26.7 C
Vinh
Chủ Nhật, 15 Tháng chín, 2024

Lặng lẽ toả hương

Mái tóc được cắt tỉa gọn gàng, nhìn anh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi ngoài 60 của mình. Dáng đi ấy, điệu bộ ấy, giọng nói ấy chẳng ai bảo rằng cuộc đời của nhà văn lại gặp nhiều chông gai, nhọc nhằn đến thế.

Quả bom định mệnh  

Lặng lẽ toả hương
Nhà văn Nguyễn Trung Thành bên giá sách gia đình.

Tôi gặp nhà văn Nguyễn Trung Thành trong một buổi chiều giữa tháng 8 năm 2022, sau khi anh nhận giải Khuyến khích tiểu thuyết “Những ánh sao đêm” – Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương. Giữa trưa, trời đổ cơn mưa làm cho không khí mát mẻ hơn, không còn cái oi nồng của “gió Lào rát bỏng”. Tiếp đón tôi là vợ anh, vì anh đang bận tiếp chuyện một đôi vợ chồng trẻ đến xem phong thuỷ cho ngôi nhà mới của mình. Trong khi chờ đợi, tôi tham quan tủ sách trên 2000 cuốn của anh. Trong căn nhà nhỏ mới được xây dựng hồi đầu năm 2022 bằng tiền nhuận bút, ở khối Đồng Tâm, phường Hoà Hiếu, thị xã Thái Hoà chất đầy những cuốn sách quý, có cả những cuốn truyện đã mục hết gáy nhưng vẫn được anh cất giữ cẩn thận. Tôi đang định tìm cuốn “Tử vi đẩu số tân biên” của Vân Đằng Thái Tử Lang thì nghe tiếng anh ở phía sau, quay lại thấy anh cầm quyển sách “Tử vi đẩu số tân biên” và  “Thần số học” trên tay, chưa kịp chào hỏi, anh đã nói trước:

– Hẹn em rồi mà lại có khách, để em chờ lâu, anh xin lỗi nhé!

– Dạ, không sao anh ạ! Nhờ thế mà em mới được chiêm ngưỡng tủ sách quý của anh đấy!

– Sưu tầm những cuốn sách quý là niềm đam mê của anh. Nhân tiện đây, biết em đang tìm hiểu về bộ môn “Thần số học và Tử vi” tặng em hai cuốn sách này. Chúc em đi đúng con đường và sứ mệnh mà “vũ trụ đã gửi đến” cho em.

– Em cảm ơn anh! Em vừa nói chuyện với chị và được biết “quả bom định mệnh năm 1967” đã đi sai hướng nhưng… trong cái rủi cũng vẫn còn có cái may… nếu không… chưa chắc anh đã thành một nhà văn đạt nhiều giải thưởng cả trong và ngoài nước như thế.

– Nhân vô thập toàn em ạ. Năm 1967 sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Ở miền Trung thì không quân Mỹ oanh tạc vào kho xăng dầu Bến Thuỷ. Lúc ấy anh đang học tiểu học, một đêm sau khi vừa giải xong bài tập toán dành cho học sinh giỏi lớp 4, anh mở truyện “Không gia đình” vừa mượn được của thầy giáo dạy cấp 2, đọc chưa hết chương 1 thì có tiếng kẻng báo động. Chưa kịp định hình thì cả bầu trời và mặt đất đều sáng rực. Lúc ấy mẹ lôi anh vào trong hầm trú ẩn nhưng với bản tính tò mò của con trẻ anh lại nhoài người nhìn ra ngoài. Bỗng một tiếng nổ kèm sức mạnh khủng khiếp đã hất anh quay trở ngược vào trong. Đất đá, khói bom khét lẹt, bụi rơi mù mịt. Sau ba tuần điều trị ở bệnh viện huyện, bác sỹ thông báo hai mắt của anh đều tổn thương giác mạc cần điều trị trong thời gian dài. Sau trận đó còn có rất nhiều trận bom nữa dội xuống khiến cho cả làng Son trắng khăn tang. Năm lớp 7 thì trường anh sơ tán lên tận Bình Lâm – một xã bán sơn địa và cách nhà gần 20km. Trong thời gian này mắt anh bắt đầu bị mờ dần. Có lúc đang đọc sách thấy mắt nhức buốt, đầu đau váng, trời đất quay cuồng, rồi mê đi, khi tỉnh dậy thì thấy những con chữ không còn nằm im mà như có chân chạy lung tung. Cứ ngỡ là mình hoa mắt, thử đi thử lại nhiều lần mà trang sách vẫn nhoà đi. Anh và gia đình đã nghĩ đến phương án là không thể còn nhìn thấy ánh sáng được nữa. Đang ở cái tuổi ăn tuổi chơi mà như vậy thì thực sự là đau đớn, bàng hoàng! Nhưng nhờ những câu nói của Pavel trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” mà anh đã vực dậy: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuối tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

