Họ là những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa. Dù đạn bom không nản chí, dù khó khăn không sờn lòng, vì tiếng gọi tha thiết của quân dân khắp mọi miền quê tỉnh nhà, vì niềm mong mỏi được xem phim – một món quà tinh thần rất quý, hiếm trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và cả khi thống nhất đất nước nhưng chúng ta vẫn đang duy trì cơ chế bao cấp, những chiến sỹ ngành điện ảnh Nghệ An đã cần mẫn đưa từng thước phim đến từng công sự, từng trận địa, từng bản làng, thôn xóm trình chiếu, phục vụ bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngành điện ảnh Việt Nam và 65 năm hoạt động điện ảnh Nghệ An, Tạp chí Sông Lam  gửi tới bạn đọc bài ký của nhà báo Hữu Vinh ghi chép từ những hồi ức của nhà phê bình điện ảnh Lê Lân-  cựu cán bộ ngành điện ảnh Nghệ An, những mong giúp bạn đọc hình dung và cảm nhận về một giai đoạn thật khó khăn nhưng cũng thật đẹp bởi ấm áp “tình người” trong hoạt động điện ảnh tỉnh nhà.

Đồng thời, đăng tải tác phẩm “Bài ca anh chiếu bóng” một bài thơ biểu lộ tình cảm chân chất của một cựu “chiến sỹ chiếu bóng” khác là nhà thơ Vũ Ba Lan.

Một điều thật ý nghĩa là hai cựu chiến sỹ chiếu bóng này đều là Hội viên Hội LH Văn học Nghệ thuật Nghệ An.

Chúng tôi đến gặp nhà phê bình điện ảnh Lê Lân, một trong số ít người viết phê bình điện ảnh ở Nghệ An, ông từng tốt nghiệp Khoa Lý luận Phê bình Điện ảnh – Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Lê Lân có thời gian dài phục vụ trong ngành điện ảnh Nghệ An cả với tư cách nhân viên và sau này là Giám đốc Công ty Điện ảnh Nghệ An. Ông am hiểu lịch sử điện ảnh tỉnh nhà, từng viết nhiều cuốn sách về lý luận, phê bình điện ảnh và những bài viết về lịch sử hoạt động điện ảnh Nghệ An.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Lân.

Tôi gặp Lê Lân sau khi ông trở về từ buổi lễ kỉ niệm 70 năm ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam và 65 năm ngày Hoạt động điện ảnh Nghệ An. Ông chia sẻ, buổi gặp mặt tuy đơn giản nhưng ý nghĩa, đồng nghiệp gặp nhau xúc động lắm, tíu tít ôn lại một thời vàng son của ngành, cũng là những năm gian khó nhất của hoạt động điện ảnh Nghệ An và đáng nhớ trong đời công tác của mỗi người.

Là người trong cuộc và một thời gian dài được chứng kiến nhiều thay đổi của đời sống điện ảnh trong tỉnh và trong nước, Lê Lân hào hứng kể về một thời mình và các đồng nghiệp đã trải qua để đem đến cho bà con khắp mọi miền trong tỉnh Nghệ Tĩnh những thước phim quý, một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Ông nhớ rằng, năm 1956, Ty Văn hóa Nghệ An thành lập Phòng nghiệp vụ chiếu bóng do ông Nguyễn Xuân Lịch làm Trưởng phòng. Hai năm sau, Ủy ban Hành chính Nghệ An ra Quyết định số 58/ QĐ-UB ngày 10/4/1958 thành lập Quốc doanh Chiếu bóng Nghệ An do ông Nguyễn Sinh Hiểu làm Chủ nhiệm. Hoạt động điện ảnh Nghệ An chính thức bắt đầu ra đời từ năm 1958.

Cán bộ nhân viên ngành Điện ảnh Nghệ An qua các thời kỳ. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Quốc doanh Chiếu bóng Nghệ An bấy giờ có 11 đơn vị, gồm 02 rạp, 09 đội lưu động. Đến năm 1965 phát triển lên đến 30 đơn vị. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, anh chị em công nhân chiếu bóng đã dũng cảm, kiên trì cõng máy, cõng phim đến những vùng trọng điểm ác liệt nhất để phục vụ bộ đội và Nhân dân. Những nơi đặt máy chiếu có thể là các trận địa pháo cao xạ, hầm địa đạo, dưới những vòm cây cổ thụ hoặc trong các nhà kho.

