Năm 2022 mở màn với sự rộn ràng của làng Văn, đánh dấu một năm khởi sắc và nhiều bước đột phá theo hướng phát triển mới phù hợp thời đại 4.0. Giải thưởng Tác giả trẻ được tổ chức lần đầu tiên, ghi đậm dấu ấn dấn thân và khai phá của các nhà văn trẻ thuộc thế hệ 9X. Văn trẻ đang dần dà góp tiếng nói mạnh mẽ, bứt phá, lan tỏa sâu rộng đến công chúng bạn đọc nhờ sự bám sát thực tiễn cuộc sống và không ngại thọc sâu vào đề tài nóng của một lực lượng viết trẻ năng động.
Cuộc trò chuyện của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo (cộng tác viên của Sông Lam) với những cây viết cùng trang lứa hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những giây phút thú vị về hành trình của họ đến với văn chương và khát vọng của họ trong từng tác phẩm.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho 5 tác giả đoạt giải Tác giả trẻ.

Khi hiện thực nóng rẫy thôi thúc người viết trẻ

Nhà văn Tống Phước Bảo (T.P.B): Thưa các anh, chị, hôm nay, tôi xin đóng vai là người đi tìm lời đáp cho câu hỏi: “Nhà văn trẻ mang gì trong xã hội vào tác phẩm của mình?”, rất mong nhận được chia sẻ của các anh, chị với bạn đọc Sông Lam!

Nhà văn Phan Đức Lộc (một chiến sỹ công an vừa đoạt giải Cây Bút Vàng do Nhà xuất bản CAND và Chi hội Nhà văn Công an tổ chức trong 3 năm giai đoạn 2018-2021): Tôi thường dành nhiều sự quan tâm cho các vấn đề liên quan đến tình hình an ninh, trật tự, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Điều đó khiến tôi trăn trở nhiều. Có một nhà văn từng nói với tôi rằng, dù viết về bất cứ đề tài nào, kỹ thuật hiện đại, bút pháp cách tân mới mẻ ra sao thì tác phẩm cũng phải bám rễ và thăng hoa từ chính hiện thực. Đúng thật vậy, hiện thực nóng rẫy ấy đang thôi thúc tôi dấn thân sống và viết.

Nhà báo – nhà thơ Lữ Mai (hiện đang công tác tại báo Nhân Dân, có nhiều tác phẩm thơ đoạt giải thưởng từ các cuộc thi vừa được tổ chức như Nhân nghĩa đất phương Nam, Sống và hy vọng): Theo tôi, có rất nhiều đề tài để người viết có thể quan sát, thể hiện. Đó có thể là những câu chuyện ký ức, hiện tại đầy ấn tượng, ám ảnh diễn ra xung quanh bạn được cảm nhận ở góc nhìn của riêng mình. Cũng có thể là những đề tài lớn, mang tính bao quát đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống con người ở mọi mặt, thậm chí để lại dư chấn tới tận những thế hệ sau. Đó là lý do tôi chọn cách tiếp cận, khai thác đề tài về chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc; hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đại dịch Covid-19… Trước những đề tài nóng hổi, tôi luôn sẵn sàng một ý chí dấn thân bất kể rằng sau đó có thể cho ra đời tác phẩm hay không. Chẳng hạn, có cơ hội lên biên giới, đi Trường Sa tôi sẽ nhanh chóng lên đường và nhập cuộc sôi nổi. Tôi, thời sinh viên hay bây giờ, là hơn 10 năm sau, lúc nào cũng nguyên niềm hăng say đó. Đây cũng là quan điểm làm việc và sáng tạo của tôi. Chúng ta hãy lên đường, hãy nhập cuộc, hãy đặt mình vào một phần của câu chuyện, của những điểm nóng… trước khi đặt bút viết nên những tác phẩm cụ thể.

