Sáng 11/5, tại tp.Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ – Định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh”.

Các đạibiểu tham dự Hội thảo “Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ – Định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh”.

Tham dự có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL; Đại tá Phạm Văn Hiếu, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tá, PGS.TS Võ Văn Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu IV; ông Hồ Hữu Thới, Phó Chủ tịch, Tổng thư kí Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.Hồ Chí Minh; ông Võ Văn Dũng, UV BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo Sở VH&TT; lãnh đạo các bảo tàng, khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước, cùng các chuyên gia và nhà khoa học. TS. Bùi Đình Long – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Th.S Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, TS. Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cùng chủ trì Hội thảo.

Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Ảnh: Hải Vương

Cách đây 20 năm, Công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được khởi công xây dựng ngày 19/5/2000 nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau 3 năm khẩn trương làm việc, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, toàn bộ các hạng mục công trình chính ở Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 18/5/2003. Tổng thể công trình có diện tích gần 12ha, bao gồm nhiều hạng mục như lễ đài chính, lễ đài phụ, đường hành lễ, sân hành lễ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống đài phun nước,… Nổi bật nhất và là điểm nhấn của Quảng trường là Tượng đài Bác Hồ cao 12m gồm 9 thớt, 32 phiến đá granit Bình Định ghép lại, được đặt trên đế và bệ cao 6m, dựa lưng vào dãy núi Chung (mô phỏng theo ngọn núi Chung ở Kim Liên, Nam Đàn – một di tích lịch sử – văn hóa quốc gia gắn liền với những kỷ niệm thời niên thiếu của Bác Hồ). 20 năm qua, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ giữa lòng “thành phố Đỏ” đã từng bước khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong tâm thức các tầng lớp Nhân dân Nghệ An và cả nước, xứng tầm là một công trình văn hóa – chính trị trọng điểm của tỉnh, ngày càng góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trên quê hương của Người. Bình quân mỗi năm, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đón tiếp và phục vụ khoảng 3,5 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước, tổ chức hướng dẫn cho hơn 1.000 đoàn khách.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nêu rõ: “Hội thảo nhằm khẳng định vai trò, tầm vóc của Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trong chặng đường 20 năm hình thành và phát triển; đánh giá thực tiễn 20 năm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh gắn với công trình Quảng trường và Tượng đài Bác. Đồng thời, đây cũng là một diễn đàn để tỉnh Nghệ An có cơ hội tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, đề xuất ý tưởng, giải pháp khả thi, hiệu quả để gìn giữ, phát huy giá trị công trình, gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cuộc vận động “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay”.

Hội thảo “Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ – Định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh” đã nhận được 36 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, tập trung phân tích, làm rõ 3 nội dung chính: 1. Di sản văn hóa Hồ Chí Minh – những giá trị trường tồn cùng dân tộc và thời đại. 2. Quá trình hình thành, vai trò và thực trạng 20 năm phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. 3. Định hướng, giải pháp phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ với việc lan tỏa di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

GS. TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên viên cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận: Tư tưởng Hồ Chí Minh – Những giá trị bền vững cho muôn đời

Với tham luận Tư tưởng Hồ Chí Minh – Những giá trị bền vững cho muôn đời của GS. TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Trên bình diện tư tưởng lý luận của Hồ Chí Minh giúp chúng ta lĩnh hội để vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn đổi mới, hội nhập đất nước hiện nay từ nhiều cấp độ và sắc thái lịch sử. Đó là TƯ TƯỞNG – ĐẠO ĐỨC VÀ PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH: Tư tưởng lớn ở tầm nhìn chiến lược soi sáng các vấn đề và sự kiện phải giải quyết trong sự nghiệp cách mạng; Đạo đức trong sáng, mẫu mực của Hồ Chí Minh có sức cổ vũ và tạo động lực tinh thần thúc đẩy mọi người, mọi thế hệ noi theo, làm theo; Phong cách đặc sắc của Hồ Chí Minh, nổi bật các chuẩn giá trị giản dị và chân thành – khiêm tốn và dân chủ – vị tha – nhân ái và bao dung có sức cảm hóa muôn người, làm nên chân dung một nhân cách vĩ đại, cao thượng, định hình và kết tinh các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh.

Ông Hồ Hữu Thới, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Nghệ An, PCT, Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trình bày tham luận: Kỷ niệm 20 năm Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vinh

Tham luận Kỷ niệm 20 năm Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (2003-2023) của ông Hồ Hữu Thới, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Nghệ An, PCT, Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định: Sau 20 năm khánh thành đưa vào hoạt động, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã để lại cho chúng ta 5 dấu ấn tốt đẹp: 1. Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là một công trình văn hóa lớn của Nghệ An cũng như cả nước, không thể thiếu trong lòng mỗi người dân xứ Nghệ cũng như cán bộ và Nhân dân một số vùng, miền trong cả nước; 2. Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã mang lại niềm tự hào cho Nhân dân xứ Nghệ cũng như Nhân dân cả nước về Bác Hồ kính yêu; 3. Bác Hồ chỉ về thăm quê hai lần (lần thứ nhất: 1957; lần thứ hai: 1961) nhưng Tượng đài Bác Hồ được xây dựng tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An mang chủ đề “Bác Hồ với quê hương Nghệ An”, nên trong lòng mỗi người dân xứ Nghệ như luôn thấy Bác đang về với quê hương; 4. Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là một công trình văn hóa lớn của Nghệ An, gắn bó với các hoạt động chính trị, văn hóa lớn của tỉnh, của các ngành cấp tỉnh và thành phố Vinh, đã để lại trong lòng Nhân dân nhiều kỉ niệm khó quên; 5. Công trình văn hóa lớn Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An không những gắn bó với Nhân dân xứ Nghệ và Nhân dân cả nước trong 20 năm qua mà còn gắn bó lâu dài, vì đây là một công trình văn hóa quan trọng của mọi người dân.

TS.Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo

Là một trong những nhân chứng tham gia vào quá trình tổ chức, triển khai và hoàn thiện công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, TS.Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ: “Bây giờ mỗi lần về quê, đi qua Quảng trường, thấy Tượng Bác lúc nào cũng có hoa tươi. Buổi tối có hàng trăm, hàng ngàn người dân quây quần bên Bác để ngắm Bác, hóng mát, dạo chơi, đi bộ, thể thao, thể dục,.. Trong lòng tôi rạo rực niềm vui khi mình và các đồng nghiệp cùng thời đã làm được một việc có ích cho dân, góp công xây dưng nên một công trình văn hóa trở thành di sản quý giá, biểu tượng thiêng liêng lưu lại cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là một dấu ấn sâu đậm, một kỉ niệm đẹp của tôi thời công tác ở quê nhà”.

Ông Bùi Đình Long, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học đề xuất tại Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, ông Bùi Đình Long, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học đề xuất tại Hội thảo. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý 5 định hướng, giải pháp cơ bản để Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị trong tương lai, đó là: Thứ nhất: nhân tố con người là yếu tố hàng đầu. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Quan tâm khai thác nguồn nhân lực từ cộng đồng, xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Thứ hai: nâng cao chất lượng các cuộc trưng bày triển lãm, các chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật tại Quảng trường để lan tỏa các giá trị. Thứ ba: gắn kết hoạt động du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Thứ tư: đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm cho người dân, đối tượng chú trọng là học sinh, sinh viên. Thứ năm: tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị liên quan để bảo vệ và phát huy giá trị công trình. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao, Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tiếp tục nghiên cứu những giải pháp được nêu trên để Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trở thành một điểm đến hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Kiều Nga