Bà chúa Nhâm là một trong những nữ thần được thờ khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hình tượng về nữ thần được xây dựng từ những người mẹ trong đời thường nên các huyền thoại dù nhuốm đầy màu sắc ly kì nhưng vẫn tạo cảm giác chân thực, gần gũi.
Theo nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, nữ thần là một trong ba dạng thức thờ Mẫu (Nữ thần, Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ) ở Việt Nam[1], xuất hiện từ rất lâu đời và khá phổ biến trong dân gian. Nữ thần có thể là nhân thần (Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Võ Thị Sáu…), cũng có thể là nhiên thần (Thần Đất, Bạch Y, Thiên Yana…). Nhiều nữ thần xuất phát từ những thực tế lịch sử, cũng không ít trường hợp là kết quả của những thêu dệt hoang đường, phi thực tế. Suy cho cùng, việc tôn thờ nữ thần chẳng qua là cách nhân thần hóa và tôn sùng lực lượng tự nhiên. Tuy nhiên, vượt lên trên những cái thực và phi thực đó, là một sự khẳng định về vai trò và vị trí hết sức to lớn của người phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chịu ảnh hưởng của Nho giáo, từ thời nhà Lê, nhất là thời nhà Nguyễn, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội có bị coi nhẹ, cái gọi là “nam tôn nữ ti” đè nặng lên quan niệm của giai cấp phong kiến, các nhà nho và thể hiện qua luật pháp. Tuy nhiên, ở các làng xã, người nông dân vẫn sống theo các thói quen cổ truyền, kiểu “phép vua thua lệ làng”. Truyền thống mẫu hệ, mẫu quyền vẫn chi phối nhiều quan hệ trong gia đình. Người vợ, người phụ nữ vẫn giữ vai trò hàng đầu trong tổ chức và quản lý gia đình. Cũng vì thế mà chúng ta không lạ gì khi trong đời sống tinh thần và tâm linh, nhiều phụ nữ đã trở thành các thần – nữ thần, trong đó có nhiều vị được tôn vinh là Mẫu, Thánh Mẫu[2].
Ở Nghệ An, tín ngưỡng thờ nữ thần cũng xuất hiện khá sớm và khá phổ biến từ vùng đồng bằng đến miền trung du, với sự đa dạng của các nhân vật thờ, vừa có nhiên thần (Tứ vị Thánh Nương, Bạch Y…), vừa có nhân thần (Bà chúa Nhâm, Bà chúa Ngô, Bà chúa Lạng, Bà chúa Chè…). Đặc điểm chung của các nữ thần là mang nhiều yếu tố hoang đường, phi thực tế và đặc biệt là có công lao to lớn trong việc cứu nước, giúp dân.
Bà chúa Nhâm cũng là một nữ thần như thế. Bà được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Mẫu và hóa thân thành nhiều dạng nhân vật khác nhau, tùy vào mỗi địa phương: nếu Chúa Nhâm tại Yên Thành (đền Bà chúa Nhâm, xã Bắc Thành) là hóa thân của Bạch Y Công chúa, con gái Hồ Quý Ly thì ở vùng Diễn Châu, bà lại là phi tần của Chúa Trịnh Doanh. Khi tuổi cao sức yếu, nhan sắc không còn, bà bị sa thải, phải về quê đi nhủi kiếm sống qua ngày. Lúc bà mất, trời nhâm mát, gió hiu hiu thổi như tiễn đưa bà. Nhân dân gọi bà là Bà chúa Nhâm và lập đền thờ. Cũng từ đó, cứ đến ngày giỗ của bà (15/12 âm lịch) là trời lại mát mẻ.
Đáng chú ý, trong số các nữ thần mang tên “Bà chúa Nhâm” thì có một vị nữ thần có nguồn gốc, lai lịch khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ dân gian đã xây dựng cho bà một lý lịch nhân thế rất rõ ràng nhưng các tình tiết lại nhuốm màu sắc ly kì, huyền bí. Đó chính là Bà chúa Nhâm ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương.
Chuyện kể rằng: vào thế kỷ XV, trong làng Yên Lại, xã Yên Lăng (nay là xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương) có một người phụ nữ của dòng họ Nguyễn Đức tên là Nguyễn Thị Sương, đã lớn tuổi mà không chịu lấy chồng. Vào một đêm trăng sáng, bà đi gánh nước ở giếng làng, thấy có một ngôi sao sa vào lu nước. Sau khi uống nước đó, bà mang thai và sinh được một bé gái xinh đẹp tuyệt trần, dưới chân hiện lên hai chữ “đại nương”, cô gái đi đến đâu cũng có một đám mây ngũ sắc che trên đầu. Người mẹ và dân làng thấy vậy đã đặt tên cho cô là Ngọc Nhâm. Theo chiết tự chữ Hán: “nhâm” là bào thai, “ngọc nhâm” là bào thai ngọc, bào thai quý.
Khi đến tuổi trăng tròn, Ngọc Nhâm được vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) nạp làm phi tử thứ 18. Trong 6 năm chung sống với nhà vua, bà đã góp phần ổn định hậu cung, để vua yên tâm lo việc chính sự. Bà còn có công trong việc đánh quân Chiêm Thành. Năm thứ 5 làm phi tần của Vua, bà mang thai và sinh được một công chúa với tên gọi là Lê Thị Ngọc Thắng. Một năm sau, hai mẹ con cùng qua đời vào ngày trùng cửu (mùng 9 tháng 9 âm lịch). Nhân dân cho rằng, bà là tiên nữ giáng trần, đã hết hạn nên phải từ biệt trần gian trở về thiên đình.
