PGS Ninh Viết Giao đã về mây trắng 10 năm (ông sinh năm 1931 – mất năm 2014). Hôm nay có người mời tôi cà phê nói chuyện về văn nghệ dân gian Nghệ An. Tôi bỗng bồi hồi nhớ đến ông Ninh Viết Giao, người có cái tên lưu truyền “ngài xứ Thanh nên danh xứ Nghệ”. Ông là “mỏ” văn hóa xứ Nghệ, chưa có ai tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu vượt qua được ông.

Tôi có nhiều kỷ niệm về ông không bao giờ quên. Nhớ nhất thời còn trẻ, tôi chưa có gia đình, ai gặp cũng nhắc nhở “lấy chồng đi”. Ông Giao cũng rứa, là một trong những người quan tâm tới chuyện chồng con của các o đã nhiều tuổi vẫn độc thân. Có lần ông nói đùa như thật, thật như đùa khi giục tôi đi lấy chồng bằng… ca dao: “Kén chồng chẳng gặp chồng sang/ Quanh đi quẩn lại gặp anh chàng móc lươn”. Ông nói trong tâm trạng sốt ruột, coi như con như cháu mới nói vậy: “Bây kén cá chọn canh chi nữa, tìm mô ra người hoàn hảo, cứ lấy đại đi rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp đôi bên. Kén chọn mãi không chừng gặp anh… móc lươn”. Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ, và sau đó không lâu, tôi đã quyết tâm… có đám cưới cho mình. Ông Giao dự đám cưới vui lắm, nhiệt tình, đến rất sớm, còn nói “có thế chứ”. Tôi nhớ hôm ấy ông mặc đồ comple cà vạt nghiêm chỉnh, chỉn chu, chúc mừng trang trọng, chân thành, ấm áp.
Giờ nghĩ lại, mới thấy ông là người sống có trách nhiệm, tình cảm, chân thành, thiết thực trong đời thường.
Tôi biết ông từ năm 1992, ngày đó ông mới nghỉ việc “đào – bồi” (đào tạo, bồi dưỡng ở Sở Giáo dục – Đào tạo Nghệ An) để nhận chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Nghệ An. Vào thời điểm đó tôi cũng vừa học xong ở Hà Nội về nhận việc ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Trước đó tôi đã đọc sách nhiều thể loại về văn học dân gian và văn hóa xứ Nghệ của ông. Thích nhất là các câu đố. Câu nào cũng hóm hỉnh, vui vẻ và sâu sắc liên quan đến đời sống nông thôn, sinh hoạt hằng ngày của người nông dân từ xưa đến nay, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc. Ví như:
“Có răng mà chẳng có môi/Ăn cỏ ăn rác cơm thời không ăn” (Cái cào cỏ).Đỏ choen choét/Toét loe loe/Xanh lè lè/Quắp quặp quặp” (Cái hoa chuối).“Lẹo xẹo ba góc/Xọc xọc đâm vô/Nước chảy ồ ồ/Đôi chân chạy miết”(Cái nhùi cá).“Mình vàng mà thắt đai vàng/Mình em dọn dẹp sửa sang trong nhà”/(Cái chổi rơm).“Trong nhà có bà hay lạy”(Chày giã gạo).“Không có rừng mà lại có gấu”(Gấu áo).“Không ăn thì đói, ăn thì bị trói” (Cái bao bì).“Không chân không tay mà hay cặp háng” (Cái nia).