Nhà văn Vũ Đức Anh (một cây viết dòng trinh thám, gặt hái những giải thưởng như giải Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống – lần thứ 4, giai đoạn 2017-2020): Có rất nhiều những biến đổi cả ngầm lẫn trên bề mặt của Việt Nam đương đại bao gồm các yếu tố truyền thống, ngôn ngữ, khác biệt thế hệ. Tôi từng nói trong một vài buổi tọa đàm, chúng tôi quan tâm đến cấu trúc tinh thần của những người Việt Nam ở thời đại này. Viết là sắp xếp lại thế giới theo một cái lẽ riêng của văn chương. Các “đề tài nóng” cũng là một yếu tố trong đó. Nhưng đôi khi không phải quan trọng nhất. Chúng tôi có dấn thân chứ: tôi sống, tham gia nhiệt thành vào dòng tiền và hệ thống kinh tế xã hội như một mắt xích năng động của nó. Đối với tôi, ta luôn tìm thấy chính mình ở những khung cảnh bên ngoài: trong một trạng huống cụ thể của đời sống, chúng ta mới bộc lộ được hết bản năng và ham muốn tiềm ẩn. Và trong những giao kèo, làm ăn, đối ngoại, ta nhìn thấy bản chất của con người, những xung năng của họ. Nhưng văn chương thì không nên bao quát, văn chương có lẽ nên đi vào một chuyển động nhỏ để nhìn thấy cái lớn hơn, vì vậy việc của người viết hẳn là chọn một đề tài, một điểm nhìn: nhìn vào một thứ, nhìn thật lâu để nó lộ ra hết cái lý lẽ tồn tại của nó, nó sẽ kể cho ta một điều huyền bí trên mặt đất này, khi đó ta có được văn chương.

Tiến sĩ Ngữ văn Hà Thanh Vân: Tôi cho rằng những người viết trẻ bây giờ là một thế hệ viết rất thú vị. Họ sẵn sàng dấn thân vào những đề tài nóng: những vấn đề tiêu cực của xã hội hiện tại, vấn đề giới tính, tình dục, vấn đề dịch bệnh… với ngôn ngữ hiện đại và hậu hiện đại, sắc sảo và cái nhìn rất riêng của thế hệ trẻ, đồng thời tốc độ sáng tác cũng rất nhanh. Sự dấn thân này cho chúng ta có quyền hy vọng vào một thế hệ thành công tiếp theo của văn chương Việt. Bên cạnh đó vẫn có một bộ phận tác giả trẻ sáng tác theo kiểu truyền thống hơn, ngôn ngữ, phong cách sáng tác ít thay đổi so với các thế hệ trước. Tôi cho rằng đây là điều bình thường và càng cho thấy sự phong phú, đa dạng của các khuynh hướng sáng tác. Và tôi cũng cho rằng chính vì sự đa dạng, phong phú của các khuynh hướng sáng tác này đã đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu đọc của mọi tầng lớp độc giả. Còn về phía các nhà phê bình khác thì tôi không dám phát biểu thay cho họ. Nhưng nếu phải phát biểu ý kiến của cá nhân tôi, tôi sẽ nói là: tôi khâm phục và tin vào các tác giả trẻ bây giờ.

Văn chương mạng và những trái chiều

T.P.B: Văn học trẻ bây giờ phát triển và đạt được sự lan tỏa sâu rộng ngoài sự dấn thân của người viết trẻ, một phần cũng nhờ vào kỷ nguyên mạng phát triển. Chính các mạng xã hội mới là nơi các tác giả trẻ lan tỏa tác phẩm của mình đến khắp mọi vùng miền, khắp mọi ngõ ngách. Thời đại toàn cầu hóa, văn chương theo đường mạng xã hội ít nhiều dễ dàng tiếp cận công chúng ngày nay. Một tác giả dễ dàng công bố đứa con tinh thần của mình hơn so với cách truyền thống đăng báo hoặc in sách. Đối tượng bạn đọc tiếp cận cũng đa dạng và phong phú hơn. Từ đó có những phát hiện thú vị, tuy nhiên cũng không ít những tác phẩm trái chiều dư luận, gây ra nhiều làn sóng bút chiến xôn xao. Các anh, chị nghĩ gì về điều này?

Nhà thơ Lê Vi Thủy: Nhiều tác giả biết cách sử dụng sự phổ biến của những trang mạng xã hội để quảng bá, lan tỏa những tác phẩm của mình đi xa hơn, rộng rãi nhiều người biết hơn. Ngoài ra, các trang văn chương trên mạng xã hội cũng lan tỏa mạnh mẽ hơn, làm cầu nối giúp cho những tác giả vô danh trở nên nổi tiếng, có thể kể đến như trang Quán Chiêu Văn, với hàng ngàn thành viên và các cuộc thi chất lượng, được đông đảo bạn đọc yêu mến văn chương tham gia. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có tính hai mặt, khi một vấn đề khởi xướng sẽ có nhiều luồng dư luận khác nhau được đặt ra, tương tự một tác phẩm cũng có thể được nâng lên hạ xuống theo đám đông, có những tác phẩm được tung hô trong hôm nay nhưng ngày mai lại bị dân cư mạng quay lưng ngay lập tức. Chính vì vậy chỉ có những tác phẩm thật sự có giá trị, không dùng chiêu trò thì mới có thể vượt qua rào cản của dư luận đa chiều như hiện nay để sống trong lòng độc giả. Đứng trước một dư luận trái chiều thì bản thân phải có một cái đầu tỉnh để không bị ảnh hưởng và a dua ném đá một tác phẩm hay một con người trước những cơn sóng dồn của dư luận.

