Hoài Thanh – người có một sự nghiệp phê bình văn học từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Hơn thế, cùng với Thiếu Sơn – tác giả Phê bình và Cảo luận (1933), Hoài Thanh còn là người khai mở nền phê bình văn học Việt Nam hiện đại.

Trong ngót mười lăm năm làm công việc phê bình, và cả lý luận (mặc dầu ông không ưa hai chữ lý luận, và cũng có lúc hiểu sai hoặc nói oan về nó; mặc dầu cũng cứ phải tham gia vào một cuộc tranh luận), ngoài các bài đăng trên nhiều báo, ông đã cho in hai cuốn sách. Hai cuốn sách trong hơn mười năm hoạt động, ở tuổi trong ngoài ba mươi kể cũng là đáng nói đối với hoạt động phê bình trong buổi đầu hình thành. Tức là ở vào thời kỳ phê bình tự khu biệt và tách biệt với hoạt động sáng tác để thành một bộ môn riêng với đối tượng, chức năng và đặc trưng của nó – hoạt động mà từ những năm hai mươi trở về trước còn chưa có tư cách độc lập, còn lẫn vào trong sáng tác, còn chưa có người chuyên trách. Hai cuốn sách – đó là một kết quả rất đáng kể, nhưng đáng kể hơn là số phận của nó. Một là cuốn Văn chương và hành động in năm 1936, nghiêng về lý luận (cố nhiên là theo kiểu Hoài Thanh) bị chính quyền thực dân tịch thu; và thứ hai là Thi nhân Việt Nam, in năm 1942, nghiêng về phê bình, rồi trở thành mối băn khoăn suốt đời của ông.

Thuộc trong số những tiểu luận về văn chương và phê bình văn chương Hoài Thanh viết đầu tiên đăng trên báo là bài Thơ mới (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 31; 29/12/1934)(1); vậy là mối quan tâm đến Thơ mới trở thành sự mở đầu sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh – mối quan tâm có lịch sử dài ngót tám năm, tính từ tiểu luận Thơ mới đến hợp tuyển Thi nhân Việt Nam. Ở bài viết vào cuối năm 1934 này, Hoài Thanh đã nói đến những khởi động quan trọng rồi sẽ phát triển thành một phong trào thơ, một cuộc cách mạng trong thơ, một thời đại của thi ca. Ông đã đứng trên lập trường ủng hộ nó, rồi ca ngợi nó, dẫu Thơ mới lúc này còn đang trên đường hình thành giữa một biển thơ cũ, và cố nhiên số người phản đối nó hẳn là một lực lượng áp đảo. Ông viết: “Các ông trong làng thơ cũ thường hay có ác cảm với thơ mới, đó là lẽ tất nhiên. Họ lại còn nói xấu nữa”… “Mấy anh trẻ con không có Nho học, không biết niêm luật thơ ca là thế nào cũng muốn kiếm một chỗ ngồi giữa đình làng thơ, nên phải bày ra lối thơ mới. Điều này quả là một điều vu oan” (2). Trong một buổi giao thời, giáp ranh cũ mới, khi cái mới chưa hiện ra sừng sững và ồ ạt như sẽ diễn ra vài năm sau, phải nói Hoài Thanh đã làm được việc tiên đoán đầy tài năng và dũng cảm.

