Tác giả xin dành trọn bài viết này để nói về thành phố chúng ta đang sống, thành phố Vinh xinh đẹp, nơi mà có lẽ mỗi độc giả của Tạp chí Sông Lam đều có những kỷ niệm yêu thương cho riêng mình.

Ước mơ Vinh trở thành một đô thị hiện đại văn minh có lẽ là khát vọng xuyên thế kỷ. Nó không chỉ là quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo mà là nỗ lực của mọi người dân thành phố. Nó không chỉ là dự án của các nhà đầu tư ngàn tỷ mà cả giọt mồ hôi mặn mòi của chị bán rau, cô lao công. Nó không chỉ là trở trăn thâm niên của mấy ngàn công chức Nhà nước mà là cả nỗi niềm canh cánh của từng anh thợ cắt tóc, của mỗi bác xe ôm. Chung quy lại, tất cả chúng ta đang chung nhau một hành trình đồng tâm nhất, thiết tha và bất biến nhất, hành trình đó mang tên là khát vọng. 

      Có lẽ cũng bởi thế mà người Vinh vẫn tự hào với những tên gọi đầy khí thế rằng: “Vinh  – Thành phố bình minh”, “Vinh – Thành phố Đỏ anh hùng”. Gần đây người ta đặt vấn đề rằng Vinh sẽ là “Thành phố Biển”, Vinh hướng tới “Đô thị thông minh”, Vinh phải là “Trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ” và cuối cùng tất nhiên không thể thiếu sự kỳ vọng rằng Vinh là “Thành phố trực thuộc Trung ương”? Đó là những câu hỏi vắt qua nhiều thế hệ, câu hỏi của quá khứ, câu hỏi của hiện tại nhưng câu trả lời lại là ở tương lai. Vâng, khát vọng ấy không phải của một người mà cả triệu người, không chỉ của một thời mà là xuyên suốt, nó diết da, nó cô đọng, nó thổn thức. Nó đều đặn trong Nghị quyết, nó dào dạt trong thơ ca, nó lung linh trong các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc… Khát vọng tròn trịa, khát vọng vuông vắn, rồi khát vọng lại bùng lên mỗi khi chúng ta tự nghĩ về nó hay ai đó chạm đến nó.

Vinh, thành phố bình minh. Ảnh: Trung Hà

Ấy vậy mà, cứ mỗi lần Vinh trở mình cho một dự án hay ý định quy hoạch nào đó thì cũng là lúc hàng ngàn ý kiến khác nhau rộ lên. Kẻ bàn ra người bàn vào, có người ủng hộ lại có người bỉ bôi. Khi gay gắt lúc hùng hồn, không ít lần các dự án của thành phố phải đối diện với tầng tầng lớp lớp rào cản dư luận. Điều đáng suy nghĩ là những ý kiến đó không đến từ một miền xa lạ nào, ngay đây, ngay trên thành phố này bởi cũng chính những con người yêu da yêu diết thành phố này. Xin một lần được đặt câu hỏi vì sao, và cũng xin một lần tìm cách lý giải nó dưới một phạm vi không quá rộng của khoa học xã hội để cùng lần tìm cách thức xử lý vấn đề. Tác giả mạo muội trao đổi đôi điều về những tác động của tính cách của người Nghệ với tiến trình phát triển thành phố.