– Biết là khó khăn, là vất vả, vậy động lực nào đã thúc đẩy anh học hết cấp 3 trong khi đó cả tỉnh Nghệ An chỉ có mình anh bị khiếm thị nhưng lại được học chung với các bạn mắt sáng?

–  Trong thời loạn lạc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mặc dù bị mù cả hai mắt mà vẫn dạy học, làm thơ và bốc thuốc giúp người, thì tại sao mình lại không thể. Nhưng thật ra, cũng là nhờ văn chương mà anh đã đứng dậy được sau bao lần nản chí, nếu không được đọc những tác phẩm nổi tiếng như: Thép đã tôi thế đấy; Những người khốn khổ; Chiến tranh và hoà bình; Đỏ và đen; Tình yêu thời thổ tả; Không gia đình; Túp lều bác Tôm; Trên sa mạc và trong rừng thẳm; Tiếng gọi nơi hoang dã… thì có lẽ… cuộc đời anh đã không có được may mắn như bây giờ.

19 tuổi, thị lực của anh mất hẳn, anh không còn có thể nhìn được nữa, nhưng với quyết tâm và niềm tin vào ngày mai tươi sáng, anh đã cố gắng gạt bỏ mọi khó khăn, vực dậy tinh thần yêu văn chương từ nhỏ để cố gắng học hành cho bằng bạn bằng bè. Không được dự thi tốt nghiệp cấp ba, mà chỉ có giấy chứng nhận học hết cấp ba, vì vậy mà ước mơ bước vào giảng đường đại học của anh không còn nữa.

Nhìn anh trầm ngâm, tôi chưa thể hình dung ra được con đường đến với văn chương của anh như thế nào. Để rồi không chỉ anh mà cả gia đình, họ hàng tự hào về một nhà văn khiếm thị Nguyễn Trung Thành đạt rất nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh, đến trung ương và cả nước ngoài. Đưa tay với chén nước chè sen ngay trước mặt rất chính xác không sai một ly, cứ ngỡ rằng đôi mắt của anh rất sáng, rất long lanh. Không đeo kính đen như những người khiếm thị khác, anh đeo kính trắng. Bởi, nhìn vào đôi mắt của anh không ai bảo anh bị khiếm khuyết, đôi mắt bình thường như triệu người. Định mệnh trong đêm hôm ấy đã khiến cho cậu bé chăm ngoan, học giỏi Nguyễn Trung Thành bị bóng tối bao quanh suốt cả cuộc đời. Nhưng rồi, một nguồn sáng vô giá đã đến với anh như sự cứu rỗi của thượng đế – nguồn sáng của văn chương.

Nguồn sáng cuộc đời

Học hết cấp 3, chàng thanh niên Nguyễn Trung Thành chỉ quanh quẩn ở nhà, ít khi ra ngõ. Giá như đôi mắt vẫn còn sáng thì anh đã như bao bạn bè cùng trang lứa được cầm súng lên đường ra mặt trận hoặc được vào giảng đường đại học. Nhưng sự đời thật trớ trêu, nghiệt ngã, có những người muốn cầm súng lên đường ra trận thì không được đi, trong khi đó, có những kẻ thoái lui, ấu trĩ tìm đủ mọi cách để được ở nhà không phải vào bộ đội.

Lặng lẽ toả hương
Nhà văn Nguyễn Trung Thành (đứng giữa) cùng các bạn văn nghệ Thái Hoà.

