24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Hai ngày trong khách sạn

Toàn không đoán được tuổi người phụ nữ ấy. Cô gõ cửa phòng rồi bước vào, “Em dọn phòng cho anh”. “Không cần đâu, thay cho tôi vài cái khăn là được”. Cô gái quay ra, một lúc sau đưa khăn vào phòng tắm. “Em là Phương, cần gì anh cứ gọi xuống lễ tân”. Có một nét gì đó quen quen vừa thoáng qua nhưng Toàn không nhớ ra.

Đoàn du lịch của Toàn có mười người, xuất phát từ thành phố Vinh, lên Tây Nguyên, về Tây Ninh, xuống Cà Mau… và chiều qua về đến Cần Thơ, nơi nổi tiếng cảnh đẹp với bến Ninh Kiều diễm lệ. Tối qua cả đoàn du thuyền trên sông Hậu, sáng nay mới 4 giờ sáng đã dậy đi chợ nổi Cái Răng. Trên sông, dưới bến lấp lóa ánh đèn, cả dòng sông náo nhiệt kẻ mua, người bán. Thuyền nào cũng đầy ắp hàng, nào xoài, lê, mãng cầu, măng cụt, sầu riêng… Những chiếc thuyền neo lại với nhau thành một cửa hàng. Mọi người lên đó để mua cá khô, mực khô, tôm, ốc và các loại dầu xoa bóp.

Kế hoạch sáng nay “hành quân” ra Bắc, nhưng khi chiếc thuyền máy đưa đoàn về nơi xuất phát để chuẩn bị lên bờ thì có một chiếc tàu đón khách đi tham quan Côn Đảo đang chờ ở bến, bảy giờ rưỡi sẽ nhổ neo. Một người lên tiếng: “Hay ta đi Côn Đảo đi”, “Đúng đấy, thời cơ đấy”, “Từ đây ra Côn Đảo đi tàu biển chỉ hơn 3 giờ đồng hồ”, “Đi đi, mai về”… Mỗi người một câu, cả đoàn nhất trí đi Côn Đảo. Toàn vừa đi Côn Đảo mấy tháng trước, lại sợ mệt vì chưa đi tàu biển bao giờ nên ở lại một mình trong khách sạn.

Gần 8 giờ sáng Toàn mới xuống phòng ăn, gọi một tô hủ tiếu và một cốc sinh tố. Anh lơ đãng nhìn xuống đường qua ô kính. Khách sạn mùa này vắng lắm, chỉ có vài ba thực khách ở phòng ăn. Cũng có thể do Toàn đi ăn muộn quá. Cảm giác buồn buồn, anh chậm rãi gắp từng sợi bún và nhấp vài ngụm sinh tố như để giết thời gian.

Minh họa: Hồ Thiết Trinh

Ở một căn phòng trên tầng 3, Phương ngồi trên chiếc giường đơn kê giữa những đống chăn, ga, khăn, gối. Căn phòng dùng để đồ và là nơi ở của người phục vụ. Công việc buổi sáng đã vãn, Phương mở cái hòm tôn lấy ra bài thơ năm nào rồi nhẩn nha đọc chậm từng câu dù bài thơ đó Phương đã thuộc lòng. Bài thơ “Tình tự với sông Hàn” người con trai đó đã tặng Phương hai lăm năm trước.

Năm đó vừa học xong lớp 12, thi đại học không đỗ, từ miền quê ở ngoại thành Hà Nội, Phương đi vào thành phố Đà Nẵng bán hàng cho người cô ruột. Nhà cô ở mặt đường và có một quầy hàng tạp hóa khá rộng. Một buổi sáng, Phương đang đẩy cánh cửa xếp về một bên thì người con trai đó đến. “Chị bán cho tôi một vỉ pin tiểu”. Phương quay lại, người con trai thay đổi cách xưng hô. “À, em. Bán cho anh mấy cục pin để chạy ghi âm”.

