Ảnh minh họa: Internet

    Ngày tôi học lớp 6, bố bắt đầu dạy guitar cho tôi. Cảm giác ban đầu đó đến giờ tôi vẫn còn nhớ, nó thực sự khó chịu so với các trò chơi của thời thiếu niên. Bố tôi là một người nghiêm khắc, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi câu nói của L.W.Beethoven “Tôi trưởng thành bởi cây roi của bố”. Cho nên phương pháp giáo dục cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên vì bố xác định việc tôi học đàn không phải để trở thành nghệ sĩ nên ông cũng chỉ yêu cầu tôi chơi 30 phút mỗi ngày.

    Hàng ngày trôi qua, tôi học đàn không mấy vui vẻ, tay đau và không cảm xúc nhưng vì sợ cái roi nên đành phải học. Cho đến ngày tiếng đàn ngấm vào người một cách tự nhiên. Lúc đó, tôi thực sự nghiêm túc học đàn và chơi đàn. Tôi bắt đầu chơi các bản etude của F. Carulli, F. Tárrega, A. Segovia… Đến năm lớp 12, tôi đã học hầu hết các kỹ thuật cơ bản của guitar và nhạc lý cơ bản. Hình dáng cây đàn và âm thanh của nó đã trở thành một phần sở thích trong con người tôi. Lúc vui buồn, rảnh rỗi hay bận bịu tôi đều dành ra một khúc thời gian để chơi đàn.

   Năm học đại học, do duyên phận thế nào đó tôi lại vào học âm nhạc, chuyên ngành guitar ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ở đó tôi có nhiều người bạn học âm nhạc, cùng sở thích là bật bông. Tôi còn có thầy giáo chơi guitar cổ điển rất hay. Chính trong môi trường đó, tôi lại có nhiều thời gian để mài giũa và xích lại gần guitar hơn. Thậm chí, tôi và bạn gái quen nhau cũng bắt nguồn từ guitar. Đã rất nhiều lần tôi so sánh guitar với các nhạc cụ khác và tôi tìm thấy rất nhiều thứ trong tiếng đàn guitar. Guitar có thể vẽ bức tranh về núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, có thể kể một câu chuyện về vương quốc Asturias đã bay màu, có thể đọc những bài thơ bằng những ngón tay. Ở guitar, tôi nghe thấy điệu hát ai oán của những người nộ lệ Bắc Phi, nhìn thấy tình yêu của những chàng sĩ tử… Guitar là một nhạc cụ tiêu biểu cho sự hoàn hảo không chỉ vì âm thanh mà còn là vì phong thái. Nó có thể được chơi ở nơi trang trọng nhất và cũng có thể được biểu diễn ngay trên bàn ăn. Guitar có thể tung cánh một mình hay cũng có thể ngồi ở vị trí đặc biệt nhất trong dàn giao hưởng. Là một tiểu thư quý tộc tài ba, là một nhà bác học trẻ tuổi, là người chiến binh yêu hòa bình… Tôi ngỡ rằng mình đã hiểu hết về guitar và hiểu cảm xúc của mình, rằng những âm thanh đó đã đồng bộ với tâm hồn mình và cảm xúc nó mang lại là bất diệt.

    Nhưng rồi, những sự thay đổi nó đến lúc nào không hay. Càng lớn tuổi tôi ngày càng ít chơi đàn guitar. Tôi nhận ra điều này và tự trách mình vì đã buông bỏ cảm xúc, món quà mà bố đã tặng tôi. Tôi ngụy biện rằng guitar có lẽ là một phần cảm xúc ko thể tách rời của mình. Nhưng về điều này, đến giờ tôi nhận ra là mình sai. Cảm xúc của con người, là một thứ rất dễ thay đổi. Thay đổi theo trình độ, theo độ tuổi và đôi khi vì những điều vô lí như tìm nhu cầu cảm xúc mới. Đến bây giờ hàng ngày cây guitar của tôi vẫn nằm đó, yên trong vỏ bọc, hiếm khi mà tôi ngồi lại để gửi cảm xúc của mình. Thay vào đó, tôi tìm thấy cảm xúc của mình nhiều hơn ở những loại nhạc cụ khác như đàn cổ tranh của Trung Quốc. Những nút luyến đơn giản và những âm thanh cổ xưa lại làm lay động mình hơn. Mặc dù, nếu so sánh, đàn cổ tranh Trung Quốc thua guitar ở nhiều mặt. Tuy nhiên tôi lại thích và muốn được trải nghiệm. Hàng ngày, tôi vẫn dành ra nửa tiếng để ngồi bên đàn cổ tranh. Vẫn kiên trì theo phương pháp bố đã dạy, và đến giờ tôi đã bắt đầu có thể vui buồn theo phím nhạc. Đôi khi cảm thấy mình như kẻ phản bội. Nhưng có lẽ guitar hiểu, tình yêu là thế và nó không là vĩnh cữu. Chitarra (guitar tiếng Ý) ơi em đừng buồn bởi nếu có ai đó hỏi về em, anh sẽ trả lời, Chitarra là mãi mãi!

Lê Duy Khánh

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 17, phát hành tháng 9/2021)