Tháng Ba, nắng dịu dàng, mềm mại. Lướt qua cửa xe là màu xanh đậm đà của những vườn mía, nương mía, thung lũng mía nối nhau chạy dài theo tỉnh lộ tưởng chừng không bao giờ dứt.

Bình minh trên nương mía. Ảnh: Nguyễn Đạo.

Tôi say sưa ngắm nhìn màu xanh trải dài ấy và chợt ngân nga câu thơ của Trần Đăng Khoa “Muôn nghìn/Cây mía/Múa gươm”. Quả đúng thật, lá mía chọc thẳng lên trời như một rừng gươm khua xao động.

Hạ Sơn là vùng nguyên liệu mía lớn của huyện Quỳ Hợp. Có thể nói, cuộc sống của người dân nơi vùng sâu này đã rùng rùng chuyển động như có một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi lên từ lòng đất. Có mía, người dân giã từ cảnh thiếu đói quanh năm. Có mía, các gia đình từ giã những mái tranh nghèo. Có mía, điện sáng bừng trong từng thôn xóm. Có mía, tiếng nói cười con trẻ rộn vang mái trường. Có mía, những sân bóng chuyền, bóng đá náo nức buổi chiều hôm. Có mía, hàng hóa lưu thông đến từng ngõ nhỏ.

Thật may mắn, chuyến đi này chúng tôi được mời đến một buổi lễ ra mắt tổ hợp nghề nghiệp trồng mía của xóm Món, xã Hạ Sơn. Buổi lễ ra mắt được tổ chức thật bài bản và khá trang trọng. Cô gái trẻ Bùi Thị Ly, tổ phó của tổ hợp, trò chuyện với tôi trong sự phấn chấn còn nguyên vẹn sau khi lễ ra mắt kết thúc.

– Nghề trồng mía đã giúp bà con đổi đời thật, nhưng nó cũng vô cùng vất vả chị ạ. Nhất là lúc vào mùa thu hoạch. Chị tính, có lệnh của nhà máy, mình phải khẩn trương chặt, chất lên xe nhỏ tăng bo ra đường lớn rồi lại chuyền lên xe to của nhà máy. Hàng chục tấn, hàng trăm tấn. Phải huy động thật nhiều nhân công. Mà nhân công không phải lúc nào cũng sẵn. Thì thuê đấy, nhưng có khi cũng không có người mà thuê ấy chứ. Nan giải nhất là lệnh đến vào những ngày tết. Có khi hai mươi chín Tết, có khi đúng mồng hai Tết. Suốt cả tháng mong ngóng, sốt ruột chờ lệnh, có lệnh rồi lại dở khóc dở cười. Giờ được sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, được sự hướng dẫn của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hạ Sơn, chúng em thành lập được tổ hợp nghề nghiệp trồng mía, không còn nỗi lo tìm kiếm nhân công nữa. Có lệnh, dù bất kỳ lúc nào, toàn đội tập trung chặt, chuyên chở kịp thời. Mọi người phấn khởi lắm.

 – Trước đây đi trên đường này, chị thấy rất nhiều mía chất đống, khô quắt và thối rữa giữa mưa nắng, có phải do chưa có lệnh đã chặt hay có lệnh rồi nhà máy không bốc? – Tôi hỏi.

– Không phải chị ơi. Đó là do bị cướp lệnh đấy.

– Cướp lệnh?

– Vâng, nó là thế này: nhà máy có lệnh mua mía của gia đình ông A, nhưng  ông B lợi dụng quen biết hoặc đút lót cho người phát lệnh, thế là ông B cướp lệnh của ông A. Gia đình ông A trước đó nghe tin đã có lệnh nên khẩn trương thuê người chặt, chặt xong rồi xe không đến chở. Vậy đó.

 Việc thành lập tổ hợp nghề nghiệp trồng mía này sẽ không còn chỗ cho sự gian tham ấy trú ngụ. Các thành viên được học và quán triệt các quy định cụ thể. Trong đó, yếu tố đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế gia đình là mục đích quan trọng nhất. Vào tổ hợp nghề nghiệp, các thành viên có được một nơi sinh hoạt vừa vui tươi, lành mạnh, vừa có cơ hội nắm bắt thông tin cập nhật để điều chỉnh cung cách sản xuất, kế hoạch mở rộng diện tích trồng hoặc chuyển đổi giống mía phù hợp. Ngoài ra, các thành viên được đề đạt các nguyện vọng như hỗ trợ về kỹ thuật, về vốn…

– Theo chị nghĩ, tổ hợp nghề nghiệp này cũng một dạng như hợp tác xã ngày xưa. Và nếu thế, không thể tránh hỏi hiện tượng “cha chung không ai khóc”, rồi có kẻ lại nảy sinh thói ỉ lại, lựa việc hoặc cố tình dềnh dàng làm ảnh hưởng đến năng suất lao động chung? – Tôi hỏi.