Những độc giả của tạp chí chúng mình chắc không ai lạ gì chuyện mấy ngày gần đây đang diễn ra một cuộc tranh luận khá gay gắt trên không gian mạng về câu chuyện thay thế cây xanh ở thành phố Vinh. Cư dân mạng xứ Nghệ “chia phe” để bày tỏ quan điểm.  Hình như đây không phải là lần xung đột đầu tiên và chắc chắn đây cũng không thể là cú so găng cuối cùng. Thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các vụ “ẩu đả” nhau ngay trên… bàn phím mà nguyên nhân cũng chỉ vì sự khác biệt trong tư duy, trong quan điểm lựa chọn cách thức phát triển thành phố. Người thiên về trọng tĩnh xu hướng hoài cổ thì muốn níu giữ những tòa nhà, những rặng cây nguyên vẹn như thể mất nó là tuổi thơ của họ hết không gian tồn tại. Người tính cách thiên về trọng động thì ủng hộ sự thay đổi, càng thay đổi càng tốt miễn là nó đẹp, miễn là nó rút ngắn được chặng đường vời vợi để đến với một đô thị hiện đại văn minh. Đọc đi đọc lại thì thấy phân tích nào cũng đầy lý lẽ và hừng hực khí thế. Khi hàng cây đường Nguyễn Văn Cừ được di chuyển, khi những hàng cây ở đường Nguyễn Sỹ Sách được thay thế, khi vỉa hè được lát đá, và cả khi sông Kênh Bắc được kè đều nhận được những ý kiến kiểu như vậy. Tranh luận là bình thường, thậm chí là quá tốt, xã hội không có tranh luận là xã hội ngược chiều với văn minh, là dập vùi dân chủ. Tuy nhiên điều đáng buồn là cung cách và thái độ tranh luận. Tranh luận không có nghĩa là chì chiết, không nên là bỉ bôi và đừng là chửi bới.  Hình như ai cũng bằng mọi giá để thắng, đôi khi huy động cả sự thô bạo để áp đặt ý nghĩ của mình lên người khác. Không ai chịu ai, không tìm được thua thắng bởi thế cũng không bao giờ có kết quả đúng sai. Cuối cùng thì sao, nhà quản lý thiệt thòi trong việc khai thác tài nguyên trí tuệ trên không gian mạng. Còn các “phía” thì ít nhất cũng có một bên nhìn vào các cơ quan Nhà nước như thể là những tội đồ bởi các quyết định quản lý vẫn không chịu sự thuần hóa theo cảm xúc mà họ ấp ủ. “Trái ý” có khi là nhiếc móc, đôi khi suy đoán vô căn cứ rằng “Vội vàng vẽ ra để ăn, tranh thủ vẽ ra để trục lợi”. Rồi thì là “Tư duy phòng lạnh”, “Hoàng hôn nhiệm kỳ”, “Văn hóa chộp giật”… Một số còn mỉa mai so sánh với tỉnh này tỉnh nọ, họ cho rằng Nghệ An “ngửi khói”. Đại ý thế, na ná thế, rất nhiều, vào đọc bình luận trên các diễn đàn sẽ thấy. Tạm thời chưa bàn chuyện đúng sai, đến chuyện văn hóa tranh biện, chỉ nói chuyện tác dụng của nó thôi cũng đã thấy lợi bất cập hại rồi. Chính cái nhìn bi quan, tiêu cực và đầy nhụt chí luôn thường trực và mãn tính ấy đã và đang triệt tiêu đi động lực cống hiến trong từng người dân. Chính cái kiểu đứng ngoài phán xét vừa tiêu cực vừa quá khắt khe ấy đang gỡ dần lòng tin ra khỏi cộng đồng. Và ở một chừng mực nào đó nó có thể giảm đi sự hưng phấn của những người xung trận.

Đường Nguyễn Sỹ Sách bên bờ kênh Bắc bừng sắc vàng hoa giáng hương. Ảnh: NT

Xin đặt vấn đề nguyên nhân tại sao? Người ta kỳ vọng quá nhỏ hay người ta đang nghi ngờ quá lớn? Tại sao quá trình lấy ý kiến qua kênh chính thống ít nhận được phản hồi mà khi triển khai lại xuất hiện cả trăm “nhà quy hoạch online” trên không gian mạng? Có hay không chuyện chúng ta đang níu áo nhau chính vì cái tính cách thâm niên cố hữu là bảo thủ và ngại thay đổi của người Nghệ?

Để cùng bạn đọc tiếp tục lý giải một phần câu chuyện, xin trở lại bàn luận đôi điều về tính cách Nghệ. Có thể nói tính cách Nghệ chưa bao giờ là một đề tài hết thú vị cho dù đến thời điểm này thì nó không còn là câu chuyện mới mẻ nữa. Người ta đề cập đến nó, trăn trở với nó cả trăm năm nay rồi nhưng cứ mỗi lần chạm đến thì dường như lại có một phát hiện mới được công bố. Tính cách Nghệ là gì? Đâu là ưu và cái gì là nhược? Tất cả dường như đã được nhận diện và lần lượt gọi tên. Điều may mắn cho hôm nay là các thế hệ học giả nhiều tài ba và giàu tâm huyết trong quá khứ đã ưu ái lưu lại nguồn tư liệu đủ đồ sộ để những người có bổn phận kế thừa và kết nối như chúng ta được tiếp cận hệ thống hơn, đầy đủ hơn, khoa học hơn về con người xứ Nghệ.

