Ngần lại bấm nút gọi số… 078. Từ sáng tới giờ, Ngần gọi ba bốn cuộc, chuông đổ mà không lần nào có người bắt máy. Ngần bực lắm. Người đâu mà vô tâm, thấy nhiều cuộc gọi nhỡ thì cũng phải gọi lại xem có việc gì không chứ! Đầu năm học mới ngổn ngang bao nhiêu việc, Ngần xoay như chong chóng. Lớp 10A2 của Ngần có 44 học sinh, chỉ riêng việc liên lạc với từng ấy đứa, hỏi xem chúng có điện thoại hay máy tính nối mạng để học online không thôi cũng đủ khiến Ngần loạn hết cả đầu.

– A lô! Cháu nghe ạ!

May quá, có người nghe máy rồi. Mà hình như là giọng trẻ con. Rõ ràng cậu học trò lúc tối nhắn đây là số của mẹ bạn Thảo.

– A lô! Cho hỏi đây có phải là số của mẹ em Bùi Thanh Thảo không?

– Dạ phải ạ!

– Cô là cô chủ nhiệm của Thảo ở trường cấp 3. Cháu cho cô gặp mẹ đi!

– Mẹ với chị Thảo đi bó lúa rồi cô ạ.

– Thế thì cho cô gặp bố cũng được.

– Bố con chết rồi ạ.

Ngần giật mình:

– Ôi, cô xin lỗi, cô không biết. Bố mất từ bao giờ cháu?

– Mười ngày rồi cô ạ!

Ngần sửng sốt, không biết phải nói gì. Đành hẹn tối nay cô sẽ gọi lại, rồi tắt máy.

Vết đau trong tim Ngần lại nhói lên. Ngày ấy, Ngần mới về trường, còn đang bỡ ngỡ với công việc. Ngần và học trò lớp chủ nhiệm đang dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị cho năm học mới thì điện thoại reo. Chị gái Ngần nói trong tiếng nấc: “Em ơi! Em về nhà ngay nhé! Bố mất rồi!”

Ngần khuỵu chân xuống, không tin vào tai mình. Hồi đêm bố còn điện cho Ngần hỏi xem công việc thế nào? Ở kí túc xá có thiếu thốn gì không? Chủ nhật này về nhà chơi nhá, bố còn để dành cho mấy bắp ngô nếp ngoài vườn! Từ ngày tốt nghiệp, Ngần đã tự nhủ, khi nhận tháng lương đầu tiên sẽ mua tặng bố một món quà. Vậy mà…

Ngần liêu xiêu tiễn bố về trời dưới cái nắng chói chang ngột ngạt của buổi chiều tháng Tám. Một phút bất cẩn của người lái xe tải đã bất thình lình cướp mất bố của Ngần. Đến tận bây giờ, sau gần hai mươi năm, mỗi lần nghĩ đến bố, Ngần vẫn thấy mình bơ vơ, chống chếnh giữa cuộc đời.

Thế còn Thảo. Vì sao bố em lại mất? Một vụ tai nạn hay đau lâu ốm dài? Mẹ con em sẽ ra sao khi thiếu vắng bố? Bao câu hỏi ùa tới. Giở lại tờ danh sách lớp, Ngần chỉ thấy một dòng ngắn ngủi ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, điểm thi, thành tích nổi bật. Thảo được 42.5 điểm đầu vào, từng đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp huyện môn Văn. Không có chữ nào trong đó hé lộ cho Ngần biết về nỗi mất mát mà Thảo đã và đang gánh chịu. Thế mà, suýt chút nữa Ngần đã tỏ thái độ bực dọc, buông lời trách cứ em vì không quan tâm đến việc học ở trường.

Cuộc gọi tối nay Ngần có thể hỏi mẹ em để tìm câu trả lời. Nhưng Ngần cảm giác làm thế có gì bất nhẫn, như khơi lại vết thương còn chưa bưng miệng. À! Phải rồi, Đạt, học sinh cũ của Ngần đang làm Đoàn xã Thanh Sơn, Ngần sẽ nhờ Đạt tìm hiểu thêm thông tin. Mươi phút sau, Đạt nhắn tới: “Nhà em Thảo tội lắm cô ơi! Bố ung thư gan mới mất. Nghe nói còn nợ nhiều tiền lắm cô ạ”.

Ngần rớt nước mắt, nhắn thêm:

– Thảo là con thứ mấy đó em?

– Con đầu cô ạ. Sau còn 2 em gái học cấp 2 và cấp 1. Em trai út mới bốn tuổi ạ.

