Hỏi địa chỉ tính hôm nào tiện sẽ đến thăm chị nhưng liền sau đó tôi đi luôn.

Đến là phải hẹn chứ? Biết vậy nhưng tôi cứ không hẹn mà đi, cứ mặc cho những thật thà, tự nhiên của mình.

Đi qua sông, rạch, qua cầu, nắng gió vùng sông nước thật phóng khoáng. Từ đường lớn rẽ vào hẻm. Lạ, đi chậm, nhìn số nhà. Hẻm Sài Gòn là thế. Nhà nhà san sát. Ngã ba. Rẽ ngã nào đây? Người đàn ông bên đường hỏi, nghe tôi nói địa chỉ rồi chỉ lối. Tôi cảm ơn và thấy cảm mến hơn con hẻm vì con người nhanh nhảu nhiệt tình quá!

Hẻm hẹp, sâu, cảm giác đời sống chật chội, ngột ngạt nhưng chỉ là giác thôi. Có nhà để an cư là hạnh phúc, đây lại là vùng phố sầm uất lâu đời. Và ở bất cứ đâu người ta thèm khát yên ấm, hết sức thu vén cho yên ấm thì ở đó êm đẹp thôi.

Qua đất Thủ Thiêm, qua bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, qua những cao ốc, đường sá thênh thang đến nhà cửa, lối đi chật chội, san sát đời dân thường phố thị, đúng quãng tôi vừa đi qua là những gì rất Sài Gòn!

Có khúc đường lạ một lần đi thành quen. Tìm ra nhà chị cũng dễ. Tôi nép xe chừa lối, bấm chuông xong tranh thủ cởi áo chống nắng, mũ, kính… lỉnh kỉnh. Chờ một chút, hỏi thêm người hàng xóm cho chắc. Rồi lại chợn thấy ngại vì mình không hẹn mà đến.

Đón tôi, chị cho biết đang dở viết bài báo cáo. Đấy, nếu hỏi trước thì tôi sẽ không đi ngày hôm nay. Nhưng thôi, chị có nhà là may mắn rồi. Thắp hương cho anh ấy, thăm hỏi chị chút rồi về.

Chị thoát chết, còn chồng chị thì không. Cả hai anh chị đều bị Covid-19 vào thời điểm dịch bệnh nóng bỏng ác liệt của thành phố. Biết bao người ra đi. Thành phố lặng đi nhiều tháng ròng rã. Chị thoát chết trở về, mất chồng, sốc nặng… Vậy mà những chịu đựng cũng gần nửa năm qua rồi.

Minh họa: Trần Minh Châu

Nhà hai tầng lầu nhỏ xinh, có nhiều sách và vật dụng, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, ấm cúng. Lên tầng trên thắp hương xong tôi được dẫn xuống một phòng nhỏ. Giường, tủ, bàn ghế nhỏ gọn, tôi đoán chị ngồi phòng của con. Chị nói tôi gắng chờ chị chút và đưa sách cho xem. Chị quay vào máy làm tiếp, nói gắng chút nữa để kịp gửi.

Chị là nhà giáo ưu tú, là cựu giáo viên một trường chuyên nổi tiếng và là một nhà thơ có giọng, nét của riêng mình. Đến đúng lúc chị bận, tôi chỉ muốn ra về để khỏi phiền nhưng chị lại muốn giữ khách. Vẻ thân tình, chân thành, không xa cách, khách sáo của chị khiến tôi nán lại chờ đợi.

Quay vào máy tính, lại quay trái sang tôi, chỉnh sửa văn bản chút, nói chuyện chút, quay đi quay lại, tôi lại thấy mình làm phiền, muốn chào về để chị yên tâm tập trung làm việc nhưng bỗng chị nói tôi xuống ngồi chơi nói chuyện với bác sĩ trưởng khoa sản, là bác thông gia tương lai của chị.

Cùng chị xuống tầng, có dịp nhìn rõ hơn góc nấu, góc bàn ăn nhỏ gọn, sạch sẽ. Còn chị cứ nhẹ nhàng ấm áp vấn vít, rồi đến bác thông gia tương lai, dáng vẻ đến gương mặt cũng nhẹ nhàng, tròn mềm, cảm thấy thân gần ngay, bác ấy lại nói tiếng Nghệ nữa.

