Nhà thơ Hoa Mai vừa ra mắt tập thơ thiếu nhi “Khoảng trời của ngoại” do Nxb Hội Nhà văn phát hành tháng 6-2022.

Điều đặc biệt trước hết đó là tập thơ được chọn lọc và tập hợp một số lượng bài không quá nhiều, không quá tham, chỉ vừa đủ, không tạo cảm giác nhàm, lặp, chán. Thơ được in song ngữ Việt – Anh. Một tập thơ vừa như là một cuốn sách giáo khoa. Các bé vừa đọc thơ lại vừa có thể học tiếng Anh rất thú vị.
Điều đặc biệt nữa là tập thơ được họa sỹ tài hoa Trần Thắng vẽ bìa và thiết kế minh họa bằng sự công phu và chói chang ý tưởng. Những hình ảnh minh họa (được in 4 mầu tươi sáng trên giấy couche khổ to 23×23) sát với nội dung của từng bài thơ, làm cho mỗi trang sách như một bức tranh sinh động. Những hình ảnh đi kèm nội dung bài thơ sẽ làm cho bé thích thú, dễ hiểu, dễ thuộc và nhận diện được những hình ảnh mà ngôn ngữ thơ nói đến.

Đây có thể coi là một siêu phẩm “nhất cử lưỡng tiện” hay còn gọi là hai trong một dành cho lứa tuổi nhi đồng. Một ấn phẩm được chị đầu tư khá công phu từ giá trị văn chương cho đến trình bày in ấn và đặc biệt là sự thú vị, hấp dẫn và bổ ích đối với không chỉ trẻ em.

Hoa Mai đến với văn chương khi đã bước vào tuổi “tri thiên mệnh”. Với một người bình thường bước vào và thành công với văn chương nói chung và thi ca nói riêng ở ngưỡng tuổi ấy có thể nói là khá muộn và cũng rất hiếm. Tôi không biết những năm tháng tuổi trẻ chị có làm thơ không, nhưng khi tôi tiếp cận thơ văn của chị thì chị đã lên ngôi bà ngoại.

Hoa Mai viết tốt cả 2 thể loại; văn xuôi và thơ. Trong 4 năm, từ 2019-2022, chị đã xuất bản 6 đầu sách gồm: một tiểu thuyết, một tập tùy bút và 4 tập thơ. “Khoảng trời của ngoại” là đầu sách thứ 6 và là tập thơ thiếu nhi đầu tiên của Hoa Mai. Tôi không thể hình dung cường độ lao động sáng tạo của Hoa Mai ở mức độ nào. Không chỉ những đầu sách đã in, mà trong thời gian ấy chị còn viết rất nhiều truyện ngắn, tản văn, nhiều bài báo… lại còn đọc rất nhiều sách và viết giới thiệu sách cho anh em, bạn bè… thế mà vẫn có thời gian “tung tẩy” đi du lịch, đi làm thiện nguyện cùng bạn bè khắp các vùng miền trong cả nước.

Cái duyên văn chương đến với chị hay duyên chị đến với văn chương? Tôi nghĩ, có lẽ là cả hai, bởi từ khi bước vào văn chương, cái duyên ấy thắm lắm, say mê lắm, nồng nhiệt và đắm đuối lắm. Khi cuộc đời đã trải những thăng trầm, vốn sống đã đầy, lại là một phụ nữ thông minh tinh tế, có kiến văn rộng và tình yêu thương con người, góc nhìn cuộc sống phong phú… Tất cả những điều đó đã làm đầy chị và có cảm giác tất cả như chỉ chờ chị ngồi vào máy tính là ào ạt tuôn ra.
Yêu cuộc đời, yêu con người, yêu cuộc sống bộn bề những vất vả buồn vui này mà cái tâm cái tình trong con người văn của chị cất tiếng thao thiết. Viết cho mình, viết cho đời bằng sự cảm thông, chia sẻ… Chị viết như một sự trang trải lòng mình, viết như muốn hòa tan mình vào với cuộc sống xung quanh.

Bề ngoài ta thấy một Hoa Mai nhẹ nhàng, rất yêu thương, tinh tế và mực thước. Nhưng đọc tiểu thuyết “Người trong giấc mơ” của chị thì lại thấy tình yêu trong sâu thẳm con người chị là một “thế giới” của những ẩn ức, những nỗi buồn và khát khao cháy bỏng được yêu thương. Điều tuyệt vời là, những ẩn ức, nỗi niềm, khát khao… ấy lại được chị thấu cảm và sẻ chia với cuộc đời, với hoàn cảnh trớ trêu của những thân phận, những nhân vật, chứ không yếu đuối, tầm thường và bi lụy cá nhân mình. Đọc sách mà chạm phải nỗi buồn, nỗi khát khao của người “sống đã rồi hãy viết” thì nó rưng rưng, ám ảnh lắm. Vì nỗi buồn ấy xa xôi, dỗi hờn ý nhị lắm. Gấp sách rồi mà cứ thấy mênh mang cứ như bị cái nỗi buồn kia, cái khát khao kia nó ám vào mình, nó là của mình vậy.