Tiến sĩ Ngữ văn Hà Thanh Vân: Mạng xã hội là cách thức nhanh nhất, đơn giản nhất, tiện lợi nhất để xuất bản tác phẩm văn chương và cũng là nơi nhanh nhất để độc giả tiếp cận. Ngoài ra không gian mạng có tính thực tế và phổ quát trong việc nâng cao trình độ cho người viết trẻ. Internet đã mang lại cho người viết trẻ những lợi ích văn học, văn hóa thực tế. Tác giả trẻ ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận với những giá trị văn hóa, kiến thức về các môn học (lịch sử, địa lý, toán học, vật lý…), biết về những cảnh quan du lịch, danh lam thắng cảnh, lễ hội, phong tục văn hóa của các dân tộc… nhờ những kiến thức được truyền tải rộng rãi trên Internet. Cùng với những điều đó dĩ nhiên không thể thiếu những kiến thức văn chương, những tác phẩm văn chương có thể được tìm thấy dễ dàng trên Internet. Song song đó, sự nhanh chóng và cập nhật thông tin thời sự chính trị, xã hội, văn chương… mà trước kỷ nguyên Internet, chúng ta phải mất nhiều thời gian mới thu nhận được. Ngày nay, với Internet, tác giả trẻ có thể cập nhật nhanh chóng, dễ dàng, chỉ trong giây lát sau khi sự kiện đó xảy ra, từ đó tác động trực tiếp đến nội dung sáng tác của các tác giả trẻ, giúp họ nhạy bén, thực tế hơn trong các đề tài sáng tác. Không chỉ là giao lưu, tiếp xúc, mà những người sử dụng Internet đã tạo ra một sự nối kết, giao lưu từ nhiều nền văn hóa, nhiều cấp độ văn hóa, thông qua một ngôn ngữ chung: ngôn ngữ trên mạng. Người tham gia Internet có thể đến từ nhiều vùng miền, quốc tịch khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, nhưng họ có thể có chung mối quan tâm đến những vấn đề văn chương, và gặp gỡ trên mạng để thảo luận, trao đổi, qua đó có thể học hỏi, hiểu biết thêm về tri thức văn chương của nhau. Ngoài ra còn tạo được sự công khai và bình đẳng trong việc xuất bản và tiếp nhận văn chương trên không gian mạng. Tác phẩm văn chương trên mạng là công khai, là nguồn tri thức chung mà ai cũng có thể tiếp cận, tất nhiên là sau khi đã chọn lọc, gạn đục khơi trong. Mọi độc giả đều có thể tiếp nhận tác phẩm văn chương với tâm thế bình đẳng như nhau và với những quan điểm khác nhau.

Bên cạnh đó, mạng xã hội và sự kết nối online của thời đại 4.0 cũng có không thiếu những khía cạnh tiêu cực đối với sáng tác của các tác giả trẻ như lượng thông tin khổng lồ từ mạng xã hội trong đó tốt xấu, thật giả lẫn lộn có thể làm cho nhiều tác giả trẻ chìm đắm và thiếu đi khả năng phân biệt đúng sai từ đó làm ảnh hưởng đến nội dung sáng tác cũng như tư duy sáng tạo. Do vậy, một nhận thức và tâm thế tiếp nhận tỉnh táo, khách quan là rất cần thiết cho các tác giả trẻ. Hay sự nổi tiếng trên mạng xã hội và sự hâm mộ của công chúng cũng có thể là con dao hai lưỡi, một mặt, đó là thước đo cho thành công của tác giả đối với công chúng, mặt khác, lại dễ khiến các tác giả trẻ sa vào ảo tưởng với thành công của chính mình, từ đó dễ lệch lạc hay dừng lại, tự thỏa mãn với sáng tác của bản thân, không thay đổi, không tự làm mới mình. Mạng xã hội là nơi thuận tiện để gây sự chú ý, song cũng có những chiêu trò văn chương từ phía nhiều tác giả để lợi dụng văn chương vào những mục đích khác, mang màu sắc tiêu cực, hay thậm chí là nơi diễn ra những hành vi phản văn chương: nói xấu, mạt sát lẫn nhau khi không cùng quan điểm sáng tác, tiếp nhận…