Những bộ phim mà Quốc doanh Điện ảnh giới thiệu đến bà con là những bộ phim chiến tranh cách mạng, phim tài liệu về cuộc sống lao động, chiến đấu của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ… Những đợt chiếu phim với chủ đề “Học và làm theo phim ảnh” của Quốc doanh Chiếu bóng Nghệ An đã trở thành kinh nghiệm điển hình cho hoạt động chiếu bóng cả nước học tập. Để hoạt động chiếu bóng đến được với mọi tầng lớp nhân dân và trên mọi địa bàn, thời gian này, Nghệ An đã lập ra các đội chiếu bóng xung kích, đội ba đảm đang… từ hiệu quả hoạt động, nhiều đơn vị chiếu bóng được công nhận là tổ, đội Lao động XHCN trong nhiều năm như Rạp 12/9, Đội 109, Đội 110, Đội 131, Đội 354…

Nói đến hoạt động điện ảnh Nghệ An là nói đến Đội 109 Diễn Châu, đây là đơn vị nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành; Đội trưởng Trần Văn Giảng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1973 với nhiều thành tích trong hoạt động điện ảnh phục vụ Nhân dân và bộ đội.

Trần Văn Giảng  sinh năm 1936, quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được biên chế vào Đoàn chiếu bóng 22, phục vụ trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1958, quân số của Đoàn 22 được chia cho các đơn vị của Quốc doanh Chiếu bóng Nghệ An. Trần Văn Giảng được cử đi học lớp sơ cấp kĩ thuật chiếu phim ở Hà Nội do các chuyên gia Liên Xô đào tạo. Học xong, ông được điều về làm Đội trưởng Đội 109 Diễn Châu. Trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, các đơn vị chiếu bóng phải thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với thời chiến để phục vụ bộ đội và Nhân dân. Có thời điểm máy bay địch bắn phá quá ác liệt, các đội chiếu bóng được lệnh sơ tán về các vùng nông thôn hẻo lánh đảm bảo an toàn, nhưng Đội 109 của Trần Văn Giảng vẫn kiên trì bám trụ địa bàn. Đội 109 chiếu bóng một cách an toàn dưới mưa bom bão đạn ở các trọng điểm máy bay địch đánh phá như Ga Sy, Cầu Cấm, Ngã ba Yên Lý…

Ngoài việc ngụy trang, Giảng đã có sáng kiến dùng khoảng 40m vải xanh hoặc đen che luồng ánh sáng phát ra từ buồng máy chiếu đến màn ảnh vào ban đêm; dùng bảng giấy tráng kim tuyến hướng lên trời vào ban ngày nhằm gây nhiễu, tránh máy bay địch phát hiện đánh phá. Đây là thời kỳ đất nước gặp vô vàn khó khăn thiếu thốn, thời mà người ta  thường nói “quý xăng như máu” Giảng đã cùng một cán bộ kĩ thuật khác là anh Ngô Phi Huống nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị chèn xích lơ phụ trong bộ chế hòa khí máy nổ 4 tầm của Liên Xô, làm giảm 1/3 lượng xăng dầu trong mỗi buổi chiếu. Những sáng kiến của anh nhanh chóng được áp dụng cho các đội chiếu bóng lưu động trong tỉnh rồi được phổ biến cho toàn ngành trong cả nước.

Cùng với hoạt động chiếu phim, Đội 109 của Trần Văn Giảng còn tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt tổ điện ảnh cơ sở để hướng dẫn thị hiếu người xem, phát huy tác dụng của phong trào “Học và làm theo phim”.

Với những thành tích nổi bật, năm 1972, Trần Văn Giảng được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm phụ trách kĩ thuật của Quốc doanh Chiếu bóng Nghệ An. Ngày 03/9/1973, Trần Văn Giảng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cuộc sống của Nhân dân ta muôn vàn khó khăn, vất vả, cả những hy sinh gian khổ, đời sống tinh thần rất thiếu thốn nên mỗi thước phim luôn được Nhân dân háo hức đón đợi. Các đội chiếu bóng lưu động đã hòa cùng đời sống chiến đấu của bộ đội và Nhân dân, đem đến cho họ những niềm vui quý giá và làm vơi đi những gian khổ hy sinh của đời sống thường nhật.

Sau ngày thống nhất đất nước, hoạt động chiếu bóng ở Nghệ An thuận lợi hơn. Vào những năm 1976 – 1980, sau khi sáp nhập tỉnh, Công ty Điện ảnh Nghệ Tĩnh có một lực lượng hùng hậu với 86 đơn vị, gồm 22 rạp và 66 đội, gần 800 người. Đây là thời kỳ hoàng kim của hoạt động điện ảnh Nghệ Tĩnh nói chung, Nghệ An nói riêng.

