Nhìn lại con đường của báo chí từ trước đến nay có thể nói đó là một con đường đấu tranh cho tự do, tiến bộ và sự thật. Dẫu trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, tùy vào điều kiện lịch sử, báo chí lại chú trọng đảm nhận một trọng trách khác nhưng xuyên suốt con đường đó, báo chí chân chính bao giờ cũng lựa chọn đồng hành với tri thức và lẽ phải. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam nhưng báo chí ở Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài hơn thế rất nhiều để có được tiếng nói tự do, để có được môi trường báo chí như hôm nay. Trong ngày truyền thống báo chí, có lẽ, sẽ cần thiết để những người làm báo nhìn lại lịch sử báo chí Việt Nam từ những ngày đầu. Nhìn lại con đường đầy thăng trầm ấy không chỉ để ghi nhớ, để thấu hiểu mà còn để biết trân quý và có trách nhiệm hơn với nghề của mình.

Gia Định báo – nguồn wikipedia

    Có thể nói, báo chí Việt Nam được khai sinh từ năm 1865. Mặc dù trước đó một số tờ báo tiếng Pháp khác đã xuất hiện tại Nam Kỳ song chỉ đến năm 1865 chúng ta mới chính thức có tờ báo đầu tiên được viết bằng chữ Quốc ngữ mang tên Gia Định báo. Theo TS. Huỳnh Văn Tòng, Gia Định báo xuất bản số đầu tiên vào ngày 15/4/1865. Ban đầu, báo do ông E. Potteaux đảm nhận quyền phát hành, đến năm 1869 thì giao cho Trương Vĩnh Ký đảm nhận. Những số báo đầu tiên chủ yếu đăng các công văn, nghị định, tin tức, tài liệu,… Sau này, nội dung báo có phong phú hơn, gồm cả những bài viết phân tích, nghiên cứu về lịch sử và văn chương. Kể từ đó cho đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, dù nhiều tờ báo xuất hiện hơn nhưng báo chí vẫn bị kìm kẹp bởi chế độ thực dân, bị hạn chế quyền tự do. Báo chí lúc ấy chủ yếu chỉ được xuất bản nhằm mục đích tuyên truyền cho chế độ cầm quyền, vì lợi ích của thực dân Pháp. Chính quyền Pháp đã ban hành các đạo luật, sắc lệnh để hạn chế quyền tự do của báo chí. Người làm báo trong Nam lẫn ngoài Bắc lúc bấy giờ đều đã đứng lên đấu tranh rất nhiều để đòi chính quyền thực dân tôn trọng tự do của người cầm bút. Sau đó, từ năm 1918 trở đi, báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, một loạt các tờ báo bằng Pháp ngữ, Việt ngữ, Hán ngữ ra đời. Có thể kể đến những cái tên như: Nam Phong Tạp chí, Rạng Đông Tạp chí, Đuốc Nhà Nam, An Nam Tạp chí, Đông Tây, Tiếng Dân,… Báo chí giai đoạn này không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú về hình thức, thể loại. Các tờ báo thực sự đã trở thành diễn đàn để trao đổi tri thức, học thuật, phổ biến tư tưởng, đề đạt nguyện vọng của Nhân dân chứ không chỉ để phục vụ chính quyền thực dân như trước. Trong giai đoạn này không thể không kể đến một tờ báo tiếng Pháp do người Việt phụ trách là La Cloche Fêléê (Chuông rè) (1923). Báo Chuông rè của Nguyễn An Ninh được xem là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam trực diện tấn công thực dân Pháp. Từ số 63 (1926), báo đổi tên thành tên L’Annam (Nước Nam). Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường và những người bạn của họ dù phải đối mặt với áp bức, thậm chí bị bắt giam nhưng vẫn thay nhau phụ trách nội dung để duy trì tờ báo. Từ năm 1930 trở đi, báo chí Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, có sự chuyển biến quan trọng về cả hình thức và chất lượng. Đặc biệt, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, báo chí Việt Nam bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ được tự do nói lên tiếng nói của mình, tự do tiếp cận công chúng. Từ đây, báo chí gánh trọng trách lớn lao, đồng hành với cuộc chiến đấu dành tự do, độc lập của nước nhà. Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, báo chí luôn chứng tỏ sức mạnh trong truyền gửi thông tin đến người dân và giúp Nhân dân nói lên tiếng nói của mình.

