Sáng ngày 21/4/2023, tại thành phố Vinh, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An (VHNT) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Từ Đề cương về văn hóa Việt nam đến lý luận về văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Công Kiên.

Dự hội thảo có: bà Trần Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Bá Hảo – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phòng PA03 – Công an tỉnh.

Về phía Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An có: nhà thơ Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội; PGS.TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà báo Phạm Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam; các ủy viên BCH, trưởng ban chuyên môn, chi hội trưởng, các tác giả có tham luận và hội viên Ban Lý luận phê bình.

Nhà thơ Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội LH VHNT Nghệ An phát biểu khai mạc.

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù ở thời kỳ, giai đoạn nào, Đảng ta cũng luôn chú trọng vai trò của văn hóa, phát huy sức mạnh của văn hóa trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng đất nước.

PGS. TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Hội LH VHNT Nghệ An phát biểu đề dẫn hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, PGS. TS Đinh Trí Dũng nhấn mạnh: trong 80 năm qua, Đảng ta đã vận dụng, bổ sung, phát triển những tư tưởng, quan điểm, nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trên quan điểm Mác-xít và tinh thần biện chứng. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ thị đúng đắn, kịp thời về văn hóa phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, sau ngày đất nước thống nhất 1975, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng đất nước.

Hội thảo đã nhận được 12 ý kiến tham luận tâm huyết, tập trung thảo luận các nội dung: (1) Vai trò quan trọng, ý nghĩa khai sáng, mở đường về văn hóa của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam trong 80 năm qua. (2) Làm rõ sự vận dụng, kế thừa, bổ sung, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng ta trong 80 năm qua nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ và mục tiêu bảo vệ, xây dựng đất nước. (3) Vấn đề vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào việc xây dựng, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, xây dựng con người mang bản sắc xứ Nghệ.

Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, các tác giả tham luận có đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật hiện nay.

Trong tham luận Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam đến những chuyển động và thành tựu của văn nghệ thời kỳ chống Pháp (1945-1954), PGS.TS Đinh Trí Dũng đã nhắc lại những văn kiện của Đảng đã vận dụng, phát triển từ tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam thời kỳ chống Pháp và những đóng góp cụ thể của các văn nghệ sĩ cùng những chuyển động của văn nghệ thời kỳ chống Pháp, chặng đường đầu của đường lối văn nghệ mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đặt ra.

Th.S Nguyễn Đình Anh trình bày tham luận “Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới hội nhập”

Th.S Nguyễn Đình Anh với tham luận “Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới hội nhập”, đã làm rõ giá trị cốt lõi của bản Đề cương; sự vận dụng kế thừa, bổ sung, phát huy giá trị Đề cương vào thực tiễn xây dựng văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước; vận dụng, phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam vào việc xây dựng văn hóa, văn học nghệ thuật mang bản sắc xứ Nghệ.

Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh giới thiệu tóm tắt một số gương mặt tiêu biểu các nhà văn hóa Nghệ An có sự ảnh hưởng tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và thành công qua các công trình tác phẩm của mình, như: Tôn Quang Phiệt, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Phạm Thiều, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Đức Nguyên,… Trong tham luận “Giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bảo tồn và phát huy di sản tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái Nghệ An”, nhà nghiên cứu Sầm Văn Bình đã tổng hợp, đánh giá kết quả giữ gìn chữ viết và những thành tựu của văn học, nghệ thuật mà các dân tộc thiểu số đã đạt được trong 80 năm qua. Nhà văn Vi Tân Hợi mang đến những đánh giá về thành tựu của VHNT các DTTS Nghệ An; thực trạng về đội ngũ những người cầm bút hiện nay thuộc mảng văn học dân tộc và miền núi, từ đó đưa ra 5 kiến nghị với các cấp lãnh đạo và các văn nghệ sĩ nhằm góp phần phát triển VHNT các DTTS Nghệ An…

Nhà văn Vi Tân Hợi trình bày tham luận tại Hội thảo

Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi một số nội dung học thuật liên quan cũng như vấn đề về vai trò, nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, văn hóa Nghệ An hôm nay.

Tin & Ảnh: Trần Hữu Vinh