Khi không có mơ ước, con người trở nên tầm thường và đáng thương, yếu ớt như một con vật non nớt giữa cuộc đời. Không có ước mơ, con người trở nên tẻ nhạt, vô phương hướng giữa cuộc sống. Khi không có ước mơ, con người trở nên cô đơn giữa vô vàn đồng loại.

Ước mơ, nói cho to tát là tư tưởng, nói cho đơn giản là khao khát, khát vọng hay dễ hiểu hơn nữa là những mong muốn của con người. Cụ thể, đó là những mục tiêu lớn nhỏ của cuộc sống khi còn ở dạng tiềm năng để thực hiện. Người có ước mơ và sống để theo đuổi ước mơ là con người thật nhất. Còn khi chính bản thân mình cũng không biết mình đang muốn gì, đang mơ ước gì, thì đó chưa phải là là con người đúng nghĩa.

Phật Thích Ca là người nhận ra sự quan trọng của ước mơ và dành cả đời để theo đuổi, kiếm tìm con đường đi đến hạnh phúc cho nhân loại. Trong đó, ước mơ là một con đường đến với hạnh phúc. Trong cương vị một thái tử, sống xa hoa trong hoàng cung, ông chưa trở thành con người hoàn chỉnh vì thiếu ước mơ. Những gì ông muốn đều được đáp ứng: quyền lực, danh vọng, nhà cao, vợ đẹp… mọi thứ đều không thiếu. Nhưng chính vì quá đầy đủ, lại ít tiếp xúc với cuộc sống của những người thường dân bên ngoài nên ông không biết mình đang thiếu gì, đang cần gì và đang muốn gì. Sau này, khi ngộ ra chân lý, Phật mới biết, đó là những tháng ngày bất hạnh nhất của cuộc đời mình. Bất hạnh đó chính là thiếu ước mơ. Khi Phật đang là thái tử, đi ra ngoài, thấy sự đói khổ của người dân – là con dân của chính mình, ông rơi nước mắt vì thương họ. Nhưng sau đó, khi suy nghĩ lại, ông thấy họ đói khổ, nghèo khó, bệnh tật nhưng họ vẫn là con người. Chính trong sự thiếu thốn, họ biết mình cần gì, mong gì và mơ ước gì. Do vậy mà cuộc sống của họ có sự chờ đợi, sự cố gắng và sự mong mỏi. Chính điều đó làm cho cuộc sống của người dân có ý nghĩa hơn, đáng để sống hơn. Và ông nhận ra, những người dân đói khổ kia đang sống hạnh phúc hơn chính thái tử vì họ có ước mơ. Còn ông, ở trung cung đình, cần gì có nấy, đến lúc còn chẳng biết mình đang mong muốn cái gì, đang mơ ước cái gì để mà phấn đấu, mà chờ đợi và cố gắng. Và ông quyết định rời hoàng cung đi tìm chân lý cho cuộc đời mình….

Hai chị em.

Câu chuyện của Phật thì đến ngày nay vẫn còn nhiều giá trị tiếp diễn. Nhưng hôm nay, nhân ngày cả thế giới dành tất cả mọi tình cảm cho con trẻ, xin được nói vài câu chuyện liên quan đến con em chúng ta. Tôi có một người anh làm kinh doanh và rất thành đạt. Cả hai vợ chồng anh đều có vai vế và có thu nhập cao, nhà to đẹp, xe hơi loại sang, trong nhà luôn có vài người giúp việc. Hai vợ chồng có một cậu quý tử rất kháu khỉnh và ngoan ngoãn. Ai nhìn vào gia đình họ cũng đều ngưỡng mộ và trầm trồ khen ngợi cho sự thành đạt đó. Vì tương lai cậu quý tử nên anh chị cho cháu vào học ở trường cao cấp mà học phí đến cả ngàn đô. Đã vậy, hai vợ chồng anh rất bận rộn nên thuê hẳn một chiếc taxi quen làm nhiệm vụ đưa và đón con đi học. Trong nhà, thằng bé không thiếu một thứ đồ chơi nào, từ đồ rẻ tiền đến loại cả chục triệu, cứ có trên quảng cáo thì có trong phòng của cậu. Những gì cậu thích thì chỉ cần lên yêu cầu là bố mẹ đáp ứng ngay mà chẳng cần để ý đến giá cả hay chuyện cậu chơi được bao lâu thì chán. Mọi thứ ăn uống và chơi của nó, bố mẹ đều một mặc định là phải tốt nhất, an toàn nhất, đầy đủ nhất và sang trọng nhất. Ngay cả bạn bè cũng phải lựa chọn kỹ càng, cậu không được tự ý ra ngoài ngõ chơi với mấy bạn ở đường phố. Nếu lỡ để cậu chủ ra đường chơi với bạn bè ngoài phố thì người giúp việc có thể bị đuổi việc hoặc nhẹ thì cũng trừ lương. Nhiều khi trò chuyện, cả anh lẫn chị đều nói một câu ngắn gọn và đầy đủ nhất: “Thì cả đời anh chị lăn lộn kiếm tiền cũng để lo cho cu cậu chứ cho ai”.