Cảm ơn cậu học trò cũ, Ngần ngồi lặng bên bàn. Giờ phải làm sao? Với gia cảnh ấy, cho con đi học bình thường như mọi năm đã khó, học online lại càng khó muôn phần. Dịch bệnh thế này, Ngần cũng không biết sẽ phải dạy học online đến bao giờ. Cả núi công việc ập lên đầu, hết tập huấn dạy học trực tuyến, họp đầu năm, đến xây dựng kế hoạch dạy học, soạn giáo án dạy online… Nhưng Ngần lo nhất là ổn định tổ chức lớp đầu năm, làm sao để nắm rõ tình hình học sinh, trợ giúp kịp thời để em nào cũng được học trực tuyến. Trò của Ngần, đứa có điện thoại thì mạng yếu, đứa phải xin ké Wifi hàng xóm, có đứa nhà hai ba chị em học chung một máy… Cô trò còn chưa trực tiếp gặp mặt nhau, vài lần trò chuyện bập bõm trên Zalo, Zoom chưa đủ tạo cảm giác thân tình, gần gũi. Ngần vốn được thầy trò cả trường nể phục bởi biệt tài nhớ tên, nhớ mặt học sinh. Các khóa trước, chỉ sau tuần sinh hoạt tập thể đầu năm là Ngần đã thuộc tên, thuộc mặt, nhớ luôn cả quê của từng học sinh lớp chủ nhiệm.

Minh họa: Trần Minh Châu

Đến cuộc sinh hoạt lớp tối hôm qua, Ngần đã kết nối được với 43 em. Vẫn còn một học sinh “ngoài vùng phủ sóng”: Bùi Thanh Thảo. Không Facebook, không số điện thoại, nhà ở xóm hẻo lánh nhất của xã Thanh Sơn. Cả huyện lại đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Khi có em trong lớp ở xã Thanh Sơn hứa sẽ xin số điện thoại giúp cô, Ngần mới đỡ lo phần nào…

Đắn đo một lúc, Ngần bấm máy gọi. Từ đầu dây bên kia, tiếng người phụ nữ có chút ngại ngần:

– Chào cô ạ!

Ngần hỏi thăm về mùa vụ, chia buồn cùng gia đình rồi nói đến việc học của chị em Thảo. Người mẹ nói:

– Dạ, cảm ơn cô! Mấy cháu nhà em cũng ham học lắm. Năm ngoái cả ba đứa đều được xuất sắc cô ạ. Bố cháu luôn bảo, đời bố mẹ khổ nên nhất định phải cho con học hành tới nơi, tới chốn.

– Thế sách vở cho các cháu đủ chưa chị?

– Chẳng giấu gì cô, cái Thảo với bé lớp 4 đã xin được sách cũ. Chỉ có bé thứ hai năm nay vào lớp 6, hôm trước em cũng cố gắng mua được gần đủ bộ rồi.

Khi Ngần nhắc đến việc học online, mẹ Thảo ngập ngừng một chút rồi bảo:

– Em cũng tính mua một cái điện thoại cho ba đứa dùng chung cô ạ. Nhưng… giờ nhà em bấn quá. Mà em nghe người ta bảo mấy bữa nay điện thoại tăng giá mạnh lắm, mấy cửa hàng còn không đủ hàng mà bán, lại còn tiền mạng nữa. Thật sự là em cũng chưa biết làm thế nào. Mong cô thông cảm!

– Không sao đâu chị! Chị cứ động viên cháu xem lại bài vở giúp em. Để em xem có cách gì không. Em sẽ liên lạc lại với chị sau ạ.

Cúp máy rồi Ngần cũng không biết mình phải làm gì tiếp theo. Cái khó bây giờ là phải có một cái điện thoại thông minh có thể kết nối Internet. Nhà Ngần có hai máy tính, hai điện thoại, bố mẹ dạy và hai đứa con học mà còn trở không ra. Thời điểm này biết mượn ai bây giờ? Thôi đành liều vậy, Ngần có xin cho mình đâu. Gõ rồi lại xóa status trên Facebook cá nhân, cuối cùng Ngần viết:

Mình có 1 học sinh ở xóm Bắc, xã Thanh Sơn cần giúp đỡ. Em là con cả (sinh năm 2006) trong gia đình có 4 người con. Bố mới mất do ung thư gan, mẹ vừa nuôi 4 chị em ăn học vừa trả nợ tiền vay chữa bệnh cho bố. Để giúp con được học tập bình thường, mình muốn xin hoặc mượn 1 chiếc điện thoại còn dùng được của ai đó thừa ra, mình sẽ mua gói cước Internet cho con. Mong mọi người giúp với ạ!

Bài vừa đăng được một lúc, Ngần nhận được tin nhắn của Quang – cậu học trò ra trường đã bảy năm, giờ đang xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.

Quang bảo:

– Em xin được tặng em Thảo một cái điện thoại mới, nhưng cô đừng công khai tên em, cô nhé!