Nhà văn Phát Dương (người tham gia sinh hoạt trên nhiều hội nhóm văn chương cộng đồng mạng, cũng là cây bút trẻ của miệt đồng bằng Cửu Long gặt hái nhiều giải thưởng văn chương, gần đây nhất là giải Ba cuộc thi Làng Việt thời hội nhập của báo Nông thôn ngày nay phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 tổ chức): Về những cuộc “bút chiến”, những xôn xao trái chiều, tôi gọi vui đó là những “drama”, và giới trẻ hay đùa rằng “hít drama thì bổ phổi”. Dĩ nhiên là một người viết, tôi có quan tâm đến những vấn đề xoay quanh việc viết lách bao gồm dư luận trái chiều, về cả tôi và mọi người. Một mặt, tôi quan sát để nhìn nhận những cái chưa tốt, chưa hay để rút kinh nghiệm và thay đổi. Một mặt khác, tôi củng cố quan điểm của mình về chuyện không ai có thể chiều lòng tất cả mọi người, cái gì không đúng thì mình lờ đi. Nếu cần, mình sẽ lên tiếng. Những xôn xao không xấu. Nó còn có thể gọi là thước đo nhân cách, dõi theo và đánh giá người viết, hoặc ủng hộ và ca ngợi họ. Nhưng những xôn xao đầy ý đồ, trục lợi và mang tính công kích cá nhân thì tốt nhất nên tránh xa. Thông qua dư luận, ta cũng có thể biết được xã hội đang quan tâm những gì, để có những thông tin phù hợp phục vụ cho câu chuyện mình muốn viết.

Giữ cái tôi chính mình trong “nét đẹp thi ca”

T.P.B: Rất nhiều trang văn chương trên mạng xã hội được tác giả tìm đến tham gia, rồi đăng những tác phẩm của mình như Quán Chiêu Văn, Tản Văn Hay… Một số trang văn online này đã tạo được uy tín từ việc duyệt bài cho đến tổ chức hoạt động mục đích rõ ràng như tổ chức các cuộc thi, lựa chọn bài in sách, hoặc cũng là nơi tin cậy để một số báo, tạp chí, nhà đài tìm đến lựa chọn bài vở cho chuyên mục của mình. Tuy nhiên, cũng có những trận bút chiến căng thẳng trên cõi mạng của làng Văn gây nên sự ầm ĩ và kéo theo những dư luận không hay như câu chuyện chiếc bánh chưng được mang ra ví von xóc xỉa từ một trang mạng cá nhân dẫn đến cuộc bút chiến đầu Xuân rôm rả. Vậy làm sao để người viết đặc biệt là lớp nhà văn trẻ biết được đâu là giới hạn của ngòi bút để vẫn giữ được cái “tôi” văn chương của mình, vẫn sáng tạo điều mới mẻ, tạo một khuynh hướng độc đáo mà vẫn đảm bảo “nét đẹp thi ca”?

Nhà văn Phan Đức Lộc: Tôi chọn sống lặng lẽ, viết âm thầm. Lặng lẽ mà vẫn mãnh liệt. Âm thầm mà vẫn quyết liệt. Khai phá tận cùng chính nội tại và học hỏi những điều mới lạ. Tôi tạo những tác phẩm độc đáo, sắc nét, và riêng biệt của cá nhân mình. Đó chính là cá tính con người và văn chương của tôi mà từng ngày tôi đang cố gắng trau chuốt, hoàn thiện để trở thành phiên bản ổn nhất của chính mình.

Nhà văn Vũ Đức Anh: Tôi nhập cuộc với cuộc đời, ngẫm nghĩ và chọn lọc cái gì có thể tốt cho câu chuyện của mình. Tôi nghĩ văn chương viết bằng tiếng Việt có một bí mật đó là cái nhịp và thanh điệu. Khi tôi viết tôi thường đọc lên để kiểm tra nhạc tính của nó. Tôi để mình tự nhiên chuồi theo giai điệu bản năng của mình, nó luôn dẫn tôi đi đến đúng chỗ. Cái đó rất quan trọng để bạn có những độc giả trung thành. Tôi cũng không bao giờ từ bỏ phong cách kể chuyện của mình: câu chuyện phải li kì và có thắt mở, và có những xâu chuỗi cuối cùng.

