Trong 3 ngày tham dự trại sáng tác tháng 10/2019 (đây là trại sáng tác thứ 2 trong năm do Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tổ chức), hơn 20 văn nghệ sỹ thuộc 7 chuyên ngành đã có chuyến đi thực tế tham quan một số di tích văn hóa tâm linh, xã nông thôn mới, và một số mô hình lao động sản xuất tiêu biểu ở huyện Quỳ Hợp.

  Đoàn đến thăm di tích đền Choọng xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Hữu Vinh

Điểm “dừng chân” đầu tiên của  đoàn là đền Choọng xã Châu Lý – đây là một địa chỉ văn hóa tâm linh tiêu biểu của địa phương thờ Nàng Tóc Thơm (Nang Phốm Hóm) người con gái xinh đẹp có công quyên góp,  trích trữ lương thực nuôi quân trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Đền thờ này có từ cách đây hơn 600 năm. Cùng với thời gian, ngôi đền thiêng ở mường Choọng xưa đã gần như mất dấu cho đến gần đây đã được chính quyền, bà con nhân dân và các doanh nghiệp chung tay khôi phục. 

Thăm vườn cam của gia đình chị Nguyễn Thị Hải Yến. Ảnh: Hữu Vinh

Tiếp đến, đoàn văn nghệ sĩ đã về thăm xã Minh Hợp, xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện (năm 2015) cũng là địa phương đang phấn đấu để trở thành xã kiểu mẫu của huyện. Tại đây, các văn nghệ sỹ đã được nghe ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã thông báo tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương. Là một xã miền núi vùng xa, nhưng Minh Hợp lại đẩy mạnh phát triển trồng trọt được nhiều loại cây có giá trị kinh tế như cam, quýt, cao su, cà phê…và phát triển chăn nuôi. Xã có 5 trường học đạt chuẩn Quốc gia, 21/21 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa.

Đặc biệt bà con trong xã đã tình nguyện đóng góp kinh phí và hiến đất xây dựng được 32 km đường giao thông nông thôn. Thu nhập bình quân theo đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/ năm. Tại đây, Đoàn đã đi thăm một số mô hình kinh tế tiêu biểu, được nghe và xem tận mắt quy trình liên kết, sản xuất sản phẩm từ quả cam.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã thông báo tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương. Ảnh: Hữu Vinh

Tại khu công nghiệp nhỏ Thung Khuộc của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp, nơi tập trung hàng chục doanh nghiệp sản xuất đá mỹ nghệ, ước tính đem lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, các văn nghệ sỹ đã được chứng kiến sự sôi động, chuyển mình trong làm kinh tế của bà con các dân tộc huyện Quỳ Hợp. Đoàn cũng đã đến thăm cơ sở sản xuất và gian trưng bày sản phẩm của một doanh nghiệp tiêu biểu- là người khuyết tật nhưng đã vươn lên chiến thắng số phận, làm giàu cho bản thân, cho quê hương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động

Đoàn đến thăm khu công nghiệp sản xuất đá mỹ nghệ của HTX Thung Khuộc. Ảnh: Hữu Vinh
Thăm cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh Nguyễn Công Bằng, vị giám đốc bị khuyết tật bẩm sinh. Ảnh: Hữu Vinh

Đoàn thực tế sáng tác kết thúc chuyến thực tế việc vào ngày 12/10/2019, thời gian còn lại các văn nghệ sĩ sẽ hoàn thiện tác phẩm để nạp về các ban chuyên môn.

P.V