Từ đây mối quan tâm của Hoài Thanh là tập trung vào công việc phê bình. Có lẽ những chuẩn bị cho Thi nhân Việt Nam trong 8 năm sau đã được bắt đầu từ đây, khi nghe ông và Hoài Chân nói, các ông “đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở”. Phải nói là, ở Hoài Thanh, người không muốn ai gọi là nhà phê bình lại làm chính cái việc không thể gọi gì khác ngoài phê bình. Người ngại lý luận, lại phải làm từ rất sớm công việc lý luận. Một bài viết cũng được đăng từ rất sớm của ông, ngay sau bài Thơ mới là bài Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật; tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 35; 26/1/1935). Trong sự nghiệp viết của Hoài Thanh, bài này theo tôi nghĩ có giá trị một tuyên ngôn. Một tuyên ngôn không chỉ phù hợp với sự nghiệp viết của ông trước năm 1945 mà cũng có sức chi phối rất cơ bản sự nghiệp viết của ông sau năm 1945. Một tuyên ngôn rồi ông cũng có lúc tự điều chỉnh cho rộng rãi hơn, và cho thích hợp hơn với những chuyển biến và đòi hỏi của thời cuộc. Nhưng trong thực tiễn áp dụng vào nghề nghiệp lại thấy ông chẳng thay đổi bao nhiêu cái định hướng đã được khởi động và xác định từ lâu. Đó là, trong phê bình, gồm phê và bình, ông chỉ bình chứ không phê. “Bình thì còn được. Nhưng phê? Sao lại phê?”(3). “Một đời làm văn cha chỉ tìm cái hay cái đẹp để bình. Đó là điều ham muốn của cha”(4). Bình có nghĩa là khen. Và khen tức là sự đi tìm và xác định cái hay trong văn chương. Bởi, nói như ông, với văn chương, để được gọi là văn chương, cái hay mới là cái đáng giá, còn cái dở, cái nhàm thì “không tiêu biểu gì hết”(5). Ở bài tiểu luận có ý nghĩa tuyên ngôn này Hoài Thanh đã viết cái điều rồi ông sẽ thực hiện và trung thành với nó trong suốt đời văn của mình: “Cái khó của nhà phê bình là vừa phải xem nhiều, biết nhiều để so sánh các tác phẩm với nhau. Vừa phải giữ tâm hồn trẻ trung, không thành kiến, không thiên vị, để nhận thấy mọi cái hay, cái đẹp, dẫu những cái hay, cái đẹp ấy trái với phép tắc, khuôn khổ xưa nay”(6).

Chan dung nhà phê bình Hoài Thanh và một số tác phẩm của ông

Bài Tìm cái đẹp…, Hoài Thanh viết vào tháng 1/1935, khi mới bước đầu vào nghề phê bình. Cuộc sống với bao là sôi nổi và chuyển động của nó, cùng những trải nghiệm riêng rồi sẽ cho ông thấy biết bao là phức tạp, là phiền muộn so với các ý tưởng và mong muốn. Có thể nói những áp lực của thời cuộc là khủng khiếp khiến sự cưỡng lại của cá nhân là không dễ, hoặc không thể được. Chẳng phải chờ lâu, một cuộc tranh luận đã kéo ông vào cuộc. Đó là cuộc tranh luận mà ông rồi bị đẩy vào một phía. Cuộc tranh luận buộc ông phải thành nhà lý luận, hơn thế, là chủ tướng cho một chủ thuyết – chủ thuyết “Văn chương là văn chương”, nó là sự triển khai chính cái lý thuyết mà ông đã nêu trong bài viết đầu năm 1935. Cái lý thuyết được chia thành hai vế, một cho nghệ thuật và một cho phê bình. Nhưng để gộp lại cho gọn – đó là lý thuyết về cái đẹp, mục tiêu của nghệ thuật và phê bình nghệ thuật là đi tìm cái đẹp. Và cố nhiên, theo logic phân tích của những người thuộc phái vị nhân sinh đương thời – đó là cốt lõi của quan niệm “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, đi ngược lại lợi ích của bình dân, cũng là đi ngược với tiến hóa của lịch sử.

Văn chương là văn chương – ấy là một quan niệm, hơn thế, một tuyên ngôn được Hoài Thanh nhắc nhở nhiều lần. Quan niệm ấy ở Hoài Thanh tiếp tục được triển khai trong cuộc tranh luận nghệ thuật diễn ra giữa ông với Hải Triều và Phan Văn Hùm ngay vào nửa sau năm 1935. Tức là nửa năm sau bài Tìm cái đẹp… Cũng cùng một tiêu đề: Văn chương là văn chương, ông dùng chung cho hai bài, bài trước là sự trình bày với Hải Triều trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 62 (Tràng An, số 48, ngày 13/8/1935); bài sau là dấn vào một cuộc tranh luận, với Hải Triều và Phan Văn Hùm trên Tin văn (Tràng An, số 62, ngày 1/10/1935). Ở cả hai bài, Hoài Thanh đã triển khai gần như toàn bộ những quan niệm cơ bản của mình về văn chương – nghệ thuật: “Văn chương muốn gì thì gì trước hết cũng phải là văn chương cái đã”… “Có điều chắc chắn là trong khi thưởng thức một tác phẩm của nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chú ý đến cái đẹp trước khi chú ý đến những tính cách phụ, những hình thức tạm thời của nó”.

