Hiệu trưởng Đôn mũi đỏ ôm cặp đến rất sớm, khi hội trường lác đác vài bóng người. Sau chiến tranh, trường đã được đưa lên khỏi mặt đất, nhưng gần mười năm nay đa phần vẫn còn tranh tre nứa lá. Ông đi thẳng lên bàn chủ tọa, ngồi mở sổ rà soát nội dung và đưa mắt chờ đợi. Hội đồng giáo viên Trường trung học phổ thông Sơn Nghĩa đông đúc, nhưng ông chờ mỗi hai tổ trưởng chuyên môn, cũng là hai chỗ dựa tin cẩn của ông. Hai con người không thể thiếu trong “triều đại” ông làm hiệu trưởng. Ông hãnh diện với câu cửa miệng truyền nhanh như gió “Văn thầy Hán, toán thầy Bình” của phụ huynh và học sinh ở tỉnh này. Tay Bình hiền lành, chỉ ham mỗi chuyện đi câu cá, nhưng tay Hán thì quá con ngựa bất kham. Nên lúc nào, ở đâu, ông cũng để mắt đến. Tay Hán trước ở trường sư phạm tỉnh trên vùng đồi sơ tán, bị kỷ luật nặng, chuyển xuống bộ phận hành chính, ngồi chơi xơi nước, không có trường nào dám nhận về. Thế mà không hiểu sao, chính ông lại lọ mọ ôm cặp đi xin Hán về cho bằng được. Có thể lúc đó ông cho rằng, tay Hán đang như chết đuối vớ được cọc, sẽ biết ơn ông suốt đời, mà tận tâm vì cái trường do ông làm hiệu trưởng. Nhưng cũng tại cái máu ưa nổi tiếng trong lãnh đạo chuyên môn, ưa thành tích hơn người của ông mà ra nỗi này.

Quản lý mỗi tay Hán ông đã mất ăn mất ngủ. Phải thật tinh quái giữa một bên sử dụng tài năng, với bên kia là kìm giữ tính trăng hoa nhất trần đời của anh ta. Làm hiệu trưởng mà có trong tay một giáo viên dạy giỏi như Hán, khác chi được trời cho cục vàng! Một giờ lên lớp của anh ta, người nghe cứ mê lịm đi, học sinh như nuốt lấy từng lời. Khỏi lo! Giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, bỏ cối đâm cũng cấm có trật! Sướng thế! Rồi còn phong trào bề nổi, thi văn nghệ, thi bóng chuyền, một tay Hán giành hết giải cao về cho nhà trường. Mỗi lần trao thưởng, ông mũi đỏ lựng, vênh vang trên bục cao nhất, giữa bàn dân thiên hạ. Khỏi nói cái cảm xúc thành công của người lãnh đạo, biết dụng nhân như dụng mộc. Nhưng quản lý anh ta khác chi ngồi lên con ngựa không yên cương, không hàm thiếc! Khi ngẫu hứng tung bờm nó vượt qua tất cả, đưa ta về đích vinh quang tột đỉnh. Ngược lại, cũng rất ngẫu hứng, anh chàng cho ta rơi xuống vệ cỏ như một cục đất…

Minh họa: Đình Truyền

Trời phú cho tay Hán dạy giỏi, nhiều tài vặt có lợi cho nhà trường, nhưng trời cũng vô tình phú luôn cho anh ta vô vàn ngón nghề quyến rũ đàn bà con gái. Cầm lấy cây đàn guitar, lập tức những ngón tay dài rung lên bản nhạc bập bùng trăng khuya. Vớ phải cây đàn bầu, là thánh thót cung thương cung nhớ đêm diệu vợi. Tim đàn bà con gái tan nát hết. Rồi trước mặt chị em yếu mềm, anh ta đôi mắt lim dim, miệng thầm thĩ những vần thơ thổn thức gan ruột. Anh ta lại có ngón ký họa, truyền thần chúa tể. Chỉ kê tờ giấy học trò lên đầu gối, thoáng nháy, người đẹp hiện lên với bức chân dung thần thái mơ màng, ẩn chứa nét tung tẩy nổi loạn. Lỡ gặp anh ta trên sân bóng chuyền, thì thôi rồi, chị em không thể cất bước đi. Sức hút khó cưỡng của một con đực ngồn ngộn sức lực, đô con, tráng cường. Khi anh ta ở cầu trên, đối phương chỉ còn biết giơ lưng chịu trận. Những pha nâng đập cháy lưới…

Đám đàn bà con gái xinh đẹp trong trường, không mấy ai không dính lưới tình của Hán. Bởi thế, anh chàng tự nhiên có biệt danh Hán Đông Gioăng. Ấy là cánh giáo viên trêu Hán mà gán ghép, chứ ông biết đâu. Mãi đến một hôm, ông mới thực sự chứng kiến. Đang giờ lên lớp, không gian im ắng. Ở phía dãy các lớp học, chỉ nghe vẳng lại tiếng giáo viên giảng bài đều đều. Dãy nhà hành chính sau khu hiệu bộ, ai công việc nấy, trôi đi lặng yên. Sau kia nữa, là khu nhà ở giáo viên, chỉ nghe đôi ba tiếng trẻ con chơi trốn tìm. Ông đang cắm cúi làm việc ở phòng mình, bỗng hai đứa trẻ chừng ba, bốn tuổi, ngọng líu ngọng lo, từ dãy nhà sau hộc tốc chạy vào. Một đứa hổn hển nói như mách:

– Bác Đôn ơi, xầy Hán với cô Nhước…

– “Thầy Hán và cô Nước làm sao?”. Ông hỏi gấp, thoáng chột dạ.

