Sau hơn 10 năm lặng lẽ giấu đi những đam mê, họa sĩ Hoàng Sơn Tú lại trở về với công việc mà anh yêu thích hơn bất cứ thứ gì khác trên đời: vẽ. Giờ đây Tú được tiếp tục những điều đang dang dở, được trở lại với nơi mình vốn thuộc về.
Sinh năm 1983 tại Sơn Tây (Hà Nội) trong một gia đình không ai làm nghệ thuật, họa sĩ Hoàng Sơn Tú thích vẽ, thích nặn tượng từ nhỏ. Năm 2002, Tú đỗ vào trường Mỹ thuật Công nghiệp, năm 2004, thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khoa Hội họa. Ra trường năm 2009, sau đó từ năm 2013 đến 2016 Tú học thạc sĩ cũng tại ngôi trường này.
Triển lãm cá nhân đầu tiên của Tú được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2010 mang tên “Thời gian”. Cuộc triển lãm đã ít nhiều gây được ấn tượng tốt trong giới hội họa, với những bức tranh sơn dầu đẹp mắt vẽ những góc phố, những nhịp cầu cũ kĩ…, những thứ vẫn đang hiện hữu giữa phố phường Hà Nội nhưng đã hằn lên vết tàn phai. “Tôi luôn nhìn mọi thứ xung quanh dưới con mắt của thời gian. Rồi cũng đến lúc tất cả cũ nát và mất đi, nhưng với tôi, Hà Nội của những tháng năm xưa cũ luôn mang một vẻ đẹp và tôi nhìn thấy sự diễm lệ của cả những thứ đang đổ nát hoang phế”, họa sĩ Hoàng Sơn Tú tâm sự.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp cao học, Tú dành một khoảng thời gian khá dài để làm nghề thiết kế nội thất bởi không còn đơn giản là chỉ thích vẽ như ngày nhỏ. Giờ đây Tú hiểu làm nghệ sĩ là phải đánh đổi rất nhiều và phải chống chọi với vô vàn gian khó. Gần như không sáng tác, thời gian này giống như một khoảng lặng trong sự nghiệp hội họa của Tú, khi mà người họa sĩ cho phép mình được lùi một khoảng cách đủ xa để hiểu hơn về nghề và đặc biệt là hiểu hơn về nỗi khao khát vẽ trong mình. Song Tú vẫn thuê hai căn xưởng, một là chỗ hội tụ của bạn bè làm thiết kế nội thất, một là để cho riêng mình. Mỗi khi rảnh việc, Tú lại đến đó, một mình, ngắm những bức tranh trước đây đã vẽ, sửa lại một chút hình, chỉnh lại gam màu, quệt thêm một vệt, làm phác thảo hoặc đôi khi chỉ đến để nghe nhạc. Chẳng quá nhiều thời gian cho những lần một mình đến xưởng riêng ấy, nhưng mỗi lúc như vậy, Tú cảm thấy được là chính mình. Cái cảm giác mà buộc phải là một người đam mê song chưa thể dấn thân cho hội họa thì mới thấm thía được.
Những ngày đến xưởng vẽ, chẳng làm gì ngoài nghe nhạc, cũng buồn lắm. Thấy những bức tranh dường như đang đối thoại với chính mình bằng sự im lặng kiên nhẫn của chúng. Những mảng màu in dấu vết thời gian nay như càng cũ kĩ hơn. Rồi đôi lúc Tú cũng thấy đời mình đã cũ, cũ với những mưu sinh, với những công việc buộc phải làm, những trách nhiệm buộc phải gánh vác. Và người họa sĩ hiểu, chỉ có một cách duy nhất khiến mình được mới mẻ, đó là sáng tạo nghệ thuật. Thực ra ý nghĩ ấy đã luôn ở trong tâm trí Tú, chỉ có điều quãng thời gian nào đó nó được giấu đi để nhường cho những thứ thiết thực hơn. Nhưng nó luôn ở đó, đợi chờ Tú với một khao khát ngày càng trở nên mạnh mẽ. Cho đến lúc này, khi không ít năm đã trôi qua, Tú biết rằng đã đến lúc nó phải cháy lên thành ngọn lửa lớn…
Vậy là Hoàng Sơn Tú lại cầm cọ. Người họa sĩ hiểu đã tới lúc mình phải quên đi nhiều thứ khác để trở lại với thế giới của sắc màu. Chỉ trong thế giới này, Tú mới được trọn vẹn là chính mình. Chỉ trong thế giới này, Tú mới cảm thấy được thực sự tự do bởi sự sáng tạo của nó là không biên giới. Luôn luôn nó mở ra những chân trời mới, và dẫn dụ con người đến những vùng đất diệu kì mà trước đây họ không hề biết đến. Ngay cả khi vẽ về những nhịp cầu Long Biên cũ kĩ, thì Tú cũng nhận ra rằng, phía sau lớp màu ghi xám hay xanh lam kia, bức tranh do chính mình sáng tạo ra giờ đây cũng mang một đời sống độc lập khác, nó không chỉ là sự thị chứng lịch sử, nó còn tự mở ra những lớp lang mới của quá khứ, tức những điều Tú chưa từng nhìn thấy, chưa từng thị giác. Tất cả những sự mới mẻ đó chỉ có thể có được nhờ hội họa. Và điều ấy khiến Tú hân hoan…
Quay lại với toan và cọ, Tú trở nên háo hức hơn bao giờ hết. Như thể chưa từng có những tháng năm rời xa nó. Như thể bấy lâu nay, thuê xưởng, lặng lẽ đến nghe nhạc, cũng là một cách để vẽ, để trọn vẹn hơn với đam mê. Không hiểu sao Tú rất thích đưa vào tranh màu xanh lam. Phần lớn những bức tranh, dù vẽ chân dung người dân tộc thiểu số, vẽ phố ven sông hay vẽ những thanh ray đường sắt trên cầu Long Biên, một nhịp cầu hoen gỉ…, thì bức tranh cũng luôn được kết thúc bằng màu lam. Cái màu dìu dịu xao xuyến, vừa gợi được vết dấu của thời gian vừa diễn tả được cái xao động lòng người. Đôi khi Tú cũng tìm đến nó để khơi gợi cho những ý tưởng mới.
Và giờ đây, khi đến xưởng vẽ của mình, Tú không còn buồn như những lần trước đây đến nghe nhạc nữa. Mở cửa ra, không còn là tiếng nhạc từ chiếc radio cũ vẫn nghe bấy lâu, mà là thứ âm nhạc khác. Thứ âm nhạc nhảy nhót từ những bức tranh, những tuýp sơn dầu chưa khô, những chiếc toan lót nền đợi sẵn. Thứ âm nhạc mà đôi khi Tú tưởng như phải chờ đợi cả đời để có được nó. Và rồi Tú ngồi xuống bên giá vẽ, quệt lên tấm toan trắng một vệt màu xanh lam…
Thái Ba – Tiêu Đăng