Soi tìm cái đẹp như một giá trị thuần nhất và tối cao, Hoài Thanh đã tuyệt đối hóa và cô lập nó ra khỏi các giá trị khác: “Tùy theo sở thích của mình nhà văn muốn lấy tài liệu ở đâu cũng được, miễn là làm thế nào tạo nên cái đẹp, trao mỹ cảm cho người xem, thì thôi. Cho nên đôi khi vì tình cờ một tác phẩm văn nghệ có thể ảnh hưởng đến chính trị, tôn giáo, đạo đức, nhưng đó chỉ là sự tình cờ, và nói cho đúng ra, nếu xét về phương diện ấy, tác phẩm văn nghệ không còn giữ cái bản chất thuần túy của nó nữa”.

Sự chia tách và tuyệt đối hóa này, để chỉ thu gom, nhìn nhận và xác nhận giá trị văn chương nơi một tác phẩm – đó chính là hệ quả của một cách nhìn, một quan niệm siêu hình ở Hoài Thanh. Bởi làm sao mà có sự chia tách đó, và làm sao mà chia tách được, khi văn chương vừa là sự phản ánh xã hội, và càng là tác phẩm hay thì sự phản ánh càng thực càng sâu; lại vừa là sản phẩm của một chủ thể sáng tạo, cùng sống trong một cộng đồng xã hội. Và, ảnh hưởng của văn chương đối với xã hội, đâu có là một sự tình cờ, dẫu người viết muốn đứng ra ngoài hoặc quay lưng với xã hội. Gắn trực tiếp với chính trị, luân lý, đạo đức, xã hội là một thái độ. Và xa rời nó, trốn tránh nó, không muốn dính dáng gì với nó, cũng là một thái độ. Con người – kể cả nhà văn sống trong xã hội phải chịu sự ràng buộc của xã hội – đó là lẽ tự nhiên, dẫu muốn hay không. Cái quyết định luận này Hoài Thanh muốn không công nhận nó để giữ cho được sự độc lập tinh thần của nhà văn, để giữ cho được giá trị thiêng liêng của văn chương mà không phải dấp dính gì với các giá trị khác, quả là không dễ, và thật ra là không thể thực hiện được, ở bất cứ xã hội nào.

Nhưng đây là xã hội thuộc địa. Cái xã hội mà trong đời, Hoài Thanh phải đối mặt; và trong sự nghiệp phê bình, Hoài Thanh cũng từng nhiều lúc phải phô bày bộ mặt thực với những tối tăm, ngang trái của nó. Như vậy, nỗi khổ của người lao động và sự sỉ nhục của một dân tộc mất nước cũng là đối tượng ông từng có lúc nói đến với một nỗi bất bình và xót xa, trong nhiều dịp. Hãy nghe ông viết trong bài Cần phải hành động – in trong cuốn Văn chương và hành động, nhà xuất bản Phương Đông ấn hành năm 1936, bị chính quyền thực dân tịch thu: “Chúng tôi không muốn dài dòng mô tả cái tủi nhục của dân mình, cảnh cùng khốn của người mình. Chúng tôi chẳng vui gì nhắc lại ở đây những điều đau lòng ấy. Vả chăng nhắc lại mà làm gì? Sự thực ở trước mắt bạn, ở xung quanh bạn – nếu không phải ở ngay trong mình bạn – sẽ thay lời cho chúng tôi”.

Không chỉ phô bày thực trạng, Hoài Thanh còn kêu gọi con người không được quay lưng mà phải biết “nghĩa vụ làm dân, làm người”… “Làm một người dân Việt Nam ở thời bây giờ, trên vai ta mang nặng những trách nhiệm, không thể từ chối được”… “Trước tình thế như vậy vòng tay đứng nhìn là một tội ác. Nhất là với những người có học, nghĩa là những người đã chịu cái ơn nuôi dạy của xã hội”(7).