– Dạ… Xầy Hán và cô Nhước… ở chỗ phòng xầy Hán…

– Thầy Hán và cô Nước… ở đó lâu chưa? Họ làm gì?

– Dạ… Xầy Hán và cô Nhước… ở đó dâu dồi ạ…

– Hả…? Họ làm chi, các cháu có biết không?

– “Dạ… Xầy Hán và cô Nhước… hai người… hai người…”, đứa trẻ thở tớc tớc, hụt hơi.

– “Hả? Hai người làm sao?”. Ông hỏi líu lưỡi.

– Dạ, hai người… hai người vật nhau…

– Hử…? Họ vật nhau ở đâu, chỗ nào?

– Dạ… Hai người vật nhau… vật nhau chên giường…

Ông Đôn mặt tái xanh, lật đật xỏ dép, chạy vội ra sân. Cái mũi vốn đã đỏ, giờ chín lựng như trái cà chua. Nắng chiếu thẳng xuống cái đỉnh đầu hói sớm nghe ran rát, khiến ông giật mình nhìn lại. Hóa ra, ông vẫn quần đùi áo may ô mặc ở nhà. Nếu nhỡ ai hỏi, ông đi đâu đấy, biết trả lời sao? Với lại, cái chuyện đi bắt người hủ hóa, là vô cùng tế nhị. Dù ông là hiệu trưởng, nhưng với quần xà lỏn áo ba lỗ thế này, cái con ma nữ nặc nô ấy nó ôm hót lấy cổ, rồi van làng, ông biết gỡ sao? Ông lật đật quay trở lại. Vào buồng, luống cuống thay bộ đồ dài, đi giày, đội mũ nghiêm chỉnh. Lấy vẻ đạo mạo, cố giữ bước đi khoan thai, của một lãnh đạo am tường mọi việc cơ quan…

Cô Nước có chồng là giám đốc một công ty lớn. Từ ngày đổi mới mở cửa, anh ta làm ăn rộng, nghe nói sang tận bên Lào. Một tháng đôi ba lần về nhà vài hôm, rồi vắng biền biệt. Nước trắng trẻo, mắt mộng mơ, tính lẳng lơ đa tình. Nom chẳng hợp với công việc kế toán chút nào. Ấy vậy nhưng chuyên môn lại rất vững. Mọi chế độ chính sách đâu ra đấy. Ông chỉ mỗi răm rắp nghe theo…

Vừa bước xoăn xoắt, ông vừa nghĩ tìm lý do hợp lý đến khu nhà giáo viên lúc này. Kiểm tra đời sống, điều kiện làm việc ở khu tập thể, khu hậu cần ư? Sao lịch công tác trong tuần, không thấy nội dung này? Hừm! Là hiệu trưởng một trường cấp phổ thông trung học, đi đâu, làm gì, cũng phải báo cáo, giải trình với mọi người chắc? Vả lại, việc này quá đột xuất, không thể chậm trễ. Chậm trễ là mắc tội quan liêu, không sâu sát thực tế…

Ông lấy vẻ tự tin, bước dứt khoát hướng đến khu nhà giáo viên. Khi đi ngang khu nhà hành chính, đảo mắt thấy phòng kế toán cô Nước trống không, sổ sách giấy tờ vẫn mở trên bàn như trong giờ làm việc. Các phòng thủ quỹ, cấp phát, đôi ba người đi lại. Bỏ qua tất cả, ông đi nhanh ra mấy dãy nhà giáo viên. Nói đúng hơn, ông bước thẳng, gần như xồng xộc vào phòng tay Hán. Ông muốn ngay lập tức, chộp được cảnh trai trên gái dưới. Phải bắt được tay vày được cánh, mới mong xử lý được chuyện mèo mỡ này.

Ông suýt nữa đâm sầm vào người tay Hán, đang đánh trần quần cộc, đứng lau mồ hôi bên bàn viết cạnh lối đi. Mắt ông nhìn xói thẳng vào chiếc giường ngủ buồng trong. Căn phòng được ngăn đôi bằng liếp nứa, nửa ngoài đặt bàn làm việc, nửa trong là buồng ngủ. Thông nhau bởi một cửa đi, được che bằng tấm màn gió nhuộm xanh. Tấm màn đang khẽ lay động, nửa như gió thoảng, nửa có người bên trong. Nhưng ông không thể xộc bước vào đó ngay được. Thành ra, ông nhấm nhứ rồi chết đứng. Chóp mũi đỏ lựng. Mặt cũng đỏ lựng. “Hiệu trưởng… đi mô rứa ta? Hay tìm ai, mà hớt hơ hớt hải như người mất bò?” Tay Hán nháy mắt, miệng cười gian xảo và móc mỉa. Hắn ta cố ý đánh tiếng, để cô Nước trong buồng biết, mà tùy cơ ứng biến đây. Hẳn là Hán cũng thừa biết, hiệu trưởng Đôn mũi đỏ đến đây tìm ai, làm gì. Cái cười nửa miệng tinh ranh như bảo, muộn rồi, chúng tôi đã… quần tề áo chỉnh!…

– “À… Là tôi… đi tìm cô Nước… Cô ấy…”, ông Đôn nói ấp a ấp úng. Vừa muốn nói rõ tim đen việc đến đây, vừa thấy bất ổn. Dễ bị bắt chẹt. Nhất là những anh ả mèo mả gà đồng, sẽ mồm ba miệng bảy lu loa khi đã mặc lại được quần áo. Thành ra, ông cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Và tức thì thấy mình bị rơi vào thế yếu. Từ chỗ chủ động, hùng hồn chốc lát trở nên bị động, hèn mọn.