Bao ước mơ, hoài bão, bao dự định tương lai phía trước đang rộng mở đã khép lại đối với anh. Không thể hoàn thiện được lý tưởng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân khiến cho nhiều đêm anh chạnh lòng buồn tủi, trằn trọc không ngủ được. Cả ước mơ vào giảng đường đại học cũng bị dập tắt nên bây giờ anh chỉ còn ước ao làm được điều gì đó để bố mẹ vơi bớt nhọc nhằn. Mỗi khi bố mẹ vắng nhà, anh đã tập cầm dao chẻ nứa, ra nan, cho dù anh rất hiểu câu “hư nghề nát, mạt nghề đan” nhưng vẫn rất cố gắng để rồi rất nhiều lần trong khi chẻ, dao bị trượt làm bàn tay, bàn chân chảy máu.

Dù đã nhiều lần đi bệnh viện khám, hy vọng có lại một đôi mắt sáng nhưng với anh thật là khó khăn. Nhiều lần anh không muốn sống nhưng rồi không chỉ từ những chia sẻ của các bác sĩ ở bệnh viện mắt về nhân vật Pa-ven Ca-rơ-sa-gin rất chân thật, ấm áp đã khích lệ tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống nơi anh; mà đó còn là tình cảm cao đẹp của những người bạn dành cho anh khi anh rơi vào tuyệt vọng, buồn tủi, đớn đau, muốn tìm đến cái chết chỉ vì một ý nghĩ là một người tàn phế thì sẽ làm được gì?

Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Không phải cứ mất đi ánh sáng từ đôi mắt là sẽ thất bại. Cho dù không được nhìn thấy khoảng trời mênh mông bát ngát, cỏ cây hoa lá nhưng anh sẽ cố gắng để giống như nhân vật Mê-rê-xép trong tác phẩm “Một người chân chính” của nhà văn Boris Polevoy. Với những nỗ lực của mình, bằng mọi cách, anh học nghề đan cổ truyền để tìm niềm vui, sự ấm áp từ công việc. Trong một lần cùng mẹ đi bán bồ, anh đã gánh giúp bà làng bên gánh khoai. Với hành động nhỏ này, anh đã chiếm được cảm tình của cô con gái của bà. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, rồi sự ngăn cản của nhiều người, cả hai người vẫn rất cương quyết dành cả cuộc đời còn lại của mình cho nhau. Người vợ của anh cũng bỏ ngoài tai những lời dị nghị, đàm tếu của mọi người để đến với anh – một chàng trai mù chưa biết tương lai sẽ đi về đâu.

Sau đám cưới, cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn khi những đứa trẻ lần lượt chào đời. Với cây gậy trong tay, anh lần mò các ao hồ, sông ngòi để kiếm con tôm, con cua, con cá, mớ tép. Anh nói trong sự nghẹn ngào nhớ về quá khứ:

– Mười năm ròng, mò cua bắt tép kiếm miếng ăn qua ngày, có những hôm không bán được hàng, không có tiền cho các con đi thi, những người làm bố, làm mẹ đau thắt ruột thắt gan. Nhưng được các con đều chăm ngoan và hiểu chuyện, mỗi lần mẹ đi thu mua đồng nát về là vội chạy vào lục trong đống giấy lộn để tìm những cuốn sách, cuốn truyện có giá trị mà nhiều gia đình dọn nhà bán đi. Những cuốn sách quý này chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn để cả gia đình vượt qua được khó khăn, có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.

Đã từng làm mẹ nên tôi hiểu cảm giác của anh khi không lo nổi cho các con. Nhưng rồi mọi chuyện sẽ qua đi, chỉ tình yêu của những người thân dành cho nhau là còn mãi. Và, tôi biết, anh đã rất vui khi có được cuốn sách về cuộc đời Lui Braille và hệ thống chữ nổi do ông phát minh dành cho người mù. Anh đã nâng niu, quý trọng cuốn sách như con ruột của mình. Bởi, đây sẽ là nguồn sáng vô giá không chỉ cho anh mà còn cho biết bao người khiếm thị trên toàn thế giới với khát vọng được học, được đọc, được viết, được hiểu hơn về thế giới bên ngoài qua những trang sách bí ẩn không phải bằng con chữ mà bằng những biểu tượng của các dấu chấm tròn gờn gợn khi sờ tay vào được lưu lại trên giấy.