Nhưng trong văn chương ông lại nghĩ khác. Ông muốn phân biệt văn chương với báo chí. Ông cho thấy sự nghiệp viết báo gồm nhiều bộ phận, trong đó văn chương chỉ là một bộ phận. Và ông muốn giao cho văn chương chỉ riêng mục tiêu đi tìm cái đẹp, tức là cái có ý nghĩa thiêng liêng, vượt lên mọi yêu cầu thời thượng để hướng tới các giá trị vĩnh cửu. Và như vậy con người trong văn chương như ông muốn, không phải là con người cụ thể mang khuôn mặt đạo đức trang nghiêm của nhà nho hoặc bộ quần áo rách rưới của người lao động. Con người đó phải được nâng lên Con Người viết hoa, con người Nhân loại: “Một người không ăn cắp bao giờ vẫn có thể thích nghe nhà văn kể chuyện một thằng ăn cắp, vì thằng ăn cắp khi đã đưa vào trong một tác phẩm nghệ thuật nó không còn là thằng ăn cắp nữa rồi. Nó là một người. Những sự đau khổ của nó thành ra sự đau khổ của Người (chữ Người viết hoa) và có tính vĩnh viễn”(8).

Sự chia cắt một cách siêu hình các giá trị, để chỉ tôn thờ giá trị văn chương cho một tác phẩm văn chương – yêu cầu đó của Hoài Thanh quả là cực đoan, và không toàn diện. Quan niệm đó khách quan có thể là sự che chắn, bảo vệ cho một chủ trương đưa văn chương (văn chương – chứ không phải sự nghiệp viết nói chung, theo cách hiểu của Hoài Thanh) thoát ly khỏi thực trạng xã hội. Đó chính là lý do để phái vị nhân sinh cuốn ông vào một cuộc tranh luận mà ông không muốn – một cuộc tranh luận với những biện luận và quy kết mà ông cảm thấy bị xúc phạm khi bị xô vào cái hố vị nghệ thuật; khi bị xem là đồng lõa với giai tầng phú hào; là quay lưng với các tầng lớp bình dân, vốn là đối tượng đang được quan tâm ở vị trí hàng đầu lúc này. Con người từ tốn và nhũn nhặn là Hoài Thanh bỗng có lúc phải nổi nóng lên trong một bài trả lời: Chung quanh cuộc biện luận về nghệ thuật: Một lời vu cáo đê hèn (Tràng An, số 80, ngày 3/12/1935):

“…Tôi chỉ tóm tắt một câu: Tôi không chủ trương thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Mà dẫu tôi chủ trương thuyết ấy nữa thì họ cũng thừa biết. Thế thì thử hỏi tôi dại gì đi bênh vực một giai cấp không phải là giai cấp tôi để mua lấy những lời oán trách của những người cùng với tôi một cảnh huống?

Hay là các nhà giàu sang ở xứ này đã xuất tiền ra thuê tôi bênh vực thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”?

Những người biện luận cùng tôi họ cũng biết rằng không có thế. Nhưng giữa lúc tư trào thế giới xu hướng về bình dân, giữa lúc đối với dư luận chỉ mang tiếng giàu sang là mang đủ mọi tiếng xấu, họ cần phải tặng tôi lời vu khống ấy để tranh phần thắng lợi một cách dễ dàng”(9).

Ta còn nhớ, ngày đầu tiên vào Huế, Hoài Thanh đội nón lá, đi chân đất. Hai lần bị bắt và bị trục xuất ra khỏi Bắc Kỳ vì tham gia Tân Việt và viết báo tiến bộ. Sống bằng nghề chữa bông in và dạy học tư ở Huế.

Cả một đại gia đình ở quê, do ông phải đuổi học mà hết cả chỗ dựa… Ở tình cảnh ấy mà bị xếp vào phe ủng hộ tầng lớp phú hào, là thuộc “phe những người giàu, những người đi bóc lột”, thì ông sao mà chịu được!

Trong suốt quá trình tranh luận Hoài Thanh luôn luôn khẳng định ông không chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật!”. Bởi theo ông có sự khác nhau rất xa giữa một quan niệm về văn chương: “Văn chương là văn chương”, và một chủ thuyết về nghệ thuật: “Nghệ thuật vị nghệ thuật” (L’art pour I’art). Ông là người hiểu Théophile de Gautier, tác gia lớn trong văn học Pháp thế kỷ XIX – người chủ trương phân biệt văn chương và văn có ích; và cố nhiên cũng hiểu cái bối cảnh tư bản chủ nghĩa cho sự ra đời chủ thuyết của Théophile de Gautier là khác với sinh hoạt văn chương ở một xã hội thuộc địa còn rất nhiều ràng buộc với chế độ phong kiến. Một xã hội còn chưa thoát ra khỏi quan niệm văn thơ chở đạo và nói chí, cái xã hội cùng với nền văn chương của nó vừa mới chỉ được đánh động cho sự mất giá trong những câu thơ vừa trang nghiêm vừa cười cợt của Tản Đà.