Hội Văn nghệ Dân gian ở cùng trụ sở với Hội Văn học Nghệ thuật số 76 Đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ông đi suốt, lúc thì họp, lúc đi công tác sưu tầm theo kế hoạch. Ở nhà trực có nhạc sĩ Thanh Lưu, tiếp đón các hội viên bàn về chuyên môn, còn văn bản tài liệu, thư từ về đều gửi tại văn phòng Hội VHNT, có chị Phan Thị Thuyến là thủ quỹ, chị Nguyễn Thị Luyên kế toán tiếp nhận và truyền đạt. Kể cả việc tài chính của Hội Văn nghệ Dân gian các chị đều làm giúp ông Giao luôn, gọi “anh Giao”, “anh Giao ơi” như tình cảm của những đứa em với người anh của gia đình. Ông đi công tác về hay có quà, rồi hỏi “mấy ngày qua có ai hỏi anh không?”. Không khí rộn ràng, tuy hai hội nhưng công việc như một nhà, ai cũng nhiệt tình giúp nhau. Ngày nào tôi cũng đảo qua đảo lại, liệng đi liệng lại phòng làm việc của ông Giao nhưng không dám vào. Một là phòng làm việc của ông hay có khách, hai là ông nổi tiếng, ai gặp ông cũng “chào thầy” kính trọng từ các hội viên cho đến lãnh đạo tỉnh nên tôi cũng thấy ngại. Ai cũng nể ông, tôi thì tuổi tác bậc con, bậc cháu. Một lần thấy tôi đi qua ngó nghiêng vào phòng, ông buông bút, nhìn qua cửa sổ gọi” Ngọc ơi, vào đây chú nói cái này! Ông nói nhẹ nhàng, tình cảm như người thầy gọi trò trìu mến, còn giống như người cha với con cái. Tôi cảm động quá, lon ton chạy vào, ông bảo, viết văn thì phải đi nhiều, đọc nhiều mới viết được, tích lũy nhiều vốn sống, để đó, sau phân loại viết dần dần. Ngọc ở nhà suốt thì viết về cái gì được? Tôi ngơ ngáo trả lời, cháu cũng chưa biết đi mô là phù hợp chú ạ. Ông bảo, rứa thì tuần sau Ngọc có đi về huyện Quỳ Châu không? Tất nhiên là tôi mừng rồi. Vào thời kỳ đó, sinh viên mới ra trường đang đói rách, phương tiện đi lại còn khó khăn, chưa bao giờ biết đến miền núi Quỳ Châu là gì. Được đi cùng người nổi tiếng, lo cho đầy đủ còn gì bằng.

Được đi một chuyến về miền núi với ông, mới hiểu được tấm lòng của ông với việc sưu tầm văn hóa dân gian, ông làm bằng cả đam mê, tâm huyết như thế nào. Ông ghi chép cẩn thận, hỏi han cặn kẽ đến nơi đến chốn, chu đáo với người đã cung cấp thông tin cho mình. Đôi khi quên cả ăn, cả nghỉ ngơi. Tôi nói: “Chú ơi, nghỉ đi, chú làm suốt, nhọc lắm”. Ông nói: “Làm việc cố gắng bao nhiêu cũng không đủ cái tình, cái nghĩa về cuộc sống, với văn hóa xứ Nghệ. Chú muốn đóng góp chút công sức cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Nghệ Tĩnh”.
Con người ông trong cuộc sống thường ngày dễ tính, xuề xòa, ai nói gì cũng vui vẻ, gặp các hội viên hay hỏi “Có tư liệu gì về văn nghệ dân gian không? Có đăng ký về đề tài thì báo ngay nhé?”. Ông vô cùng đam mê về việc này, coi như vàng, như ngọc.
Ông bị bệnh hiểm nghèo vào những năm tuổi đời đã hơn sáu mươi, nhưng ông vẫn không bỏ niềm đam mê nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ. Ông làm việc liên tục, cống chọi với bệnh tật, mỗi năm đều đều ra một cuốn sách. Ông có hơn 50 đầu sách với đầy đủ thể loại. Tôi nhiều lần vào nhà ông ở chung cư Quang Trung thăm hỏi, đưa thư từ, sách báo, hoặc có lần chỉ đến chơi chuyện trò. Căn phòng ông ở đơn sơ, ngày càng cũ đi, không có gì mới, chỉ chật chội hơn vì sách vở.
Ông về với tổ tiên, nhưng tên tuổi và những công trình có giá trị của ông mãi còn lại với thế hệ mai sau.
Đàm Quỳnh Ngọc