***
Trở lại với tập thơ “Khoảng trời của ngoại”. Thú thật, khi nghe Mai chia sẻ: em sẽ viết và in một tập thơ thiếu nhi, mà là in song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh. Tôi khá ngỡ ngàng, nhưng tôi tin vì biết chị là người ít đùa cợt tầm phào.

Một số trang trong tập “Khoảng trời của ngoại”

Có thể nói “Khoảng trời của ngoại” được chia làm hai mảng, một là thế giới riêng của tuổi thần tiên. Ở mảng này, tác giả đã vào vai bà ngoại một cách khá nhuần nhuyễn để tâm sự, để trò chuyện tâm tình và vui chơi cùng bé bằng sự am hiểu tâm lý, tình cảm trẻ thơ và ngôn ngữ trong trẻo, ngộ nghĩnh đáng yêu…

Ơ bạn mèo nhóc

Đôi mắt tròn xoe

Sao như muốn khóc

Tớ buồn theo luôn

Ếch con tập đọc

Vang cả ti vi

Cún con thể dục

Mắt đang liếc gì.

(Bạn mèo đừng buồn)

Viết cho thiếu nhi, cho trẻ nhỏ khó lắm, viết cho thiếu nhi mà lại hay nữa thì càng khó. Phải là yêu thương trẻ lắm, hiểu trẻ lắm và biết đặt mình vào niềm vui, nỗi buồn, sở thích… của trẻ con, bằng tấm lòng nhân ái thì mới có được cái ngôn ngữ hợp với chúng và chúng thích. Tuổi già mà giọng cứ bi bô, ngộ nghĩnh hồn nhiên thì phải sắm vai con trẻ thì con trẻ mới thấy gần gũi, thân thiện.

Hình như bác chão chuộc

Đọc thông báo ngoài ao

Sắp có trận mưa rào

Me, sấu cười tít mắt.


(Cảm ơn cô Mưa)

Không chỉ vui đùa, dỗ dành hay chia sẻ… mà còn cho trẻ có được những bài học đầu tiên về thiên nhiên, đất trời, cây cỏ… về thế giới của muôn loài, về kỹ năng sống và ứng xử. Hoa Mai đã thật tinh tế với những bài thơ như thế.

Mảng thứ hai được hình thành là xuất phát từ cảm xúc thực trong bối cảnh thực. Bối cảnh ấy chính là đại dịch Covid-19. Sống trong đại dịch, hàng ngày tiếp cận và chứng kiến những cảnh tượng, những hình ảnh của các cháu thiếu nhi và của chính cháu mình phải sống trong một hoàn cảnh đặc biệt. Những hình ảnh ấy đã tạo nên những cung bậc cảm xúc đến không thể dồn nén. Lòng bác ái và tính nhân văn trong con người chị đã thôi thúc viết nên những vần thơ đầy xúc động. Thấu cảm nỗi buồn con trẻ khi phải giam mình trong không gian của căn phòng, không được đi học, không được tung tăng dung dăng đi chơi.

Trung thu đã đến

Bé vẫn ở nhà

Không rước đèn được

Bé buồn lắm nha.


Thành phố chống dịch

Nhà bé cách li

Làm sao mua gì

(Bé ếch đón trăng)

Hay là:

Vì con Covid

Chẳng được đi chơi

Bé đành quanh quẩn

Như chú mèo lười

(Cả nhà đi chơi)

Với góc nhìn trực quan và óc quan sát tinh tế. Mỗi bài thơ đều là những tâm tình sẻ chia, những cuộc trò chuyện hết sức thú vị và thân thiện, ngộ nghĩnh, hồn nhiên… đã mang đến cho cháu niềm vui, thích thú, bớt đi những lo âu sợ hãi. Nghệ thuật là ở chỗ, dù là trò chuyện với bé trong hoàn cảnh cách li nhưng không gian thơ lại khá rộng và khoáng đãng. Có sân có vườn, có bờ ao, cây khế, có chim hót véo von…

Vui chơi, trò chuyện với con trẻ mà thơ vẫn giàu hình ảnh và đong đầy cảm xúc. Ngôn ngữ dung dị, trong trẻo hồn nhiên như đùa vui mà như vỗ về, dạy bảo… Thế giới trẻ thơ bao giờ cũng thánh thiện trong veo. Hoa Mai không chỉ hiểu mà còn rất yêu, rất thân thiện gần gũi với trẻ. Chính vì vậy mà chị đã thành công ở tập thơ thiếu nhi “Khoảng trời của ngoại”.

Chúc mừng nhà thơ Hoa Mai đã thành công với ấn phẩm thơ cho thiếu nhi. Hy vọng chị sẽ còn tiếp tục viết nhiều cho thiếu nhi và không chỉ là thơ.
Trịnh Đình Nghi