Họa sĩ Thái Vĩnh Thành với “Giao mùa”

Hoạ sĩ Thái Vĩnh Thành sinh năm 1971 tại Vĩnh Phúc, là hội viên Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sở trường sáng tác của anh là tranh trừu tượng và trừu tượng – biểu hiện, trong đó, bộ tranh “Giao mùa” từng được trưng bày trong một triển lãm cùng tên được xem là một thành công trong sự nghiệp sáng tác của anh.

Giao mùa 3
Giao mùa 6.

Nếu coi nghệ thuật là một cách nhìn về thế giới, thì có thể thấy hội họa của Thái Vĩnh Thành là một ánh nhìn vừa dịu dàng vừa nô nức xôn xao về con người và thiên nhiên.

Giao mùa 1.
Giao mùa 7.

Tất nhiên chẳng có sản phẩm tinh thần nào không vương vất suy tư, triết lý của con người. Ở những bức tranh đầy màu sắc của Thái Vĩnh Thành, suy tư ấy không chỉ dành cho thiên nhiên, mà cao hơn thế, bừng lên mối giao cảm giữa con người và đất trời, vạn vật.

Giao mùa 5.
Giao mùa 8.

Với bút pháp trừu tượng và trừu tượng – biểu hiện, họa sĩ đã tái hiện lại không chỉ những giao mùa lấp lánh mà cả những ký ức, hoài niệm, nỗi nhớ nhung của mình. Ở đó, anh đã xóa bỏ những hình hài cụ thể của thiên nhiên, chỉ giữ lại những tín hiệu về chúng. Picasso từng nói về nghệ thuật trừu tượng: “Bạn luôn phải bắt đầu với một thứ gì đấy. Sau đó, bạn có thể xóa bỏ mọi dấu vết của thực tại”. Còn Piet Mondrian thì cho rằng nghệ thuật trừu tượng không phải là sự sáng tạo ra một thực tại khác mà là một cách nhìn chân thực về thực tại. Josef Albers cùng quan điểm như vậy khi cho rằng “trừu tượng là có thật, có lẽ còn thật hơn cả tự nhiên”. Và Thái Vĩnh Thành, với những tín hiệu của thực tại trong tranh, đã mô tả lại cái tự nhiên chân thực kia trong một hình dạng khác, cái hình dạng mà để nhận ra sự phong phú, bí ẩn của nó, chúng ta buộc phải vận dụng đến sự linh hoạt kì diệu của cảm giác, linh giác thay vì chỉ thị giác thông thường.

Giao mùa 4
Giao mùa 2.

Chính vì vậy mà xem bộ tranh “Giao mùa” của họa sĩ Thái Vĩnh Thành, chúng ta sẽ thấy mới mẻ, lạ lẫm nhưng đồng thời cũng có gì đó rất đỗi thân quen.

Phạm Thái