    Nhìn lại chặng đường từ những ngày khởi thủy, chúng ta nhận thấy báo chí đã trải qua những thời kỳ đầy khó khăn, đã từng bước đi trong đêm tối, đấu tranh đến cùng chỉ để được nói lên tiếng nói của chân lý, để đến với văn minh, tiến bộ. Nhiều nhà báo, nhà văn đã bị bắt; nhiều tờ báo bị đình bản, cấm đoán chỉ vì nói lên sự thật. Nhắc lại quá khứ là để hôm nay biết trân quý môi trường báo chí tự do và, quan trọng hơn, để người cầm bút không quên trách nhiệm lớn lao của mình là phải tiếp bước và bảo vệ đến cùng sự tự do ấy; bảo vệ đến cùng quyền được tiếp cận, phổ biến những giá trị văn minh, tiến bộ và nói lên sự thật.

Báo chí cách mạng luôn đồng hành với sự phát triển của đất nước, nguồn ảnh: doisongphapluat.com

    Một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí là chức năng thông tin. Để làm tốt chức năng đó thì nguyên tắc cơ bản mà mỗi nhà báo và cơ quan báo chí phải luôn ghi nhớ là tôn trọng sự thật. Tôn trọng sự thật – điều tưởng chừng hiển nhiên và giản đơn đối với một cơ quan báo chí lại trở nên thực sự khó khăn, phức tạp trong thời buổi hôm nay. Trong suốt 97 năm qua, báo chí Cách mạng đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, cho dân tộc. Bằng những thông tin phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, sắc sảo, báo chí không chỉ giúp người dân nắm bắt rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; giúp Nhân dân và chính quyền hiểu nhau hơn; làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; đấu tranh chống tiêu cực; góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tình yêu thương trong cộng đồng; cung cấp nhiều kiến thức trên mọi lĩnh vực mà còn góp phần đưa hình ảnh và những giá trị Việt lan tỏa trên khắp thế giới để thế giới biết và hiểu hơn về Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao vị thế, sức ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, thời gian qua, báo chí đã làm tốt vai trò của mình trong thông tin về đại dịch Covid -19 cũng như công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng.

“Tôn trọng sự thật – điều tưởng chừng hiển nhiên và giản đơn đối với một cơ quan báo chí lại trở nên thực sự khó khăn, phức tạp trong thời buổi hôm nay.”

    Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, báo chí Việt cũng đang phải đối mặt với nhiều tồn tại. Không ít tờ báo, tạp chí chạy theo lợi nhuận, cẩu thả trong nghề nghiệp. Một bộ phận không nhỏ nhà báo, phóng viên suy thoái đạo đức, thiếu trách nhiệm, yếu kỹ năng, thiếu kiến thức. Họ im lặng trước cái xấu, cái ác. Họ ngại lên tiếng phản biện, ngại bước chân vào những vùng khó khăn, nguy hiểm. Họ cấu kết hay đe dọa doanh nghiệp để tìm kiếm đồng tiền. Họ không dám đứng về phía người yếu thế để đấu tranh chống tiêu cực, để bảo vệ lẽ phải, v.v… Tất cả những điều đó đang dần làm mất đi niềm tin của Nhân dân vào các cơ quan báo chí; làm cho vị thế của báo chí bị lung lay trước sự phát triển của mạng xã hội. Thực trạng này đã tạo cơ hội cho tin giả phát tán mạnh mẽ hơn trong cộng đồng cũng như tạo điều kiện cho các thế lực thù địch xuyên tạc thông tin nhằm mục đích bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước.

    Muốn tìm lại tiếng nói và vị thế của mình, không thể khác, báo chí phải thực sự đồng hành, bám sát với thời đại, với đất nước; phải phản ánh những gì diễn ra một cách trung thực, khách quan. Tiếng nói của nhà báo và các cơ quan báo chí phải là tiếng nói khách quan, trung thực, đứng về phía lẽ phải, về phía Nhân dân và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Tiếng nói của báo chí phải góp phần thức tỉnh lương tri, nâng cao nhận thức của nhân dân; hướng người dân đến với những cái hay, cái đẹp, tiếp cận tư duy mới mẻ, tiến bộ. Báo chí không thể và không nên trở thành công cụ của một nhóm lợi ích, một phe phái nào đó nhằm thực hiện mục đích, tính toán riêng.