Nhưng sự đời trớ trêu, có được cuốn sách dạy chữ nổi nhưng cuộc sống cơm áo, gạo tiền cứ cuốn lấy anh, khiến anh không còn lòng dạ nào mà học. Ở vùng biển Nghi Lộc này, muốn thoát khỏi cảnh cơ cực đói khát thì chỉ còn một cách là đi tha phương cầu thực. Những gì sẽ, đã và đang xảy đến với anh như một trò chơi ú tim, khiến cho cuộc đời anh phải lang bạt nay đây mai đó như con thoi.

Nẻo khuất nơi thị thành         

Mười năm bươn chải, lo toan, bốn lần sinh nở, ăn uống không đủ chất, thêm vào một số bệnh khớp, thần kinh cứ bám riết lấy vợ anh. Bao nhiêu tiền đều hùn lại để mua thuốc chữa bệnh cho vợ. Nghĩ nghề đan cũng không thể nào lo cho gia đình được, bất đắc dĩ anh đánh liều bàn với vợ cho đứa con gái lớn 9 tuổi nghỉ học để cùng đi vào vùng trong khất thực bằng cách đọc thơ và tiểu thuyết.

– Đọc thơ, đọc tiểu thuyết để kiếm tiền, em mới nghe lần đầu?

– Bán vé số và hát rong thì nhiều người hành nghề rồi, lúc ấy anh cũng không hiểu sao lại nghĩ đến cách kiếm tiền bằng đọc những bài thơ hay, những đoạn tiểu thuyết ý nghĩa. Anh chỉ nghĩ đơn giản là văn chương đưa con người đến với cái chân, thiện, mỹ, hướng tới giá trị đích thực của cuộc sống. Cảm thụ và lòng trắc ẩn của người đời sẽ giúp gia đình anh vượt lên sự khốn khó thực tại. Bởi vì, những ngày ở trại cải tạo do tuổi trẻ bồng bột anh đã từng đọc truyện cho đám đầu gấu và bạn tù nghe. Họ rất thích thú và thán phục. Rồi những lần đi mò cua, bắt ốc, những đêm không ngủ, anh đã từng nhẩm lại những tác phẩm anh đã được đọc khi mắt vẫn còn có thể đọc được. Vì vậy, anh tự tin về khả năng đọc truyện, ngâm thơ của mình để kiếm sống.

Với chiếc nón lá rách, một tay cầm mi-cờ-rô, một tay đặt trên vai con đi khắp dải đất miền Trung để mong sự cảm thông, sẻ chia, cưu mang, động lòng trắc ẩn của mọi người bằng cách “xuất bản miệng” những bài thơ hay, những đoạn tiểu thuyết hấp dẫn làm lay động lòng người.

Anh trầm ngâm, hồi tưởng lại những khổ cực, vất vả, tủi nhục của hai cha con trên bước đường mưu sinh kiếm tiền gửi về quê cho vợ chữa bệnh, nhất là khi hai cha con bị ném mắm tôm vào người và cả khi mấy thanh niên trong quán nhậu nhẫn tâm ép con anh uống rượu để mua vui trong khi cháu mới gần 10 tuổi.

Dù là thế, nhưng hai cha con ít khi bị đứt bữa bởi giọng đọc và những tác phẩm anh đọc đều có sức hút kỳ lạ. Rồi, trong lần trú mưa dưới mái hiên ở Quảng Bình, người phụ nữ vẫn thường nghe anh đọc văn thơ đã tặng anh cuốn sách “Tên em là Xiêm Huệ” của cố nhà văn Bá Dũng.

Sau khi được nghe câu chuyện về nhân vật cô gái trong truyện có số phận không may mắn nhưng với ý chí và nghị lực cùng sự sự giúp đỡ của mọi người, cô đã vượt qua tất cả để thành công. Từ câu chuyện này và từ những lời khuyên chân thành nhất của những người bạn mà anh đủ nhân duyên được gặp khi đi hành khất và đặc biệt là sự quan tâm, lo lắng của một người bạn khi còn ở trong tại cải tạo đã thúc đẩy anh có một cái nhìn khác về cuộc đời, về tương lai của mình và của các con, không thể để các con thất học. Anh không thể để “con sãi ở chùa thì quét lá đa” mãi được, anh không thể là người hành khất mãi được, anh có khối óc, anh có quyết tâm và đặc biệt là anh có con tim cháy bỏng những khát khao, đam mê với văn chương. Chính từ những ý nghĩ thiện lành và quả quyết này đã làm thay đổi cuộc đời anh. Sau những trăn trở, những lo toan của cơm áo gạo tiền, anh đã quyết định bỏ nghề hành khất, quay về với văn chương trong sự cổ vũ nhiệt tình của gia đình, bạn bè.