Ly cười, đôi mắt lấp lánh niềm tin:

– Không đâu chị, tổ hợp hôm nay giống với hợp tác xã ngày xưa là cùng làm chung với nhau, nhưng khác là sản phẩm thu về của riêng từng gia đình chứ không bỏ chung một chỗ. Và nữa, chúng em khoán sản phẩm chặt theo từng buổi chứ. Ví dụ, mỗi buổi chặt phải đạt hai trăm bó, ai chưa đạt thì cứ chặt tiếp, không có kiểu như ngày xưa nghe kẻng thì đi nghe kẻng thì về đâu chị. Và vì thế, ai cũng cố gắng, ai cũng hăng hái cả.

Tôi nhìn em, cảm thấy yêu mến vô cùng tuổi trẻ hôm nay. Họ đó, những nông dân không chỉ cần cù, siêng năng mà còn rất năng động, sáng tạo. Những nông dân được rèn luyện và trang bị kiến thức suốt 12 năm ở trường phổ thông, họ không chỉ chọn duy nhất con đường thi để học tiếp đại học mà nhiều bạn đã quyết định ở nhà trực tiếp làm giàu trên mảnh đất quê hương. Họ góp phần làm đổi thay quê hương không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn ở việc thay đổi lối sống, lối nghĩ và cung cách làm ăn mới.

Ly chợt đề xuất:

– Các chị đã vào đây, tiện thể tí em đưa mọi người đi tham quan vài nơi ở Hạ Sơn chúng em nhé? Đảm bảo thú vị đấy!

Sau bữa cơm thân mật, chúng tôi đến mó nước Đồng Nang. Mó nước được hiểu như là nguồn nước. Nước từ lòng đất đùn lên, tạo thành một cái giếng khổng lồ, ăm ắp, trong vắt, mát lạnh. Ở Quỳ Hợp có khá nhiều mó nước, nhưng mó nước Đồng Nang rộng nhất, sâu nhất. Từ lâu đời nay nó cung cấp nước cho bà con quanh vùng. Đó là một mó nước rộng mênh mông, hai bên bờ là hai cây đa cổ thụ xanh um, tán rợp cả một khoảng trời. Theo lời kể của người dân, mạch nước ngầm ở đây cực lớn, y như có một dòng sông chảy trong lòng đất, và một nhánh chảy ngược phun trào lên.

Trong tâm linh của người dân nơi đây, mó nước rất thiêng. Không ai được làm vấy bẩn nguồn nước trong mó. Chiều Đồng Nang vi vu gió thổi. Chúng tôi vui lây với niềm vui của lũ trẻ đang thỏa sức bơi lội trong bể nước trong lành từ mó nước Đồng Nang. Chúng như những con rái cá, vừa thi nhau bơi vừa hét inh ỏi khua động cả nắng vàng. Bể nước là công trình được xây dựng từ hồi ông Trương Văn Quảng làm Chủ tịch xã. Hồi đó, xã Hạ Sơn đang nghèo lắm, đời sống của bà con bấp bênh với mấy thứ hoa màu như ngô, lạc, đậu… Nhưng vấn đề nan giải là nước. Giếng nước gia đình phải đào sâu từ hai mươi đến ba mươi mét nhưng không phải bao giờ cũng thành công. Có khi đào xuống vài chục mét, gặp hòn đá tảng chắn ngang, thế là đành lấp lại. Mó nước Đồng Nang trở thành một tài nguyên quý giá, phục vụ nước sinh hoạt hàng ngày cho bà con. Chủ tịch Trương Đình Quảng đã kiên trì đề xuất, kiến nghị, trình bày với huyện, và cuối cùng, bể nước đã được xây theo chương trình nước sạch. Bể rất rộng, có đến năm vòi xả nước liên tục ngày đêm. Những vòi xả ấy không chỉ để nước không tràn bể mà còn là nơi bà con tắm rửa, lấy nước thuận tiện và đảm bảo vệ sinh.

