quảng Trị, cuối 1971).

Chú thích:
[1] Bỉnh, bạn chiến đấu, người em kết nghĩa ở mặt trận, bị thương và được chuyển về tuyến sau.
[2] Làng xưa có chiếc loa phóng thanh treo trên ngọn cây cao giữa làng, thường gọi là “cọc đài”, nơi cả làng tụ họp nghe tin thời sự mặt trận, nghe ca nhạc hay chương trình “Tiếng thơ”… hằng đêm.