Vượt qua bóng đêm

Sau những tháng ngày vật lộn để kiếm sống nơi đất khách quê người, anh đã nhận ra, không ai có thể thay đổi được cuộc đời của mình, mà chỉ có mình mới thay đổi được cuộc đời mình khi tìm ra con đường đi đúng với sứ mệnh mà vũ trụ đã gửi trao. Chính với niềm tin tuyệt đối đó mà anh càng quyết tâm hơn để biến những ước mơ thành hiện thực, để ước mơ của mình được cất cánh.

Bỏ “nghề xuất bản miệng” anh trở về quê nhà. Từ chỗ yêu thích cuốn sách và ước mơ được đi học chữ nổi Braille thì bây giờ anh đã may mắn nhận được sự ủng hộ, động viên của những người tâm huyết với Hội Người mù tỉnh Nghệ An, anh được tham gia vào lớp học chữ nổi. Sau khi hoàn thành khoá học, nhận thấy nếu cứ ở mãi miền biển này thì cuộc sống sẽ mãi khó khăn, tương lai của các con không sáng sủa gì. Anh đã bàn với vợ, với các con bán ngôi nhà ở gần biển di cư lên Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hoà) để tiện chăm lo cho các con ăn học và cũng là để vợ bớt vất vả. Được sự tín nhiệm của Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nghệ An giới thiệu, anh đã tham gia vào Hội người mù thị xã Thái Hoà, xóa đi mặc cảm tự ti, đoàn kết với các hội viên, phấn đấu vươn lên để tự khẳng định mình. Ngoài làm tốt vai trò của một Phó Chủ tịch Hội Người mù thị xã Thái Hoà, anh bắt đầu tập trung vào sáng tác. Đầu tiên, anh tìm đọc những tác phẩm văn học viết bằng chữ nổi để nghiên cứu xem những nhà văn, nhà thơ họ viết như thế nào để học hỏi. Càng đọc anh càng thấm thía câu nói của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình” và biết gì thì làm nấy, không ai đánh thuế những việc thiện mình làm.

Khi những ý tưởng lần lượt hiện ra, anh cặm cụi dùng bút chấm từng chấm nhỏ bằng chữ nổi, những khi dòng văn tuôn trào không viết kịp, anh đã nhờ vợ, nhờ con viết lại để khỏi mất cảm xúc. Anh viết về những mảnh đời bất hạnh, những số phận không may mắn đã biết vươn lên trong cuộc sống. Những gì anh cố gắng đã được đền đáp xứng đáng. Truyện ngắn đầu tay viết về cuộc đời của anh đã được in, rồi những bài thơ anh ký thác niềm vui nỗi buồn, về niềm tin, về cuộc sống, về tình yêu… lần lượt được ra đời. Một chân trời mới đã mở ra, anh tập trung viết nhiều hơn, chìm đắm trong thế giới văn chương bằng những câu chuyện có thật từ cuộc đời mình và của những người bạn xung quanh mình. Anh chia sẻ:

– Những tác phẩm dù là thơ, là văn thì đều khởi sinh từ trong tim mình mà viết ra, viết ra được thấy mình nhẹ nhõm, thấy mình còn có ích cho cuộc đời này.

Khoảng thời gian anh tập tành làm thơ, viết văn, không phải tác phẩm nào của anh gửi đi cũng được đăng tải nhưng anh không nản chí. Dù biết rằng, văn chương là do trời phú nhưng anh không ngừng tự học, tự nghiền ngẫm, tự tìm cho mình cách viết riêng. Sau bao lần viết, xoá, chỉnh sửa, những tác phẩm của anh cũng được xuất bản, được bạn đọc đón nhận.