Toàn đến Đà Nẵng cả tuần nay để gặp gỡ các nhân chứng khi anh đang làm bộ phim tài liệu về chiến tranh. Cả tuần loanh quanh trong thành phố, Toàn đã gặp nhiều đàn bà, con gái nhưng không thấy người nào xinh đẹp như gái Hà Nội. Sáng nay, anh phải ra phố mua vội mấy vỉ pin để về đi ghi âm một cán bộ lão thành theo lời hẹn. Đang sớm quá, các cửa hàng trên phố vẫn đóng im lìm. Khi nhìn thấy một quầy hàng có người đang đẩy cánh cửa xếp về một bên, Toàn xáp lại ngay. Người mở cửa đang quay lưng về phía Toàn, dáng điệu trẻ trung, chiếc váy ngủ mềm và ngắn để lộ hai bắp chân trắng nõn. Theo lối xã giao thông thường, Toàn gọi “Chị ơi…” Khi người con gái quay lại, bối rối nhìn Toàn thì anh cũng bối rối không kém. Cô bé đang tuổi học sinh, trắng trẻo và xinh đẹp. Đôi mắt đen láy, trong veo như nước suối đầu nguồn. Toàn cầm mấy viên pin và phóng xe về phòng khách sạn, lòng lâng lâng như tia nắng sớm. Suốt cả tuần sau đó, vài lần Toàn đến cửa hàng của Phương. Anh muốn tìm cớ để được nói chuyện với Phương khi vắng khách, lâu lâu cũng mua một thứ gì đó cho có lý. Cô gái tiếp chuyện rụt rè, phần vì chưa quen giao tiếp, phần vì e ngại bà cô. Rồi một ngày phải xa thành phố này, trước khi ra sân bay, Toàn đến cửa hàng, đưa cho Phương một tờ giấy viết tay và nói: “Hôm nay anh phải vào Thành phố Hồ Chí Minh, gửi em bài thơ anh vừa viết tối qua. Bài này có thể sẽ đăng trên tạp chí Đất Quảng vào số tháng 7 này, em tìm đọc nhé”. Toàn không nói được gì thêm nữa, vội để tờ giấy lên mặt quầy rồi quay lưng bước đi. Vẫn chưa biết tên cô gái ấy.

Phương đẩy cánh cửa sổ căn phòng cho gió lùa vào. Những dòng chữ chấp chới trước mắt cô. “Sông Hàn đâu cạn đâu sông/ cho tôi bắc một nhịp cầu lòng tôi”… Ôi, đã bao đêm Phương thổn thức bởi những câu thơ này. Những ngày ở Đà Nẵng, Phương ngóng chờ anh tới. Mong mãi, mong mãi cho đến ngày cô vào Cần Thơ sinh sống thì hết hy vọng.

Thực ra mấy lần vào Đà Nẵng công tác Toàn vẫn đến cửa hàng đó để mong gặp Phương nhưng không gặp. Toàn cũng không dám hỏi chủ nhà. Vì biết nói thế nào đâu, vô duyên lắm, mà có khi làm người nhà lại nghi ngờ là kẻ gian. Năm tháng qua đi, Toàn xây dựng gia đình, sinh con và cuốn vào cuộc sống mưu sinh bề bộn.

Ngày thứ hai ở khách sạn cũng diễn ra đơn điệu. Toàn tranh thủ giặt mấy bộ quần áo đi đường đã mấy hôm vẫn cuộn lại bỏ trong vali. Khách sạn có dịch vụ giặt đồ nhưng Toàn muốn tự giặt cho khuây. Ở đây không có hành lang, Toàn treo móc quần áo lên ghế, lên bàn và cả tay kéo của chiếc vali được kéo cao lên. Căn phòng mở điều hòa suốt ngày, vắt thật khô nước rồi đem phơi, chỉ đến chiều là khô thôi. Cô gái lại bước vào: “Ở đây có dịch vụ giặt là đấy anh. Nhưng thôi, anh đã giặt rồi”. Phương kéo hai cánh rèm ép về hai bên để lộ một khung kính rộng, nắng tràn vào lấp lóa. Cô treo những bộ quần áo của Toàn lên chiếc sào dùng để mắc rèm. Anh nói: “Tốt quá, thế này thì chẳng mấy chốc sẽ khô”. Khi Phương đi ra, Toàn lại cố nhớ hình ảnh này mình đã gặp ở đâu nhưng không thể nào nhớ nổi. Toàn đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên nhiều hình ảnh hao hao. Hỏi thì ngại. Mà cô gái hình như cũng không muốn nói chuyện nhiều với khách.

Toàn vẫn không đoán ra tuổi của người phụ nữ ấy. Có lẽ khoảng ngoài 40, mà có khi gần 50 cũng nên. Nhìn chung chị ta trẻ trung, duyên dáng, cái nhìn kín đáo và cử chỉ rất tế nhị. Nhưng đôi khi gương mặt đó trầm tư, ánh nhìn như thăm dò, khó hiểu.

Đã hai lăm năm trôi qua, ngày tháng anh ấy viết tặng bài thơ vẫn còn rất rõ. Phương gấp bài thơ lại, trân trọng như một báu vật rồi để vào chỗ cũ. Sao hồi đó anh ấy không quay lại tìm mình nhỉ? Những câu thơ ý tứ chứa đầy cảm xúc “Lang thang trên bến sông Hàn/ Tôi đi tìm một tiếng đàn tri âm/ Lao xao sóng hát nghìn năm/ Sông Hàn biết có cung trầm cho tôi?…”

Khi Toàn đặt bài thơ ấy lên mặt quầy hàng rồi vội vã ra đi, Phương rụt rè cầm tờ giấy cứ sợ ai nhìn thấy. Tối đến, khi đã buông màn cẩn thận Phương mới giở tờ giấy ra đọc một mình. Bà cô hỏi “Sao không tắt đèn đi con”? “Dạ, đọc vài trang sách rồi con sẽ tắt”, Phương đáp.