Nhà văn Phát Dương: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất khó trả lời, bởi chỉ có sự dấn thân và thời gian mới là câu trả lời chính xác và trọn vẹn nhất. Những mới mẻ và cá tính luôn cần tìm tòi, xây dựng, và bứt phá. Đôi khi, cần đập bỏ những rào cản để xây dựng lại nữa – đây là một việc cực kì nguy hiểm, lúc này lằn ranh giữa sáng tạo và hỗn tạp mỏng như sợi khói. Phải có kiến thức, tinh thần vững vàng không ngừng cố gắng, không ngại thay đổi, không ngại sai và sửa sai, mới có thể làm được. Với tôi, tôi chọn cách an toàn hơn, tôi cài khóa an toàn cho mình bằng kiến thức và cảm giác về “cái đẹp”. Nghĩa là, tôi sẽ không dấn sâu vào những điều tôi không biết để tránh ba hoa sai lầm về chúng; và tôi cũng tránh những thứ quá mới mà bản thân tôi cảm thấy không yêu thích và không “đẹp”. Dĩ nhiên tôi cần học và cố gắng rất, rất nhiều. Có sao đâu, tôi tin thử thách càng nhiều, những cây bút trẻ sẽ càng có đà để bật lên mạnh mẽ.

Nhà thơ Lữ Mai: Trong quan điểm của tôi, năng lực và đạo đức là những yếu tố quan trọng với mọi nghề nghiệp. Nghề viết cũng vậy. Khi chúng ta sống và viết, hãy phát huy tối đa năng lực của mình và giữ trọn vẹn nhất đạo đức nghề nghiệp. Chỉ có như vậy những tác phẩm mới truyền tải được giá trị nhân văn, lan tỏa tích cực và có sức sống lâu bền. Còn về cái tôi thì tôi nghĩ đôi khi không nhất thiết chúng ta phải khua khoắng, ồn ào lên cốt để thể hiện một điều gì đó mà hãy đằm sâu, lắng nghe, nghĩ ngợi nhiều hơn. Ta hãy khai thác cái “vỉa quặng” trong thẳm sâu chính con người chúng ta bằng chiều sâu trải nghiệm và suy tưởng. Vẻ đẹp cũng từ đó mà vụt sáng, mà khác lạ, long lanh…

Tiến sĩ Ngữ văn Hà Thanh Vân: Theo tôi cần phải đáp ứng các tiêu chí sau: Thứ nhất là trình độ đọc, nhận thức ứng xử của tác giả và độc giả phải được nâng cao, kèm theo đó là một tư duy rộng mở, văn minh, biết chấp nhận những gì khác biệt so với chuẩn mực của cá nhân mình. Chúng ta chấp nhận có nhiều kiểu độc giả thuộc mọi tầng lớp và mọi tác giả có phong cách sáng tác khác nhau, không thể đánh đồng hay bắt buộc mọi người phải chấp nhận mình, song chúng ta phải có sự tôn trọng những quan điểm, nhận thức và phong cách sáng tác khác nhau, chấp nhận sự song song cùng tồn tại của chúng. Tiêu chí thứ hai lại có liên quan đến tiêu chí thứ nhất, đó là muốn có được sự cởi mở, tôn trọng mọi sự khác biệt, mọi khuynh hướng thì bản thân mỗi độc giả hay tác giả nên hướng ra bên ngoài, nhìn xem thế giới bên ngoài như thế nào, từ đó soi chiếu lại bản thân mình. Nói một cách khác hơn, một nền văn chương cởi mở chấp nhận mọi khuynh hướng cũng phải là một nền văn chương có sự giao lưu, kết nối với những nền văn chương khác bên ngoài nước để hiểu biết thêm và học hỏi những gì mới mẻ từ thế giới bên ngoài. Dĩ nhiên sự học hỏi này cũng nên được chọn lọc cho phù hợp với mỗi cá nhân độc giả, tác giả và phù hợp với môi trường, hoàn cảnh ở Việt Nam. Tiêu chí thứ ba cũng vô cùng quan trọng, đó là mỗi tác giả và độc giả hãy là người sáng tác và người đọc có trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng. Đó chính là nhân cách văn chương của người sáng tác và người đọc. Mỗi tác giả văn chương khi sáng tác nên hiểu về trách nhiệm của bản thân để thận trọng viết ra những câu chữ và mỗi độc giả nên là người đọc cởi mở, đồng cảm và khoan dung.

Nhà thơ Lê Vi Thủy: Tôi nghĩ, viết không những chỉ giải tỏa cảm xúc của riêng mình mà sau đó còn là một câu chuyện truyền cảm hứng, sau mỗi trang sách khép lại, người đọc vẫn sẽ nhớ đến câu chuyện, những cảm xúc còn đọng lại trong tâm trí họ. Đó chính là điều tôi muốn và bản thân luôn cố gắng mỗi ngày.

Tống Phước Bảo (thực hiện)