Tôi hiểu, những câu chữ được chắt lọc xếp lại với nhau ấy chất chứa bao nỗi niềm, bao trăn trở, bao dằn vặt, bao xót xa, bao tiếc nuối; vui có, buồn có, hờn có, giận có; nó không chỉ từ mồ hôi mà còn là nước mắt của cả gia đình khi biết rằng anh đã buông bỏ được gánh nặng cuộc đời, bỏ được tâm lý đã bị tàn phế thì không thể làm được gì cho cuộc đời để đến với niềm đam văn chương như ngày nào của cậu bé Thành 6-7 tuổi. Niềm vui trong con chữ đã biến anh từ một “gã hành khất” trở thành một “nhà văn” có tên tuổi trong làng văn từ khi nào không hay.

Được biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước không ngừng chăm lo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật nặng như anh. Nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh – nhà văn khiếm thị Nguyễn Trung Thành, đã xuất bản nhiều tác phẩm: Tiếng lòng (Thơ, Nhà xuất bản Nghệ An); Hương Đại (Tiểu luận, Nhà xuất bản Nghệ An); Thủ lĩnh cóc tía (Tập truyện thiếu nhi, Nhà xuất bản Nghệ An); Phục thiện (Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Nghệ An); Khúc ru lòng (Thơ, Nhà xuất bản Nghệ An); Nẻo khuất (Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội Nhà văn); Những ánh sao đêm (Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội Nhà văn),…

Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ trong sáng tạo nghệ thuật mà nhà văn khiếm thị Nguyễn Trung Thành đã giành được rất nhiều giải thưởng từ trong nước đến quốc tế như: Giải C cuộc thi “Sức khoẻ và môi trường” do Sở Khoa học Công nghệ và tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức năm 1995; Giải B cuộc thi truyện ngắn Báo Nghệ An năm 1996; Giải Khuyến khích bình thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1997-1998; Giải B do Tạp chí Đời mới và Hội Người mù Việt Nam tổ chức năm 2000; Giải Ba luận văn do Tổ chức Ôn-ki-đô châu Á Thái Bình Dương tổ chức; Tặng thưởng giải Hồ Xuân Hương lần thứ 3 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An; Tặng thưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam năm 2005; Giải thưởng Báo Tuổi trẻ năm 2006; Giải đặc biệt cuộc thi “Nguồn sáng đời tôi” do Trung ương Hội Người mù và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 2009 – 2010; Giải C của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tiểu thuyết “Nẻo khuất”; Giải C Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần 4 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An; Giải Đặc biệt cuộc thi “Vượt lên số phận” do Tạp chí Thanh niên tổ chức; Giải Nhất cuộc thi “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp Trung ương Hội người mù Việt Nam tổ chức năm 2020; Giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ 6 cho tác phẩm “Những ánh sao đêm”.

Thiết nghĩ, với những người khuyết tật nặng như anh, nuôi sống được bản thân mình đã là khó, để nuôi được cả gia đình 6 miệng ăn rồi thành công và nổi tiếng được thì khó khăn hơn gấp nhiều lần, anh chia sẻ:

– Niềm hy vọng là điều ai cũng cần phải nuôi dưỡng và sau khi đã ngộ ra được điều đó thì trách nhiệm của mình là sống cho tử tế mới thành công được. Có người đi khắp nơi, thậm chí vào chùa nhưng không tìm thấy Phật. Nhưng có ai ngờ đâu rằng, Phật ở trong tâm ta. Anh chỉ mong những gì mình đã làm được sẽ truyền cảm hứng đến những người đồng cảnh ngộ và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng một thông điệp: sức mạnh không đến từ thể chất mà nó đến từ ý chí, từ nghị lực.

– Bây giờ, nếu như có được một điều ước, và điều ước ấy chỉ được thực hiện trong vòng 12h đồng hồ thì anh sẽ làm gì?