Ảnh minh họa, nguồn Báo Tuổi trẻ

    Lẽ dĩ nhiên, để báo chí đi đúng con đường của nó thì quan trọng hàng đầu là cái tâm của người làm báo. Trở lại những thập niên 20s – 30s của thế kỷ XX, nhà báo là những người luôn được Nhân dân coi trọng. Họ được xem là người dẫn dắt, giáo dục dân chúng, là kẻ sĩ thanh cao. Chính vì vậy, người làm báo giai đoạn này luôn chú ý đến phong thái, lời nói của mình một cách kỹ lưỡng. Những người làm báo chuyên nghiệp, những nhà báo đầu tiên như: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn An Ninh, Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Trường, Hoàng Tích Chu,… đều có vốn kiến thức vô cùng sâu rộng, tiến bộ. Nhìn lại thế hệ người làm báo đầu tiên và đối chiếu với hôm nay, chúng ta sẽ thấy rõ những hạn chế của mình. Dẫu ngày nay các nhà báo dễ dàng tiếp cận với công nghệ hiện đại, với tri thức song rất nhiều trong số họ lại hoạt động theo kiểu “ăn xổi”, chỉ chạy theo thông tin mà thiếu chiều sâu. Một bộ phận khá lớn các nhà báo không những không để ý đến tác phong, lời nói, đạo đức của mình mà còn không trau dồi nghiệp vụ, nâng cao kiến thức. Điều đó dẫn đến những cái nhìn phiến diện, những cách làm lệch lạc trong đưa tin cũng như bình luận sự việc. Aleksandr Solzhenitsyn từng nói: “Sự nóng vội và hời hợt là căn bệnh tinh thần của thế kỷ hai mươi, và không ở nơi nào căn bệnh này lại thể hiện nhiều hơn ở báo chí”. Và rõ ràng, trong thế kỷ XXI này, chúng ta đang chứng kiến ngày càng rõ căn bệnh nóng vội và hời hợt ấy của báo chí. Nguyên nhân không chỉ ở cuộc đua tốc độ đưa tin, ở lợi nhuận mà còn ở chính sự thiếu chiều sâu, thiếu kiến thức của người cầm bút. Một khi hời hợt, một khi không giữ được đạo đức nghề nghiệp thì chúng ta sẽ khó đồng hành cùng sự thật. Nhiều nhà báo vì tiền, vì danh mà chọn im lặng, mà bẻ cong sự thật. Nhiều người vì cẩu thả mà chỉ tiếp cận một góc của vấn đề để rồi phản ánh sai sự thật. Robert Mahoney từng nói “Cách duy nhất để ghi lại sự thật vẫn là đến gần nó”. Vậy nhưng rất nhiều nhà báo lại chọn ngồi trong phòng máy lạnh để viết, lượm lặt từ các trang mạng rồi chắp bút. Họ không lăn xả vào đời sống hiện thực, không dấn thân, không nhìn nhận thấu đáo vấn đề. Họ không có trách nhiệm và trăn trở với những điều mình đã và sẽ viết. Để tiếp tục con đường phổ biến những giá trị tiến bộ, văn minh của thế hệ đi trước thì nhà báo hôm nay còn phải có trí tuệ và sự nhạy cảm với thời cuộc. Điều đó là cần thiết để chúng ta không chỉ mang đến cho độc giả những thứ họ cần mà còn phải đưa đến những thứ mà chúng ta nghĩ sẽ cần thiết với họ. Nghĩa là nhà báo phải có sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt, định hướng cho người đọc. Nhà báo phải phổ biến những tri thức và giá trị mới trên các trang viết của mình.

    Sự nóng vội và hời hợt là căn bệnh tinh thần của thế kỷ hai mươi, và không ở nơi nào căn bệnh này lại thể hiện nhiều hơn ở báo chí”.

(Aleksandr Solzhenitsyn)

    Phóng viên kỳ cựu Walter Lippmann từng nói: “Trong báo chí, nói ra sự thật là luật tối thượng”. Và, có lẽ, hành trình của báo chí không thể khác phải là hành trình bảo vệ sự thật, bảo vệ cho chính nghĩa và những giá trị tiến bộ. Báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài đầy thăng trầm, có đau thương, có máu và nước mắt, có biết bao hy sinh cũng chỉ đi đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ cho những giá trị ấy. Vì lẽ đó, hy vọng Đảng, Nhà nước ta sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí, cho các nhà báo để họ có thể đi đến cùng với sứ mệnh ấy bởi nếu không đồng hành với sự thật, với tiến bộ thì báo chí không còn là báo chí nữa!

Trang Đoan

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 23, phát hành tháng 6/2022)