Vào những năm 70 của thế kỷ trước, chúng tôi là những đứa trẻ – con em của cán bộ, công nhân từ nhiều cơ quan, xí nghiệp trong thành phố Vinh được phân về ở khu nhà tầng Quang Trung. Từ chỗ ở chen chúc trong những ngôi nhà tập thể, thấp lè tè, ẩm ướt, với bộn bề gạch vụn đến một khu nhà tầng vào loại sang trọng nhất lúc bấy giờ thực sự là một thay đổi lớn. Khu Quang Trung khi ấy là biểu tượng, là minh chứng cho sự hồi sinh của thành phố Vinh sau chiến tranh, cho tình hữu nghị Việt – Đức.

Mừng lắm, nhớ cái ngày đầu tiên đặt chân lên tòa nhà, lũ trẻ nhóc, không quen biết, nhìn vào đâu cũng thấy lạ lẫm, đứa nào đứa nấy ngó nghiêng như chim sáo. Quên hết mệt mỏi, những đôi chân gầy nhẳng, đen đúa đã quen với đất cát, sỏi đá lổn nhổn, giờ rón rén lên những tấm gạch mát lạnh, sáng loáng, sơ sểnh là trượt ngã, để hít thở không  khí trong lành trong những căn phòng lồng lộng gió mà lâng lâng cảm xúc như đang khám phá ngôi biệt thự trong những câu chuyện cổ tích.

Người ta thường nói, không có gì qua mắt được bọn trẻ. Quả đúng vậy, sau những bộn bề của việc dọn nhà cửa chúng tôi bắt đầu khám phá những căn hộ và những điều mới mẻ đang diễn ra nơi đây. Tòa nhà cao tầng được chia làm 4 đơn, 2 đơn chung một cầu thang, nằm tách biệt về hai phía. Bởi vậy, tuy kề nhà, nhưng muốn sang với nhau, phải xuống dưới đất hoặc lên sân thượng mới gặp được.

Những đứa trẻ ở tầng cao ấy, ngày mấy lượt lên xuống vác xe đạp đi học, tối chen chúc gánh nước lên từ vòi nước công cộng; chạy đi làm việc khi bố mẹ sai bảo, rồi chạy nhảy với những trò chơi mới mẻ, v.v… Chúng cũng tranh thủ làm đủ việc cùng bố mẹ kiếm thêm thu nhập từ bóc lạc thuê, cuộn thuốc lá, kiếm củi, bán quán,… Vất vả, nhưng, lũ trẻ chúng tôi vẫn rất tự hào về khu chung Quang Trung, nơi gắn bó, nơi lưu giữ ăm ắp kỷ niệm của chúng tôi.

*

Tôi muốn nói đến một khoảng trời riêng mà chỉ có những đứa trẻ sống ở khu tập thể Quang Trung ngày ấy mới có. Một khoảng trời riêng dành cho bọn trẻ sống ở tầng 5 là chủ yếu, còn bọn ở tầng 4, cũng là tầng cao, nhưng phải qua 3 nhịp cầu thang mới lên được sân thượng. Đúng vậy, sân thượng là khoảng trời tuổi thơ mà chúng tôi thực sự hãnh diện và có phần “cậy thế” vì điều đó. Trên ấy, là cả một bầu trời trong xanh hiện ra qua những đám mây trắng bãng lãng, di chuyển mang theo nhiều hình thù mà bọn trẻ chúng tôi thường tranh nhau phán đoán, lúc là hình người mẹ bồng con, lúc là con ngựa đang phi nước đại, lúc lại là những bông hoa e ấp nở,… mà mê mải đến cãi cọ cố tìm đáp số cho bài toán. Ở đó, chúng tôi  tha hồ phóng tầm mắt xuống tận Trường Thi, Bến Thủy và cả những dãy núi mờ ảo tít mù, có thể đón những đợt gió mát lành của những ngày hè oi ả mà không cần phải phành phạch chiếc quạt giấy trên tay đến rách te tua. Trên đó, có những cột ống khói cao hơn 2m hình chữ nhật, và những lỗ hổng, nơi có những làn khói lượn lờ chênh chao khi trưa về, và chiều đến khi mọi gia đình bắt đầu việc nấu nướng. Chạy nhảy mà thi thoảng lại được hít hà mùi vị của thức ăn thì còn gì bằng.

