Sáng 25.12, tại thị xã Cửa Lò, diễn ra Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong nước và quốc tế trực tiếp tại Nghệ An và trên các nền tảng trực tuyến. Do điều kiện dịch Covid -19, Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò –  một trung tâm du lịch lớn của Nghệ An; đồng thời kết nối trực tuyến với 19 điểm cầu tại các tỉnh trọng điểm về du lịch trong cả nước, phát trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến. Hội thảo diễn ra trong thời gian 1 ngày gồm 2 phiên: Chuyên đề và toàn thể.

Khai mạc Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển”

Hội thảo Du lịch 2021 được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có nhiều tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trong đó, du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.

Các đại biểu dự hội thảo

Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 đang dần được kiểm soát, ngành Du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Với gần 100 tham luận, hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn hiện nay. Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban tổ chức trình bày nội dung về định hướng giải pháp phục hồi, phát triển du lịch

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sẽ được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian tới.

Đồng thời, thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trên thế giới, các địa phương, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và lan tỏa, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam diễn ra nhanh, bền vững hơn.

Tại phiên chuyên đề , Hội thảo nghe đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi về định hướng giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; lãnh đạo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới thông tin về xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch.

Đại diện của các doanh nghiệp du lịch và một số tỉnh, thành trong nước cũng sẽ phát biểu tham luận. Tiếp đó, dưới sự điều hành của chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành, hội thảo sẽ tiến hành thảo luận bàn tròn. Ông Nguyễn Sỹ Dũng –  chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh thông qua các ý kiến đều thống nhất nhận định du lịch có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế nước ta, giúp bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên.

Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đọc tham luận

Tiếp tục phiên toàn thể, chiều 25/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Phiên họp. Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); hàng trăm chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước; lãnh đạo một số địa phương trong cả nước…

Ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để hội thảo đạt được kết quả cao nhất. Trong đó cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành Du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

ÔngThái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu chào mừng hội thảo

Tổng kết Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Để chuẩn bị cho Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã tổ chức 5 buổi làm việc, tọa đàm với các chuyên gia để xin ý kiến về chủ đề và các nội dung của Hội thảo; tổ chức 2 cuộc khảo sát trực tiếp tại một số địa bàn trọng điểm về du lịch.

Trong một ngày diễn ra hội thảo, các ý kiến phát biểu đều khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, là công cụ góp phần giảm tụt hậu, giảm chênh lệch giàu nghèo, đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia; tạo việc làm và cải thiện cuộc sống người dân; bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoàng Nguyên