– “Tìm cô Nước, sao đến đây?” Tay Hán cười ruồi, hỏi dồn.

– “Là… Lúc nãy, thấy bóng cô ấy đi về hướng này…”, ông Đôn gãi tai ngượng ngùng, nói yếu ớt…

Có lẽ thấy vẻ thiểu não của thủ trưởng bị Hán bắt chẹt, lại chẳng ai có thể quy kết được gì mình lúc này, Nước lách tấm màn gió, đỏng đảnh bước ra. Chân đi, tay chỉnh sửa quần áo, và bới lại mái tóc rối. Ánh mắt lonh lanh. Gương mặt ửng hồng, ngời tươi. Sự ngời tươi của ả đàn bà vừa được thỏa mãn.

– Bác Đôn! Bác tìm em… có việc chi rứa, nạ?

Ông Đôn lườm qua vầng ngực đầy, bộ đùi căng mẩy của Nước, mường tượng lúc hai người hừng hực quấn lấy nhau trên giường. Ông khẽ nuốt nước bọt.

– Cô… làm gì… ở đây?

Nước bỗng phá lên cười, rồi chợt thấy bất kính, che miệng giảm tiếng cười xuống độ rinh rích. Tiếng cười giễu mỉa và trêu ngươi.

– Hiệu trưởng… kiểm tra em đấy à?

– “À… à… không!… Chỉ là nhân tiện…”, ông Đôn bối rối chống đỡ.

– “Dạ, em sang chỗ thầy Hán đây, nhờ chép bài thơ Màu tím hoa sim…”, Nước ỏn ẻn nói và nhìn sang tay Hán, “Thế… anh chép xong chưa?”

Đôn mũi đỏ định gắt, đến nhờ chép thơ, sao lại chui vào buồng ngủ anh ta? Nhưng ông kịp nén lại, sợ bị hố. Thiếu gì lý do hợp lý. Nào bị nhức đầu, chóng mặt. Nào bị đau bụng. Nào thấy khó thở…

Tay Hán hiểu ý Nước, lật đật đi lấy giấy bút chép thơ. Ông Đôn chợt thấy nhạt miệng, vì bị lỡm một cách ê chề. Nhìn lại, đã thấy mình thừa. Trước khi rút lui, ông nhìn Nước nói vớt vát: “Cô lập chứng từ ứng kinh phí quý tới sớm đi, nhá!” Rồi, lúc cúc bước ra sân. Hán và Nước, hai kẻ song kiếm hợp bích, cùng đưa mắt sang nhau, cùng đưa tay bụm miệng, cười vẻ đắc ý, tí tởn. Đôn mũi đỏ cay đắng giận sôi gan nhưng cũng ít nhiều mừng thầm vì sự việc đã không để lại điều tiếng gì. Làm lãnh đạo, sợ nhất để xảy ra điều tiếng không hay bay đến tai cấp trên…

Chuyện tay Hán bị kỷ luật ở trường sư phạm tỉnh khi còn chiến tranh, dù không nói ra, nhưng ai cũng tỏ tường. Nghe nói, từ lâu đã có sự thân thiết giữa thầy Hán và nữ sinh viên Lưỡng. Lưỡng học khá môn văn, thường được thầy Hán mời đóng góp ý kiến xây dựng bài. Thầy còn khen ý kiến Lưỡng sắc sảo. Nên việc Lưỡng được điểm cao môn văn, cũng quen dần. Thầy Hán hay ghé thăm lán nữ sinh ở bên bờ suối, gọi là đi kiểm tra học tập. Mỗi lần thầy đến, cả lán nữ bu quanh, đứa mô cũng muốn được thầy chú ý. Rồi mê mẩn nghe thầy đọc thơ. Ai cũng có một cuốn Sổ tay nghiệp vụ. Chép những câu thơ hay, những áng văn đẹp, làm dày thêm hành trang nghề dạy học sau này. Cuốn sổ của Lưỡng đẹp nhất, bìa bọc vải mới cứng. Trang đầu tiên có lời đề tặng và chữ ký của thầy Hán. Thì ra, sổ của Lưỡng do thầy Hán mua tặng. Trong sổ, có mấy bài thơ thầy Hán sáng tác, được thầy tự tay chép vào, với những dòng chữ rất đẹp.

Con thỏ non ngờ nghệch đã tự dẫn xác đến hang con cáo già. Nói đúng hơn, nó đã hồn nhiên đi vào lối cỏ non dẫn dụ của con cáo già, mà không hay biết. Hôm ấy, thầy Hán gọi Lưỡng đến phòng mình, nói nhờ vá chiếc áo. Vá xong áo, thầy Hán đưa cho Lưỡng một bánh xà phòng Thái, thơm nức. Quá bất ngờ, chiến tranh khó khăn chồng chất, hàng hóa khan hiếm. Lưỡng chưa bao giờ thấy nó, nghĩ đến nó, khi mà cả nhà em phải kiếm ăn từng bữa. Bánh xà phòng còn bọc trong giấy bóng đã tỏa mùi thơm ngào ngạt. Mắt Lưỡng sáng lên như được vàng, lại hàm chứa một thứ huyễn cảm sâu nặng. Thầy Hán khen Lưỡng khéo tay. Rằng bàn tay em như có phép tiên, biến chiếc áo rách thành lành lặn như mới. Bất ngờ hơn, thầy hôn lên mảnh vá có đường kim mũi chỉ của Lưỡng, khiến em thích thú đỏ mặt.