Đến nay, nhờ trồng mía, kinh tế nhiều gia đình trở nên khá giả, họ đã làm giếng khoan, mó nước trở thành bể bơi tuyệt vời, nhất là đối với các cháu thiếu nhi. Tôi bắt chuyện với một cậu bé đen nhẻm, có thân hình rắn chắc:

– Bác nghe nói mó nước thiêng lắm, các cháu bơi lội ở đây không sợ sao?

Cậu bé cười phô hàm răng trắng sáng:

– Làm sao phải sợ bác ơi! Thần mó chỉ phạt kẻ nào thiếu ý thức làm ô nhiễm nguồn nước thôi. Còn chúng cháu đến đây tắm, tập bơi, rèn luyện sức khỏe thì thần ủng hộ chứ.

– Sao cháu biết thần mó ủng hộ?

– Biết chứ! Năm ngoái đội thiếu nhi chúng cháu tham gia cuộc thi cấp huyện về môn bơi, kết quả giành được chín huy chương vàng và một huy chương bạc đấy!  Cậu bé hồn nhiên khoe.

À ra là vậy. Mó nước còn là nơi ươm mầm các tài năng bơi lội. Biết đâu được, một ngày nào đó, có vận động viên đạt huy chương vàng trong kỳ SEA Games đã sải những sải bơi đầu tiên ở mó nước Đồng Nang này? Tôi vui vui với ý nghĩ ấy và mỉm cười nhìn cậu bé:

– Thế giờ bác muốn xuống đây tập bơi có được không?

– Không được đâu! – Cu cậu mở to đôi mắt quả quyết rồi hạ giọng thầm thì: mó nước không cho đàn bà con gái xuống tắm, chỉ đàn ông và trẻ con thôi. Khi xuống bơi hoặc tắm ở đây là tuyệt đối phải ăn nói lịch sự, có văn hóa, không được gây gổ, trêu chọc nhau, thần mó phạt đấy!

Tạm biệt mó nước Đồng Nang với những xúc cảm tuyệt vời, tôi mường tượng đến một tương lai không xa, xung quanh mó nước sẽ có thêm những sân chơi của trẻ nhỏ, những sân bóng đá, bóng chuyền cho các độ tuổi tham gia, những vườn hoa rực rỡ sắc màu để du khách có thể chụp hình lưu niệm… Ừ nhỉ, biết đâu đấy!

Rời mó nước, Ly đưa chúng tôi đến thăm một ngôi mộ nằm trong vườn mía của gia đình anh Trương Văn Việt, người dân tộc Thổ ở xóm Món. Anh Việt kể:

– Người dân vùng này mỗi khi đi đâu xa vẫn thường đến ngôi mộ thắp hương để xin ngài phù hộ độ trì cho chân cứng đá mềm.

Chúng tôi phải vạch lá mía, chui giữa các hàng mía ken dày để đến với ngôi mộ. Ngôi mộ bây giờ đã được xây cất, ốp đá chu đáo. Tấm bia ở đầu mộ có ghi cả chữ Hán và chữ Việt: THẦN TỔ. Trên tấm bia phía dưới có ghi ba dòng viết từ trên xuống, mưa gió đã làm mờ vết sơn, chỉ còn đọc được mấy chữ phía trên. Căn cứ vào những chữ còn đọc được, ta có thể hiểu đây là ngôi mộ của một quan thượng thư Hộ bộ. Anh Việt cho chúng tôi biết ngôi mộ này đã được họ tìm thấy và xây cách đây vài chục năm, nhưng mới được xây lại và làm bia chỉn chu cách đây dăm năm. Chúng tôi hỏi thêm về lai lịch của người nằm dưới mộ, anh cười và bảo, cháu chỉ được nhờ trông coi thôi, các bác muốn biết cụ thể thì về Đô Lương tìm gặp bác Đặng Quyết Thắng ấy.

Lần theo địa chỉ và cả số điện thoại anh Việt cung cấp, chúng tôi đã gặp ông Đặng Quyết Thắng, cháu đời thứ 19 của người nằm dưới mộ. Ông bùi ngùi kể:

– Trong gia phả dòng Đặng có cụ Đặng Minh Bích là Tiến sĩ thời Lê, làm đến chức Thượng thư Hộ bộ, có cả sắc phong của nhà vua. Vậy  mà, vật đổi sao dời, thế thời dâu bể, phần mộ của cụ thất lạc nơi đâu, cháu con họ Đặng chưa tìm ra được. Tôi trăn trở nhiều lắm. Biết bắt đầu từ đâu? Mộ liệt sỹ thời chống Mỹ cách chúng ta mới mấy chục năm mà nhiều khi con cháu đi tìm còn như mò kim đáy bể, huống hồ cụ mất cách nay gần năm trăm năm. Nhưng chẳng lẽ đành bó tay ngồi yên? Nhiều lần giỗ họ, vấn đề tìm kiếm mộ cụ vẫn được đặt ra. Sau đó, phần vì không manh mối, phần vì bận việc nước, rồi lo bươn chải tìm kế sinh nhai, cái hăng hái trong những cuộc giỗ họ nguội dần. Còn tôi, nỗi trăn trở về việc tìm mộ cụ không thể nguôi. Thế rồi, cách đây hơn hai chục năm, tôi quyết chí đi tìm. Trước lúc đi, tôi thắp hương nhà thờ suốt ba tháng ròng. Ba tháng thắp hương và cầu nguyện, cúi xin tổ tiên giúp đỡ, cúi xin trời đất linh thiêng phù hộ độ trì, cúi xin linh hồn cụ đi theo chỉ đường dẫn lối. Theo chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm, dù không cụ thể, nhưng tôi cứ bám ngược dòng sông Lam, sang Tân Kỳ, qua Lèn Rỏi. Cứ thế mà lội suối, mà bươn rừng. Linh tính mách bảo, tôi ngược miền Quỳ Hợp. Là người lính chinh chiến mười sáu năm trận mạc, việc luồn rừng lách núi đối với tôi cũng chẳng có gì ghê gớm. Trong ba lô tôi chuẩn bị rất nhiều lương khô, dự định đói thì ăn, còn khát thì đã có khe suối. Lạ là, suốt những ngày tìm kiếm, chưa bao giờ tôi phải đụng đến một thanh lương khô. Cứ đến bữa lại có một gia đình không quen biết bất ngờ gặp, hỏi thăm rồi mời về nhà đãi cơm như là đãi khách quý. Nếu là bữa tối thì được bố trí chỗ ngủ tươm tất, sáng ra cơm nước tử tế lại lên đường. Đến ngày thứ chín (chẳng biết có phải cụ thử thách tôi đến số chín hay không), khi đang tìm kiếm ở xã Hạ Sơn, tôi gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy đi ngược đường. Gặp tôi, cụ hỏi: “Cháu đi đâu mà ba lô ba liếc như bộ đội hành quân thế?” Tôi trình bày với cụ về chuyến đi. Cụ cười khà khà rồi đưa tay nắm lấy tay tôi: “Về đây, nhà lão ở trong xóm này, gần thôi”. “Xin lỗi cụ, con còn phải đi ạ”. Cụ trợn mắt: “Đi đâu nữa? Đến rồi, đến đây rồi, dừng lại thôi! Lão chờ mãi, đến nay mới gặp. Năm nay lão đã chín mươi mùa rừng thay lá rồi còn gì. Lão chết rồi thì ai chỉ cho?!”. Tôi ngạc nhiên, nghi ngại. Nghĩ thầm, có thật là cụ già biết mộ cụ Đặng Minh Bích? Làm sao biết được đó có phải là mộ cụ Đặng Minh Bích hay không?

Thật may, cụ già chính là một cán bộ thời tiền khởi nghĩa. Cụ cười, hồi đấy ta vẫn đến thắp hương cho ngài Đặng Minh Bích để mong cụ phù hộ cho việc của cách mạng thuận lợi đấy chứ. Ở đây có hai đền thờ ngài, vì dân coi ngài là thành hoàng làng mà. Một đền thờ ở xóm Lộc Sơn, gọi là đền Vải. Hồi hoạt động cách mạng những năm 1936-1939, đền Vải là nơi chi bộ Đảng của ta thường xuyên họp hành bàn việc cách mạng, an toàn lắm. Còn một đền nữa cũng thờ ngài, gọi là đền Miễu. Đền Miễu ở sâu trong rừng, có hai cây đa cổ thụ xanh um, thiêng lắm. Tôi hỏi cụ, sao cháu chẳng thấy cái đền nào cả? Cụ thở dài: “Còn đâu nữa mà thấy? Có một giai đoạn, nhiều đền thờ, miếu mạo đã bị đập phá, dỡ bỏ. Hai ngôi đền cũng chung số phận ấy”.  Rồi cụ rơm rớm nước mắt: “Ngài nằm đó, như một đứa con chí trung chí hiếu mà bị bỏ rơi, bị quên lãng. May ngài một lòng vì dân, chết rồi vẫn phù hộ độ trì cho dân, nên dân không thể bỏ quên ngài. Khi đi đâu hay có việc gì hệ trọng, người dân vẫn thắp hương xin ngài đưa đường chỉ lối.”

