Mùa hè năm 1985, tôi nhớ hình như là cuối tháng 6, Huyện ủy Yên Thành nhận được công văn của Văn phòng Tỉnh ủy với nội dung là Tỉnh ủy chuẩn bị đón Đại tá – nhà văn Nguyễn Minh Châu về đi thực tế Nghệ Tĩnh trong đó có Yên Thành. Lãnh đạo huyện giao cho tôi, bấy giờ là cán bộ phụ trách tuyên truyền đón đoàn.

Được giao việc này tôi rất mừng. Tôi tiếp xúc với truyện ngắn, tiểu thuyết của ông đã lâu, có lúc như bị mê hoặc, ám ảnh với những nhân vật, những hình tượng trong tiểu thuyết “Dấu chân người lính”, đặc biệt các truyện ngắn “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, “Khách ở quê ra”… như là những hiện tượng mới mẻ in trên báo Văn nghệ… nên rất háo hức đón chờ.

Hai hôm sau thì đoàn đến. Đoàn do anh Trần Tấn Hành – Phó ban Tuyên giáo tỉnh dẫn đầu, cùng đi với nhà văn Nguyễn Minh Châu còn có nhà văn Cảnh Nguyên, bấy giờ làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh. Anh Cảnh Nguyên thân quen với tôi đã lâu, cùng sinh hoạt trong ban thơ của Hội.

Khi đón đoàn ở sân cơ quan, tôi thấy một người tầm thước, dung dị, nói năng nhỏ nhẹ, mặc quần áo thường phục, cầm trên tay một chiếc túi vải, tôi không ngờ đó là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Minh Châu. Buổi làm việc đầu tiên các anh lãnh đạo huyện gặp đoàn để thống nhất nội dung đợt đi thực tế của nhà văn. Khi được giới thiệu phát biểu, nhà văn nhắc lại một vài kỷ niệm khi anh trên đường hành quân vào chiến trường có dừng chân lại ở các trạm giao liên trên đất Yên Thành, anh có nêu yêu cầu muốn tìm hiểu về những người lính sau khi ở chiến trường về làm cán bộ chủ trì cơ sở ở xã, xóm. Thời gian lưu lại Yên Thành bốn ngày, chủ yếu là đi cơ sở, tiện đâu ăn đó, tối về huyện nghỉ. Để tiện việc, xe đưa anh Hành về Vinh trước, hai anh Nguyễn Minh Châu và Cảnh Nguyên ở lại.

Những năm sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, cán bộ chủ trì cơ sở phần lớn là cựu chiến binh nên việc chọn điểm dẫn đoàn đi cũng dễ.

Theo gợi ý của lãnh đạo huyện, ngày đầu tiên chúng tôi về xã Tăng Thành. Ở đây có cả bí thư, chủ tịch đều là cựu chiến binh, đặc biệt có ông Vũ Đình Cung vốn là Trạm trưởng trạm giao liên cuối cùng trên đường 559 ở Tây Ninh. Trạm này đón tiếp các đoàn quân đi B dài vào chiến trường Nam Bộ, từ đây tỏa về các đơn vị chủ lực, các địa phương. Cũng là nơi đón tiếp các đoàn cán bộ chiến sỹ lên đường ra Bắc. Ông Cung vào chiến trường đầu năm 1964, là Đại đội trưởng của đoàn pháo Biên Hòa, bị thương được ra Bắc nhưng xin ở lại làm ở trạm giao liên ở Tây Ninh cho đến 30/4/1975 về tiếp quản Sài Gòn rồi ra Bắc, phục viên về làm Bí thư Đảng ủy xã. Khi đoàn về, ông Cung dẫn đoàn lên thăm mấy đồi cây mới trồng dưới chân rú Gám, mấy cánh đồng mới “khoán liên khâu” một cách làm mới của hợp tác xã Tăng Thành. Buổi trưa về ăn cơm tại nhà chủ nhiệm Soạn. Tôi thấy khi ra thăm đồng, anh Nguyễn Minh Châu chỉ chú ý đến công việc, gia cảnh đời tư của ông Cung. Khi ngồi vào mâm cơm ông lại hỏi kỹ hơn chuyện vợ con của ông Cung, hỏi cả chuyện người vợ trước của ông Cung sau 10 năm ông ở chiến trường bây giờ ra sao. Ông Cung có kể lại chuyện ông Cung cho lính bắt con lợn rừng đơn vị nuôi làm thịt đãi tôi khi tôi từ căn cứ của Tuyên huấn Trung ương cục đến thăm ông ở trạm giao liên gần ngã ba Cây Cầy ở Tây Ninh. Anh Nguyễn Minh Châu nói vui: Cả ba chúng ta cùng trong rừng ra cả. Tôi nói vui: anh đón “Khách ở quê ra” (tên một truyện ngắn mới in báo Văn nghệ đang xôn xao trong dư luận của Nguyễn Minh Châu) còn chúng tôi đón khách về thăm quê.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu

Sau ngày đầu về Tăng Thành, khi về nhà khách anh em còn ngồi chuyện tới khuya. Anh nói mình muốn tìm hiểu thêm những người lính sau khi rời chiến trường về họ sống ra sao, và số phận những người vợ, những người mẹ của những liệt sỹ nữa cậu ạ.