– Nếu được, điều đầu tiên tôi muốn thấy đó là được nhìn ngắm người vợ tảo tần lam lũ, chắt chiu, hy sinh vì chồng, vì con, đã đi cùng anh suốt cả cuộc đời mà không bao giờ than thở hay oán trách gì. Rồi nhìn các con đã vì mình mà chịu khổ, chịu vất vả, đặc biệt là con bé đầu, đã cùng anh đi hành khất một thời gian dài. Anh sẽ nấu một bữa ăn và gắp thức ăn cho từng người một trong gia đình. Bởi vì, hơn bốn mươi năm qua nếu không có gia đình thân yêu tuyệt vời này thì không thể nào có được một Nguyễn Trung Thành đầy tự tin bước ra ánh sáng, hoà đồng với thế giới. Bây giờ là thời đại công nghệ 4.0, nếu còn thời gian anh sẽ gọi điện qua Facetime để được chiêm ngưỡng chân dung của những nhà văn, nhà thơ, những người bạn luôn bên anh những lúc anh khó khăn nhất. Và những hình ảnh đó, anh không chỉ lưu giữ bằng mắt mà sẽ lưu giữ bằng con tim để ghi nhớ, để tri ân.

Tôi biết, người phụ nữ luôn bên cạnh anh giờ không còn trẻ nữa, sức khoẻ cũng giảm đi theo năm tháng, chị không còn phải tất bật lo toan cho cả gia đình như trước nữa. Bây giờ, chị ở nhà phụ chồng chăm sóc cây cối, con cháu, làm thư ký riêng cho chồng, đọc sách hoặc những tác phẩm của bạn bầu văn nghệ sĩ gửi tặng. Trong thời đại 4.0, sau những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây anh đã tự vào được máy tính, tự tham gia những cuộc thi văn chương rất ý nghĩa, tự gọi điện thoại cho bạn bầu mà không cần sự trợ giúp của vợ con thông qua các phần mềm dành cho người khiếm thị và có thị lực kém như: Be My Eyes ứng dụng đọc màn hình cho người khiếm thị trên điện thoại; Non Visual Desktop Access (viết tắt là NVDA) phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị trên máy tính; Lookout sử dụng camera và cảm biến trên điện thoại để cung cấp thông tin cho người sử dụng, mang đến 3 chế độ giúp người khiếm thị khám phá thế giới xung quanh, đọc mã barcode và tiền tệ để hỗ trợ mua sắm một cách độc lập; ứng dụng bàn phím Talkback trong đánh máy văn bản; ứng dụng Live Transcribe chuyển giọng nói thành văn bản…

Trời thu tháng 8 trong xanh, nhưng thi thoảng vẫn có nắng đấy rồi lại mưa đấy. Nó cũng như cuộc đời của mỗi con người, dù hạnh phúc hay đau khổ cũng chỉ là sự trải nghiệm. Chỉ khi con người ta đủ an, biết quay vào bên trong bản thể của mình thì khi ấy cuộc sống mới thật sự là đáng sống. Và có lẽ, một nhà văn khiếm thị như Nguyễn Trung Thành không có gì là chưa trải qua nhưng giờ đây những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời anh quán chiếu như một quán trọ, bởi thân xác chỉ là tạm bợ. Tôi nhìn thấy ở anh một niềm tin vào cuộc sống, vào những gì đã đến và đi trong cuộc đời mình. Trong cuộc sống của chúng ta, nếu không có niềm tin thì có lẽ mọi sự sẽ không bao giờ thành. Bao nhiêu lần thất bại thì lại là bấy nhiêu lần cho anh những bài học giá trị. Để rồi, từ đó anh quyết tâm hơn, cố gắng hơn mỗi ngày một chút. Anh bảo: “anh sẽ như chú rùa nhỏ, chậm mà chắc chứ không bao giờ như con thỏ to nhanh mà đoảng”.

Nắng, mưa xuất hiện cùng nhau thì bao giờ cầu vồng cũng sẽ xuất hiện. Cái tâm và cái tầm có trong một con người thì “việc gì khó cũng thành công”. Sống tử tế và viết văn, chiêm nghiệm phong thuỷ, kinh dịch, thần số học đối với anh là niềm vui như có cả thế giới.

Tấm gương về sự nỗ lực tự học, học suốt đời và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà văn khiếm thị Nguyễn Trung Thành như một đoá hoa thơm ngát lặng lẽ toả hương trong cuộc đời. Giờ đây, anh đã đi xa, từ biệt người thân, bạn bè, đồng nghiệp về miền mây trắng. Hẳn là ở thế giới thiêng liêng ấy anh lại tiếp tục hành trình về một lẽ sống đẹp đẽ của một tâm hồn văn chương giàu mỹ cảm!

Lý Thu Thảo