Hoài Thanh muốn văn chương là văn chương, trên cách hiểu như vậy cũng có thể là để cho văn chương dứt khoát bứt ra khỏi “tính nguyên hợp” của nó đã tồn tại quá lâu trong mười thế kỷ văn học trung đại. Và đó chính là một bước tiến trước yêu cầu hiện đại hóa. Nhưng nếu điều này là có thể chấp nhận thì ở một phía khác, cái quan niệm thiêng liêng hóa, thậm chí thần bí hóa các giá trị văn chương, gán cho văn chương một tác dụng hơn mọi tác dụng khác trong các hoạt động tinh thần của con người thì lại không ổn: “Ta nên nhớ rằng cầm bút chưa phải là viết văn. Văn là vật quý có đâu được nhiều thế. Một bài văn hay là một bông hoa. Làm sao người ta lại cứ ép bông hoa phải thành quả là nghĩa lý gì. Một tí hương man mác lúc canh trường, những màu xinh tươi rung rinh dưới ánh mặt trời khi ban sớm, khiến cho khách giang hồ quên những nỗi nhọc nhằn mà trong chốc lát hưởng những phút say sưa, như vậy chẳng đủ cho một đời hoa hay sao!”(Văn chương là văn chương, Tràng An, số 48)(10). Và: “Nếu ở đời này có một điều nghiêm trọng vì luôn luôn đi bên cạnh những sự huyền bí bao trùm người ta và vũ trụ, điều ấy là văn chương” (Ý nghĩa văn chương; sách Văn chương và hành động)(11).

Siêu hình trong chia tách các giá trị, rồi cực đoan trong việc tôn thờ giá trị văn chương, đó là điểm yếu trong tranh luận học thuật ở Hoài Thanh vào giữa những năm 1930. Văn chương quả có giá trị rất bền vững, nếu đúng là văn chương đích thực. Nhưng giá trị đích thực đó cũng cần được mở rộng các biên độ theo sự phát triển của đời sống xã hội và sinh hoạt tinh thần của con người. Giữa thơ Nôm Nguyễn Trãi và Truyện Kiều có sự khác biệt giữa ba thế kỷ. Các tiêu chí văn chương đặt ra cho Rabelais thế kỷ XVI; Molière, Racine thế kỷ XVII; Voltaire thế kỷ XVIII và Lamartine, Victor Hugo thế kỷ XIX trong văn học Pháp là khác nhau. Đúng như Hoài Thanh nói, cảm nhận về cái đẹp và giá trị văn chương là một chuyện trừu tượng, không dễ đo đếm; sơ giản và thô thiển hóa tác dụng này, đó chính là điều Hoài Thanh không chấp nhận được trong những bài phê phán ông. Nhưng trừu tượng không phải là thần bí đến độ phải thắp hương tụng niệm, cũng không thể là bất khả tri…