Hết vá áo sang vá quần. Hết xà phòng thơm sang nước hoa. Hết hôn lên mảnh vải sang hôn lên da thịt mu bàn tay thiếu nữ. Cuộc dan díu ban đầu mơ hồ, như sương như khói. Bước sang hiện hữu hình khối, nhưng không có ranh giới cụ thể. Trái tim thiếu nữ của Lưỡng quen dần với cảm xúc ngốt ngát khi môi thầy chạm lên mu bàn tay. Về phòng ngồi một mình, Lưỡng thấy nao nao nhớ, nao nao thèm, nao nao mong được lặp lại. Rồi những gì xảy ra, Lưỡng vừa sợ vừa thích. Sợ vì không biết rồi sự thể sẽ đi đến đâu. Đôi khi em muốn dừng lại, tự hứa là sẽ không đến phòng thầy Hán nữa. Nhưng ít ngày sau, những bài thơ hay nồng nàn thầy gửi tặng, những điểm số đẹp thầy ghi vào sổ làm xiêu lòng Lưỡng. Một phần vì thấy thích, một phần thầy Hán bảo không can chi mô, thế là lại gặp nhau. Sự việc bị bại lộ vì thầy Hán quá liều mạng. Đang đêm, mò đến khu lán nữ sinh. Thầy đã biết Lưỡng nằm ở vị trí ngoài cùng. Cuộc làm tình diễn ra, ngay trên sạp ngủ tập thể, khi cả nhóm nữ đang giấc say…

Sạp ngủ kết liền nhau. Chỉ cần một chỗ rung nhẹ đã khiến cả bọn thức giấc. Huống chi cuộc hoan lạc đang lên cơn điên loạn, không thể kìm giữ của hai kẻ vụng trộm tràn trề sức lực. Cả bọn cắn răng chịu đựng. Hôm sau, mọi người trong lán nhìn nhau mặt sượng sùng. Nhưng mặt Lưỡng tỉnh bơ, như không có chuyện gì xảy ra. Không ai có thể trực tiếp nói chuyện với Lưỡng, vì chắc chắn sẽ đến tai thầy Hán tức thì. Cũng không thể báo cáo với nhà trường, vì sự việc sẽ bung vỡ, Lưỡng sẽ bị đuổi học, và thầy Hán chắc bị điều chuyển.

Vài đêm sau, thầy Hán lại mò đến lán trong khuya. Cả nhóm con gái đang ngủ say, bỗng tiếng sạp rung và tiếng thở nặng nề của đàn ông. Rồi tiếng Lưỡng nói khẽ “Em đang có…”. Thầy Hán thở dài thườn thượt, rồi lặng lẽ đi ra khỏi lán. Đêm sau, cả bọn thay đổi chỗ nằm, đưa Lưỡng vào nằm góc trong cùng, và đem xoong chậu treo đầy cánh cửa. Nhưng ở vùng đồi, thiếu gì rừng cây hoang cỏ, lãng mạn mỗi hoàng hôn hay đêm trăng. Và đi đêm lắm có ngày gặp ma, Lưỡng bị dính bầu, thầy Hán bị kỷ luật nặng…

Khi ông Đôn ôm cặp lên Sở xin cho bằng được tay Hán về trường, có người bảo ông mạo hiểm, tự mua dây buộc mình. Nhưng ông không nghĩ thế. Kỷ luật chỉ là một tai nạn, nó giúp con người trưởng thành hơn. Vả chăng, ông đã có cách độc, khắc chế tính trăng hoa của Hán, nhằm phát huy tài năng của anh ta, phục vụ sự nghiệp trồng người. Biện chứng quá! Đấy, mới mấy năm, mà cả tỉnh rộ lên bộ đôi “văn thầy Hán toán thầy Bình” đó sao? Để chắc chắn, lần này ông đóng yên cương, hàm thiếc con ngựa bất kham của mình. Bằng cách xin chuyển cô vợ anh ta từ ngoài Nghệ vào ở cùng. “Hà hà… Cao kiến!”, ông tự khen mình. Ngay cả bậc đế vương, kẻ quyền cao chức trọng, kẻ lắm tiền nhiều bạc, trăng hoa đến mấy, cũng phải bó gối trước các bà vợ! Hán cũng không ngoại lệ. Chứng cớ là, từ ngày vợ vào, tay Hán chỉ luẩn quẩn trong nhà với gạo củi và rau heo cám chó, cấm có đi ra ngoài…

Nói của đáng tội, sử dụng tay Hán như cưỡi trên lưng hổ. Ông vừa cưỡi vừa run, vừa nương vào bước chân của nó. Giá tay Hán là đảng viên thì coi như con ngựa bất kham ấy đã thêm một lần dây cương hàm thiếc. Đằng này, Hán chỉ là tổ trưởng bộ môn, một chức vụ do ông ký bổ nhiệm. Đã mấy lần ông đưa ra chi bộ thảo luận đều bị gạt phăng, nói đề nghị xem lại “quan hệ nam nữ”. Dù từ khi về trường này, chưa có chuyện gì cụ thể, nhưng lập luận “không có lửa sao có khói” lại kìm chân Hán ta…

Ông Đôn nhướng mắt nhìn qua khe kính một lượt hội trường đông đúc, và thấy gương mặt hai con át chủ bài, thì yên tâm đánh tiếng bắt đầu làm việc. Ông không quên xác định vị trí Hán Đông Gioăng, ngồi chỗ thứ hai dãy cuối phòng, cạnh lối đi. Lúc lúc, ông lại đưa mắt kiểm tra, canh chừng. Và cái mặt tươi rói, phí phởn của anh ta đón cái nhìn của ông như muốn nói, có tôi đây!