                                    “Thuyền ai hờ hững giữa dòng
                                     Nước như không đục, không trong, lững lờ
                                     Tôi đi tìm một câu thơ
                                     Tìm không thấy để giấc mơ chập chờn…”

Phương để bài thơ vào trong vỏ gối, tắt đèn rồi xoay người nằm quay mặt vào trong. Hình ảnh chàng trai chập chờn ẩn hiện. Anh ấy đẹp trai, nói năng nhỏ nhẹ, luôn nhìn Phương như muốn nói điều gì. Phương không dám bắt chuyện với anh vì cô chưa quen giao tiếp, nhất là với người lạ, lại sợ cô nữa. Mình vừa vào ở với cô được mấy tuần, phải giữ ý kẻo cô cho mình là thế này thế khác. Trằn trọc mãi mà giấc ngủ không đến, những câu thơ cứ nhảy múa trong đầu. Sáng nào dậy mở cửa hàng Phương cũng để ý xuống đường. Biết đâu anh ấy trở lại. Phương đã thuộc lòng bài thơ nhưng lâu lâu cô lại lấy tờ giấy đó ra, ngắm nghía và… tưởng tượng. Đến ngày có người quen xin cho Phương vào Cần Thơ làm việc tại một công ty vận tải biển, Phương gấp kỹ bài thơ vào tư trang của mình, cô chần chừ rất lâu trước cửa hàng rồi lặng lẽ bước đi.

– Khi nào thì anh đi khỏi đây? – Phương hỏi

– Chắc chiều nay cô ạ, chờ đoàn ở Côn Đảo về đã.

Phương mân mê quyển sổ ghi dụng cụ các phòng, trong đó có bài thơ anh tặng Phương 25 năm trước. Phương muốn đưa cho anh, nhưng không đủ can đảm làm việc đó. Ngại lắm. Để làm gì nhỉ? Chừng đó năm chắc gì anh ấy còn nhớ, mà nhớ cũng để làm gì. Nhất định bây giờ vợ con anh đã đề huề, có thể những đứa con đã lấy vợ, lấy chồng, nhìn anh có dáng vẻ phong lưu lắm.

– Quê anh ở đâu ạ? – Phương hỏi

– Tôi quê ở Nghệ An nhưng sống ở Hà Nội đã mấy chục năm nay.

Phương định hỏi anh thật nhiều, nhiều nữa nhưng tự thấy mình vô duyên quá. Từ ngày chuyển sang làm cho khách sạn này, có khi nào cô nói chuyện gì với khách đâu. Toàn vẫn ngồi ở bàn uống trà và đọc sách, Phương trải xong bộ ga giường, thay đồ đạc trong phòng rồi đi ra. Toàn cầm lấy quyển sổ Phương bỏ quên trên ghế và bước vội ra cửa, trao lại cho Phương. Tay Phương run lên, miệng nói lí nhí “Em cám ơn!” rồi chạy về phòng mình lấy bài thơ ra đọc lại: “Tôi đi không bến không bờ/ không hò hẹn, không đợi chờ chi đâu”. Phương gấp vội quyển sổ lại như sợ ai nhìn thấy, người cô nóng ran. Sao mình và anh lại chỉ được gặp nhau trong những hoàn cảnh trớ trêu thế nhỉ? Tên anh là gì? Anh làm gì? Gia đình vợ con ra sao? Mình có thể hỏi anh chứ nhỉ, nhưng anh chỉ trả lời những câu hỏi của mình mà không hỏi mình một câu nào. Bài thơ ấy vẫn còn đây, hình ảnh anh đứng trước cửa hàng nhà bà cô ở Đà Nẵng chưa hề phai nhạt. Cuộc đời cô lận đận đường tình duyên nên đến giờ vẫn một mình đơn chiếc. Phương cũng đã học hết trung học, thi đại học chỉ thiếu nửa điểm. Gác lại những ước mơ, Phương đi làm công nhân, làm phục vụ đến tận bây giờ. Trải qua vài mối tình dang dở, trái tim cô đã chai cứng tự bao giờ. Thế rồi, gặp anh tại đây, người con trai chỉ tặng một bài thơ chứ không nói điều gì khác, vậy mà tim cô loạn nhịp, hồi hộp như lần đầu được nghe lời tỏ tình vụng về của chàng trai trẻ.

Khoảng 4 giờ chiều, đoàn du lịch của Toàn về đến Cần Thơ. Họ không về lại khách sạn mà gọi điện cho Toàn đi taxi đến bến Ninh Kiều để lên xe ngược ra phía Bắc. Toàn báo trả phòng rồi xuống lễ tân thanh toán. Anh kéo vali ra cửa; Phương cầm chặt tờ giấy có bài thơ ấy trên tay, chạy ra tận chỗ taxi và đóng cửa xe cho anh. Xe chạy, chỉ còn lại một vệt khói mờ lãng đãng bay trên đường phố nườm nượp người qua lại.

Cao Khoa

VIDEO