Có lẽ trong chúng ta rất nhiều người cũng nghĩ giống như vậy, và thầm mong làm được như vậy. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có vậy. Công việc bận rộn nên anh chị ít có thời gian dành cho thằng bé. Khi cả hai vợ chồng về đến nhà thì con đã ngủ. Còn khi rời khỏi nhà thì con chưa ngủ dậy. Quỹ thời gian dành cho con của hai vợ chồng ngày càng eo hẹp, có khi chỉ kịp hỏi người giúp việc về diễn biến trong ngày của con. Khổ thân cậu bé là cả ngày chỉ biết đến đồ chơi, biết mặt người giúp việc và chú lái xe. Đến trường cũng chỉ vài người bạn chẳng khác gì cậu. Cuộc sống với nó càng thêm buồn chán vì những thứ nó biết thì nó đều có. Và chính nó cũng không muốn biết mình muốn thêm cái gì hay mình đang thèm cái gì. Bao nhiêu đứa trẻ nhìn những bộ đồ chơi của cậu mà thèm rỏ dãi, những con robot to như người thật, bao nhiêu xe ô tô, bao nhiêu loại đồ chơi… Thế giới của cậu có lẽ là cuộc sống trong mơ của bao nhiêu đứa trẻ. Nhưng cuộc sống thật của thế giới thì với cậu còn chẳng có trong giấc mơ, vì cậu cũng chẳng biết nó như thế nào để mà mơ.

Trẻ em trải nghiệm các đồ chơi dân gian tại Bảo tàng Nghệ An 2022

Một câu chuyện khác, cùng cơ quan tôi có gia đình một chị đồng nghiệp có cô con gái cũng đã học lớp 4. Vì hai vợ chồng đều làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nên hy vọng con cái sau này nối nghiệp mẹ cha. Thế là một kế hoạch học tập của con gái được bố mẹ đưa ra bài bản và chặt chẽ như… một công trình nghiên cứu. Từ rạng sáng học ngoại ngữ, sáng và chiều học ở trường, trưa đọc sách văn học, tối học ở trung tâm, khuya về còn phải đọc sách rồi mới đi ngủ. Ứng với chương trình học đó là một khối lượng sách vở lên đến cả hơn chục cân đè lên đôi vai nhỏ bé của nó. Bố mẹ nó theo đuổi tư tưởng “học – học nữa – học mãi” khiến con bé ngày càng gầy gọc, xanh xao. Nó phải cố gắng học, vì chỉ cần kết quả học tập mà thấp, mà đi xuống thì bố mẹ sẽ phạt ngay. Ngày này qua ngày khác, người dính vào bàn học từ nhà trường, trung tâm, phòng riêng… gần như nó chưa bao giờ biết vui chơi.

Có lẽ còn vô vàn câu chuyện tương tự như trên của nhiều gia đình trong các đô thị ở Việt Nam hiện nay. Và những đứa trẻ này chưa nhận được nhiều sự quan tâm đến từ xã hội. Xưa nay, những dịp lễ liên quan đến trẻ em như tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi… người ta thường quan tâm nhiều đến các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, bệnh tật… Điều đó là chính đáng bởi một chút vật chất nhỏ giúp đỡ cho những gia đình, những đứa trẻ không may mắn này là một việc tốt nên làm. Nhưng làm chuyện đó từ tấm lòng yêu thương trẻ nhỏ chứ đừng làm như để ban ơn hay để đánh bóng thương hiệu, tên tuổi của mình.

Cuộc sống đang thay đổi, hệ thống giá trị và những nỗi lo toan đời thường cũng thay đổi. Nếu như những nỗi đau, những thiếu thốn vật chất được coi là sự bất hạnh trong xã hội truyền thống và xã hội hiện đại thì sang xã hội hậu hiện đại, nỗi đau tinh thần mới là sự đáng sợ của con người. Nhìn nhận lại hai câu chuyện trên để nhìn về tương lai gần và xa hơn một chút của đất nước ta bởi một ngày không xa, những đứa trẻ hôm nay sẽ là người chủ của đất nước. Một đứa trẻ phát triển bình thường khi cả đời sống vật chất và tinh thần được bồi đắp đầy đủ. Một con người trưởng thành và có đủ năng lực kiến tạo cuộc sống, khi từ bé họ đã được vun trồng một đời sống tinh thần tốt đẹp, có ước mơ, hoài bão và có nghị lực để vươn lên thực hiện ước mơ của mình. Người lớn-đừng nhân danh bề trên mà áp đặt vào cuộc sống của con trẻ. Cuộc sống của trẻ bây giờ, vật chất thôi là chưa đủ. Nuôi con, khác với nuôi các loài vật ở chỗ không chỉ cho ăn no là đủ mà còn phải vun đắp tình yêu thương, sự chia sẻ và cả sự tôn trọng. Người lớn đừng đem cuộc sống vật chất giết chết đời sống tinh thần của con trẻ, đừng biến con trẻ thành thiếu mọi yếu tố làm người trên đống vật chất thừa thãi. Một mối nguy lớn nhất đe dọa trẻ nhỏ hiện nay là sự cơ giới hóa tâm hồn, cơ giới hóa tinh thần và sự cơ học hóa tính cách. Vậy nên, chuyện nuôi con, dạy con bây giờ không phải là một vấn đề bản năng mà cần có tri thức, phương pháp hợp lý. Chỉ nuôi con bằng thế giới vật chất như trường hợp anh chị tôi trên hay dạy con bằng những kế hoạch học tập triền miên như người đồng nghiệp của tôi, vô hình trung đã làm hại chính đứa con yêu quý của họ. Trẻ con hôm nay, cần rất nhiều thứ, trong đó cần tình yêu tương từ bố mẹ, gia đình, sự chia sẻ với bạn bè, sự tôn trọng của xã hội. Và đặc biệt, trẻ em cần những ước mơ đẹp và cần được mọi người tôn trọng ước mơ đó. Nếu không có ước mơ, trong tương lai, nhưng con búp bê – robot tinh tế và đẹp đẽ sẽ thay thế những đứa trẻ đáng yêu của chúng ta mất.

Lệ Cơ