Một điều khá thú vị là hầu hết những nhận xét về tính cách Nghệ đều có đặc điểm chung, đó là rất hay và rất… không sai. Cách đây những 200 năm, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) người từng làm Đốc học Nghệ An cho rằng, giới tinh hoa của xứ Nghệ “lấy danh tiết làm trọng”. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam từng đặt vấn đề “nói đến xứ Nghệ, điều trước tiên không thể không nhắc tới là con người, một biểu hiện độc đáo và gây ấn tượng nhất” (Ngô Đức Thịnh, 2009; tr.194); Học giả Đặng Thai Mai thì viết: “Người Nghệ can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến “cá gỗ”. (Đặng Thai Mai, 1960, tr.37). Không chỉ những nhà nghiên cứu, mà cả những vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng từng đưa ra những đánh giá thú vị về người Nghệ như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thừa nhận: “Có lẽ những người thông minh nhất và sâu sắc nhất thì Nghệ Tĩnh này là một nơi trung tâm”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng khẳng định: “Con người Nghệ Tĩnh là vốn quý nhất của địa phương và của cả nước”. Ngoài ra các học giả như GS. Phong Lê, GS. Vũ Ngọc Khánh, Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh… cũng có những kết luận khá tương đồng. Thậm chí cả một nhân vật khét tiếng chống Cộng là ông Nguyễn Khoa Kỳ, Tổng đốc An – Tịnh cũng đã từng thốt lên: “Lắm lúc tôi nghĩ không biết dân đó có hẳn là dân An Nam không, vì xét ra họ không giống dân các tỉnh khác chút nào cả…”

Tạm thời chưa có một công trình nghiên cứu hay một điều tra xã hội nào đủ cơ sở khoa học để “chốt” một cách chắc chắn khái niệm “Tính cách Nghệ”. Nhưng quả thực không khó để nhận ra cái chất của người Nghệ. Trưởng thành ngay từ vùng lõi cực đoan của khí hậu, sự  khắc nghiệt của gió Lào, cát trắng, của mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa,  mùa Đông sương buốt giá, mùa Hạ nắng cháy da… sự cấu kết cộng đồng mặc nhiên được hình thành, ý chí vươn lên được thiết lập, trở thành ngọn nguồn của tinh thần đoàn kết, chịu khó, siêng năng, hiếu học, can trường, bộc trực … Chính những tố chất ấy đã tạo nên những lớp lớp thế hệ người Nghệ siêng năng, cần cù trong lao động, bộc trực, hài hước trong giao tiếp, gắn bó đoàn kết với cộng đồng và dũng cảm, kiên cường nơi chiến trận. Những nhẹ nhàng ngọt ngào, những điềm đạm, những kiềm chế cảm xúc, những kín đáo… có vẻ như khá xa lạ với người Nghệ.

Rất tiếc, bên cạnh ưu điểm thì người Nghệ cũng tồn tại không ít những nhược điểm: tự cao tự mãn, tùy tiện, vô kỷ luật, cục bộ theo kiểu làng xã, nóng nảy đến thô lỗ, sĩ diện đến hão huyền, bảo thủ đến quẫn trí, tằn tiện đến keo kiệt, quyết liệt đến cực đoan, ganh đua đến kèn cựa, cứng nhắc đến gàn dở… Đành rằng, người Nghệ thế kỷ 21 đã rất khác nếu so với người Nghệ thời ông Nguyễn Khoa Kỳ. Người Nghệ hòa nhập hơn, tương thích hơn và cởi mở hơn. Người Nghệ ngày nay không còn quá “chặt to kho mặn” nữa.

Tuy nhiên, đứng trước vận mệnh và trách nhiệm mới thì ngần ấy thôi là chưa đủ. Người Nghệ không thể tặc lưỡi “choa rứa đó” để chấp nhận giẫm chân tại chỗ. Nghệ An không đủ lý do để là tỉnh nghèo. Thành phố Vinh, với vai trò là đầu tàu không thể cứ an bài với những gì đã có. Không thể lon ton theo sau các đô thị khác. Đổi mới, quyết liệt, bứt tốc tăng trưởng đó là con đường để tiến xa. Ai làm điều đó? Phải là sự đồng lòng chung sức của mọi người dân xứ Nghệ. Tôi không bài xích tính cách Nghệ, người Nghệ là người Nghệ, người Nghệ không nhất thiết phải là kẻ sĩ Bắc Hà hay hai lúa miền Tây. Vấn đề là người Nghệ nên “dùng” cái chất Nghệ của mình ở đâu? “Dùng” với ai và liều lượng thế nào?