– Tuyệt quá! Nhưng em chờ cô một chút nhé!

 Ngần xem lại các bình luận trên Facebook, không có ai cho mượn hay tặng lại điện thoại cũ, nhưng khá nhiều người ủng hộ tiền mặt, người một trăm, người dăm chục, tính sơ sơ cũng đủ tiền mua điện thoại mới rồi. Ngần nhớ lại dòng trạng thái buồn của Quang cách đây mấy tháng. Dịch giã thế này, trụ lại xứ người đâu dễ dàng.

Như hiểu được ý cô, Quang lại nhắn:

– Năm xưa, nếu cô và trường mình không giúp đỡ thì chắc chắn em không có ngày hôm nay. Từ lâu, em đã muốn làm điều gì đó để đáp lại ân tình của cô, của trường nhưng chưa có dịp. Chút việc nhỏ, cô đồng ý cho em vui lòng nhé!

Trong tâm trí Ngần hiện ra đôi mắt lúc nào cũng buồn rười rượi của cậu học trò ấy. Quang cao và gầy, thường hay cúi mặt khi ai đó nhìn mình. Ngần hỏi han, động viên mãi, em mới mở lòng chia sẻ. Thì ra, bố Quang nghiện rượu nặng, mỗi lần uống say lại đuổi đánh vợ con. Một mình mẹ phải gồng gánh, lo liệu đủ đường. Cậu học trò tủi phận, mấy lần định bỏ học đi Nam. Ngần xin nhà trường miễn tiền học và tặng một suất học bổng cho em nữa. Hôm liên hoan chia tay cuối khóa, Quang đã ôm cô thật lâu, không nói gì, Ngần rưng rưng nước mắt khi cảm nhận được em đang run run trên vai mình…

Cậu học trò trầm tính của cô đã trưởng thành thật rồi!

Niềm hạnh phúc đang dâng lên trong lòng Ngần thì Na, cô bạn thân cùng lớp đại học gọi đến. Không kịp để cho Ngần hỏi, Na đã kể đủ thứ chuyện, từ cái số đo ba vòng đang có xu hướng xích lại gần nhau đến việc nó sắp trở thành đầu bếp chuyên nghiệp như mong ước ngày xưa sau hai tháng Sài Gòn giãn cách. Nó cười ngặt nghẽo:

– Giờ tao mới biết mình có tư chất làm nhà tạo mẫu tóc mày ạ! Chiều nay, tao mới thiết kế và thi công kiểu đầu đồng phục cho ba bố con nhà nó xong! Nhà tao giờ toàn sư cụ!

Na là vậy, lúc nào cũng vô tư, lạc quan, ngay cả khi hoàn cảnh u ám nhất. Nói chuyện với Na, Ngần luôn có cảm giác mình trở lại là cô sinh viên Văn khoa trong trẻo ngày xưa. Rồi đột ngột, Na hỏi:

– Thế cái con bé học trò của mày sao rồi? Có điện thoại cho nó chưa?

– Tao liều mà được việc, mày ạ. Giờ tao có thể mua được hai cái mới luôn.

– Nhanh thế à? Vậy tao có thể giúp được gì? Hay tao lo chi phí học hành ba năm cho nó luôn nhá!

– Được thế thì còn gì bằng! Mà mày lo được không đấy?

– “Tao thì cái gì chả lo được. Mày cứ yên tâm chốt đơn cho tao đi!” Na lại cười.

Ngần mừng quá, thầm cảm ơn Na. Ngày tốt nghiệp, với tấm bằng giỏi, Ngần ôm hồ sơ về xin việc gần nhà, còn Na hí hửng đi theo tiếng gọi của tình yêu vào Sài Gòn. Giờ Na là chủ của một shop thời trang nho nhỏ, và vẫn nhân hậu, hào phóng như xưa. Thế là, chỉ trong một đêm, bài toán đầu năm học của Ngần đã giải được một cách nhẹ nhàng với kết quả ngọt ngào ngoài mong đợi. Hành trình trước mắt của mẹ con Thảo sẽ phần nào vợi bớt những âu lo. Ngần thấy ấm lòng biết bao vì sự kết nối của tình người.

Tắt máy, bước ra sân, Ngần vươn vai hít thở bầu không khí trong lành. Một làn heo may nhè nhẹ lướt qua. Ngần chợt nhận ra mùi hương thân thuộc thoang thoảng đâu đây. Hoa dẻ! Cả tuần mải việc, Ngần quên mất cây dẻ mới trồng đầu năm ở góc vườn. Mấy bông dẻ nay đã vàng ruộm, lặng thầm tỏa hương dìu dịu…

Hà Nguyễn

(Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 17, tháng 9/2021)