Hành lang tầng 3 của một dãy nhà tầng trong Khu tập thể Quang Trung (ảnh chụp phim của Trung Hà)

Ấn tượng nhất đối với bọn trẻ chúng tôi là một khoảng trống, rộng chừng 10m2, nằm nơi cao nhất của tòa nhà, chúng tôi quen gọi là bể. Để được yên vị trong bể đó, phải bíu vào cột thu lôi, cong người, đu lên phót vào. Ít đứa dám lên, nếu không có gan. Đứng trên ấy, có thể quay mặt ra bốn phía nhìn thành phố như bức tranh dang dở, nhà cửa thưa thớt, đường sá bé nhỏ, xe cộ chủ yếu là xe đạp,… cứ xiu xíu như những que tăm, đứa yếu bóng vía ngồi thụp hẳn, không dám đứng thẳng như những đứa gan lì. Những ngày trời đổ mưa, khoảng trống ấy thành cái bể chứa nước. Nước tùa xuống một lỗ hổng, mới đầu nước đem theo cả meo mốc, đensì. Sau thì trong văn vắt, ngọt lịm, lũ trẻ tranh thủ ngửa mặt, nốc lấy nốc để thứ nước trời cho ấy. Ngày ấy, những gia đình ở tầng 4, tầng 5 thường không đủ nước sinh hoạt. Vòi nước như vật trang trí, thi thoảng ri rỉ như nước đái nhện. Chuyện thập thò, làm quen với mấy nhà phía dưới xin nước, hoặc xuống vòi nước công cộng xếp hàng là chuyện thường ngày. Để có được xô nước, phải dậy sớm, xếp hàng bằng người, đứng mỏi chân thì chuyển sang xếp bằng gạch, đá, xô chậu, rổ rá, đòn gánh,… rồi cãi cọ nhau từ con nít rồi chuyển sang người lớn diễn ra như cơm bữa. Các thành viên trong gia đình tắm, giặt phải hà tiện. Tôi có cảm giác như mọi người đang giám sát lẫn nhau về việc dùng nước. Mệt nhất là những lần khách đến, tôi nóng ruột, cứ đứng trực bên xô nước để hướng dẫn, thâm tâm là sợ khách múc hết nước, tôi lại phải còng lưng đi gánh. Còn bạn tôi, khi rửa bát, chỉ dùng nước vừa đủ vào một chiếc bát ăn cơm, rồi cứ thế tráng từ bát này sang bát khác. Sau này kể lại, nói vui: “Lúc ấy, rửa bát như tráng trứng. Khổ thật!”. Những đợt mưa ấy, như mưa vàng, lũ trẻ chúng tôi cởi trần, hò hét tắm gội, vô tư kỳ cọ cho hết mụn ghẻ, chốc lở dưới bầu trời sấm chớp lóe lên ì ùng mà chả đứa nào sợ hãi mặc dầu lỗ hổng ấy nằm dọc theo cột thu lôi của tòa nhà. Nhà có bao xô, chậu đưa lên hứng, gánh gồng xuống nhà, mệt đấy nhưng vui vô kể.

Qua một ô cửa của khu tập thể cũ (ảnh chụp phim của Trung Hà)