Ông mòn tay với việc viết các báo cáo gửi lên cấp trên, mòn mắt với các công văn nghị quyết cấp trên gửi về, và mòn đũng quần ở các hội nghị, nên việc triển khai nhiệm vụ đầu năm học, nội dung đã nằm lòng. Chạm vào văn bản là như chạm vào nút ấn của chiếc máy. Nó phát ra một cách say mê, tuần tự. Ông nói chậm, dừng lại giảng giải nhấn mạnh, rồi lại nói chậm sang nội dung khác. Cả hội trường im phăng phắc, chỉ nghe tiếng bút chạy trên giấy rào rào. Ông thích thú không khí này đến mê tơi. Lãnh đạo một nhà trường, được mọi người tuân thủ ghi chép răm rắp, thì còn chi hơn? Say sưa cho đến khi kết thúc, ông xoa tay chuyển sang phần thảo luận…

Ngẩng mặt lên, nhướng mắt, ông giật thót như chạm phải lửa! Ngẩn nghệt ra. Mặt nóng bừng, da xanh tái. Ngực nhói nhức, tim gõ thất thần. Mũi đỏ lựng. Anh ta đâu rồi? Anh ta đi đâu? Ông mất cả bình tĩnh. Hắn lủi chỗ nào? Hắn chui hốc mô? Sợ bị hố, ông không nói gì, chỉ nhướng mắt qua khe hở cặp kính lão, soi khắp lượt hội trường, từng dãy ghế, tìm bộ mặt đĩ thõa của hắn. Không có! Ngay cạnh cô giáo Thảo đẹp phây phây, cũng không có nốt. Thế là thế nào? Ông đã không nhìn thấy hắn từ khi nào? Hình như gần hai tiếng đồng hồ trên bục ông vẫn nhìn thấy hắn kia mà? Và ông yên tâm với hắn lắm kia mà!

Sở dĩ hiệu trưởng Đôn mũi đỏ cuống lên, tâm thần bấn loạn như thế, là bởi mọi người đã nhìn thấy khói. Đau, là khói lại bay lên từ chính ngôi nhà của ông. Người ta nói xa nói gần, rồi lời ong tiếng ve lọt vào tai ông. Thậm chí, lời đồn còn kèm câu vè xóc óc. “Với thầy Hán một hôm, bằng ông Đôn cả tháng” Hừm!… Toàn bịa tạc! Lạ gì trò đời, thấy Thu Thiểm của ông đẹp phây phây, non hơn hớn, thì ghen tị đặt điều cho bõ ghét. Còn tay Hán, chịu ơn ông mấy lần, lại là chỗ tâm phúc. Không! Không thể nào! Vuốt mặt phải nể mũi chứ! Hắn đâu phải súc vật!

Mà tay Hán này chúa thật, không ai lường hết được hành tung của anh ta. Cách đây chừng năm, khi vợ anh ta còn ở ngoài Nghệ, tiếng đồn đến tai ông, rằng đêm thứ Bảy nào Hán cũng có đàn bà. Ông quyết định chiếu tướng hắn một phen bằng cách tối thứ Bảy ấy, bất ngờ đến ngủ căn phòng sát bên cạnh. Đó là phòng của tay giáo viên nghỉ chăm vợ sinh, ông đến lúc chập tối, đánh tiếng với tay Hán phòng bên rằng, chiều nay họp xong muộn quá, nên ngủ lại. Hai giường kê sát nhau, chỉ cách một vách liếp thưa. Con rận bò bên kia, bên này cũng nghe thấy. Cả hai say sưa chuyện thời sự thế giới, Hán nói rất hăng, phân tích rất kỹ các tình huống. Thỉnh thoảng nghe tiếng trở mình rất khẽ, nhưng mạch chuyện vẫn thao thao bất tuyệt. Đến khoảng mười một giờ khuya, nghe có tiếng rửa tay, rồi tiếng kẹt cửa rất khẽ. Không biết là tiếng của phòng nào trong dãy nhà tập thể? Cẩn tắc vô náy náy, ông lao ra cửa, tức thì gặp bóng một giai nhân từ phòng Hán bước ra. Đôi chân trắng nhễ trắng nhại dưới làn váy ngắn, đỏng đảnh lả lướt qua sân trăng…

Nhưng giờ anh ta đi đâu? Anh ta đi lúc nào? Ông thấy chột dạ. Mồ hôi túa ra đẫm cả khuôn mặt như có kiến bò. Ngượng ngùng. Bẽ bàng. Tuồng như cả hội trường ai cũng biết rõ nơi anh ta đến, chỉ mình ông là không. Có thể quá quắt như thế không…? Nhưng ở đời, có gì là không xảy ra? Đừng cả tin sinh chủ quan! Ối kẻ tin bạn mất bò, đó sao!

Hiệu trưởng Đôn mũi đỏ chỉ kịp nói “Xin lỗi”, rồi lao ra khỏi hội trường. Đôi tai ù đặc của ông vẫn nghe tiếng rào rào nổi lên phía sau. Hình như có cả những tiếng cười nhạo khả ố, bám đuổi theo ông…

Chiếc xe máy Honda đời 67, già nua cũ kỹ như ông, ì ra trong bàn tay chai sạn. Đạp mãi nó mới chịu cất tiếng nổ phành phạch. Ông ngồi lên yên, thúc nó chạy nhanh. Bấy giờ, tiếng nó giận dữ, gắt gỏng không khác tiếng máy cày và nhả khói mù mịt. Quá nóng ruột, ông nới tay ga, tức thì nó lịm đi, ì ra như đống sắt nguội. Nó đồng lõa với tay Hán chắc? Cuối cùng, lại dỗ dành nó mới thuần thục trở lại. Ông Đôn cưỡi xe mà đầu cúi thấp, mắt không muốn chạm mắt người đi đường. Tuồng như họ cũng đang cợt mỉa người đàn ông đầy quyền uy của một nhà trường danh tiếng lại bị vợ cắm sừng…