Sang thời kỳ đổi mới, nhu cầu xem phim của bà con khắp nơi trong tỉnh vẫn lên cao, mặc dù rất cố gắng, nhưng cán bộ nhân viên ngành hoạt động điện ảnh Nghệ An khó lòng đáp ứng được nhu cầu xem phim của bà con. Năm 1997, đúng vào dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, bộ phim truyện nhựa “Ngã ba Đồng Lộc” ra đời và bắt đầu được công chiếu. Buổi ra mắt đầu tiên là khi Hãng phim truyện Việt Nam đưa vào giới thiệu để cảm ơn Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã giúp đỡ hoàn thành bộ phim. Lịch chiếu được bố trí vào ngày 24/7 tại Rạp 26/3, thị xã Hà Tĩnh và vào tối 25/7 tại Rạp 12/9, thành phố Vinh. Khi buổi chiếu tại thị xã Hà Tĩnh kết thúc thì Nhân dân xã Đồng Lộc huyện Can Lộc hay tin đã cử cán bộ đến đề nghị phim được chiếu vào tối 25/7 tại khu Tượng đài Ngã ba Đồng Lộc cho Nhân dân địa phương xem. Trong lúc ấy, giấy mời ở Rạp 12/9 đã phát, không thể trì hoãn được nữa. Trước sự tha thiết quá mức của người dân Đồng Lộc, Đội chiếu phim đã không quản khó khăn vất vả thực hiện phương án “chiếu chạy, xoay vòng”, trong một đêm chiếu hai địa điểm, giờ chiếu giữa 02 điểm cách nhau khoảng 30 phút.

Ngặt nỗi, khoảng cách từ Đồng Lộc đến Vinh cách nhau khoảng 30km, đường xá đi lại rất khó khăn. Bằng sự cố gắng, cán bộ chiếu bóng phải dùng xe máy luân phiên vận chuyển phim để kịp thời từ cuốn 01 cho đến cuốn 10 trong đêm. Rạp 12/9 hôm ấy chật cứng người, có nhiều cựu thanh niên xung phong cách xa hàng chục cây số cũng đạp xe đến xem, gần 12 giờ đêm buổi chiếu mới kết thúc. Khán giả vây kín đoàn phim và các nghệ sĩ hỏi han chia sẻ rất xúc động. Điểm Ngã ba Đồng Lộc cũng đông nghịt bà con tới xem. Dù rất mệt nhưng cả đội chiếu bóng ai cũng hồ hởi trong lòng, vì cùng lúc đã giúp Nhân dân ở cả hai địa phương được thỏa lòng đón chờ xem phim.

Thời ấy, mỗi đội chiếu bóng phụ trách một vùng, mỗi vùng có một văn phòng nhỏ để anh em bàn bạc trao đổi công việc, còn khi chiếu phim thì về thôn bản ở chung với bà con. Vùng nào cán bộ các đội chiếu bóng cũng được Nhân dân yêu quý xem như người nhà.

Từ năm 2013, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh, Trung tâm Điện ảnh Nghệ An chuyển thành Công ty Cổ phần Điện ảnh 12/9. Công ty đã xây dựng Trung tâm Điện ảnh đa chức năng với trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, giới thiệu tới công chúng những bộ phim mới nhất của Việt Nam và thế giới. Hoạt động điện ảnh Nghệ An bước sang thời kỳ mới với nhiều thuận lợi và không ít thách thức.

Lịch sử 65 năm của hoạt động điện ảnh Nghệ An trải qua nhiều thăng trầm nhưng trên hết vẫn là niềm vui, niềm tự hào của cán bộ nhân viên ngành điện ảnh khi ôn lại những năm tháng xa xưa. Nhớ lại những ngày đầu thành lập với bao gian nan thử thách để chúng ta hiểu hơn công việc của những người đã vượt qua bom đạn, chịu nhiều vất vả, khó khăn và cả những hiểm nguy đến tính mạng lặng lẽ đưa những thước phim hay đến muôn nẻo vùng quê của tỉnh nhà.

Những hy sinh thầm lặng của đội ngũ chiến sĩ trên mặt trận văn hóa ấy mãi được khắc ghi trong lòng Nhân dân, trong dòng chảy lich sử quê nhà.

Hữu Vinh

Bài viết liên quan: Bài ca anh chiếu bóng