Có điều oái oăm là người chủ trương “Văn chương là văn chương” lại đã cho ấn hành cuốn sách Văn chương và hành động vào năm 1936 khi cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra căng thẳng. Cuốn sách lập tức bị thu hồi ngay mà lý do chắc không thể không liên quan đến hai chữ hành động, cùng với các ý tưởng được phô bày trong bài Cần phải hành động như đã dẫn trên. Đòi nhìn thẳng vào những sự thật đau xót, tối tăm ở đời, rồi lại kêu gọi trách nhiệm công dân của con người, bộ máy thống trị sao có thể cho yên? Rồi lại còn xa xôi nói đến một trăm năm mất nước và kêu gọi “lòng tin” ở con người thì có nền chính trị chính thống nào khờ dại đến nỗi không cho cấm ngay: “Một trăm năm về trước, bởi ta quá tin ở ta, ở nền văn minh ta, không chịu đổi mới theo người, mới sa vào vòng hèn kém. Song ta cũng nên biết rằng có lòng tin ở mình, ngày xưa ta mới khai thác được non sông này và cái hèn kém của ta ngày nay chính là thiếu lòng tin vậy”. Đây chính là cơ sở cho ta hiểu con người công dân, con người trí thức Hoài Thanh. Trong cấu trúc tương đối chặt chẽ của cuốn sách, bài Cần phải hành động là sự kêu gọi lương tri và trách nhiệm công dân của con người, trước hết là những “người đã chịu cái ơn nuôi dạy của xã hội”. Nhưng còn con người với tư cách nhà văn thì Hoài Thanh lại không cho ghép vào đây. Bài Nhà báo và nhà văn đặt tiếp ngay sau bài Cần phải hành động đã triển khai sâu vào ý tưởng này: “Nhà văn sẽ nhằm vào xã hội hiện thời, công kích những điều không hay, luôn luôn đi bên cạnh những người hèn yếu. Nhưng trong lúc làm công việc ấy, nhà văn không còn là nhà văn nữa vì làm phận sự một nhà báo (…). Nhà báo chỉ mong thay đổi một thời, nhà văn có cái hy vọng ảnh hưởng đến lòng người mãi mãi; nhà văn muốn trao mỹ cảm cho người xem, nhà báo nếu cũng có ước muốn ấy sẽ thành nhố nhăng rồ dại”(12).

Một sự triển khai các quan niệm văn chương như trên không thể nói là không sai lầm, nhưng đó lại là một quan niệm rất nhất quán và được bảo lưu rất kiên trì trong sự nghiệp viết văn của Hoài Thanh trước năm 1945.

Sách Văn chương và hành động, năm 1936 bị chính quyền thực dân thu hồi, thế nhưng đến năm 1939, khi tạp chí Tao đàn của ông chủ Tân dân và chủ bút Lan Khai ra đời thì một số bài quan trọng nhất của cuốn sách đã được Hoài Thanh cho in, trong đó có các bài Thành thực và tự do trong văn chương,Thế nào là nội dung và hình thức một tác phẩm văn chương (cùng in trong Tao đàn, số 6/1939),…

Đòi cho văn chương được tự do, xem tự do là yêu cầu cốt thiết của sáng tác – đó là câu chuyện Hoài Thanh quan tâm hàng đầu. Và cũng là câu chuyện có tính chất muôn đời trong lịch sử sáng tạo văn học – nghệ thuật.

“Bao giờ cũng vậy, hễ chính quyền can thiệp vào văn học là chỉ có hại cho văn học”(13).

Chân lý này không đúng hoàn toàn. Nếu là một nền chính trị tiên tiến thì lại là động lực của tiến bộ.

Cố nhiên nếu quá chăm sóc thì lại thành cây trong chậu kiểng.

Đưa cách nhìn này vào xã hội phong kiến – thuộc địa thì thật đúng. Dẫu vậy, cũng lại có nghịch lý là ngay trong xã hội ấy vẫn có sự phát triển của văn chương – học thuật, và vẫn có tài năng, có thiên tài. Đó là do, theo tôi, có sự độc lập của sự phát triển tinh thần và sức cưỡng lại của các tài năng – như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,…

Trở lại sự nhận xét của Hoài Thanh về văn chương trong xã hội phong kiến – và cố nhiên, với xã hội đương thời mà ông không thể trực diện nói đến: “Chế độ chuyên chế ở nước ta cũng không thoát được cái thông lệ ấy. Viết văn, ngâm thơ mà có thể khép vào tội “yêu thư yêu ngôn” rồi bị tù bị chém, thì văn thơ cũng đến cạn nguồn. Sự chuyên chế về chính trị ở đây còn tệ hơn vì nó kèm theo nhiều thứ chuyên chế khác nữa, trong đó tai hại nhất là phép tắc làm văn, những phép tắc hẹp hòi và phiền phức làm sao!”(14).

“Văn chương ta từ trước tới nay vì bó buộc quá đỗi nên luôn luôn đi bên cạnh sự giả dối, sự bịa đặt. Nhà văn chỉ lo viết thế nào cho đúng với lẽ phải của xã hội mà không cần đúng với sự thật tự nhiên. Văn chương thành ra một cách để dối mình và dối người”(15).

Như vậy, với Hoài Thanh, tự do trong văn chương cũng có nghĩa là cho nhà văn được thành thực với mình.