Chị trở lên lầu, “gửi” tôi cho bác thông gia tương lai với câu nói: “Chẳng hiểu sao chị có duyên với người Nghệ lắm…”, rồi bác thông gia tương lai tiếp tục cái “duyên với người Nghệ”, tôi bị cuốn vào bao điều to nhỏ thân mật xa gần. Bác thông gia tương lai hé chuyện người yêu cũ của chị là người Nghệ, là người đó, ồ ra thế, tôi có biết người đó, ồ à nghe, rồi hai bác cháu đưa chuyện, nhắc tới một người Nghệ khác nữa.

Nói chuyện con cháu, chuyện Nghệ An, Sài Gòn, nói sơ sơ bao chuyện, càng nói càng thân gần, và cái giọng vẻ thôi cũng đã như kéo cả quê xa theo đến.

Chị phải bổ sung nội dung báo cáo, bận nhưng vẫn dừng tay tranh thủ tìm quà cho tôi, rồi muốn tôi ở lại ăn cơm trưa nữa.

Chị xong việc, bác thông gia loáng cái nấu xong bữa. Trong ngôi nhà vừa thiếu vắng đi một người đàn ông, có hai người đàn bà giỏi giang, phúc hậu đang tiếp tục lo cho hạnh phúc của hai con trẻ. Tôi cảm nhận thêm những bồi lở của dòng đời ở mỗi thân phận. Một chị li hôn chồng, đơn độc nuôi hai con nên người, một chị mới trải cơn sốc bệnh tình và quá bụa. Tôi cảm nhận sự cố gắng, sự đảm đang và tài giỏi của hai chị, cảm nhận họ đang tựa vào nhau, thấu hiểu, êm ấm nên vững vàng. Lần đầu đến chơi nhưng tôi bị sự tự nhiên, ấm áp từ hai người đàn bà lôi cuốn, không chối từ được cái gì, thấy mình vừa mới là khách đã thành người thân thích, thành… em gái.

Và cuối cùng là ba người đàn bà ngồi bên nhau thân mật ấm cúng ăn bữa trưa. Bác thông gia tương lai của chị đoán tôi thích món trứng chiên với lá mơ lông nên bác ấy “chiêu đãi”. Đúng là món tôi thích thật. Tôi kể tôi vây gạch ở góc đường, mua đất về đổ và trồng được một gốc, thỉnh thoảng vẫn ăn lộc lá mơ, chiên trứng lá mơ. Từ thủa quê nhà món này đã ăn thành quen vị, sau lớn biết là món tốt cho sức khỏe nên càng ham.

Cả buổi chuyện vô tư thoải mái đã kéo tôi về với những nguồn cơn ở quê nhà. Cả thứ nhỏ nhỏ như mật mía bác thông gia cũng nhắc tới, còn biết vùng quê trước đây tôi sinh sống rất nhiều mía và mật mía. Nó là thứ càng về sau này tôi càng mê, vẫn luôn cất trữ và dành dè hít ngửi nêm nếm. Mật mới hay cũ, đậm đặc hay loãng, thơm ngon đến độ nào, chừng như ngửi là tôi đã biết.

Cứ nói những chút chuyện vụn lẻ mà mê, mà khiến thời gian trôi mau. Tôi nói, thật là nhà có cô giáo và bác sĩ thì nhất, toàn là “hảo hạng”, “số một”. Cũng vì vậy nên tôi đi thăm hỏi, nhẽ ra đi một chút, hay lâu thì một giờ đồng hồ thôi, thế mà chẳng ngờ là ở ăn rồi đến ngủ, dềnh dàng la cà sang chiều.

Trưa, nằm bên chị, gối kê chăn đắp thơm tho, phòng máy lạnh, tay chị tay em cầm máy xem tin, nhắn tin, chốc lại nói tí chút chuyện. Sự chân tình, ấm áp thấm vào gối chăn, tơ tóc.

Chị thương chồng con mà mất ngủ triền miên, bác thông gia tương lai phải ở cạnh bên chia sẻ. Tôi cũng hiểu, nỗi đau buồn mất mát không thể nhiều lời mà nói hết.

Rồi chị dậy vì có người gọi điện. Chị giải thích chút việc cho tôi hiểu, nói tôi cứ nằm thêm.

Chỉ còn một mình tôi mở kinh Phật nghe. Cố nhưng không ngủ được, dậy xuống dưới nhà chẳng thấy chị đâu, bác thông gia tương lai hãy còn ngủ nghỉ, tôi vừa cầm lên quyển sách đọc được mấy chữ thì thấy chị từ ngoài phố về.

