Sáng 17/6/2022, tại Quỳnh Lưu, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, UBND huyện Quỳnh Lưu, Chi hội VHNT Quỳnh Lưu đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Văn học Quỳnh Lưu đầu thế kỷ XXI.
Dự hội thảo có ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; PGS – TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội, bà Phạm Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam. Về phía huyện Quỳnh Lưu có ông Nguyễn Văn Thưởng – Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Hồ Văn Thanh – Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Quỳnh Lưu. Các nhà khoa học và văn nghệ sĩ.
Đây là hoạt động của UBND tỉnh Nghệ An giao cho Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức hướng tới lễ vinh danh danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam theo khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trong năm 2022.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An nhấn mạnh: lịch sử văn học Trung đại Việt Nam đã ghi dấu ấn sáng tạo văn chương của nhiều nhà nho tài năng quê Quỳnh Lưu như Hồ Sĩ Đống, Phạm Đình Toái, Hồ Phi Huyền, Văn Đức Giai…, đặc biệt là “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương. Chỉ một thời gian nữa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh sẽ long trọng tổ chức vinh danh danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt nam theo Nghị quyết của tổ chức UNESCO. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Quỳnh Lưu cũng đóng góp cho đất nước những tên tuổi lớn như nhà thơ Hoàng Trung Thông, Tú Mỡ, nhà văn Bùi Hiển, Nguyễn Minh Châu, Thái Bá Lợi, nhà nghiên cứu văn học GS – Viện sĩ Phan Cự Đệ…
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 26 bài viết có chất lượng của 17 nhà nghiên cứu phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ. Ban Tổ chức đã lựa chọn 09 tham luận để báo cáo tại hội thảo. Các thạm luận của PGS – TS Đinh Trí Dũng, thạc sỹ Lê Văn Tùng, thạc sỹ Nguyễn Đình Anh, thạc sỹ Cao Thị Anh Tú, thạc sỹ Đoàn Mạnh Tiến, nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, nhà thơ Vân Anh… đã tập trung vào 3 vấn đề chính: thành tựu, đóng góp của các nhà văn Quỳnh Lưu đầu thế kỷ XXI; các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học Quỳnh Lưu đầu thế kỷ XXI; sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống của văn học Quỳnh Lưu hiện nay, phải chăng đã có thể nói đến sự tồn tại của một “Văn phái Quỳnh Lưu”.
Tại Hội thảo, nhà nghiên cứu văn học Lê Văn Tùng đặt vấn đề về văn phái Quỳnh Lưu qua tham luận “Hồ Xuân Hương và văn phái Quỳnh Lưu nhìn từ khuynh hướng đổi mới tư duy nghệ thuật” nhận được nhiều quan tâm. Nhà nghiên cứu Lê Văn Tùng khẳng định: “Giới hạn của bài này không thể khái quát hết những đột phá mới mẻ của nhà văn Quỳnh Lưu từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ này. Điều thu hoạch quan trọng cho chúng tôi là sự nảy sinh ý niệm về một văn phái Quỳnh Lưu. Một văn phái khởi đầu từ nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người đã dám bước sang bên để vượt qua tầm cấp văn chương phải đạo phong kiến chính thống, vượt cả khoảng cách thời gian lịch sử 200 năm với đầy những eo xèo, khen chê ngoại vi văn hóa của văn học để tạo ra cộng hưởng mỹ học và văn hóa với khát vọng đổi mới tư duy nghệ thuật của văn học hiện đại, vượt thoát biên giới của văn học nghệ thuật minh họa để nhà văn, nhà nghệ sĩ thực sự trở thành một chủ thể văn hóa tự do có ý thức đúng với đặc trưng loại hình văn hóa của văn học nghệ thuật”.
Tuy không thể giải quyết tất cả các vấn đề của một đề tài lớn, hơn nữa đề tài đang trong quá trình vận động, cần thời gian kiểm chứng và cần nhiều hơn những đánh giá chuyên sâu, dày dặn của các nhà khoa học nhưng Hội thảo đã bước đầu khái quát được một số vấn đề chung nhất của văn học Quỳnh Lưu đương đại, mở ra những hướng nghiên cứu để các nhà khoa học tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh.
Hữu Vinh