Ông Thắng dừng lời, ngồi lặng đi, dường như  tâm trí ông đang trôi về thời điểm gặp cụ già tốt bụng cách nay hơn hai mươi năm. Rồi ông đứng dậy lấy cuốn gia phả và hướng dẫn chúng tôi xem. Theo gia phả, ông nội của Đặng Minh Bích là lương y Đặng Trọng Quang, từng gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Sau khi thắng quân Minh, xét sự cống hiến, nhà vua đã phong cho ngài tước Phúc An Hầu. Còn thân phụ của cụ là ngài Đặng Trọng Trân, giữ chức Võ sĩ Ngự tiền được phong tước Trung Nghĩa Bá.

Cụ Đặng Minh Bích sinh năm Quý Dậu (1453), tên tự là Ngạn Hoàn, người xã Bạch Đường, huyện Nam Đường (nay là xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An). Cụ  là con trai thứ hai của Đặng Trọng Trân, nổi tiếng thông minh, học giỏi. Thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1484), được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, rồi thăng dần tới Thượng thư thời Vua Lê Thánh Tông.

Cụ có 9 con trai và 5 con gái.  Chín con trai đều đỗ Hiệu sinh, Hương cống và đều làm quan cho nhà Lê. Người con thứ hai là Đặng Minh Châu làm đến chức Tả Thị lang. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) là cháu đời thứ 17 của Đặng Minh Châu.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép Vua Lê nhường ngôi, lập nên nhà Mạc. Thượng thư Đặng Minh Bích rời triều đình về quê ở làng Thượng Thọ, xã Bạch Đằng, tổng Đặng Sơn (nay là làng Trạc Thanh, xã Lam Sơn, Đô Lương). Khoảng năm năm sau, cụ cùng vợ út và hai con trai lên vùng miền núi (là vùng Hạ Sơn hiện nay) chiêu dân lập ấp nhằm thực hiện sự nghiệp “phò Lê diệt Mạc”. Sự nghiệp không thành, hai con trai về quê Đô Lương, tránh sự đàn áp tận diệt quan triều Lê của nhà Mạc. Cụ ở lại giúp dân làm ăn, sinh sống rồi mất, thọ 88 tuổi. Sau khi mất, cụ được Vua Thành Thái, Duy Tân và Khải Định truy phong Đoan Túc Trung đẳng thần. Hiện ba sắc phong của cụ được lưu giữ tại nhà thờ họ Đặng Quang xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, Đặng Minh Bích để lại cho đời khoảng 20 bài thơ, hiện một số bài thơ của cụ còn lưu giữ ở đền Quả Sơn (Đô Lương).

               ***

Câu chuyện về ngôi mộ của một quan đại thần thời Lê đang ẩn mình trong vườn mía ở xã Hạ Sơn làm chúng tôi suy nghĩ mãi. Lịch sử đâu chỉ là những trang sách khô cứng với những sự kiện, những mốc ngày tháng in trên giấy trắng mực đen? Lịch sử đâu chỉ là những mô hình, bảng biểu, tranh ảnh trưng bày trong bảo tàng hay thư viện? Lịch sử sống động và có hồn bởi những gì ta giữ được, bảo tồn và khôi phục được qua các di tích, các đền đài, miếu mạo. Việc bảo tồn, khôi phục ấy vừa là thể hiện lòng tri ân với tổ tiên, với những người có công bảo vệ và dựng xây đất nước, vừa là minh chứng về truyền thống dân tộc, minh chứng chủ quyền non sông gấm vóc của ta. Nên chăng, đã đến lúc huyện Quỳ Hợp cần có một kế hoạch cụ thể, thiết thực, một nguồn kinh phí đáng kể để tôn tạo, sửa sang, xây dựng một khu di tích lịch sử mang tính tâm linh ngay trên đất Hạ Sơn. Và chắc chắn, nếu xây dựng được một quần thể di tích tâm linh lăng mộ, đền thờ vị quan Thượng thư Hộ bộ thời Lê, kết hợp với mó nước Đồng Nang và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, yên bình, Hạ Sơn sẽ trở thành một điểm đến thú vị của du khách thập phương.

Nhật Thành