Đó là sự tổng kết của Hoài Thanh về diện mạo chung của văn chương trung đại ở Việt Nam, và phương Đông nói chung. Những trói buộc khiến mất tự do và mất sự thành thực ấy vẫn còn tồn tại trong bước chuyển sang thời kỳ hiện đại – cho đến lúc này cũng chỉ chưa đầy ba mươi năm. Để phá vỡ và tháo gỡ các xiềng xích ấy cho người viết được tự do và cho văn chương bớt khô xác – đó chính là mục tiêu của yêu cầu hiện đại hóa, mà thành tựu khởi đầu và nhanh chóng vươn lên đỉnh cao sẽ được ghi nhận trong phong trào Thơ mới. Một phong trào chỉ giới hạn trong mười năm, và Hoài Thanh (cùng Hoài Chân) đã là người đầu tiên và duy nhất tổng kết nó, và tôn vinh công lao của nó trong Thi nhân Việt Nam – tác phẩm kết thúc chặng đầu trên hành trình nghề nghiệp của tác giả.

VThi nhân Việt Nam, cuốn sách đã được Hoài Thanh và Hoài Chân biên soạn trong mười năm (1932-1941), vào năm 1992, nhân năm mươi năm ra đời, và nhân mười năm ngày mất của Hoài Thanh, Viện Văn học phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học, Khoa Văn trường Đại học Sư phạm và Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học vào ngày 27-3-1992 tại địa chỉ 20 Lý Thái Tổ – Hà Nội. Số lớn các tham luận đều tập trung khẳng định giá trị tổng kết của Thi nhân Việt Nam gắn với sự phát triển của một phong trào thơ được hai tác giả khẳng định như “Một thời đại trong thi ca”.

Các tham luận trong Hội thảo này về sau được chọn tuyển và đưa in trong cuốn sách có tên Hoài Thanh và “Thi nhân Việt Nam”19321941, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1995.

Ở kết thúc này tôi muốn nói thêm đôi điều về đóng góp của Hoài Thanh trong bài tổng luận: Một thời đại trong thi ca đặt ở đầu hợp tuyển. Đó là một tổng kết vừa mới mẻ vừa súc tích về sự ra đời của một phong trào thơ phù hợp với tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc trong một cuộc chuyển giao, một bước ngoặt lớn, từ trung đại sang hiện đại. Một tiến trình nằm trong bối cảnh các mối giao lưu với phương Tây và trên cơ sở sự nảy nở nhu cầu giải phóng cá nhân cùng với sự hình thành của cái “tôi” trong bối cảnh xã hội thuộc địa. Khát vọng được thành thực và nhu cầu tự do cho cảm xúc và sáng tạo của con người lần đầu được thực hiện trong cả một phong trào thơ với sự hiện diện của một thế hệ các nhà thơ trong thời gian dồn gấp chỉ trên dưới mười năm. Gọi là một thời đại, bởi nó là một cuộc cách mạng, làm thay đổi triệt để diện mạo và khuôn hình cũ. “Tôi quyết rằng trong lịch sử thơ ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên.., và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.

Từ người này sang người khác sự cách biệt rõ ràng. Cá tính con người bị kiềm chế trong bao nhiêu lâu bỗng được giải phóng. Sự giải phóng có thể tác hại ở chỗ khác. Ở đây nó chỉ làm giàu cho thi ca”(16).

Những khác nhau giữa các nhà thơ đưa tới sự xuất hiện các giọng điệu riêng, phong cách riêng, đó chính là căn cứ quan trọng làm nên diện mạo hiện đại của văn thơ. Là hệ quả của sự tự do và thành thực trong sáng tạo, hai yêu cầu mà Hoài Thanh từng xem là quan trọng nhất, hơn tám năm về trước, trong sách Văn chương và hành động. Quyết đoán của Hoài Thanh về sự phong phú hơn hẳn của thơ mới so với thơ cũ hẳn phải dành một ngoại lệ đặc biệt cho Nguyễn Du, nếu không sẽ là… liều. Nhưng Nguyễn Du là sản phẩm đơn độc của cả một thế kỷ, thậm chí của nhiều thế kỷ. Còn thơ mới – là cả một phong trào với bốn năm mươi tên tuổi chỉ trên dưới mười năm. Vả chăng, như Hoài Thanh đã rào đón: “Đừng lấy một người sánh với một người. Hãy sánh thời đại cùng thời đại”.