Ông cúi cổ, gò lưng trên xe máy như ngồi lưng trâu. Mồ hôi ướt đẫm như tắm, dính chặt lưng áo. Trời cuối Hạ đầu Thu mà nắng như đổ lửa, gió Nam thổi cuồng lên như bão, hắt cát vào mặt ông không thương tiếc. Hay chúng cũng đồng lõa với vợ ông, cố cản bước chân ông? Bao nhiêu lời đồn đại bấy nay, nhưng ông coi là họ trêu ông, trêu con người quá đỗi thật thà. Ngoài trí lực tập trung cho công việc lãnh đạo một nhà trường tiên tiến, sức lực còn lại ông tập trung cho gia đình. Sau giờ hành chính ở trường về là ông đánh trần với khu vườn trồng rau khoai, dãy chuồng xây xi măng nuôi vài chục con lợn thịt, hai con lợn nái. Chiến tranh đi qua đã mười năm nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Giờ bước chân vào thời kỳ đổi mới, ai cũng phải tự tìm thu nhập khác lương. Phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Ở vùng đồi này cũng chỉ có kế sản xuất, chăn nuôi thêm. Ông may mắn hơn cánh giáo viên trong trường là bà vợ làm ở cửa hàng bán gạo, kiêm quản lý cơ sở xay xát lương thực thị xã. Ai thiếu hụt chứ ông không thể. Ngoài ra, một cơ số đáng kể về tấm cám, đầu thóc, trấu đun giá phân phối, đủ dùng quanh năm trong gia đình.

Một dãy lò đun trấu thường xuyên đặt mấy cái chảo lớn, xoong quân dụng, sôi lúc rúc cháo lợn. Ông có kinh nghiệm nuôi lợn khép kín. Vài ba sào đất chuyên trồng khoai lang, không lấy củ. Đất không đánh luống, chỉ rạch rãnh sâu, giâm ngọn khoai xuống. Phân lợn thải ra, quét chảy theo mương vào bể chứa. Khi khoai bén rễ, múc phân lợn tưới lên theo rãnh. Rãnh sâu và rộng, phân lợn được giữ lại, thấm vào trong mấy lớp đất, không bị chảy trượt ra ngoài. Cả khi mưa lũ, cũng không bị trôi mất. Rau tốt bời bời, thu hoạch như cắt rau muống. Cắt gần sát gốc, chừa khoảng nửa gang tay. Cắt vừa đủ cho đàn lợn ăn trong ngày. Cắt đến đâu, tưới phân lợn đến đấy. Được phân, vài hôm gốc dây khoai tua tủa mầm. Một tuần, rau khoai phủ kín mặt đất. Cắt đến luống cuối cùng, thì luống đầu tiên đã xanh bời bời. Cứ thế, tiếp tục quy trình cắt và tưới.

Rau tươi thái vài ba phân bỏ vào các chậu lớn, dùng gàu múc cháo nóng đổ lên, quấy nhẹ. Bỏ thêm chút xác mắm mua từ các hợp tác xã nghề ngư. Cháo vừa tỏa khói, đàn lợn đã réo lên gọi râm ran. Lợn ông năm, sáu tháng xuất chuồng một đợt. Mỗi đợt ba bốn con. Các thương lái cân ngay tại nhà, thuận tiện đôi đường. Đầu vào giá rẻ như không, nên ông lời to. Nguồn lợi này được vợ ông chuyển qua mua vàng cất giữ. Mới mấy năm đổi mới mở cửa, gia đình ông, mà chủ yếu là vợ ông, có một gia sản khá lớn trong im lặng. Khi cả vùng đồi này còn tranh lá, chỉ lác đác nhà ngói, thì vợ ông đã cho xây ngôi biệt thự ba tầng, chỗ vùng đồi giáp thị xã.

Dù ông có tiếng trong xã hội, nhưng vẫn thua xa vợ ông. Ông thật thà chân chỉ, cả trong chuyên môn lẫn trong lãnh đạo nhà trường. Cả trong quan hệ xã hội, trên phổ biến sao ông nghe và tin như vậy. Trong khi vợ ông có cái nhìn đi trước thời đại. Chẳng hạn, bà ấy bảo thị xã rồi sẽ lên thành phố, khi đó cả vùng đồi phía tây này, bao gồm cả ga hỏa xa, sẽ là trung tâm thành phố. Thế là bà ấy mua ngay khu đất đồi, rộng vài hecta, gần khu chợ nhà ga, giá rẻ như cho. Nhưng vừa mua xong thì con đường lên vùng đồi chạy qua trước nhà mở rộng thành trục chính, chuẩn bị rải nhựa. Đất nhà ông vụt lên giá, gấp cả trăm lần. Vợ ông đang tính chuyện bán đi vài lô, lấy tiền xây khách sạn. Từ đây về biển cách hai cây số, mùa Hạ chỉ ngồi đếm tiền. Người ta bảo, số ông nhờ vợ, quả không sai!

Chiếc xe khùng khục chạy như con ngựa già mẫn cán. Ông vẫn thấy chậm rề rề. Nhưng càng thúc, nó càng la toáng. “Hừm!… Thế này thì còn nước mẹ gì nữa!” Khác chi nó bảo, này đôi gian phu dâm phụ kia, mau mặc quần áo vào, lão chủ về ngoài ngõ rồi đấy!