Ngày thứ hai tôi dẫn hai ông đi lên xã Bắc Thành. Ở đây có anh Nguyễn Duy Xuân cũng là thương binh về làm Bí thư Đảng ủy như ông Cung ở Tăng Thành. Nhưng theo yêu cầu của nhà văn chúng tôi đến thăm nhà anh Văn là thương binh nặng, nhưng anh Văn còn đi mua thức ăn cho vịt hẹn buổi chiều nên chúng tôi đến thăm ông Quỳ, là bộ đội miền Nam tập kết, cũng là thương binh về làng lấy vợ ở làng Nồi. Tuy là thương binh ở nơi khác về đây nhưng qua lời Bí thư Xuân, ông Quỳ rất có uy tín với Đảng bộ và Nhân dân, ông đang tham gia làm cán bộ kiểm tra của Đảng ủy. Buổi chiều chúng tôi đến thăm nhà anh Văn. Là thương binh nặng nhưng anh Văn nuôi mấy ngàn con vịt đẻ. Anh có chị vợ rất đảm đang. Thời ấy mà mạnh dạn vay vốn nuôi vịt, cả vịt đẻ và vịt thịt được xem như phá rào. Buổi chiều chúng tôi ra thăm lều vịt của anh Văn và được hợp tác xã bố trí cơm chiều tại đây luôn. Bữa cơm hôm ấy có trứng vịt lộn, tiết canh vịt, vịt xào dứa, rượu nút lá chuối, cũng toàn là lính cả nên chuyện tới khuya. Tôi có nhắc đến chuyện lão Khúng của anh Châu ra Hà Nội săn tìm mua lốp xe cũ về làm xe bò lốp. Vui chuyện anh Xuân kể chuyện: có anh ở xóm Trại Xanh đang đi cày có người kêu vợ đẻ chạy về nhà mượn xe bò lốp rải rơm bồng vợ lên xe chở ra trạm xá, anh Châu cười mãi. Đêm ấy anh Châu, anh Nguyên ngủ lại trong cái lều giữa đồng Bắc Sơn còn tôi phải về vì vợ ốm, con còn nhỏ.

Ngày thứ ba chúng tôi đi Liên Thành, đây cũng là nơi mạnh dạn đổi mới trong khoán quản, có khoán chui thay ba khoán nhưng được huyện ủng hộ “bật đèn xanh”. Tiếp chúng tôi là Bí thư Năm, Chủ nhiệm Kỳ cũng là bộ đội xuất ngũ. Anh Châu có nhắc đến nhà thơ Phan Văn Từ nhưng anh Từ đang ở Vinh. Anh Năm Bí thư đưa chúng tôi đến thăm bác Phan Đức Khước – đại tá, thương binh tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Lại đến thăm bác Nguyễn Bá Tờn, thương binh chống Pháp về làng làm cán bộ xã, làm lên đến Chủ tịch huyện. Ông Tờn là một trong những cán bộ chủ trì huyện đã có nhiều đóng góp xây dựng Yên Thành nơi “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” suốt những năm chống Mỹ cứu nước. Khi nghe bác Tờn kể chuyện dẫn đầu đoàn cán bộ Yên Thành đạp xe ra Thái Bình học tập cách làm giống lúa mới để thay đổi mùa vụ… anh Châu nói: vết thương chiến trường còn để lại di chứng rứa mà bác đạp xe hai ngày hai đêm ra ngoài đó mấy ngày rồi về Yên Thành có đau nhức lắm không? Bác Tờn nói mình là cán bộ phải đi đầu cậu ạ!

Trên đường về huyện, anh Châu cứ xuýt xoa: những người lính không chỉ anh hùng ngoài mặt trận mà còn anh hùng sau hậu chiến, anh hùng cả trong xử sự những hậu quả chiến tranh để lại..

Đêm cuối cùng anh về nhà khách, tôi ra ngủ với các anh. Nói là ngủ nhưng có ngủ được đâu, ngồi nói chuyện nghề, chuyện đời. Anh nói các cậu sướng thật được tiếp xúc với thực tế ngồn ngộn, đi thực tế không mất tiền, ở Hà Nội làm gì có.

Anh tâm sự: bây giờ và sau này phải viết khác hơn, sâu hơn về người lính… tiếc là sức người có hạn. Mình không ngờ cái làng bãi ngang lại đẻ ra thằng nhà văn như mình.

Rồi anh nhắc Cảnh Nguyên, cậu nên trở lại Liên Thành để viết về khúc sau của tay N, nó là điển hình trong làm bèo, nuôi vịt, khoán chui, nó có ngủ với người tình có con cũng là con người. Anh nói Yên Thành gần 4000 liệt sỹ, cung cấp cho chiến trường mấy vạn lính, thế nào mình cũng trở lại đây với các cậu.

Sau chuyến đi ấy, tôi vẫn luôn mong mỏi những tác phẩm mới, mong được đón anh về, nhưng mấy năm sau anh cho ra đời “Phiên chợ Giát” và “Lời ai điếu”… rồi anh đi mãi, đi vào cõi vĩnh hằng.

Ngô Đức Tiến

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 26, tháng 8/2022)