Túi nặng là cá thác lác nạo chị mua cho bác thông gia tương lai mai mang về Vinh làm quà, và túi quả thanh trà, chị bảo thứ quả con trai chị yêu thích. Rồi cả bác thông gia tương lai nữa cùng ngồi ăn bánh cam, ăn chuối nhà chị trồng được (trồng trên đất hoang, sát mảnh đất chị mua bên quận 2, chỗ mà lát nữa tôi đi theo chị đến đó).

Xong xuôi êm gọn, tôi chào tạm biệt bác thông gia tương lai đi cùng chị cho biết nơi mà chị ngày ngày đi đi lại lại thăm nom, nguôi khuây nỗi buồn.

Đi không xa, từ quận 4 qua quận 1 theo đại lộ sang quận 2 cũng gần lắm (quận 2 là gọi nôm na thân quen theo tên cũ, tên mới là thành phố Thủ Đức). Loanh quanh bờ bắc bờ nam vùng sông nước Sài Gòn quen thuộc, qua “ Đảo Kim Cương” rồi hai chị em dừng xe ở khu đất vắng.

Tôi được biết vì giấy tờ chưa hợp lí nên ở đây chưa ai xây nhà được. Chỉ một mảnh đất xây hàng rào gạch bao quanh với mái nhà tạm của vợ chồng chị, mấy năm qua chồng chị đi lại chăm chút cây cối, là chỗ mà trải cơn hoạn nạn dịch bệnh chị về trú tránh, chăm cây cối, khuây khỏa nỗi buồn. Và khi về lại nhà cũ quận 4, ngày ngày chị lại sang chăm bầy chó, chăm cây, thêm chút an yên.

Chị thong thả làm, nói, khi với tôi, khi với mấy thanh niên, trong đó có hai cậu người Nghệ, cũng bởi “có duyên với người Nghệ” nên chị cho mượn nhà ở, trông coi giúp chị luôn.

Có con chó đẻ, chị dặn tôi cẩn thận rồi chị luôn canh chừng nó. Một con chó què hai chân sau, lết đi rất tội vậy mà nó vẫn sống khỏe được sau khi bị đau thế. Ba con, thì hai con là chó hoang được nhà chị mang về nuôi chăm, nay có thêm một bầy chó con nữa.

Rồi mấy thanh niên kéo nhau đi, chỉ còn hai chị em. Chị vẫn từ từ làm, từ từ nói, kể, rồi lấy thức quà lúc nãy chị ghé mua trên đường đưa tôi ăn.

Hái rau, chọc quả cho tôi mang về, làm việc, đi lại ngồi và xen xen từng chút chuyện như mảnh đất có chút rau cải, khoai lang, cà chua, lộc húng, na, đu đủ, ớt, đinh lăng, cây cảnh…

Chị vẫn nhẹ giọng tâm tình, nhắc chút chuyện cũ, hờ, nhắc lại thôi… Ngẫm, yêu thương dễ đầy cũng dễ bị xói lở. Người đời nhìn chung ai cũng thể hiện mình, nói mình vì yêu thương, khao khát yêu thương nhưng từ đâu những hẹp hòi nông nổi lại hại người, hại luôn mình, rồi sinh những quẩn quanh buồn?

Sau chấn động vì Covid-19 chị nói chị trầm lặng thêm. Chị phải vượt qua cái cơn “chẳng thiết tha gì”. Giờ thấy vật chất, đất chỗ này nhà chỗ nọ không như ngày có vợ có chồng nữa. Những cây cỏ được chồng trồng, chăm nay như có hồn người, vấn vít hình bóng, nâng đỡ chị.

Tôi nhớ đến tập thơ chị tặng năm trước. Tâm hồn, tinh thần hiển hiện bằng thơ, người đọc hiểu, tâm giao, tri kỉ không cũng từ đó? Khơi ra đó nhưng cũng nén lại đó. Nén là nghệ thuật. Nén điệu vẻ tinh thần và người đọc cần nắm bắt được. Từ cõi sâu của tinh thần dẫn đến cái sâu chữ nghĩa… Thơ chị cũng thế!

Gặp gỡ, thương mến, được hiểu thêm bao điều cũng thật tự nhiên. Được thêm yêu thương, được yêu thương thêm qua những gì rất bình dị đời thường, vậy còn gì hơn?

Hồ Thị Ngọc Hoài

(Bài đăng tạp chí Sông Lam số 22, tháng 4/2022)