Mong sao người Nghệ biết nhận diện ưu nhược điểm của mình để tự mình tiết chế nó. Cố gắng đừng để ưu điểm phát triển cực đoan đến mức lệch lạc để rồi lại trở thành nhược điểm. Đã đến lúc người Nghệ cần phải biết khắt khe với chính mình. Chính lòng vị tha thái quá dẫn đến xuề xòa, phiên phiến của người Nghệ là một trong những nguyên nhân kìm hãm xứ Nghệ. Khi chúng ta xuề xòa, khi chúng ta mặc kệ, khi chúng ta “hô khoan đánh khoan hô nhặt đánh nhặt” là lúc chúng ta tự phế truất động lực, cũng là lúc chúng ta vô cảm với chính mình, vô cảm với tương lai. Cái thứ hai, người Nghệ cần tiết chế đó chính là thói bảo thủ. Bảo thủ là rào cản đầu tiên và kiên cố nhất để ngăn người Nghệ hội nhập. Khai thông được điểm nghẽn bảo thủ thì người Nghệ mới có cơ hội tiếp cận với các giá trị tiến bộ khác. Người Nghệ thích so sánh nhưng lại không biết cách biến sự so sánh ấy thành động lực mà lại để thành sự so bì. Người Nghệ cần phải mở rộng không gian quan sát để có cái nhìn quảng đại hơn. Cái quan trọng là người Nghệ phải biết chấp nhận lĩnh hội cái mới, công dân đô thị thành Vinh phải khai phá lớp tư duy tre làng để tiếp cận với môi trường xã hội hiện đại. Cố gắng bớt tự mãn và hạn chế tự thỏa mãn, phát biểu “Ri là khá rồi” là một kiểu tư duy vừa rất Nghệ mà cũng vừa rất… tệ. Bi kịch không phải là sự thất bại trước mục tiêu lớn mà chính là sự thỏa mãn với mục tiêu nhỏ.

Cái thứ ba, người Nghệ cần phải nhận ra và điều chỉnh chính là lối làm việc duy tình. Chính cảm xúc đang triệt tiêu hàm lượng khoa học trong quá trình xử lý công việc của người Nghệ. Trở lại với câu chuyện phát triển thành phố Vinh, chúng ta không quá khó để nhận diện ra điều này. Rất nhiều các ý kiến phản bác này nọ đều có hương vị của cảm tính. Nào là “tuổi thơ của chúng tôi”, nào là “Những cây xoài ra hoa như những người phụ nữ mang thai bị đốn hạ”. Nước mắt có vị mặn, nhưng nước mắt sẽ làm nhòe đi thị lực. Mắt sinh ra để nhìn chứ không phải để khóc. Cảm xúc là thứ vô cùng quý, nhưng chỉ hành động theo cảm xúc thì lại là sai lầm.

Không ai có thể giúp người Nghệ bằng chính người Nghệ. Đầu tiên là cá nhân mỗi một người dân xứ Nghệ đều có bổn phận, sau đó là gia đình và cộng đồng xã hội. Câu chuyện gạn đục khơi trong tính cách Nghệ cần phải được kích hoạt mọi nơi mọi lúc mà hệ thống chính trị không thể đứng ngoài cuộc. Những thay đổi tính cách Nghệ tích cực gần đây chủ yếu là xu hướng chung của xã hội. Sự tác động có chủ đích của các cấp các ngành vẫn quá ít và mơ hồ. Trường học và cả truyền thông dường như đang bỏ quên mặt trận quan trọng này.

Phố Vinh bên cạnh dòng Lam với nhiều tiềm năng. Ảnh: Trung Hà

Tài nguyên của xứ Nghệ không phải là núi rừng hay biển cả mà chính là con người. Hãy tạo cú hích thẳng vào những lô cốt cổ hủ. Hãy thổi vào thế hệ trẻ thành phố Vinh lòng tự hào và tinh thần hòa nhập để đổi mới. Người Nghệ thông minh, người Nghệ cần cù, người Nghệ can trường, dũng cảm… thì hà cớ gì mà người Nghệ rụt rè trước những cú xông pha. Thành phố Vinh đang hướng vào những đích đến xa hơn, cao hơn, văn minh, hiện đại hơn. Vinh không thể khoác mãi cái áo chật chội và nhàu nhĩ của hàng trăm năm trước. Hãy đính vào ước mơ và trách nhiệm của mình một hình ảnh Vinh của 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm nữa. Vinh không thể đứng mãi thế thủ mà chuyển hướng tấn công. Trong tiến trình ấy làm sao tránh khỏi những mất mát mà thậm chí có thể cả sai sót. Đừng vì hiệu quả chưa cao của một vài công trình mà chốt chặn sự phát triển của các công trình khác. Hãy nhìn sự việc một cách tích cực đa chiều thì mọi chuyện nó cũng sẽ tích cực lên. Tôi không nghĩ nay mai phố đi bộ Vinh sẽ “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”, nhưng kể cả như vậy chăng nữa thì không hẳn là thảm họa. Chúng ta chưa thu được trăm tỷ, ngàn tỷ ở kinh tế đêm thì chúng ta cũng có được những tuyến phố đẹp văn minh. Chúng ta chưa thay đổi được toàn bộ thì cũng một phần sự dịch chuyển tư duy kinh tế đường phố trong người dân thành phố. Cái gì cũng có được và mất, không bao giờ được tất cả cũng như không bao giờ mất tất cả. Hãy biết chấp nhận như thể nó là một tất yếu của quá trình đi lên. Không ai làm được điều đó thay cho chúng ta đâu, chỉ người Nghệ thôi./.

Nguyn Khắc An

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 11/2021)