Đôn mũi đỏ điên lên, dừng xe tắt máy từ ngoài đường cái. Còng lưng cò cổ đẩy trong im lặng. Chiếc xe cứ ì ra trên lối đất cát pha, ông nghiến răng nghiến lợi, bấm bụng bấm chân đẩy, cố không phát ra tiếng động. Đúng là cái tổ con chuồn chuồn! Không sai tẹo nào! Trên góc sân nhà ông, chiếc xe máy Babetta như con cào cào của tay Hán, đang im lặng đợi chủ…

Quả thật ông không hay rằng, Thiểm vợ ông từ lâu đã nghe phong thanh trong giới đàn bà mê trai lạ về một Hán Đông Gioăng trăng hoa sức lực, tuổi vừa bốn mươi. Đường bệ phóng túng. Cô nàng vô cùng háo hức. Trái tim cứ réo rắt muốn nhìn thấy mặt, muốn nếm một lần cho biết, nhưng không có cách nào tiếp cận được. Nhiều đêm Thiểm nằm mơ, tưởng tượng, hình dung. Càng mường tượng, cơn thèm khát càng trào dâng, như con sóng đập tung bờ đá. Cơ thể cô nàng réo gọi, gầm thét đòi được thỏa sức. Mong được một cuộc làm tình tơi tả, lăn chiêng đổ đèn. Từ khi cưới nhau đến giờ, dù đã sinh hai mặt con, chưa bao giờ cô ả được ông Đôn cho lên đỉnh. Đôi khi Thiểm tự hỏi, có ai như mình trong giới đàn bà? Hay tại ông Đôn đã lớn tuổi? Ông ấy nay đã ngoài năm mươi, hơn vợ mười lăm tuổi. Hồi ấy, vì thấy ông nổi tiếng dạy giỏi, lại chân chỉ hạt bột, cha mẹ cô mê mẩn, khiến cô cũng xuôi theo. Bây giờ, với cô, ông Đôn là một thứ mà không có thì thiếu, có thì thừa…

Cầu được ước thấy, trời đã đưa Hán Đông Gioăng đến cho cô ả. Thiểm run lên, khi tay cô lật chồng sổ gạo trước mặt, bật lên cuốn bìa còn mới cứng, mang tên Trần Hán. Cô nàng khựng đi mấy giây, đầu óc lướt nhanh tình huống. Một cái gì từa tựa sự gian ngoan của loại đàn bà có gan ăn trộm thừa gan chịu đòn tỉnh giấc. Không ngẩng lên tìm người. Không hốt lên trên sắc mặt. Cô nàng lạnh lùng và kín đáo như một con mèo, giúi nhanh cuốn sổ xuống nằm dưới đáy.

Gạo được bán lần lượt, theo thứ tự từ trên xuống dưới của chồng sổ trên bàn. Hán Đông Gioăng hết đi vào lại đi ra, giữa đông đúc người lố nhố đứng ngồi chờ đợi. Chồng sổ trên quầy vơi quá nửa, sổ của Hán vẫn chẳng thấy tăm hơi. Thế nghĩa là thế nào? Việc đi xếp hàng mua gạo sổ là việc của đàn bà. Nhưng vợ hắn mới chuyển vào, chưa thông thạo đường đi lối lại, nên hắn phải đi mua thay. Vả chăng, quanh năm chúi mũi với bảng đen phấn trắng cứ mụ người đi nên ra ngoài một buổi cũng thấy thích?! Từ ngày vợ chuyển vào công tác trong trường, hắn như bị trói chân trói tay. Đi ra khỏi nhà, dù không phải xin phép, cũng có đôi lời thông báo. Đến nỗi, có lần ngồi uống trà với nhau, hiệu trưởng Đôn mũi đỏ nheo mắt cười ranh mỉa, rằng con tuấn mã đã lắp yên cương và hàm thiếc rồi phải không?

Mấy lần Hán định ướm hỏi, nhưng thấy cô nhân viên bán gạo cắm cúi làm việc, thao tác như máy, chưa một lần ngẩng lên, thì ái ngại. Vả chăng, khuôn mặt nhìn nghiêng của cô nàng cũng khá dễ ưa, toát vẻ khêu gợi, khiến hắn thinh thích. Ngưu gặp ngưu, mã gặp mã chăng? Hắn kín đáo ngắm nhìn, càng nhìn lại càng ưa. Vẻ dư dật đĩ thõa từ đôi chân mày rậm và cong, đôi mắt lươn, đôi môi hé mọng, đôi má ửng hồng. Hai bờ vai thon, và vầng ngực vun đầy. Hán Đông Gioăng có một thói quen nhìn đàn bà là từ sắc mặt, lướt xuống ngực, bờ vai và hai cánh tay, từ đó cho phép anh ta hình dung tất cả, khi tuột bỏ váy xống. Giờ cũng vậy, với cô nhân viên bán gạo này, Hán hình dung cái bụng thon, cái mông tròn phải biết…

Hán tựa lưng vào cánh cửa mở trái, mắt nhìn không chớp một điểm mơ hồ trước sân, đầu óc mân mê cơ thể người đẹp trong tưởng tượng. Bỗng giật mình bởi tiếng gọi đàn bà: “Trần Hán đâu?” Hắn như thức giấc, xung quanh vắng teo. Người xếp hàng mua gạo đã đi hết từ lâu.

Trong quầy, người đàn bà trẻ khẽ mỉm cười với ông. Nửa thân thiện như đã biết rõ nhau từ lâu, nửa khách sáo như người mới gặp.

– “Em chào thầy!”, tiếng chào ỏn ẻn.

– À vâng! Chào em! Em là… học sinh xưa của tôi, sao?

– “Dạ không… Được là học sinh của anh, thì còn gì hơn nữa!”. Người đẹp khéo léo chuyển cách xưng hô, khiến tay Hán như nở từng khúc ruột, quên nỗi chờ đợi suốt cả buổi sáng.