Khoảng sân thượng ấy còn là nơi chúng tôi tổ chức chơi trò trốn tìm, nhảy dây. Nhảy dây thì chủ yếu là bọn con gái, nhưng trốn tìm thì cả lũ trai gái đều tham gia. Sau khi những ngón tay dí vào bàn tay của một đứa, ngón tay đứa nào bị nắm, coi như đứa ấy phải úp mặt vào tường đồng thời đọc một câu hát, đủ thời gian để những đứa khác tìm chỗ trốn. Chuyện trốn cũng rất đa dạng, đứa tìm những góc khuất của cột khói, đứa nằm bẹp dí dưới bờ gạch, đứa luẩn quẩn một hồi không an toàn, vội vọt xuống tầng, chạy vào nhà vệ sinh ngồi. Tiếng bước chân thình thịch dội xuống, đứa bắt được, đứa tìm không ra,… tiếng cãi cọ inh ỏi. Có đứa lì không chịu xuất đầu lộ diện, vậy là cả đám chán nản. Sau mới biết là vào nhà vệ sinh… và ngồi đấy luôn. Cãi vã, rượt đuổi rầm rập như duyệt binh, cười nói thì không ảnh hưởng gì, nhưng chạy thì có chuyện ngay. Đầu tiên là bác X, lò dò lên, chỉ vào cả đám: “Con cái nhà ai mà rầm rập rứa, không cho ai ngủ cả”. Cái kiểu cãi nhau vậy, nhưng có người lớn là cả bọn im như thóc, rồi xin lỗi, hứa hẹn. Cụ xuống tầng, đứa nào đứa nấy thì thào, nhẹ nhàng một lúc, rồi quên bẵng, lại tiếp tục rầm rập. Kiểu gì ông cũng phải lên 2 lần mới dẹp được.

Mệt mỏi, lại bị la mắng, chúng tôi chuyển sang trò chơi khác, mạo hiểm hơn. Cả bọn ngồi trên bờ lan can quanh tòa nhà. Trên đó, có những dây thép chống sét. Bề ngang lan can rộng tầm 50cm, chúng tôi ngồi thỏng hai chân xuống dọc theo tòa nhà mà nói chuyện. Có đứa gan lì, đứng thẳng người, còn chỉ chỉ trỏ trỏ. Vui nhất là mỗi khi có trận bóng đá tại sân vận động. Ngày ấy, người đi xem đông lắm, như ngày hội. Người đâu ùn về như kiến cỏ, rồng rắn từ đường Quang Trung, len lỏi qua những rặng cây, những ngôi nhà lúp xúp để đến sân vận động Vinh. Bọn chúng tôi không được đi, ngồi chờ cho đến lúc kết thúc trận đấu, bắt đầu ùa ra hành lang nhìn ngắm, bình luận một cách hào hứng về dòng người đang túa ra từ sân vận động. Có người vội vàng chen lấn, có người dè dặt, chậm rãi; có người vừa đi vừa hơ hoắng tay chân như đang tường thuật lại trận bóng đá. Đó cũng là nơi, chúng tôi được chứng kiến một trận cháy lớn từ phía Trường Thi, Bến Thủy, những cột khói đen sì bốc lên ngùn ngụt, những đứa ở tầng dưới chạy rầm rập lên ngó nghiêng. Nhưng chỉ những đứa ở tầng 5 mới có quyền nói nhiều, nói lớn để chứng tỏ mình là người nhìn thấy đầu tiên. Rồi cũng ở cái sân thượng ấy, tiếng ì ầm của những chiếc máy bay đang bắt đầu cho chuyến hành trình, bên ô cửa là anh phi công, giơ cánh tay vẫy vẫy, với nụ cười tươi rói là hình ảnh đẹp nhất mà bọn tầng 5 chúng tôi kể lại với bọn tầng dưới với ánh mắt hãnh diện trước sự thèm thuồng, nuối tiếc của bọn tầng dưới.

*

Giờ đây, khi đã đứng tuổi, ngày hai buổi đến công sở, đi qua khu nhà tầng Quang Trung, tôi lại lần tìm những dấu tích của tòa nhà đã gắn bó với tuổi thơ của mình. Còn đâu những ô cửa màu xanh, những bức tường vàng nhạt, những lở lói của gạch, của thép và cả những người hàng xóm bậc ông, cha mình. Tất cả vẫn còn sống động trong ký ức nghịch ngộ của những đứa trẻ nhà tầng, một thời gian khó nhưng đầy tình người.

 Và  với tôi, khoảng trời riêng ấy luôn mang đến những dư âm thương mến, ngọt ngào.

Phan Thanh Bình