Thương tiếc người vợ xinh đẹp, nhà vua cho người mang thi thể của bà về quê chôn cất tại xứ Động Lăng (nay là xóm Đông Xuân). Hiện nay, trên nghi môn mộ vẫn còn lưu dòng chữ “Hồng Đức cung lăng”. Đồng thời, Vua giao cho dân làng Yên Lại lập đền thờ phụng với tên gọi là đền Bà chúa Nhâm (hay đền Yên Lại).
Tư liệu bằng tiếng Pháp, ký hiệu số TT-TS FQ4018/VIII,51, lưu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội cũng có đoạn chép về bà như sau:
“Thánh Mẫu hay Chúa Nhâm là một vị thần, khi sinh ra là một cô gái vốn rất xấu xí. Thời thơ ấu, bà thường phải đi chăn trâu. Nhưng có một đám mây đã theo bà đến khắp mọi nơi và che cho bà khi mặt trời mọc. Phải chăng vì vậy mà bà không bao giờ thấy nóng bức. Người đời gọi bà là Chúa Nhâm (nàng tiên bóng tối). Sau khi biết được điều lạ này, bỗng một ngày vua Lê Hồng Đức, đã đến để tìm kiếm “vị thần tiên này”. Vua gặp bà ở sông Khuôn, làng Yên Lại, tổng Yên Lăng, phủ Anh Sơn[3], tỉnh Nghệ An. Vua hỏi: bà có muốn lấy vua không? Chúa Nhâm biết rõ Vua Lê Hồng Đức là một vị vua tốt, bà đã ưng thuận và nhận lời Vua. Sau khi tắm ở sông Khuôn, Chúa Nhâm trở nên rất xinh đẹp. Sau đó, một đám rước hoàng gia đưa bà vào cung điện. Bà sống với Vua Lê Hồng Đức được sáu năm. Bà đã giúp nhà vua trong việc tổ chức hành chính của đất nước và trong cuộc chiến chống lại người Chăm Pa và người Campuchia[4]. Khi đang mang thai, bà đã rời bỏ thế giới nên được người đời gọi là Thánh Mẫu…”.
Tại miếu mộ Bà chúa Nhâm – nơi được cho là đang lưu giữ hài cốt của bà còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ rất có giá trị, trong đó có hai cổ vật quý, hiếm, ít thấy trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Một là pho tượng mẹ con Bà chúa Nhâm. Có thể nói, nghệ nhân đã khắc họa thành công hình tượng mẹ con Bà Chúa cả ở phương diện cung đình lẫn phương diện dân gian.
Tượng vừa toát lên sự tôn quý của một bậc cung phi, công chúa, vừa toát lên được sự gần gũi của một người mẹ, một đứa trẻ của dân làng Yên Lại.
Thứ hai là đôi hài hình chim phượng. Hài dài 15cm, rộng 5cm, phần đầu được tạo tác rất tỉ mỉ, công phu, các chi tiết mỏ, mắt, mào đều hiện lên rất sinh động, phần cổ khắc họa bông cúc mãn khai. Hai cánh phượng chĩa ra hai bên, nghệ nhân đã khéo léo khắc họa những đường gân trên cánh, làm cho đôi cánh trở nên chân thực. Ở vị trí lưng phượng, nghệ nhân tiếp tục tạo tác một bông cúc mãn khai, từng cánh được gọt, tỉa cẩn thận, những lớp cánh chồng lên nhau rất sắc nét, đẹp mắt. Theo quan niệm của người Á Đông, phượng hay phượng hoàng là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã. Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương, là hình tượng của thánh nhân, của hạnh phúc. Nếu rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa thì phượng lại có yếu tố âm tượng trưng cho hoàng hậu và người đàn bà đẹp. Có thể nói, đôi hài hiện hữu như một minh chứng cho mối tình đẹp đẽ, hạnh phúc của Bà chúa Nhâm và đức Vua Lê Thánh Tông.
Như vậy, trên mảnh đất xứ Nghệ, huyền thoại về Bà chúa Nhâm khá phong phú, đa dạng, mỗi địa phương khác nhau lại mang những màu sắc khác nhau, thậm chí cùng một dạng hóa thân nhưng vẫn xuất hiện nhiều dị bản. Điều này, nếu lý giải theo quan niệm dân gian “Trống làng nào làng ấy đánh/ Thánh làng nào làng ấy thờ” cũng là điều dễ hiểu. Đây là nét đặc trưng về văn hóa tâm linh của các làng quê xưa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng.
Nhìn chung, dù Bà chúa Nhâm hóa thân ở dạng nào thì chúng ta vẫn thấy bóng dáng của những người mẹ vĩ đại, tảo tần, giàu đức hy sinh trong hình hài nữ thần. Đó cũng chính là nguyên nhân lý giải cho hiện tượng tín ngưỡng thờ nữ thần ngày càng ăn sâu, bám rễ và phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh xứ Nghệ.
Chú thích:
1.Ngô Đức Thịnh (chủ biên), 2001, Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Ả, Nxb. Thế giới.
- Ngô Đức Thịnh (GS, TS, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngường Việt Nam), Văn hóa thờ cữ thần – Mẫu ở Việt Nam và châu Á, trang điện tử https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VN
- Tên địa danh chưa chính xác, đến năm 1912, tổng Yên Lăng mới thuộc phủ Anh Sơn.
- Ở đây có sự nhầm lẫn: thời Lê Thánh Tông không xảy ra cuộc chiến chống lại người Campuchia mà là người Miến Điện (Myanma).
Lâm Thy
(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 30, tháng 1+2/2023)