Anh ta trách khéo, “Không phải học sinh, thảo nào em bắt tôi chờ đến xiêu nghê tàn hạc thế này…”

– Đâu có! Em giải quyết theo thứ tự mà. Biết trước thì…

– Tôi xếp sổ khi trên bàn mới có dăm ba cuốn thôi đấy!

– Thế à? Em xin lỗi!

– Xin lỗi… như thế… mà được sao?

– Thì anh bảo… phải làm sao giờ?

Bốn con mắt nhìn nhau một giây, chúng nói nhiều điều mà hai người thừa hiểu. Đôi tay của Thiểm ghi như máy những con số vào sổ. Khi trao sổ cho Hán, cô nàng chợt nói như sực nhớ. “Thôi được, em đền anh một chầu cà phê. Sáng Chủ nhật, quán Gió Trăng, phía bờ sông…”. Thế là, từ đó, Hán Đông Gioăng thành thạo đường đi lối lại…

Ông Đôn áp tai vào hai cánh cửa lim nặng nề đóng chặt, bên trong lặng im. Ông gõ ba tiếng một, động tác lịch sự. Cốc, cốc, cốc… Cốc, cốc, cốc… Cánh cửa lì lợm, như không muốn nghe lời chủ. Điên tiết, ông gõ mạnh, gắt gỏng. Cộc, cộc, cộc… Cộc, cộc, cộc… Cánh cửa vẫn im lìm. Bực bõ, ông đi ra cửa sổ hành lang, gõ liên tiếp mấy cái, vẫn lặng như tờ. Thế này thì không còn thể thống gì nữa, ông phăm phăm đi ra phía sau, vượt qua mấy đống củi, đến sát ô cửa sổ phòng ngủ. Không còn lịch sự, ông choang cả nắm đấm vào cánh cửa lim. Cánh cửa giội những âm thanh căm tức. Hình như trong ấy có tiếng động nhè nhẹ, hay tiếng thở, ông không chắc lắm. Hẳn nhiên cánh cửa này không chịu mở. Bất lực, ông quay ra cửa trước, hằm hằm đặt những bước chân uất nghẹn trên hành lang trước phòng khách. Chiếc Babetta cào cào dựng góc sân như cợt mỉa người đàn ông vô dụng, khiến ông sôi gan, lao đi tìm chiếc búa bửa củi. Nhưng tức thì, cánh cửa phòng khách bật mở. Và, Hán Đông Gioăng bệ vệ bước ra, đứng dạng hai chân choán ngay lối đi, như thể chủ nhà. Đầu tóc kịp chải mượt, mặt phởn phơ ửng đỏ, hai tay xốc xốc chiếc quần yếm treo ca rô thời thượng. “Hừm… Hắn đứng tấn thế này, là cố ý không cho ông vào ngay, để con đàn bà đủ thời gian mặc lại váy xống đây!”. Ông định gạt phăng hắn ra, nhưng Hán đã xởi lởi như không.

– Chào hiệu trưởng, bãi họp rồi, anh?

– “Sao anh… bỏ họp đến đây?”. Hỏi xong, Đôn giận mình vì không tìm được câu trả miếng xứng đáng.

– “Là tại anh cả đấy…”, Hán nói tỉnh bơ.

– “Anh trốn họp, lẻn đi, là tại tôi sao?”. Đôn giận dữ, chóp mũi càng đỏ lựng.

– Đúng thế! Từ ngày anh chuyển vợ con tôi vào, ba thứ bà rằn gạo củi mắm muối, nó cứ đổ lên đầu lên cổ tôi…

– “Hừm, đi mua gạo, sao anh mò mặt đến nhà tôi?”. Đôn mũi đỏ quyết định đánh bài ngửa.

Hán Đông Gioăng nhếch mép, hất hàm về phía bao gạo dựng cạnh chiếc xe cào cào. “Là tôi nhờ… chị nhà mua hộ…”

– “Á a!… Thì ra, các người đã âm thầm sắp xếp, để có lý do hú hí hợp pháp ở đây! Cái thứ đàn bà lăng loàn kia!”. Ông Đôn gạt phăng Hán, lao thẳng vào buồng ngủ. Ở đó, dấu vết bừa bộn chiến trường hoan lạc nghiêng trời lệch đất, chưa kịp thu dọn, chăn gối ngổn ngang, ga trải giường rúm ró. Đôn bước hụt chân, thở hụt hơi, mặt đỏ lựng, mũi đỏ bầm, lao đến giật cửa buồng tắm. Cánh cửa nhẹ tênh trong tay. Ở đấy, vợ ông vừa thay xong váy xống, tươi rói và thỏa mãn, đỏng đảnh bước ra.

– “Anh về rồi đấy à?”, Thiểm thỏn thẻn nói.

Ông Đôn phừng phừng một thùng thuốc súng chực nổ, vừa há miệng, đã bị Thiểm đưa ngón tay búp măng lên chặn môi. “Suỵt…”

Ngoài sân, Hán Đông Gioăng cất tiếng rõ to, “Cám ơn hiệu trưởng, tôi về đây”. Ông Đôn cố lấy vẻ đĩnh đạc bước ra, theo thói bề trên đưa tay lên như vẫy tiễn. Nhưng khi quay lại, ông chợt giận tím mặt sôi gan. Ông giận tay Hán? Ông giận vợ? Hay ông giận ông? Không biết nữa! Và bất lực nhìn con cào cào xả một làn khói đen, đắc thắng vù ra khỏi sân…

Hữu Phương

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 21, tháng 3/2022)