Sau năm năm tính từ Văn chương và hành động, Hoài Thanh lại trở lại sự xác nhận giá trị của cái Chung, cái Nhân loại, cái Vĩnh cửu xuyên qua mọi nền thơ từ xưa đến nay – “từ Homère đến Kinh thi, đến ca dao Việt Nam”, cái làm nên “một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại”… “ra đời giữa vui buồn của loài người”, và “sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”,…

Một cái Chung, dẫu với sự khác nhau của hoàn cảnh. “Bởi tình hay cảnh đều hòa theo nhịp sống của thi nhân. Nhưng cứ đi sâu vào hồn một người ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi sâu vào hồn một nòi giống ta sẽ gặp hồn chung của loài người. Còn gì riêng cho Nguyễn Du, cho người Việt Nam hơn Truyện Kiều? Nhưng Truyện Kiều cũng mãi mãi là chuyện tâm sự của con người không chia màu da, không chia thời đại”(17).

Khẳng định vai trò của cái “tôi”, thấy trong nhu cầu giải phóng cái “tôi” những nguyên cớ cho sự phát triển của cả một phong trào thơ, Hoài Thanh cũng đồng thời thấy mặt trái của nó, thấy những giới hạn chật hẹp của nó trong bối cảnh xã hội thuộc địa, khiến cho mọi tìm kiếm để giải phóng và giải thoát cho nó không đưa tới một bến bờ nào xa hơn một nỗi cô đơn và buồn sầu da diết: “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ “tôi”. Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu du trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”(18).

Cùng với cái cô đơn, cái buồn – sầu, ông còn thấy chỗ yếu chỗ thiếu của nó là “một lòng tin đầy đủ”- cái “lòng tin” đã một lần ông nêu trong bài Cần phải hành động.

Ông cũng không tránh gọi nó là “bi kịch”.

Điều an ủi là bi kịch ấy của cả một thế hệ, đã được “gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua”(19).

Nếu hiểu tình yêu tiếng nói dân tộc cũng là một biểu hiện của tình yêu nước trong hoàn cảnh mất nước, ta sẽ có thêm sự cảm thông và trân trọng những người làm thơ trong một phong trào thơ đã đưa tiếng Việt lên tầm một ngôn ngữ vừa có sức biểu đạt mọi trạng huống linh diệu và phong phú của con người, vừa vượt được cha ông mà cập được các bến bờ thời sự.

Một sự linh diệu, phong phú và hiện đại của ngôn ngữ văn chương chỉ trên dưới mười năm mà đạt được; và ta quen gọi đó là một sự phát triển “theo gia tốc lịch sử”.

 

Chú thích 

  1. Những bài phê bình và tranh luận văn học của Hoài Thanh trước năm 1945 đã được tập hợp, in trong Bình luận văn chương, do Nguyễn Ngọc Thiện và Từ Sơn tuyển soạn, Nxb. Giáo dục, 1998. Các trích dẫn trong bài đều rút từ sách này.
  2. Bình luận văn chương; Sđd; tr.11.
  3. Nhỏ to; Bạt Thi nhân Việt Nam; Sđd; tr.242.
  4. Từ Sơn; Di bút và di cảo; Nxb. Văn học; tập II; 1993, tr.200.
  5. Nhỏ to; Sđd; tr.239.
  6. Nhỏ to; Sđd; tr.14, 24, 26, 101.
  7. Văn chương và hành động; Sđd; tr.101.
  8. Văn chương là văn chương; Sđd; tr.25, 51.
  9. Văn chương là văn chương; Sđd; tr.25, 51.
  10. Sđd; tr.26.
  11. Sđd; tr.95.
  12. Sđd; tr.103-104.
  13. Văn chương và hành động; Sđd; tr.109.
  14. Văn chương và hành động; Sđd; tr.110, 111.
  15. Văn chương và hành động; Sđd; tr.110, 111.
  16. Thi nhân Việt Nam; Sđd; tr.211-212.
  17. Thi nhân Việt Nam; Sđd; tr.223-224.
  18. Thi nhân Việt Nam; Sđd; tr.234-235.
  19. Thi nhân Việt Nam; Sđd; tr.234-235.

Phong Lê 

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 22, tháng 4/2022)